Ca khúc “Ánh đạo vàng” của nhạc sĩ Hằng Vang

Nhạc sĩ Hằng Vang
Nhạc sĩ Hằng Vang

GN - Trong tuyển tập “Nhạc Sống” của Gia đình Phật tử Việt Nam xuất bản năm 1965, Hòa thượng Thích Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, sau này là Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, đã giới thiệu: “Con đường vào đạo có hai lối: một là suy tưởng để trực nhận chân lý, hai là rung cảm để dọn đường cho thông cảm. Đường trên là lối vào Phật pháp, đường dưới là nẻo đi văn nghệ”.

Chính con đường thứ hai đã mở lối cho tôi vào đạo. Bằng con đường này, ngay từ buổi đầu, ca khúc Ánh đạo vàng đã gieo vào lòng tôi một khái niệm về lịch sử của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Ngài là hiện thân và kết tinh của muôn hạnh Từ bi và Trí tuệ. Không phải vì tôi có máu nghệ sĩ, say mê nghệ thuật âm nhạc, nhưng tôi lại được con đường này chinh phục. Điều này tưởng chừng như mâu thuẫn, song đây lại là sự thật. Vì rằng, tôi được sinh ra ở Huế nhưng trưởng thành ở Đắk Lắk, một vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên.

Hồi gia đình tôi mới vào lập nghiệp, tuy có truyền thống kính Nho tin Phật, nhưng vì bước đầu lo ổn định đời sống dân cư ở vùng mới, cho nên hơn mười năm sau (1988), ở vùng tôi mới thành lập được khuôn hội nhưng chưa có chùa, chỉ làm lễ tạm tại nhà một Phật tử tại gia trường chay để làm nơi tu dưỡng tâm linh vào những ngày sóc vọng (mồng một, rằm) và vào các ngày lễ lớn.

Với một vùng kinh tế mới xa xôi thì gia sản của khuôn hội chỉ là mái tranh tre thô sơ, chánh điện với bức tượng Bổn Sư bằng giấy khiêm tốn và vỏn vẹn chỉ có hai cuốn Nghi thức tụng niệm. Như vậy, kinh sách không có, tìm đâu ra thầy để dạy đạo giảng kinh, hướng dẫn cho mình “suy tưởng, trực nhận chân lý” Phật Đà! Nhưng may mắn thay, vào mùa Phật đản năm sau, khuôn hội có thỉnh ở đâu về hai cuốn băng cassette: một là băng kinh cầu an - cầu siêu, và cuốn kia là băng nhạc Ánh đạo vàng (Trường thanh Phật ca). Để đón mừng ngày Khánh đản vui chung của nhân loại, nên băng nhạc được phát nhiều lần trong ngày. Chính vì thế, sau bao lần đi chùa, tôi mới hiểu được phần nào về Phật giáo và đại cương lịch sử của Đức Bổn Sư Thích Ca qua ca khúc Ánh đạo vàng của nhạc sĩ Hằng Vang.

Đây chính là thời điểm khởi đầu cho tôi vào đạo, đồng thời cũng là lý do và nguyên nhân gợi cảm sâu sắc khi mùa Phật đản PL.2042 về làm động lực để tôi viết cảm nhận về ca khúc này.

Mở đầu băng nhạc là lời giới thiệu mang đậm nét triết lý nhà Phật như “Đời là cõi tạm, kiếp đời, yêu người, yêu quê hương, nhân loại. Dù đời gặp nhiều ngang trái khổ đau, nhưng đạo đức và tình thương yêu lẫn nhau vẫn là con đường giải thoát cao đẹp nhất. Ôi! Đạo Phật thật là vi diệu”.

Trước khi đi vào nội dung ca khúc, người viết xin giới thiệu đôi nét về nhạc sĩ Hằng Vang - tác giả ca khúc Ánh đạo vàng.

Nhạc sĩ Hằng Vang tên thật là Nguyễn Đình Vang, sinh năm 1933, là người con xứ Huế đất Thần kinh. Cảm đức Từ bi, nhạc sĩ đã quy y Tam bảo, với pháp danh Như Niên, là một huynh trưởng Gia đình Phật tử gắn liền với Phật giáo Việt Nam 60 năm qua. Tuy hiện tại sống ở Đắk Lắk, nhưng nhạc sĩ luôn gắn bó với các hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà cũng như ở các tỉnh, thành hội Phật giáo gần xa. Ông luôn tâm niệm rằng: “Âm nhạc Phật giáo có tác dụng hữu hiệu trong việc chuyển tải tư tưởng Phật-đà”.

Là Phật tử, nên hầu hết các tác phẩm của ông đều mang tư tưởng giải thoát, khuyến thiện, xiển dương chân lý đạo Phật. Giai điệu và ca từ toát lên chất liệu từ bi, vị tha, vô ngã; thể hiện tình yêu thương nhân loại và đậm đà bản sắc dân tộc. Một lần nữa, năm 1965, qua cuộc thi sáng tác Phật nhạc, ông được hân hạnh giải nhận giải nhất với ca khúc “Lời sám nguyện” và hai giải khuyến khích “Trường ca Phật sử” “Tin loạn quê hương” do Hội đồng Giám khảo trao giải thưởng tại Nhà hát Lớn Sài Gòn (2-1965), tên tuổi của ông được biết đến khắp nơi. Từ đó về sau, ông chuyên tâm sáng tác và hoạt động văn nghệ Phật giáo.

Ca khúc Ánh đạo vàng ngày một chiếm ưu thế trong lòng thính giả và lan tỏa khắp nơi qua sự thể hiện thành công của các ca sĩ Vũ Khanh, Hoàng Bá Tước, Thanh Tuyền, Thùy Dương, Vân Khánh… Đặc biệt, trong các chủ đề về ca khúc Phật giáo, Ánh đạo vàng luôn làm chủ đạo cho các băng nhạc ra đời như: “Ánh đạo vàng, Tiếng chuông chùa, Nhạc từ bi, Mây đầu hạ, Kính mừng Phật đản…”. Nhưng trên tất cả, với hai băng nhạc “Từ bi ca” do nhạc sĩ trực tiếp hợp tác với Tỉnh hội Phật giáo Đắk Lắk và chùa Phước Viên - Biên Hòa, Đồng Nai, qua sự thể hiện thành công nổi bật của ca sĩ Thùy Dương, ca khúc như nguồn suối mát cam-lồ rót vào quần chúng.

anh minh hoa.jpg
Mùa Phật đản về, ca khúc Ánh đạo vàng trở thành ca khúc thường dùng
trong các chương trình văn nghệ Phật giáo - Ảnh minh họa

Trở lại với nội dung, ta thấy nhạc phẩm Ánh đạo vàng được viết ở chủ âm rê - thứ theo luật nhạc cân phương với 32 ô nhịp. Mỗi phân đoạn gồm tám ô nhịp với giai điệu mượt mà, sâu lắng, tỏ lòng thành kính, trang nghiêm. Ca từ mộc mạc, không trau chuốt, nghe như chuyện kể đời xưa. Mỗi phân đoạn là một quãng đời của Đức Phật, một giai điệu đặc biệt dùng để viết về nhạc Phật giáo.

Ưu điểm chính lớn của ca khúc là tác giả đã gieo vào một hứng nhạc khá dồi dào: sự am hiểu giáo lý nhà Phật, nên nhạc sĩ đã xây dựng những ca từ đượm nhuần chất liệu Phật giáo. Mỗi ca từ vang lên dễ dàng đi vào lòng thính giả qua thể tự sự: kể về lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chính ca từ mộc mạc mang tính trần thuật đó mà ca khúc dễ dàng đi vào lòng người cho những ai mới tin Phật muốn tìm về chân lý. Đây quả là một ca khúc mang tính nghệ thuật cao.

Chỉ 132 ca từ mà nhạc sĩ Hằng Vang đã chuyển tải được cả một cuộc đời cao quý vĩ đại của Đức Phật. Đây là điều mà một nhạc sĩ thông thường khi viết về nhạc tôn giáo khó có thể làm được. Trái lại, nhạc sĩ Hằng Vang đã làm được vì ông là một Phật tử có một đời sống gắn liền với Phật giáo.

Hơn năm mươi năm trôi qua, kể từ khi ca khúc Ánh đạo vàng xuất hiện, hình ảnh Đức Thế Tôn càng thêm hiện hữu và lan rộng khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Mỗi ca từ mang tính trần thuật lược sử, với âm điệu trầm lắng thể hiện sự thành kính đã đi vào lòng người trong và ngoài nước, khiến họ bước theo Ánh đạo vàng để yêu người, yêu đời, yêu quê hương, đất nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày