Bước đầu giới thiệu mảng từ ngữ - thuật ngữ Phật học trong Hán tạng theo Tân dịch

NSGN - Cũng như sự nghiệp cầu pháp, sự nghiệp dịch thuật của Pháp sư Huyền Tráng (602-664) cũng rất vĩ đại. Sau khi từ Ấn Độ trở về nước (645 TL), trong khoảng gần 20 năm còn lại của đời mình, Pháp sư Huyền Tráng đã dành gần hết tâm sức cho công việc dịch thuật kinh điển, góp phần đáng kể để hoàn thành Đại tạng kinh chữ Hán(1) là Đại tạng kinh tiêu biểu của Phật giáo Bắc truyền.

korean-buddha.jpg

Trước sau, Pháp sư đã Hán dịch: 22 tên Kinh, gồm 665 quyển. 9 tên Kinh - Chú ngắn thuộc Mật giáo với 9 quyển. 2 tên Luật (Yết ma văn và Giới bản Bồ-tát) với 2 quyển. 40 tên Luận, gồm 641 quyển(2). Về Lý luận phiên dịch, Pháp sư đề xuất luận điểm Ngũ chủng bất phiên(3) cùng sử dụng các từ ngữ - thuật ngữ phần lớn không giống với các thế hệ dịch giả tiền bối. Các nhà nghiên cứu nhân đấy đã phân ra hai hệ Hán dịch là Cựu dịch và Tân dịch. Những thế hệ dịch giả trước Pháp sư Huyền Tráng được gọi chung là hệ Cựu dịch, trong ấy vị mở đầu là Đại sư An Thế Cao (thế kỷ 2 TL) và người sau cùng là Đại sư Chân Đế (499-569). Từ Pháp sư Huyền Tráng (602-664) trở về sau là hệ Tân dịch. Mảng từ ngữ - thuật ngữ thuộc Tân dịch này, ở nơi Tạng kinh thì có thể xem là những bổ sung, làm phong phú thêm phần từ ngữ - thuật ngữ đã có. Nhưng ở nơi Tạng luận, nhất là phần luận A Tỳ Đạt Ma của Nhất thiết hữu bộ phần nhiều là do Pháp sư Huyền Tráng đem từ Ấn Độ về và Hán dịch (Tạng Luận của Đại tạng kinh Đại chính tân tu gọi là bộ A Tỳ Đàm, từ No1536 đến No1563 nơi các tập 26, 27, 28, 29), thì đấy là đỉnh cao của sự thành tựu vì đã đạt đến mức chuẩn xác, định hình. Nơi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt mảng từ ngữ, thuật ngữ theo hệ Tân dịch ấy trong Tạng kinh và Tạng luận(4), nhằm giúp người đọc có những tiếp cận bước đầu về sự nghiệp dịch thuật của Pháp sư Huyền Trang nói riêng cũng như có những đối chiếu, hiểu biết khi gặp các từ ngữ - thuật ngữ Cựu dịch - Tân dịch tương đương.

Tạng kinh

Các từ ngữ - thuật ngữ được nêu dẫn kèm theo trong ngoặc đơn là theo Cựu dịch. Trong một số trường hợp, để làm rõ về quá trình diễn tiến của từ ngữ - thuật ngữ ấy, chúng tôi cũng đã nêu dẫn một vài dịch giả thuộc thế hệ Cựu dịch tiền bối. Những từ ngữ - thuật ngữ không nêu dẫn là do hai hệ Cựu - Tân dịch đều như nhau.

1- Mười tôn hiệu của Đức Phật: Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng trượng phu, Điều ngự sĩ, Thiên nhân sư, Phật - Bạc già phạm. (Cựu dịch: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật - Thế Tôn). Tham khảo nơi giai đoạn đầu, Cựu dịch: Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh thành, Vi thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, hiệu Phật - Thế Tôn (Cư sĩ Chi Khiêm: thế kỷ 3. Kinh Duy Ma Cật. No 474. ĐTK/ĐCTT, tập 14, tr.535C). Hoặc: Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, Phật - Chúng hựu. (Đại sư Tăng Già Đề Bà: thế kỷ 4 TL. Kinh Trung A Hàm No 26 (Kinh số 201). ĐTK/ĐCTT. T2).

2- Chư vị đại đệ tử: Cụ thọ (Tôn giả, Hiền giả), Xá Lợi Tử (Xá Lợi Phất), Mục Kiền Liên (Mục Kiền Liên), Đại Ẩm Quang, Đại Ca Diếp (Đại Ca Diếp), Mãn Từ Tử (Phú Lâu Na), Chấp Đại Tạng (Câu Hy La), Vô Diệt (A Na Luật), Ca Đa Diễn Na (Ca Chiên Diên), Ô Ba Ly (Ưu Ba Ly), A Nan Đà (A Nan), La Hỗ La (La Hầu La), Thiện Hiện (Tu Bồ Đề), Mã Thắng (A Thuyết Thị. Một trong 5 vị Tỳ-kheo được Phật hóa độ đầu tiên. Người mà Tôn giả Xá Lợi Phất mới gặp, cảm mến về oai nghi tự tại, thanh thoát nên đã quy hướng theo Phật), Đại Danh (Ma Ha Nam), Kiều Trần Na (Kiều Trần Như).

3- Chư vị Đại Bồ-tát: Bồ-tát Quán Tự Tại (Bồ-tát Quán Thế Âm), Bồ-tát Đắc Đại Thế (Bồ-tát Đại Thế Chí), Bồ-tát Diệu Cát Tường, Mạn Thù Thất Lợi (Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi), Bồ-tát Từ Thị (Bồ-tát Di Lặc), là vị Bồ-tát Nhất sinh sở hệ (Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ: Một đời nữa là thành Phật).

4- Bốn chúng đệ tử: Bí-sô, Bí-sô ni, Ô ba sách ca, Ô ba tư ca (Tỳ -kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di).

5- Tám bộ chúng hộ pháp: Thiên, Long, Dược xoa, Kiều đạt phược, A tố lạc, Yết lộ đồ, Khẩn nại lạc, Ma hô lạc già (Thiên, Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già).

6- Bốn Thánh đế: Hai hệ Tân dịch, Cựu dịch là giống nhau (Khổ, Tập, Diệt, Đạo). Nhưng nơi giai đoạn đầu thuộc hệ Cựu dịch, nội dung của bốn Thánh đế cũng trải qua những dò dẫm:

Khổ đế, Tập đế, Tận đế, Thọ diệt khổ đế. (Đại sư An Thế Cao, thế kỷ 2 TL. Kinh Trường a hàm thập báo. No13. ĐTK/ ĐCTT, tập 1, tr.234 AB).

Hoặc: Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích. (Đại sư Cầu Na Bạt Đà La: 394-468. Kinh Tạp A Hàm No 99 (Kinh số 344). ĐTK/ĐCTT, T2, tr.94C-95A).

7- Bốn quả Sa-môn: Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán). Tham khảo hệ Cựu dịch nơi giai đoạn đầu:

Câu cảng, Tần lai, Bất hoàn, Ứng chơn hoặc Ứng nghi (cư sĩ Chi Khiêm: Thế kỷ 3 TL. Kinh Đại Minh Độ. No225. ĐTK/ĐCTT, T8, tr.482B-C. Bạch Pháp Tổ: Đời Tây Tấn. Kinh Phật Bát Nê Hoàn, No5. ĐTK/ĐCTT, tập 1, tr.164A)

Bốn Nhiếp sự (Bốn Nhiếp pháp. Đều là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự). Tham khảo hệ Cựu dịch nơi giai đoạn đầu:

Bốn sự Hộ chúng sinh, gồm: Bố thí, Khuyến lạc, Nhiêu ích, Đẳng dữ. (cư sĩ Chi Khiêm. Kinh Đại Minh Độ No225. ĐTK/ĐCTT, T8, tr.499B).

8- Bốn sự Nhiếp: Huệ thí, Ái ngôn, Dĩ lợi, Đẳng lợi. (Đại sư Tăng Già Đề Bà. Kinh Trung a hàm No26 ĐTK/ĐCTT, T1, tr.482C).

9- Ba đường ác: Na lạc ca - Địa ngục, Quỷ giới, Bàng sinh (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh).

10- Ba nghiệp: Thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp (Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp). Ba nghiệp: Thuận hiện pháp thọ, thuận thứ sinh thọ, thuận hậu thứ thọ (Hiện báo, sinh báo, hậu báo)…

11- Năm uẩn: Năm thủ uẩn (Năm ấm, năm thạnh ấm, năm thủ ấm). Nội dung của năm uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tham khảo hệ Cựu dịch nơi giai đoạn đầu: Sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức (Đại sư Chi Lâu Ca Sấm: Đời Hậu Hán. Kinh Đạo hành Bát-Nhã No224. ĐTK/ĐCTT, T8, tr.426A, 426B, 427C…).

12- Sáu độ, Sáu Ba la mật: Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã. (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ).

13- Các hữu: Bản hữu, Tử hữu, Trung hữu, Sanh hữu (Bản ấm, Tứ ấm, Trung ấm, Sinh ấm). * Các loài: Hữu tình (Chúng sinh), Dị sinh (Phàm phu), Dị thục (Quả báo). * Thế giới: Sa ha, Sách ha (Ta bà, Sa bà).

14- Mười nghiệp đạo bất thiện: Đoạn hại sinh mạng, không cho mà lấy, hành tà dục, nói lời hư dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời uế tạp, tham, sân, tà kiến (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói thêu dệt, tham, sân, tà kiến).

15- 37 phẩm Trợ đạo: 37 pháp Bồ-đề phần: 4 niệm trụ (4 niệm xứ), 4 chánh đoạn, 4 chánh thắng (4 chánh cần), 4 thần túc (4 như ý túc), 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 đạo chi (8 chánh đạo). Trong 7 giác chi thì giác chi khinh an là Tân dịch đạt chuẩn xác. Các thế hệ Cựu dịch đã dịch là: Nhất hướng, trừ, ỷ. Đến Đại sư Chân Đế (499-569) thì dịch là an. Bát Chánh đạo, nơi giai đoạn đầu của hệ Cựu dịch đã có nhiều dò dẫm:

Đại sư An Thế Cao trong kinh No32 (Kinh Phật thuyết Tứ đế), 8 Chánh đạo được dịch là 8 Trực đạo: Trực kiến, Trực trị, Trực ngữ, Trực hành, Trực nghiệp, Trực phương tiện, Trực niệm, Trực định. (ĐTK/ĐCTT, T1, tr.816A).

Đại sư Phật Đà Da Xá và Đại sư Trúc Phật Niệm (Thế kỷ 4 - 5 TL) trong kinh Trường a hàm đã dịch là 8 Chánh đạo, gồm: Chánh kiến, Chánh chí, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh phương tiện, Chánh niệm, Chánh định (ĐTK/ĐCTT, T1, No1, tr.52B, 55A).

16- Mười hai nhân duyên: Tân dịch và Cựu dịch chỉ có khác nhau nơi chi thứ 5: Lục xứ (Tân dịch), Lục nhập (Cựu dịch). Tuy nhiên, nơi giai đoạn đầu của hệ Cựu dịch cũng trải qua những dò dẫm:

* 12 nhân duyên được Đại sư An Thế Cao dịch gồm: Bản vi si, hành, thức, tự, lục nhập, tài, thống, ái, thọ, hữu, sinh, tử (Kinh No151: Kinh A Hàm Chánh Hành. ĐTK/ĐCTT, Tập 2, tr.883C).

* 12 nhân duyên theo cách dịch của Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) trong kinh Quang Tán Bát Nhã No222: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, sở cánh, thống (thọ), ái, thọ (thủ), hữu, sinh, lão - bệnh tử. (ĐTK/ĐCTT, T8, tr.164C).

17- Một số nhân danh, địa danh, vật dụng, loài vật…:

* Vua Tần Tỳ Sa La, Ảnh Kiên (Vua Tần Bà Sa La), Hoàng hậu Phệ Đề Hý (Hoàng hậu Vi Đề Hy), Vua Vị Sanh Oán (Vua A Xà Thế), Vua Thắng Quân (Vua Ba Tư Nặc), Thái tử Chiến Thắng (Thái tử Kỳ Đà), Vua Tỳ Lư Trạch Ca (Vua Tỳ Lưu Ly, người đã tàn sát giòng họ Thích), Đại Sinh Chủ (Ma Ha Ba Xà Ba Đề, di mẫu của Đức Phật, vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên của Ni đoàn thời Phật tại thế), Cư sĩ Tu Đạt (Cấp Cô Độc), Đại sĩ Vô Cấu Xưng (Cư sĩ Duy Ma Cật).

* Sông Căng Già (Sông Hằng), Căng già sa số (Hằng hà sa số), sông Nê Lạn Thiện Na (sông Ni Liên Thiền), thành Kiếp Tỷ La, thành Kiếp Tỷ La Phiệt Tốt Đổ (thành Ca Tỳ La Vệ), xứ Ba La Nê Tư (Ba La Nại), rừng Thệ đa (rừng Kỳ đà), thành Thất La Phiệt (nước Xá Vệ), thành Quảng Nghiêm (Tỳ Da Ly), trời Đổ Sử Đa (trời Đâu Suất).

* Núi Diệu Cao, Tô Mê Lô (núi Tu Di), chim Yết la tần ca (chim Ca lăng tần già), chốn A luyện nhã (A lan nhã), Tốt đổ ba (Tháp), Chế đa (Chi đề: Tháp không có thờ xá-lợi), Thiết lợi la (Xá-lợi), Du thiện na (Do tuần), Na dũ đa (Na do tha), Phả chi ca Pha lê), Phệ lưu ly (Lưu ly), Mạt ni (Ma ni)…

* Nhận xét: Như chúng tôi đã nói ở trước, mảng từ ngữ - thuật ngữ theo Tân dịch đối với Tạng kinh có thể xem là những bổ sung, làm tăng thêm phần từ ngữ - thuật ngữ đã có của Hán dịch. Là vì nơi Tạng kinh, các từ ngữ - thuật ngữ cùng cách thức diễn đạt của hệ Cựu dịch đến thế hệ Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) là đã đạt tới sự chuẩn xác tương đối. Qua những nêu dẫn trên, theo chúng tôi, hầu như chỉ có hai thuật ngữ Năm uẩnKhinh an là những đóng góp đáng kể nhất của hệ Tân dịch. Nhưng Năm uẩnKhinh an còn được nói nhiều nơi Tạng luận. Năm uẩn, 12 xứ, 18 giới, là những tương quan giữa nội thân và ngoại cảnh. Uẩn còn dùng để chỉ cho các tập hợp, các nhóm, các chương. Khinh an còn là một trong 10 pháp đại thiện địa (tín, tinh tấn, tàm (hổ), quý (thẹn), không tham, không sân, khinh an, xả, không phóng dật, bất hại) thuộc 75 pháp theo A Tỳ Đàm của Nhất thiết hữu bộ. Khinh an cũng là 1 trong 11 tâm sở thiện (tín, tinh tấn, tàm, quý, không tham, không sân, không si, khinh an, không phóng dật, hành xả, bất hại) thuộc 100 pháp theo Duy thức. Như vậy, ở đây chúng ta vốn quen thuộc với mảng thuật ngữ theo hệ Cựu dịch, nhất là đối với những nhân danh, địa danh.

Tạng luận

Cũng như nơi Tạng kinh, các thuật ngữ nêu dẫn kèm theo trong ngoặc đơn là Cựu dịch. Trong một vài trường hợp chúng tôi cũng nêu dẫn những thí dụ về các thế hệ Cựu dịch tiền bối để làm rõ tiến trình đi đến sự chuẩn xác của các thuật ngữ ấy.

1- Uẩn: Là nhóm, chương. Như Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, No1544, 20 quyển) nội dung gồm 8 Uẩn. Cựu dịch là Kiền độ. Phẩm (Varga): Tân dịch là Nạp tức. Cựu dịch là Bạt cừ.

2- Hai khía cạnh của tâm: Tầm, Tứ (Cựu dịch: Giác, Quán)

Hai lượng: Hiện lượng, Tỷ lượng (Chứng lượng, Tỷ lượng)

Hai quán: Quán bất tịnh, Trì tức niệm (Quán bất tịnh, Quán sổ tức)

Hai biểu (Sắc, Nghiệp): Hữu biểu, Vô biểu (Hữu giáo, Vô giáo)

Hai diệt: Trạch diệt, Phi trạch diệt (Số diệt, Phi số diệt). Đến các thế hệ sau như Đại sư Chân Đế (499-569) thì dịch là Trạch diệt, Phi trạch diệt.

Hai vô ký: Hữu phú vô ký, Vô phú vô ký (Ẩn một vô ký, Bất ẩn một vô ký). Đến các thế hệ sau thì dịch như Tân dịch.

Hai tướng: Tự tướng, Cộng tướng (Biệt tướng, Tổng tướng). Đến Đại sư Chân đế thì dịch là Tự tướng, Cộng tướng.

Hai hạnh: Thiểu dục, Hỷ túc (Thiểu dục, Tri túc)

3- 3 tạng: Tố đát lãm, Tỳ nại da, A tỳ đạt ma (Tu đa la, Tỳ ni, A tỳ đàm).

3 căn vô lậu trong 22 căn: Vị tri đương tri căn, Dĩ tri căn, Cụ tri căn (Vị tri căn, Dĩ tri căn, Vô tri căn).

3 Danh thân, Cú thân, Văn thân (Ba Danh thân, Cú thân, Vị thân)

3 tai họa nhỏ: Đao binh, Tật dịch (Bệnh tật), Cơ cẩn (Đói khát). Cựu dịch: Đao trượng, Tật dịch, Cơ ngạ (Đói khát)

3 loại nghiệp: Thuận lạc thọ, Thuận khổ thọ, Thuận bất khổ bất lạc thọ (Hữu lạc thọ, Hữu khổ thọ, Hữu bất lạc bất khổ thọ).

4- 4 Tĩnh lự (Bốn Thiền, bốn Định). Tâm nhất cảnh tánh (Duy tâm nhất cảnh).

4 Định vô sắc: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. (Định không xứ, Định thức xứ, Định vô sở hữu xứ, Định phi tưởng phi phi tưởng xứ. Không biến nhập, Thức biến nhập, Vô sở hữu biến nhập, Phi tưởng phi phi tưởng biến nhập).

4 Thứ ăn (4 cách ăn): Đoạn thực, Xúc thực, Tự thực, Thức thực (Đoạn thực, Xúc thực, Tác ý thực, Thức thực). Cựu dịch ở đây là Đại sư Chân Đế (499-569) là thế hệ sau cùng của hệ này. Tham khảo thế hệ Cựu dịch đi trước: Như Đại sư Tăng Già Đề Bà, trong Luận A Tỳ Đàm Tâm đã dịch là: Đoàn thực, Cánh lạc thực, Tư thực, Thức thực (ĐTK/ĐCTT, T.28, No1.550, quyển 4, trang 828C).

4 Bộc lưu (Bốn lưu, bốn bộc hà).

4 Đạo: Đạo gia hạnh, Đạo vô gián, Đạo giải thoát, Đạo thắng tấn (Đạo phương tiện, Đạo vô ngại, Đạo giải thoát, Đạo thắng tấn). Đại sư Chân Đế dịch là Đạo gia hạnh, Đạo vô gián, Đạo giải thoát, Đạo tăng tấn.

4 Thức trụ: Thức tùy sắc trụ, Thức tùy thọ trụ, Thức tùy tưởng trụ, Thức tùy hành trụ. (Ái sắc thức trụ, Ái thọ thức trụ, Ái tưởng thức trụ, Ái hành thức trụ).

5- Năm uẩn: Năm thủ uẩn (Năm ấm, Năm thạnh ấm, Năm thủ ấm).

Năm kiến: Hữu thân kiến - Tát ca da kiến, Biên chấp kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ (Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới thủ).

Năm Bổ đặc già la: Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín thắng giải, Kiến chí, Thân chứng (Năm người: Kiên tín, Kiên pháp, Tín giải thoát, Kiến đáo, Thân chứng).

6- Sáu nội xứ, Sáu ngoại xứ (Sáu nội nhập, Sáu ngoại nhập).

Sáu loại tùy miên (Sáu thứ sử) 98 tùy miên. Tùy miên tùy tăng  (98 sử, sử sở sử). Đại sư Chân Đế dịch là tùy miên. Sáu thứ tùy miên hoặc…

Sáu hạng A la hán: Thoái pháp, Tư pháp, Hộ pháp, An trụ pháp, Kham đạt pháp, Bất động pháp (Thoái đọa pháp, Tự hại pháp, Thủ hộ pháp, Trụ bất động pháp, Ứng thông đạt pháp, Bất hoại pháp).

Do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn. (Do kiến đoạn, do tư duy đoạn. Do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn)

Sáu cảnh (Sáu trần).

7- 7 thứ hữu: Địa ngục hữu, Quỷ giới hữu, Bàng sinh hữu, Nhân hữu, Thiên hữu, Nghiệp hữu, Trung hữu (Địa ngục hữu, Quỷ thần hữu, Súc sanh hữu, Nhân hữu, Thiên hữu, Nghiệp hữu, Trung hữu).

7 thứ tùy miên mạn: Mạn, Quá mạn, Mạn quá mạn, Ngã mạn, Tăng thượng mạn, Ty mạn, Tà mạn (Mạn, Quá mạn, Quá quá mạn, Ngã mạn, Tăng thượng mạn, Hạ mạn, Tà mạn).

