Bông hồng nào cho Cha

GN - Nghe đến quê ngoại, quê mẹ hình như ai cũng nghe lòng có điều gì chùng xuống mềm lại hơn quê nội (ngoại thương dại thương dột, nội không vội gì thương). Thơ, nhạc, cả tranh ảnh hình như người cũng dành cho mẹ nhiều hơn cha. Gần đây mới có bài hát hiếm hoi viết về tình cha đó là bài của Ngọc Sơn, bên cạnh những bài hát nói về mẹ trong mỗi độ Vu lan về.

Rose-6.jpg

“Mẹ ơi, con lạnh quá. Sao ban ngày ít mưa hơn ban đêm hả mẹ. Mẹ la giùm con chó tối nào cũng không chịu ngủ, theo sủa hoài. Mưa gió có ai đi ăn trộm đâu mà sủa. Mẹ, con thấy lạnh quá, cho con cái mền, kể chuyện cho con nghe đi. Mẹ ơi, con đói bụng rồi, pha cho con ly sữa. Mẹ cho con cái bánh. Ủa, bánh hết rồi, nho cũng hết. Sao mẹ không mua, bộ hết tiền hả mẹ”.

“Mẹ ơi, sao mẹ không trả lời. Cha đi mẹ cũng đi, nhà có mình con vắng vẻ quá. Đêm mưa kéo dài lạnh quá, đắp cái mền, mặc áo ấm vẫn thấy lạnh. Mẹ ơi, sao mẹ im lặng lòng con thấy trống trải mênh mông. Mẹ ơi, sao bỏ con đi, con biết mẹ đang ở bên con nhưng sao mẹ không nói gì đêm mưa lạnh lẽo thế này”.

Hai tiếng kêu, một của đứa bé, một kẻ lớn tuổi hơn mất mẹ. Ta cảm thấy nao nao lòng trước hai tiếng kêu. Nhất là tiếng kêu sau cho thấy người dù đã lớn mà vẫn còn ngây thơ, nhỏ bé trước mẹ, dù mẹ không còn. Có phải tiếng mẹ là từ thiêng liêng, yêu thương nằm trong tâm thức mọi người, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn còn kêu lên tiếng “mẹ”. Con ít kêu cha, ít nhắc đến cha dù xã hội từ mẫu hệ chuyển sang phụ hệ đã lâu, người cha làm chủ gia đình. Vai trò của người cha trong gia đình phần nhiều như đứng sau mẹ. Công lao của mẹ dành cho con lớn hơn cha chăng. Mọi người tự tìm lấy câu trả lời, nhưng nên nhớ Đức Phật dạy rất là rõ ràng, mẹ sinh ta, cha nuôi ta, công ơn của cha mẹ như trời biển ngang nhau, không ai lớn hơn ai. Đức Phật dạy về chữ hiếu rất nhiều; trong nhiều cuốn kinh đều nói về lòng biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Không nhớ hết, chỉ cần nhớ một đôi câu Đức Phật dạy cũng đủ trở thành đứa con có hiếu.

Lời Phật - Trong bốn ơn, ơn cha mẹ đứng đầu - Điều lành cao hơn hết là hiếu - Điều cực ác là bất hiếu - Ơn cha… cao hơn núi, ơn mẹ sâu như biển. Cho dù một người vai cõng cha, vai cõng mẹ cung cấp thức ăn thuốc men đến trọn đời cũng chưa thể nói mình đã trả xong công ơn cha mẹ - Những kẻ vô ơn bất hiếu cho dù mặc áo Tăng đi gần bên Ta, người ấy vẫn như không gần Ta - Gặp thời không có Phật, thờ cha mẹ chính là thờ Phật.

Phật dạy nhiều lắm, dạy cụ thể về chữ hiếu và Phật đã làm gương cho chúng sinh. Kinh sách ghi lại - Đức Phật đang ở thành Vương Xá cách quê nhà hàng trăm dặm đường. Đức Phật đang thuyết pháp cho nhà vua nghe thì hay tin thân phụ, vua Tịnh Phạn, lâm bệnh nặng. Lập tức Đức Phật bỏ hết công việc cùng một số đệ tử vượt đường xa trở về. Hàng tháng trời Đức Phật bên giường bệnh lo chăm sóc cho cha, nhất là giúp cho vua cha diệt sạch hết phiền não trước khi lâm chung. Vua Tịnh Phạn qua đời được tẩn liệm vô quan tài. La Hầu La quỳ thưa - Để con gánh quan tài cho ông nội. A Nan gọi vua Tịnh Phạn bằng bác cũng xin - Để cho tôi gánh tiếp quan tài cho bá phụ (bác). Đức Phật nhẹ nhàng - Việc này của Ta, để cho Ta trả chút công ơn cho phụ vương. Rồi Đức Phật ghé vai gánh quan tài...

***

Tôi viết chuyện về ơn nghĩa cha mẹ là do mấy đứa cháu. Bọn trẻ thường đến nhà chơi, tôi lắng tai nghe chuyện trò, thấy chúng hay nói về cha mẹ mình. Những lời lẽ tình cảm từ những cái đầu ngây thơ. Hẳn là cha mẹ nào cũng biết tình thương của con cái dành cho mình. Nhưng cũng vui. Con có lắm nhận xét ngây thơ về mình, chúng không nói ra với mình mà đi nói với nhau. Con vì gần gũi với mẹ nhiều hơn cha, được mẹ chăm sóc miếng ăn giấc ngủ nên tình cảm của con như nghiêng nặng dành cho mẹ - Ba tao có món gì ngon hay giấu ăn một mình. Một đứa khác - Ba tao nói, con nít thiếu gì ngày tháng để ăn, tao với mẹ còn sống bao nhiêu ngày. Mẹ tao nguýt ba tao một cái rồi nạt - Ông này lãng xẹt, giành ăn với con, ông ăn cả đời chưa đủ sao, không để con ăn cho mau lớn. Nghe chúng nói tôi bật cười, hình dung khung cảnh bữa ăn gia đình sum họp. Là con nít, thích món gì theo gắp mãi không đụng các món khác nên vợ chồng lên tiếng dạy con phép tắc ăn uống. Nhưng tâm lý, suy nghĩ của người đàn ông khác với người đàn bà nên dạy con có khác nhau. Đàn ông lạnh lùng thực tế nên đôi khi không được tế nhị. Đàn bà tình cảm, gì cũng dành cho con, con xin gì cũng cho, mấy đứa cháu chưa lớn để hiểu người lớn như thế nào nên thường nhận xét mẹ thương con hơn cha, gần gũi với mẹ hơn cha.

Giữa cha với mẹ khác nhau nhiều. Lúc nhỏ không hiểu nhưng lớn lên lập gia đình sẽ hiểu ra sự khác biệt giữa cha mẹ chỉ là bổ sung cho cái tình thương con. Công ơn cha mẹ ngang bằng nhau.

- Cha nặng về lý trí, có thể giận con đôi ba ngày để cho con suy nghĩ. Mẹ nặng về tình cảm, lỡ tay đánh con rồi lấy dầu ra xức, sau đó con xin tiền lập tức móc túi cho.

- Lúc con ngủ mẹ lấy mền đắp, ngồi bên cạnh hát ru. Cha thì không vậy, đứng ngắm con ngủ, nhưng buổi trưa lại cõng con trên vai đi chơi, dẫn xuống sông tập bơi.

- Cha lo bên ngoài, lo kiếm tiền, lo đối phó với đời những chuyện lớn, tổng quát như tìm trường học, tìm thầy cho con. Mẹ chu đáo lo cho con từng chuyện nhỏ nhặt mua sắm quần áo sắm sách vở, lo ăn uống, đi họp phụ huynh.

- Cha mọi việc phải dứt khoát, rõ ràng để sau này con kinh nghiệm khi đi vào đời gặp nhiều điều phức tạp. Mẹ bao la, nhẹ dạ, con nói gì cũng tin nên nhân gian hay nói con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Nếu cha dẫn con vào lý trí thì mẹ cho con tấm lòng, tình cảm rộng mở. Nhất là cha hay tìm sách đọc, ít khi đi chùa; mẹ lại thường đi chùa cùng với bạn bè dắt con đi theo để nghe quý thầy giảng.

Qua một vài hình ảnh, ta thấy cha mẹ bổ sung cho nhau để đứa con qua đó tìm ra lối sống của riêng mình. Nếu như trời đất có âm dương thì con cái có cha mẹ. Âm dương không cân bằng là nguyên nhân dẫn tới thiên tai, thảm họa, ảnh hưởng đến đời sống. Cha mẹ được con cái đặt lên bàn cân nặng nhẹ thì cũng vậy, nó sẽ dẫn tới điều gì đó chưa biết; hạnh phúc gia đình xã hội đã có nhiều bi kịch từ việc con cân cha mẹ bên nặng bên nhẹ. Người cần phải thấy được nhân duyên và tự điều chỉnh. Chẳng ai gánh giùm tội lỗi của mình, nhất là hành vi của đứa bất hiếu. Buồn phải gánh chịu, người ngoài chẳng phải chia sẻ. Trái lại, niềm vui có đặc tính lây lan. Đấy là đóa hoa hồng của một đứa con vào lễ Vu lan dâng lên cho cha lẫn cho mẹ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày