GNO - NT.Thích nữ Tịnh Nghiêm - Trưởng ban TTXH Phật giáo tỉnh Tiền Giang, trụ trì Ni viện Tịnh Nghiêm (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) hôm 23-3 đã phối hợp với UBMTTQVN tỉnh Tiền Giang và Hội từ thiện Phật giáo Phổ Hiền (Hoa Kỳ) tổ chức tặng 2.000 bình nước uống tinh khiết đến người dân xã Bình Tân (H.Gò Công Tây), xã Phú Tân, Phú Đông, Tân Thạnh (H.Tân Phú Đông).
Theo đó, đoàn đã trao mỗi xã 500 bình nước để địa phương phân phối đến bà con, mỗi hộ được nhận 2 bình nước.
NT.Tịnh Nghiêm tặng nước ngọt, phát khẩu trang và nhắc bà con chung tay chống dịch
Dịp này, NT.Tịnh Nghiêm cũng động viên người dân các địa vượt qua khó khăn của hạn, mặn; đồng thời tích cực phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
* Cũng tại Tiền Giang, ngày 25-3, chùa Phật Ân (TP.Mỹ Tho) đã kết hợp với tu viện Linh Thứu (Hóc Môn, TP.HCM) và các nhà hảo tâm tổ chức trao tặng 1.260 bình nước tinh khiết cho 630 hộ dân ở xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - góp phần cùng bà con vượt qua những ngày hạn mặn (ảnh).
Theo đó, tu viện Linh Thứu hỗ trợ 450 bình nước lọc và Phật tử cùng các nhà hảo tâm tại TP.HCM phát tâm 810 bình nước.
630 hộ dân ở xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, mỗi hộ được nhận 2 bình. Tổng kinh phí cho đợt tặng nước 50 triệu đồng.
Ngọc Bối - Bối Diệp
Hạn mặn còn kéo dài Theo các chuyên gia, hạn mạn miền Tây năm nay rất gay gắt và còn khốc liệt hơn cả đợt lịch sử năm 2016. Trên khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại, tình trạng đất đai nứt nẻ, lúa héo khô, người dân đi chở từng can nước là chuyện rất phổ biến. Theo quy luật thì cứ năm trước lũ thấp thì năm sau hạn mặn gay gắt. Năm 2019 lũ thấp nên năm 2020 hạn mặn diện rộng là điều đã được cảnh báo từ trước. Đến cuối tháng 3-2020, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn so với giữa tháng. Theo bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo hạn mặn trong mùa khô 2019 - 2020 sẽ ảnh hưởng tới các vùng canh tác trái cây và nước sinh hoạt của người dân, dự báo có 80.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng. Tổng cục khí tượng thủy văn dự báo từ nay cho đến ngày 6-4, mặn trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần, phạm vi cách biển từ 35 - 45 km trở vào ở cửa sông Cửu Long có khả năng xuất hiện nước ngọt khi thủy triều thấp, thuận lợi cho việc lấy nước. Tuy nhiên, trên các sông Hàm Luông, Cửa Tiểu và Cửa Đại mặn vẫn còn khá cao. Theo các thống kê, hiện tại đang có khoảng 95.600 hộ dân ở các tỉnh miền Tây gặp khó khăn trực tiếp về nguồn nước sinh hoạt do hạn, mặn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến nay ghi nhận khoảng 20.000 ha lúa miền Tây bị mất trắng do hạn mặn, chiếm khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai. Chánh Quán tổng hợp
Một cánh đồng ở Ba Tri - Bến Tre nứt nẻ trong tháng 3 - Ảnh: Hữu Khoa/ VnExpress
Trong tháng 4 do lượng nước từ thượng lưu sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp nên xâm nhập mặn ở vùng ngày vẫn còn nghiêm trọng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực cửa sông Cửu Long từ 8 tới 15-4.
Đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5, mùa mưa có thể bắt đầu ở miền Nam nên tình trạng hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể được cải thiện. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng trong trường hợp mưa đến muộn, dòng chảy từ thượng lưu về đồng bằng thấp ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.