7 Thánh giả: Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín thắng giải, Kiến chí, Thân chứng, Tuệ giải thoát, Câu giải thoát (Tùy tín hành, Pháp tùy hành, Tín lạc, Kiến chí, Thân chứng, Tuệ giải thoát, Hai phần giải thoát).

8- 8 giải thoát (8 bối xả, 8 giải thoát). 8 thắng xứ (8 trừ nhập, 8 chế nhập, 8 thắng xứ). 8 đẳng chế: 4 tĩnh lự và 4 định vô sắc (8 địa: Là 4 định sắc và 4 định vô sắc).

Tướng của luật nghi biệt giải thoát có 8: Luật nghi Bí sô, Bí sô ni, Chánh học, Cần sách, Cần sách nữ, Cận sự, Cận sự nữ, Cận trụ. (Hộ Ba la đề mộc xoa có 8: Giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Ưu ba bà sa). Bố sái tha (Bố-tát).

Tùy phiền não - Triền có 8 thứ: Vô tàm (không hổ), Vô quý (không thẹn), Tật (ganh ghét), Xan (keo kiệt), Hối (ố tác: Ăn năn hối hận), Miên (ngủ nghỉ), Trạo cử, Hôn trầm. Nếu thêm Phẫn (tức giận), Phú (che giấu) là thành 10. Cựu dịch: Tiểu phần hoặc đảo khởi có 8: Vô tàm, Vô tu (không hổ), Tật, Lận (keo kiệt), Trạo khởi, Bì nhược (hôn trầm), Ưu hối, Miên. Nếu thêm Phẫn, Phú là 10. Đối chiếu với 10 thứ Tiểu tùy phiền não nơi 100 pháp của Duy thức: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống (Lừa dối), Siểm (Dua nịnh), Hại, Kiêu (Xem Luận Đại thừa trăm pháp, HT.Thiện Hoa Việt dịch, in trong Phật học phổ thông, quyển 3, 1992, trang 59-60).

9- 9 thứ mạn: Ngã thắng mạn, Ngã đẳng mạn, Ngã liệt mạn, Hữu thắng ngã mạn, Hữu đẳng ngã mạn, Hữu liệt ngã mạn, Vô thắng ngã mạn, Vô đẳng ngã mạn, Vô liệt ngã mạn. Cựu dịch: Ngã thắng mạn, Ngã đẳng mạn, Ngã hạ mạn, Hữu thắng ngã mạn, Hữu đẳng ngã mạn, Hữu liệt ngã mạn, Vô thắng ngã mạn, Vô đẳng ngã mạn, Vô hạ ngã mạn.

9 thứ kiết: Kiết ái, giận, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật, xan. (Kiết tùy thuận, vi nghịch, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật đố, xan lận).

10- 10 Biến xứ (10 Nhất thiết nhập, 10 Biến nhập, 10 Nhất thiết xứ)

10 pháp đại thiện địa: Tín, tinh tấn, tàm (hổ), quý (thẹn), không tham, không sân, khinh an, xả, không phóng dật, bất hại. Cựu dịch: Tín, tinh tấn, tu (xấu hổ), tàm quý (hổ thẹn), không tham, không sân, an, xả, không phóng dật, phi bức não.

10 pháp đại địa: Thọ, tưởng, tư, xúc, dục, tuệ, niệm, tác ý, thắng giải, tam ma địa. Cựu dịch: Thọ, tưởng, tư duy, xúc, dục, tuệ, niệm, tác ý, tướng liễu (Thắng giải), định.

11- 12 Xứ (12 Nhập), 18 Giới (18 Trì, 18 Giới).

16 Hành tướng của 4 đế:

Khổ đế: Vô thường, khổ, không, vô ngã.

Tập đế: Nhân, tập, sinh, duyên.

Diệt đế: Diệt, tĩnh, diệu, ly.

Đạo đế: Đạo, như, hành, xuất.

Cựu dịch: Khổ đế: Vô thường, khổ, không, vô ngã. Tập đế: Nhân, tập, hữu, duyên. Diệt đế: Diệt, chỉ, diệu, ly. Đạo đế: Đạo, như, tích, thừa.

Đến Đại sư Chân Đế (499-569) thì 16 hành tướng được dịch như Tân dịch. (A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Thích Luận, ĐTK/ĐCTT, T29, No1.559, 22 quyển, tr.271B).

17 xứ của cõi Sắc: Tĩnh lự thứ 1 có 3: Trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Đại phạm. Tĩnh lự thứ 2 có 3: Trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh. Tĩnh lự thứ 3 có 3: Trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh. Tĩnh lự thứ 4 có 8: Trời Vô vân, Phước sanh, Quảng quả, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Sắc cứu cánh. Cựu dịch (Đại sư Chân Đế): Định thứ 1 có 3: Trời Phạm chúng, Phạm tiên hành, Đại phạm. Định thứ 2 có 3: Trời Tiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh. Định thứ 4 có 8: Trời Vô vân, Phước sanh, Quảng quả, Vô đại cầu, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Vô hạ.

12- 6 nhân, 4 duyên, 5 quả.

6 Nhân: nhân Năng tác, nhân Câu hữu, nhân Đồng loại, nhân Tương ưng, nhân Biến hành, nhân Dị thục.

Cựu dịch: 6 nhân theo cách dịch của Đại sư Chân đế (499-569) trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Thích Luận: nhân Tùy tạo, nhân Câu hữu, nhân Đồng loại, nhân Tương ưng, nhân Biến hành, nhân Quả báo. (ĐTK/ĐCTT, T29, No 1559, trang 188A).

6 nhân theo cách dịch của Đại sư Phù Đà Bạt Ma và Đạo Thái, trong Luận A Tỳ Đàm Tỳ Bà Sa, Hán dịch vào đời Bắc Lương (397-439): nhân Sở tác, nhân Cộng sanh, nhân Tương tợ, nhân Tương ưng, nhân Nhất thiết biến, nhân Báo (ĐTK/ĐCTT, T28, No 1546, trang 72A, 75B).

6 nhân theo cách dịch của Đại sư Tăng Già Bạt Trừng trong Luận Tỳ Bà Sa, Hán dịch vào đời Phù Tần (351-384): nhân Sở tác, nhân Cộng hữu, nhân Tự nhiên, nhân Tương ưng, nhân Nhất thiết biến, nhân Báo (ĐTK/ĐCTT, T28, No 1547, tr.472B).

6 nhân theo cách dịch của Đại sư Tăng Già Đề Bà và Tuệ Viễn (334-416) trong Luận A Tỳ Đàm Tâm, Hán dịch vào đời Đông Tấn (317-419): nhân Sở tác, nhân Cộng, nhân Tự nhiên, nhân Tương ưng, nhân Nhất thiết biến, nhân Báo (ĐTK/ĐCTT T28, No 1550, tr.811C).

4 Duyên: Tân dịch: Duyên Nhân, Duyên Đẳng vô gián, Duyên Sở duyên, Duyên Tăng thượng.

Cựu dịch: 4 Duyên theo cách dịch của Đại sư Chân đế: Duyên Nhân, Duyên thứ đệ, Duyên Duyên, Duyên Tăng thượng. (ĐTK/ĐCTT, T29, No1559, tr.193C-194A).

4 Duyên theo cách dịch của Đại sư Phù Đà Bạt Ma và Đạo Thái: Duyên Nhân, Duyên Thứ đệ, Duyên Cảnh giới, Duyên Oai thế. (ĐTK/ĐCTT, T28, No1546, tr.87C)

5 Quả: Tân dịch: Quả Dị Thục, Quả Đẳng lưu, Quả Sĩ dụng, Quả Tăng thượng, Quả Ly hệ.

Cựu dịch: 5 Quả theo cách dịch của Đại sư Chân đế: Quả Quả báo, Quả Đẳng lưu, Quả Công lực, Quả Tăng thượng, Quả Ly diệt (ĐTK/ĐCTT, T29, No1559, tr.188A, C.191B, 193A).

5 quả theo cách dịch của Đại sư Phù Đà Bật Ma và Đạo Thái: Quả Báo, Quả Y, Quả Công dụng, Quả Oai thế, Quả Giải thoát (ĐTK/ĐCTT, T28, No1546, tr.72B, 74C)

Nhận xét:

Như ở trước chúng tôi đã nói qua, ở đây xin được nhắc lại và bàn thêm. Mảng từ ngữ và thuật ngữ thuộc hệ Tân dịch này, đối với Tạng Luận nhất là phần Luận A Tỳ Đạt Ma của Nhất thiết hữu bộ, chính là đỉnh cao của sự thành tựu vì đã đạt tới mức chuẩn xác, trong nỗ lực mô tả, diễn đạt để chuyển dịch, nhằm đem Chánh pháp đến gần với đông đảo người đọc. Tất nhiên, sự thành tựu ấy là kết quả sau cùng của một quá trình Hán dịch trải qua hàng mấy trăm năm có sự góp công của nhiều thế hệ dịch giả Cựu dịch, mà vị đại diện cho thế hệ sau rốt là Đại sư Chân đế (499-569). Một điểm rất đáng chú ý nữa là, hầu hết các Kinh, Luận thuộc loại chỗ dựa căn bản của học phái Duy thức ở Ấn Độ cũng như Tông Pháp tướng của Phật giáo Trung Quốc sau này, như Kinh Giải thâm mật (ĐTK/ĐCTT, T16, No676, 5 quyển) Luận Du Già Sư Địa (ĐTK/ĐCTT, T30, No1579, 100 quyển). Luận Thành Duy Thức (ĐTK/ĐCTT, T31, No1585, 10 quyển) Luận Duy Thức Tam Thập Tụng (ĐTK/ĐCTT, tập 31, No1586, 1 quyển), Luận Nhiếp Đại Thừa, Luận Hiển Trương Thánh Giáo (ĐTK/ĐCTT, T31, No1594, 3 quyển, No1602, 20 quyển, Luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn (ĐTK/ĐCTT, T31, No1614, 1 quyển)… đều do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch (dịch mới hoặc dịch lại). Tức từ 75 pháp của A Tỳ Đàm thuộc Nhất thiết hữu bộ, đến 100 pháp của học phái Duy thức Tông Pháp Tướng, về mặt từ ngữ và thuật ngữ nói chung là tương đối ổn định. Đây là một thuận lợi lớn để từ A Tỳ Đàm tiến đến Duy thức như HT.Trí Quang đã ghi nhận: “Đặc biệt hơn nữa, qua sự phiên dịch về Luận của ngài Huyền Tráng… trong Hán tạng, thuyết Hữu Bộ tương đối hoàn bị hơn cả, và rất dễ dàng thấy bộ này là tiền thân của Pháp tướng trong Duy thức học (Di Tông luận, Trí Quang dịch, bản in 1995, tr.45).

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) trong tác phẩm Sử Trung Quốc đã ghi nhận về ảnh hưởng nơi sự nghiệp dịch thuật của Pháp sư Huyền Tráng như sau: “Công việc dịch kinh của ông (Huyền Tráng) chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở Đông Á mà còn có ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa. Từ ngữ Trung Hoa đã giàu thêm được 35 ngàn tiếng, mà thêm được 35 ngàn tiếng là thêm được 35 ngàn ý niệm…(Sử Trung Quốc I, bản in 1996, tr.332, 333).

Đánh giá như thế, chúng ta nên hiểu là chỉ chung cho toàn bộ mảng từ ngữ - thuật ngữ của Cựu dịch và Tân dịch 1-2013. 

 Chú thích

(1) Đại tạng kinh chữ Hán đầu tiên được kết tập cùng in ấn là từ năm 971 đến 983 TL đầu đời Triệu Tống (960-1279).

(2) Chúng tôi đã dựa theo ĐTK Đại Chánh Tân Tu để tính.

(3) Ngũ chủng bất phiên: Tức trong khi phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, có 5 trường hợp người dịch nên giữ lấy nguyên âm không dịch nghĩa 1- Vì tính chất tối mật, không thể nghĩ bàn. Như các Đà la ni (Chú) trong kinh. 2- Vì từ ngữ bao hàm nhiều nghĩa, ví như từ Bạc Già Phạm (Gồm đến 6 ý nghĩa: Tự tại, Xí thạnh, Đoan nghiêm, Danh xưng, Cát tường, Tôn quý), 3- Phương xứ này không có loại cây, vật ấy… 4- Thuận theo người xưa. 5- Vì nhằm giữ lấy tâm tôn trọng.

(4) Vì trong Tạng Luật, Pháp sư Huyền Tráng dịch quá ít. Tân dịch trong Tạng Luật là Đại sư Nghĩa Tịnh (631-713) với mảng Luật rất phong phú của Hữu bộ được đem từ Ấn Độ về và Hán dịch đối chiếu nơi Tạng Luật xin dành cho một dịp khác.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày