Bụt vào đời...

GN - 1. Anh tên Hoằng, ở Sơn La, nơi tổ chức Phật giáo hình thành chưa lâu nhưng trong những cử chỉ, lời nói và việc làm của anh thì đã thật “thấm tương chao”. Chúng tôi gặp anh ở Đại lễ Vesak LHQ 2014, tổ chức tại Ninh Bình từ ngày 7 tới 11-5 vừa qua, anh là người đã đưa đoàn phóng viên chúng tôi vào ra TP.Ninh Bình - Bái Đính trong suốt những ngày diễn ra Đại lễ.

tnv vesak.jpg


Nụ cười hoan hỷ của TNV Vesak 2014

Anh chia sẻ khát vọng có một ngôi chùa nơi quê hương Sơn La để bà con có chốn tâm linh mà quay về nương tựa đến việc cùng vợ mình cắt đặt, sắp xếp việc trong, việc ngoài để về phục vụ Đại lễ, rồi đi công tác với quý thầy nếu chư tôn đức cần xe đón đưa... Tất cả đều tận tâm, tận tụy, chứa chan tinh thần phụng sự, yểm trợ bằng cả tình yêu đạo pháp.

Anh bảo, cuộc đời không có gì vui nếu mình cứ mải quẩn quanh với lợi danh, được mất, có của nhiều hay danh vọng bao nhiêu thì cũng chỉ như “bóng mây chìm nổi”, không có gì là mãi còn trong cõi Ta-bà này... Và điều anh tâm đắc nhất là cuối đời, của những ngày còn khỏe mạnh như hôm nay có duyên gặp được giáo pháp, thấy ánh sáng của cuộc đời mình chính là không vướng víu chuyện tử sanh, không nặng gánh về danh vọng, bạc tiền, mà là sẵn sàng xả bỏ, ly dục, tìm niềm an vui trong lời Phật dạy.

Anh lấy niềm vui con cái biết đạo, biết đi chùa, thậm chí chọn con đường xuất gia là điều hoan hỷ lớn; khuyến khích con rằng “nếu con đi tu, bố sẵn sàng làm chùa cúng dường cho con”.

2. Cũng tại Đại lễ Vesak LHQ 2014, hình ảnh chúng tôi cảm thấy hoan hỷ nhất chính là những chiếc áo vàng, áo nâu tình nguyện. Những cái cúi gập người trước chư tôn thiền đức, không ngại nắng nôi của ngày, mệt nhọc của đêm của các tình nguyện viên đã góp cho Đại lễ thêm sắc màu: tươi trẻ, năng động, an vui... Những hình ảnh ấy gợi nhắc về thế hệ tiếp nối của Phật giáo Việt Nam sẽ là những người rất trẻ, hiểu giáo lý và sẵn sàng dấn thân phục vụ.

Nhu yếu cống hiến của tuổi trẻ phù hợp với tinh thần nhập thế của đạo Phật nên bất cứ khi nào cuộc sống cần thì người Phật tử và người trẻ cũng có thể bắt tay nhau để cùng làm việc lớn, cùng phụng sự, mang lại những giá trị tốt đẹp cho đời, cho người. Chính vì lẽ đó mà nhiều tổ chức thiện nguyện Phật giáo ra đời đã nhanh chóng được thanh niên bắt nhịp, cùng chung tay. Khi chung tay cùng Phật giáo, đến các chùa làm thiện nguyện thì thanh niên không chỉ củng cố tinh thần thiện nguyện trước đó mà còn được trang bị thêm giá trị thương yêu - hiểu biết của nhà Phật để làm giàu thêm tình yêu quê hương, đất nước, đồng loại, mở rộng tình thương tới khắp muôn loài chúng sinh.

3. Nhắc tới tình yêu quê hương, đất nước thì chúng tôi lại nhớ về những ngày qua, giữa cái nắng tháng 5 hừng hực, những người trẻ hòa chung nỗi thao thức của dân tộc trước biển đảo yêu thương. Câu chuyện về lòng yêu nước nồng nàn, về khát vọng hòa bình cho bờ cõi và bình yên trong lòng người được thổi bùng lên.

Người Phật tử chắc chắn không đứng ngoài cuộc của niềm thao thức ấy vì mỗi người con Phật thừa hiểu trọng ân đất nước là “bốn ơn nặng” cũng như thừa hiểu, để có bình yên trong tâm hồn, để mỗi chiều mỗi sớm có cơ hội ngồi tĩnh lặng nghe tiếng chuông chùa, tụng một thời kinh thì nhất thiết đất nước phải yên bình, đảo quê hương, biển yêu thương phải vẹn toàn, không nổi sóng, không bị xâm lăng...

Hiểu vậy nên suy nghĩ để làm một điều gì đó cần thiết để góp sức cùng đất nước vượt qua cam go, thử thách. Đó cũng là bởi vì mấy ngàn năm qua Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, không bao giờ đứng ngoài cuộc an nguy của Tổ quốc!

Lưu Đình Long

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày