“Long Vân Khế Hội” - bức tranh trên trần chánh điện tại quốc tự Diệu Đế, thành phố Huế đang bị hoen ố, ẩm mốc vì nước mưa.
“Long Vân Khế Hội” - bức tranh trên trần chánh điện nằm tại chùa Diệu Đế, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang bị hoen ố, ẩm mốc do nước mưa thấm qua trần nhà chảy vào.
Bức tranh này do nghệ nhân nổi tiếng về tài trang trí, đã từng được vua Bảo Đại phong hàm bát phẩm, Phan Văn Tánh (quê ở làng Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẽ.
Có chiều dài 10,6m, chiều rộng 10,55m, bức tranh được vẽ vào khoảng thời gian Từ Cung Hoàng thái hậu, mẹ vua Bảo Đại, đi vận động quên góp tiền của xây dựng chùa Diệu Đế.
Tháng 3-2008, "Long Vân Khế Hội" đã được công nhận kỷ lục xưa và lớn nhất Việt Nam.
ĐĐ.Thích Hải Đức, người quản chùa Diệu Đế cho biết, bức tranh với những đường nét thể hiện 5 con Rồng uốn lượn, ẩn hiện trong các tầng mây và 4 con Rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn theo một điển tích xưa về sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, ngoài giá trị đặc sắc về tính lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, bức tranh này còn mang ý nghĩa tâm linh và có vị trí trong đời sống tôn giáo.
Được biết, chùa Diệu Đế được xây dựng từ năm 1844, không chỉ là một trong 3 ngôi Quốc Tự lớn tại Huế (cùng với chùa Thiên Mụ và chùa Thánh Duyên) mà còn được vua Thiệu Trị xếp vào hàng 20 danh lam, thắng cảnh của đất Thần Kinh thời đó.
Cũng theo ĐĐ.Thích Hải Đức, chùa đã nhờ một số kiến trúc sư thiết kế lại chùa dựa theo kiến trúc tổng thể kết hợp ba đời vua Thiệu Trị - Duy Tân - Bảo Đại nhưng chưa có kinh phí để trùng tu.