Cách thức Phật giáo giảm thiểu nghèo đói

NSGN - Có một tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận rằng sự sống của tất cả chúng sanh đều phụ thuộc vào ăn uống. Thực phẩm là yếu tố cần thiết nhất cho con người (chúng sanh), vì thế nó đã trở thành một yếu tố chủ yếu trong các nhu cầu của con người như là thức ăn, áo mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh. Nhờ việc ăn uống mà chúng ta có được dưỡng chất duy trì sự sống. 


1667019.jpg
Thực phẩm tốt nhất là rau quả
Trong Phật giáo “āhāra” là thuật ngữ được dùng để nói đến “thực phẩm”. Tuy nhiên, từ āhāra này lại được dùng theo ý nghĩa rộng hơn trong đạo Phật như là năng lượng để nuôi dưỡng tất cả các cấp độ: vật chất, sinh thái, ý chí và trí tuệ. Từ cấp độ vật chất, từ āhāra chủ yếu chỉ cho thực phẩm có thể thọ dụng được (kabaliṅkāra āhāra) và thuật ngữ “ojā” được giới thiệu trong Abhidhamma (Thắng pháp) là để chỉ cho sự hiệu quả về mặt dinh dưỡng của nó.

Trong nhiều nghiên cứu, khái niệm āhāra (thực phẩm) đã được bàn luận theo nghĩa rộng nơi các cấp độ về thực phẩm vật chất và thực phẩm tinh thần, đặc biệt liên quan đến giới tu sĩ. Trong nhiều lời dạy của Phật, sự chú trọng hướng nhiều về các thói quen ăn uống của các tu sĩ. Điều này không nên cho rằng Đức Phật đã lựa chọn chư Tăng để áp dụng những lời dạy của Ngài về thói quen ăn uống. Trọng tâm hướng đến chư Tăng bởi những giáo pháp đó chủ yếu giảng dạy cho họ, chọn họ làm các mô hình tốt và kiểm soát mô hình của cuộc sống. Vì thế, ở nhiều nơi, Đức Phật đã ủng hộ giáo pháp này trong một giáo số bài pháp quan trọng liên quan đến việc chọn lựa thực phẩm. Đi vào chi tiết về việc ăn uống, Đức Phật dạy chúng ta không nên thỏa mãn cái bao tử của mình bằng tối đa hóa thức ăn, mà phải dành những chỗ trống để còn phải uống nước, một khoảng trống cần để chứa và tiêu hóa bốn hoặc năm miếng thức ăn loại cứng(2). Ngoài những chỉ dẫn này, lời dạy hay nhất là lời khuyến hóa chư Tăng không ăn chiều hoặc dạy chỉ ăn một ngày một bữa. Trong kinh Ví dụ cái cưa (Kakacūpama Sutta) thuộc Trung bộ kinh (Majjhimanikāya), Đức Phật cho biết rằng Ngài chỉ ăn một ngày một bữa (ekāsanabhojana), do vậy mà Ngài thấy có được sức khỏe tốt, có sức mạnh, an lạc và không ốm đau(3).

Chủ ý của bài viết này là tìm hiểu xem liệu lời huấn thị này có thể giúp duy trì sức khỏe toàn cầu, và giảm bớt việc tiêu dùng quá mức lượng thực phẩm hay không. Cũng theo các hướng dẫn y khoa, chúng ta cần phải giảm bớt cân nặng, kiểm soát thực phẩm và dinh dưỡng. Nếu mọi người làm theo giải pháp này thì sẽ đưa đến cân bằng mức tiêu thụ thực phẩm của người dân trên thế giới, và sẽ giúp bảo vệ tiêu chuẩn y tế trên thế giới cùng với việc gia tăng thặng dư thực phẩm, giúp giảm thiểu đói nghèo. Phương diện quan trọng nhất của việc tiêu thụ thực phẩm tiết chế được Đức Phật nói đến là Ngài biết rõ về việc ít bệnh tật, sức khỏe tốt, cơ thể nhẹ nhàng, có sức mạnh và cơ thể thoải mái. Năm cách diễn đạt này giải thích lối sống vô cùng thoải mái có thể đạt được bằng chế độ ăn uống tiết chế. Những ai quen với những từ ngữ Pāli có thể sẽ hiểu được dễ dàng và trọn vẹn sự trình bày của Đức Phật về ích lợi của việc tiêu dùng thực phẩm tiết chế. (ekāsana bhojanaṁ kho ahaṁ bhikkhave bhuñjamāno appābhādatañ ca sanjānāmi appātaṅkatañ ca lahuṭṭhānañ ca balañ ca phāsuvihārañ ca).

Appābādha = ít đau yếu. Phật giáo giải thích rằng cơ thể vật lý này mang nhiều bệnh tật. Đói là một chức năng tự nhiên của cơ thể và sự đói này cũng đã được đề cập trong đạo Phật như là một căn bệnh dữ dội nhất. Vì thế, Appābādha có nghĩa là ngoài các vấn đề tự nhiên đó thì không có các tật bệnh nào khác.

Appātaka = ít bệnh tật. Có một số bệnh tật được tạo ra trong cơ thể con người do sự quấy nhiễu của dịch thể và túi mật. Việc ăn uống vừa phải cũng kiểm soát được những căn bệnh này.

Lahuṭṭhāna = Sự nhẹ nhàng của cơ thể. Cơ thể chúng ta không cảm thấy nặng nề khi không có bất kỳ ốm đau nào. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta có thể kích hoạt cơ thể vật lý của chúng ta theo cách chúng ta muốn. Không có bất kỳ sự nặng nề hoặc là chức năng kém nào. Đó là ý nghĩa của trạng thái nhẹ nhàng của cơ thể.

Bala = Sức mạnh. Khi sức khỏe ở trạng thái tốt nhất lan tỏa trong ta thì chúng ta cảm thấy có một sức mạnh giống như lúc tuổi còn trẻ. Cảm giác đó diễn ra do bởi tình trạng sức khỏe tốt.

Phāsuvihāra = Sống thanh thản. Sống thanh thản có thể đạt được khi các chức năng của cơ thể được trôi chảy. Điều đó có nghĩa rằng không có bất kỳ sự phiền muộn nào liên quan đến cơ thể. Chỉ lúc đó con người mới có được cuộc sống nhẹ nhàng.

Qua kinh của mình về việc ăn một ngày một bữa, Đức Phật đã tự tin kêu gọi chư Tăng cũng hãy ăn một ngày một bữa để cảm nhận được sự thoải mái mà chính Đức Phật đã trải nghiệm.

Ở đây đề cập đến “một bữa ăn” (ekāsanabhojana) một ngày. Cần phải nói ở đây rằng, đối với chư Tăng, bữa ăn được đề cập ở đây là bữa ăn trước giờ ngọ. Trong trường hợp của nhiều nền văn hóa khác nhau và đối với người cư sĩ, họ có thể thích nghi nó thành bữa ăn tối miễn là họ chỉ ăn một ngày một bữa. Nhưng đối với chư Tăng, ăn chiều là bị ngăn cấm. Kinh Kiāgiri có nói đến việc chư Tăng nên tránh ăn tối(4). Việc ăn chiều bị ngăn cấm là vì nó liên quan đến các vấn đề xã hội, các vấn đề thuộc về hành vi của chư Tăng và các vấn đề về tinh thần.

Thật thú vị khi biết làm thế nào mà Đức Phật xem thói quen chỉ ăn một ngày một bữa là rất hệ trọng khi liên hệ đến sự kiện trong kinh Kiāgiri, nơi mà một vị Tăng khi nói rằng “mặc dù lời dạy của Phật là ăn một ngày một bữa sẽ cung cấp một tình trạng sức khỏe tốt, tôi vẫn ăn nhiều lần ngay cả vào buổi tối, tôi cũng cảm thấy cơ thể rất thoải mái”. Khi Phật nghe được điều này từ các vị Tăng khác, Ngài đã cho gọi vị Tăng đó lại và giảng cho một bài pháp dài để nói rằng, nếu không thẩm tra, không tự kinh nghiệm, thì không người nào đạt được những lợi ích tốt khi theo lời khuyên đó, và ngoài chân lý ra, Đức Phật không trình bày bất kỳ điều gì khác(5). Khi nói như thế, Đức Phật khẳng định bản chất rốt ráo trong lời dạy của Ngài. Sự kiện đặc biệt này có thể được xem như là một bằng chứng rõ ràng về tính ích lợi mà chúng ta có thể thành tựu được bằng cách tiêu thụ thức ăn vừa phải.

Chế độ ăn uống này được hầu hết các quốc gia có truyền thống Phật giáo Theravāda thịnh hành thực hành theo. Một số quốc gia có sửa đổi đôi chút chế độ ăn uống này cho phù hợp với nguồn thực phẩm họ có. Chẳng hạn ở Sri Lanka, ngay cả bữa ăn sáng cũng được làm có phần đơn giản bởi vì ở một số tỉnh, người dâng cúng mang cả bữa điểm tâm và ngọ thực đến chùa. Trung tâm Phật giáo Amaravati ở Anh quốc được điều hành bởi một vị Tăng Phật giáo Theravāda được đào tạo ở Thái Lan cũng chỉ có một bát cháo và một cốc trà cho buổi sáng và bữa trưa mới là bữa ăn chính (ăn chay). Đó là tất cả những gì họ ăn trong một ngày.

Chủ ý của bài viết này là nhằm giới thiệu một cách thức đặc biệt nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ thực phẩm cho xã hội ở một quy mô lớn và tìm kiếm cách thức điều chỉnh đời sống của người dân theo những khái niệm mới này. Ví dụ, hầu hết những người châu Âu đều chọn bữa ăn tối làm bữa chính. Họ uống trà buổi sáng trước khi đi làm và sau một ngày làm việc cực nhọc, họ về nhà và ăn một bữa tối đầy đủ. Đó cũng là một bữa ăn một ngày. Điều này cũng được xem như là một cách thức góp phần cho việc tiêu thụ thực phẩm vừa phải.

Tiêu thụ thực phẩm quá mức

Vì mỗi chúng sanh đều phải phụ thuộc vào thực phẩm để sống, nên một cách tự nhiên con người luôn muốn ăn nhiều. Do đó, việc sản xuất ra nhiều thực phẩm ngày càng được gia tăng trên thế giới để đáp ứng những nhu cầu đó. Trong những sản phẩm được tạo ra, thực phẩm là thứ hàng đầu. Khi cầu và cung tăng lên thì sẽ có sự cạnh tranh. Khi dân số thế giới tăng lên thì khả năng thiếu hụt thực phẩm có thể xảy ra. Khi sự thiếu hụt thực phẩm tăng lên thì chỉ có người giàu mới có thể có đủ thực phẩm tốt. Tất cả các quốc gia phát triển đương nhiên mua thực phẩm từ những nước đang phát triển. Tất cả những thực phẩm chất lượng của các nước đang phát triển đều được mang đến các nước phát triển. Vì thế, hầu như người dân trong những nước đang phát triển phải tiêu thụ những sản phẩm thải ra từ sản phẩm chất lượng mà họ đã xuất sang các nước phát triển. Ví dụ rõ ràng nhất là ngành sản xuất trà ở Sri Lanka. Trà Sri Lanka là sản phẩm nổi tiếng trên thị trường thế giới. Do đó, bất kỳ người Sri Lanka nào cũng có thể uống trà Sri Lanka chất lượng nhất khi họ đi sang những nước phát triển, trong khi người dân tại Sri Lanka thì lại uống hầu như những gì nhà máy sản xuất trà thải ra và trà này được gọi là "trà thải’" Điều này có nghĩa rằng những nước kém phát triển bán sản phẩm chất lượng cho các nước phát triển để kiếm tiền.

Người dân trong các nước phát triển ngày càng tiêu thụ nhiều thực phẩm vì họ có thể dễ dàng mua chúng. Khi họ có khuynh hướng mua càng nhiều thì một số thực phẩm sẽ phải thải đi. Một trong những ví dụ rõ nhất là tại Mỹ và Canada, trà có sẵn ở cả ba loại: Nhỏ, Trung bình và Lớn. Khi ai đó gọi một tách trà, người đó phải nói rõ loại trà nào và ngay cả một cốc trà nhỏ cũng lớn hơn cả cốc trà mà chúng ta có thể mua ở một quốc gia châu Á. Rồi chúng ta có thể tưởng tượng cái kích cỡ của một cốc trà lớn. Khi ai đó lấy một cốc trà lớn, người đó không dễ dàng uống hết ly trà đó mà phải để lại một lát sau mới có thể uống hết. Lúc này một phần trà bị phí phạm, hoặc là bị bỏ đi vì không thể uống hết và uống kịp. Ví dụ đó cho thấy rằng người dân của các quốc gia được gọi là phát triển này xài tiền như thế nào, cũng như thực phẩm bị bỏ đi như thế nào. Khi mọi người mua thực phẩm thì sản phẩm thịt được ưu tiên nhất. Trong suốt vài thập kỷ qua, việc tiêu thụ thịt cũng đã gia tăng khủng khiếp trên toàn cầu. Trước đây thịt chỉ được tiêu thụ bởi người giàu có, giờ thì nó đã tăng lên trong mỗi bữa ăn của mọi người. Ăn một bữa ăn có thịt sẽ mang lại quan niệm là có một khẩu phần ăn sang trọng. Đó chính là lý do ngay cả với những người dù không cố như vậy cũng cố gắng tăng khẩu phần thức ăn có thịt. Ngày nay, không chỉ những nước Âu châu mà cả những nước Phật giáo Á châu nữa, chẳng hạn như Thái Lan, cũng đã gia tăng sản xuất thịt đến một mức độ tối đa. Không chỉ bán thịt mà còn là cách họ tạo ra vô số khổ đau cho các sinh vật vô tội, điều có thể được nhìn thấy trong các chợ.

Yếu tố chi phí sản xuất thịt đối với các vấn đề môi trường

Mặc dầu việc sản xuất thịt đã tăng lên, giá của nó lại không giảm xuống. Đó là bản chất của sản phẩm thịt. Giá thịt sẽ tăng hàng ngày vì chi phí sản xuất tăng tự nhiên hàng ngày. Để tăng sản phẩm thịt, gia súc và thú vật phải được cho ăn nhiều ngũ cốc và rau xanh hơn. Rốt cuộc là một miếng thịt sẽ có chi phí gấp vài lần so với kích cỡ của nó, khi thực phẩm tốt được trồng lẽ ra có thể cung cấp cho con người để tăng cường sức khỏe lại được cung cấp cho các thú vật này nhằm gia tăng sản lượng thịt.

Harold A.Mooney, giáo sư sinh vật học và một đồng nghiệp trẻ tuổi ở Viện Rừng Stanford về Môi trường (Stanford Wood Institute for the Environment) nói rằng, “Đó là căn bản và thực chất của tất cả thực phẩm. Chúng ta phải trả chi phí thật, và điều đó sẽ tạo khác biệt rất lớn cho môi trường”. Bằng phát biểu này, ông đề nghị phải xem xét yếu tố chi phí để sản xuất thịt và cũng nói rằng "công nghệ thịt cũng có một tác động lớn lao vào sự ấm nóng toàn cầu. Sản xuất gia súc chiếm 18% khí thải nhà kính toàn cầu, bao gồm 9% khí thải các-bon và 37% là khí thải mê-tan toàn cầu"(6)

Livestock’s Longshadow - Environmental Issues and Options là một Báo cáo của Liệp Hiệp Quốc, được Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm của Liên Hiệp Quốc (FAO) phát hành vào ngày 29 tháng 11 năm 2006, đã đánh giá tác động đầy đủ của khu vực chăn nuôi gia súc vào các vấn đề môi trường, và cho biết ngày nay ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc này đã được phân tích đầy đủ là một thảm họa về môi trường. Báo cáo Liên Hiệp Quốc này cũng nói về vấn nạn phá rừng, các vấn đề khí thải nhà kính, cũng như các vấn đề về môi trường. Xa hơn nữa là giải thích về tính nghiêm trọng của khí thải nhà kính khi nói rằng ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc phải chịu trách nhiệm cho 18% lượng khí thải nhà kính, một số lượng lớn hơn cả lĩnh vực giao thông. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc này là một trong hai hoặc ba tác nhân quan trọng gây nên các vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất, trong mọi chiều kích từ địa phương cho đến toàn cầu(7).

Tiêu thụ quá mức tạo ra các vấn đề sức khỏe

Một thực tế được thừa nhận là tiêu thụ quá nhiều dinh dưỡng sẽ là nguyên nhân cho các vấn đề về sức khỏe. Thực phẩm ngày nay trong hầu hết các nơi trên thế giới là nguyên nhân cho vấn đề sức khỏe đối với con người bởi vì giờ đây họ có khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng hơn, không như những ngày tốt đẹp trước đây. Do đó ngày này, hầu hết người dân đều bị cảnh báo bởi bác sĩ khi họ đến 40 tuổi. Khi người ta đến 40 tuổi thì thông thường lời khuyên sẽ là kiểm tra huyết áp, cholesterol và mức độ tiểu đường. Những thứ này được xem như là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe. Thông thường khi lớn tuổi, mức độ mỡ trong cơ thể có khuynh hướng tăng lên và với mức độ mỡ đó, huyết áp và cholesterol cũng có khuynh hướng tăng lên.

Các vấn đề sức khỏe này thường xảy ra đối với những người không thường hoạt động thể chất. Đối với những người biết quan tâm đến các khả năng thể chất của họ và với những người thực hiện theo các khuyến cáo y khoa, và với những người không ăn nhiều thức ăn trong các khẩu phần ăn của họ sẽ không có gì phải lo lắng.

Ngày nay chế độ thực phẩm đã thay đổi vì hầu hết thực phẩm hiện nay đều được mua từ các quán và hàng ăn. Những thực phẩm này vốn không được chuẩn bị kỹ lưỡng, mà chỉ là làm cho có nhiều hương vị hơn. Để cho chúng ngon hơn, thông thường những thực phẩm này đều được chiên nấu bằng dầu và bổ sung nhiều loại hương vị. Thực phẩm dầu mỡ này thì không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khi ăn chúng vào buổi sáng, và cũng sẽ không khôn ngoan khi tiêu thụ những thức ăn làm cho ngon miệng này.

Như chúng ta đã thảo luận trước đây, ăn thịt trong bữa ăn cũng có khuynh hướng gia tăng mức độ dinh dưỡng cao trong cơ thể. Một số người phải có thịt trong khẩu phần ăn thì họ mới thấy ngon miệng. Cũng theo cách như vậy, có một câu chuyện trong kinh Bổn sanh (Jataka) kể về một người có tên là Porisāda Yakkha, là người không thể dừng việc ăn thịt. Ông từng là một vị vua, nhưng vì thích ăn thịt người nên phải từ bỏ ngai vàng, đi vào rừng và sống ở đó chỉ để ăn thịt sống. Chi tiết nổi bật ở đây là việc ăn thịt đã được xem là không đúng đắn kể cả vào thời đó.

Khi mức độ dinh dưỡng gia tăng với thực phẩm thì yếu tố cân nặng của cơ thể cũng tăng lên. Nếu cân nặng tăng lên thì đó là khởi đầu cho các vấn đề sức khỏe trong cơ thể. Một trong những vấn đề ngày nay mà mọi người trải nghiệm là vấn đề quá cân. Theo các tiêu chuẩn y tế, một người nên có một chừng mực cân nặng nào đó. Vấn đề quá cân cũng xảy ra đối với những người trẻ tuổi, bởi vì cha mẹ chúng do quá yêu thương đã ép chúng ăn quá nhiều. Họ muốn con cái mình lớn càng nhanh càng tốt. Vì nhận thức sai lầm này của cha mẹ, những đứa trẻ nhỏ trở thành trẻ bự. Các bác sĩ thường cảnh cáo các bậc cha mẹ không nên hiểu rằng “Trẻ bự nghĩa là người lớn” (“big child means big man”) và tránh cho chúng ăn quá nhiều. Tuy nhiên một số cha mẹ không hiểu biết, không quan tâm đến những lời khuyên quý giá đó và khiến cho những đứa con của họ chịu khổ khi chúng lớn lên.

 Những giải pháp có thể tốn kém hơn

Yếu tố hiển nhiên là khi người bệnh tăng lên trong một xã hội thì chính phủ đó phải gia tăng các thiết bị y tế. Tăng cường thiết bị y tế không phải là việc dễ dàng. Chỉ riêng bệnh viện thôi cũng không thể giải quyết được vấn đề. Bệnh viện cần đội ngũ y tế như bác sĩ, y tá, điều dưỡng, thiết bị y khoa và thuốc điều trị. Những thứ đó và đội ngũ y tế có kinh nghiệm chi phí nhiều hơn và sự phân bổ ngân sách riêng biệt phải được đưa ra bởi chính phủ. Ngoài chính phủ, người dân cũng phải có những nguồn tài chính tốt để đáp ứng các vấn đề y tế đó khi họ cần đến nó.

Theo như bản chất của sự phát triển công nghệ trên thế giới, các dụng cụ và thuốc men mới và những người có kinh nghiệm mới cũng sẽ tăng lên theo thời gian và mọi thứ được đánh giá theo những cách thức tài chính có sẵn. Do đó, không có gì là dễ dàng trừ khi rốt cuộc là chúng ta phải tự chăm sóc cho các vấn đề của chúng ta. Đây chính là nơi chúng ta có thể áp dụng chính thành ngữ tiếng Anh là “Phòng bệnh hơn là trị bệnh” (Prevention is better than cure).

Ý thức

Để đối phó với tác dụng ngược lại của những vấn nạn này, một ý thức rất quan trọng đã được hình thành trong xã hội, đó là ăn chay. Điều này liên quan đến một quan niệm rất lâu đời của con người vì nó có một sự hỗ trợ mang tính tôn giáo. Đây là phương pháp chỉ sử dụng thực vật, lá, rễ và thảo mộc. Đây chính là quan niệm đúng đắn của con người khi chỉ sử dụng rau củ quả làm thức ăn bởi vì hầu hết con người không hiểu đời sống của mình phụ thuộc chủ yếu vào các loài thảo mộc. Thực phẩm tốt nhất thì không phải là thịt mà là rau quả vì nó hàm chứa tất cả những dưỡng chất mà chúng ta cần để duy trì sự sống. Các loại thảo mộc lấy tất cả những thành phần dinh dưỡng cần thiết từ đất, ánh sáng mặt trời và từ nước mưa. Khi chúng ta ăn những thảo mộc này, cơ thể chúng ta sẽ hấp thụ những dưỡng chất cần thiết chỉ để duy trì sự sống và tất cả những phần còn lại đều bị loại bỏ đi. Đây là chức năng đáng chú ý của cơ thể vật lý chúng ta, và đặc điểm nổi bật khác của thiên nhiên là mỗi loài thực vật đều là mỗi loại thảo mộc trị bệnh. Điều đó đã được kiểm chứng bởi Jīvaka qua vị thầy thuốc của ông trong bản chú giải kinh Pāli(8). Sau khi hoàn thành khóa học chữa bệnh của mình, ông được sai đi mang về một cái cây mà nó không trở thành thuốc và ông đã không mang về được bất kỳ cây nào như vậy, và chính đây là bằng chứng cho sự hoàn thành tốt đẹp của ông về khóa học chữa bệnh.

Có một loạt thực phẩm trên thế giới giúp duy trì sự sống. Mọi sinh vật không rõ vì sao đã chọn cây cỏ để làm nguồn sống. Trong thế giới động vật, có một số động vật sống dựa vào các loài thảo mộc và một số động vật thì ăn thịt. Theo chuỗi thực phẩm hiện hữu này, các động vật ăn thịt tìm kiếm thức ăn tươi sống, ăn các động vật mà chúng chỉ ăn lá xanh. Đó là lý do tại sao cọp luôn săn mồi là bò và nai, cáo săn thỏ và rắn cũng ăn những sinh vật nhỏ mà chúng chỉ ăn cây cỏ. Con người là những sinh vật vừa ăn cả thực vật và động vật, nhưng con người cũng có thể sống mà không gặp khó khăn gì khi chỉ ăn thực vật. Một số gia đình ăn chay được đưa lên truyền hình ở Anh quốc là thuộc thế hệ thứ tư của những người ăn chay hoàn toàn. Họ hoàn toàn bình thường như những người khác, và đôi khi còn khỏe mạnh hơn cả những người ăn thịt. Giáo sư nghỉ hưu danh tiếng Vini Vitharana(9), Giám đốc tư vấn xuất bản, Quỹ Văn hóa Trung ương, tại Sri Lanka, năm nay đã 85 tuổi, là một người ăn chay trường từ khi còn rất trẻ, vẫn có được sức khỏe tốt. Có lần ông nói trên truyền hình rằng ông đã từng chơi cricket và bóng chuyền như những thanh niên khác và không có sự khác biệt dù ông là người ăn chay.

Những nhà bảo vệ môi trường thiên nhiên

Có một số đoàn thể khuyến hóa trồng cây và gia tăng các hoạt động nông nghiệp trên khắp thế giới, bởi vì con người đang tham gia vào các hoạt động phá hoại rừng. Hầu hết những người này đều phát triển các hoạt động chăn nuôi gia súc nên có khuynh hướng tham gia vào việc phá rừng, và đó chính là lý do mà ở một số quốc gia châu Âu không thể nhìn thấy rừng. Ở những nước này chỉ có thể nhìn thấy những bãi cỏ. Nơi những bãi cỏ, bò và cừu của họ được nuôi dưỡng. Cần phải thấy rằng họ cũng cần rừng để cân bằng sinh thái, và thời gian qua họ là những người đã đứng ra hình thành những tổ chức bảo vệ môi trường thiên nhiên và các Hiệp hội xanh. Quan trọng là Tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng đã tham gia vào vấn đề này và tích cực dấn thân vào phát triển các hoạt động bảo vệ liên quan đến tiêu chuẩn đúng đắn về cây trồng, động vật, nông nghiệp và sinh thái của nhiều cộng đồng khác nhau trên thế giới.

Ý thức nên là sự hướng dẫn cần đến

Toàn bộ những chi tiết này là nói về ý thức của con người trong các vấn đề mà họ đã đối mặt. Tất cả những nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà công tác xã hội và những đảng phái quan tâm khác đều phải cùng nhau xúc tiến để làm điều gì đó nhằm thay đổi hệ thống, và họ đã bắt đầu làm một vài điều nhưng vẫn chưa có được sự tham gia của mọi người trong những chương trình có giá trị này.

 Sản phẩm từ đậu nành là khởi đầu rất quan trọng

Để thay đổi hệ thống thực phẩm với đầy đủ dinh dưỡng và sản phẩm đậu nành ít đắt đỏ là sự lựa chọn có giá trị đã xúc tiến, nhưng vẫn chưa đủ độ phổ biến. Khó khăn đối với thực phẩm là cái sản phẩm làm thỏa mãn cảm giác của chúng ta, đặc biệt là vị giác của chúng ta. Mọi người thích ăn thịt là vì khẩu vị của họ. Sản phẩm từ đậu nành thì vẫn đang cố gắng đem lại mức độ tương tự đối với thịt. Người ta đã thử nghiệm làm thịt gà bằng đậu nành, thịt bò bằng đậu nành và cá đậu nành. Một ngày nào đó mọi người sẽ khó để nhận ra sự khác nhau. Lúc đó sẽ là thành công.

Giáo dục mọi người tiêu thụ thực phẩm tiết chế

Nơi toàn bộ giải thích này, chúng ta đã tìm hiểu tất cả những nơi chốn mà chúng ta tiêu tiền và những chi phí này là không thể tránh khỏi. Những vấn đề này chúng ta có thể tự tạo ra và chúng sẽ đến với cấu trúc hành vi của chúng ta chủ yếu vì hệ thống thực phẩm của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngừng ăn uống hoàn toàn, mà chúng ta có thể thay đổi khối lượng thực phẩm mà chúng ta ăn. Nếu chúng ta biết chúng ta bị bệnh và để chữa trị, chúng ta phải uống thuốc. Với thuốc, chúng ta cũng phải kiểm soát hành vi của mình nữa mà không ăn một số thức ăn nào đó. Tất cả những điều này chúng ta phải theo đuổi nhằm phục vụ cho cách sống an lạc của chúng ta. Cùng cách thức như thế, Harold A. Mooney nói rằng “Con người sẽ không chấm dứt việc ăn thịt… một giải pháp có thể là làm cho người dân ở những nước phát triển bớt ăn thịt hơn”. Với tư cách là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, ông đã đề cập cách thức để chúng ta có thể giáo dục mọi người và thêm nữa ông còn nói rằng, “Tôi luôn luôn hy vọng rằng khi con người có hiểu biết hơn, họ sẽ thay đổi hành vi của họ. Nếu họ được cho biết là chính họ có sự lựa chọn để giúp xây dựng một thế giới bền vững hơn, họ có thể làm cho sự lựa chọn tốt hơn”(10). Đây là gợi ý rất tốt của Giáo sư Harold A.Mooney và ông đảm bảo mọi người có thể được giáo dục để tham gia vào một số hoạt động phát triển. Nếu có thể đưa vào việc làm, tại sao chúng ta không thể giới thiệu tư tưởng tiết chế ăn uống rất quan trọng này cho mọi người và thu hút sự chú ý đặc biệt để thực hiện việc ăn một ngày một bữa. Bằng cách đó mọi người có thể có một cuộc sống rất lành mạnh bằng việc để dành tiền cũng như họ có thể cống hiến việc làm tốt cho những người mà không thể tìm kiếm được miếng ăn. Khi những điều này được hoàn thành trên mức độ toàn cầu, thế giới này sẽ là một nơi tốt đẹp cho cuộc sống lành mạnh của mọi người, và họ có đủ vị thế kinh tế để giúp đỡ những người khác cũng như có một cuộc sống hạnh phúc trên thế gian này. 

Giáo sư Tilak Kariyawasam(1)
Thích Vạn Năng
 dịch 

______________

(1) Trưởng khoa, Trường sau Đại học. Đại học Phật giáo Quốc tế, Thái Lan.

(2)  “Cattaro pañca ālope abhutvā udakaṃpive”-. Milndapañha. p. 407.

(3) Majjhimanikāya I. 124.

(4) M. I. 473-76.

(5) M. I. 475-76.

(6) Prof.Harold A.Mooney-Stanford Woods Institute for the Environment.

(7) En.wikipedia org/wiki/livestock’s long shadow.

(8) Aguttaranikāya Ahkathā I. 216.

(9) www.kadirgamatinstitute.lk/events/event-16052013/../prof.vini-bio...

(10) Prof. Harold A.Mooney- Stanford woods institute for the environment.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày