Cảm nhận từ khóa tu cho Tăng Ni tại Làng Mai Thái Lan

Thảnh thơi để sống đời hạnh phúc


GN -
Chúng tôi vừa có mặt trong khóa tu dành cho người xuất gia mở rộng do Làng Mai Quốc tế Thái Lan (Thai Plum Village International Practice Center) tổ chức tại Pak Chong, tỉnh Nakhonrachasima với chủ đề “Khắp chốn thảnh thơi” t ngày 16 đến 22-3-2018, cùng với hơn 300 v Tăng Ni trẻ tham dự (bao gồm 200 Tăng Ni ni trú và 100 Tăng Ni t các nơi quy tụ về).
Tại đây, là người tham dự, chúng tôi được nạp năng lượng hạnh phúc từ sự thảnh thơi trong mọi thời khóa…
DSC_3682.jpg
Khóa tu “Khắp chốn thảnh thơi” dành cho Tăng Ni trẻ đã đem lại
nhiều năng lượng tươi mới cho hành giả tham dự - Ảnh: Chân Chánh Định

Duyên lành nối tiếp

Còn nhớ, tháng 4-2013, lần đầu tiên Làng Mai Quốc tế Thái Lan tổ chức khóa tu cho hơn 400 Tăng Ni về tham dự, chính lần đó tôi có duyên được tiếp xúc với Sư ông Làng Mai (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) và Tăng thân để bắt đầu hành trình mới trong việc trải nghiệm hạnh phúc tâm linh và tìm ra hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.

Hồi đó, Thiền sư còn khỏe, Người đã ngồi thật vững chãi, thật thảnh thơi để lắng nghe đại chúng cất cao giọng hát thiền ca qua bài: Đã về đã tới, Bây giờ và ở đây… ngay giữa khu đồi núi Pak Chong yên bình trong cái se se lạnh của những buổi sớm bình minh.

Tôi đã may mắn ngồi ngay một góc phía sau lưng Thiền sư, nhắm mắt, tĩnh lặng và tận hưởng những phút giây nhiệm mầu trong sự an trú sâu - chậm với từng hơi thở vào ra một cách ý thức mà đại chúng đang truyền trao và thắp sáng.

Những khoảnh khắc ấy đã thôi thúc tôi tìm hiểu nhiều hơn về pháp môn thực tập chánh niệm của Làng Mai do Thiền sư hướng dẫn; và mãi cho đến khi chính thức theo học tại Đại học MCU - Ayutthaya (cách 2 giờ đi xe tới Làng), tôi mới đủ duyên dành nhiều thời gian qua những kỳ nghỉ để thường xuyên về đây đảnh lễ vị Thầy khả kính, tiếp xúc, học hỏi nhiều hơn phương pháp thực tập và hành trì chánh niệm.

Tuy nhiên, điều tôi trông chờ là về một khóa tu cho người xuất gia trẻ có duyên với pháp môn Làng Mai được tiếp tục mở ra để tôi được sống trọn vẹn trong lòng Tăng thân, được nuôi dưỡng và tưới tẩm thêm năng lượng yêu thương của tình huynh đệ.

Đến khi hay tin có khóa tu thì lại rơi đúng vào những ngày thi cuối cấp nên tôi và cả những huynh đệ tại trường ai cũng lo sẽ không thể đồng hành và tham dự; ấy vậy mà Làng đã mở ra một cơ hội mới khi chấp nhận cho chúng tôi được xuống trễ. Sau đó, may mắn khác là chúng tôi được thi sớm hơn dự kiến - duyên lành hội đủ, những học Tăng tha phương lại có mặt đúng vào ngày khai khóa tu mở rộng 2018 tại Pak Chong...

Bên một gia đình

Lần trước (2013) tôi thuộc gia đình Cây Chùm Ruột, nay tôi được xếp vào gia đình Cây Mai với những vị thầy, sư cô trẻ - tuy lạ mà như quen. Ngay trong buổi pháp đàm chia sẻ đầu tiên về những khó khăn và vướng mắc trên bước đường tu học tại trú xứ của mình do Sư cô Hạnh Liên làm trưởng nhóm, sau ba tiếng chuông chánh niệm thì 15 thành viên trong gia đình Cây Mai ai cũng từ từ mở lòng để sẻ chia, tâm sự về những khó khăn, những nội kết trong lòng đã để dành bấy lâu nay. Có lẽ do ai cũng “Vì tu mà đến”, từ ba miền Bắc - Trung - Nam đều có mặt, ngồi lại với nhau như một gia đình để học hỏi, làm mới và tiếp thêm những bài học quý giá trên bước đường học tu nên ai cũng mở lòng nhằm thảnh thơi, bắt đầu cho những chặng đường xa - đang đợi.

Ở gia đình Cây Mai có thầy Pháp Sứ - là vị thầy thị giả thân cận của Thiền sư, thầy ít nói nhưng đầy uy nghiêm, vững chãi mà nhẹ nhàng trong từng oai nghi. Do vậy, mỗi lần nhìn thấy thầy là tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh của Đức Thế Tôn đang ngồi vững chãi như núi xanh, nở một nụ cười hàm tiếu trên đôi môi hồng mà tiếp nhận đám cỏ khô cúng dường của chú bé chăn trâu Cát Tường (Svastika) trong tác phẩm Đưng xưa mây trắng của Thiền sư.

Tôi thấy rõ hơn nơi thầy có bài học không lời của những người xuất gia, không phải từ những sự kiểu cách, gắng gượng bên ngoài mà phải được tô bồi và rèn luyện ngay chính từ bên trong của sự khiêm cung giản dị, như tôi thường quan niệm: Bình an chính là tài sản lớn nhất của người xuất gia tu học.

Trong tình Tăng thân

Gia đình Cây Mai chúng tôi được đi làm vệ sinh chung, được phân loại rác, được ăn chung và cùng đi chơi chung ở đồi hoa hướng dương trong “ngày làm biếng”. Chúng tôi đã cùng ngồi có mặt bên nhau để tập hát những bài thiền ca như Để Bụt thở, để Bụt đi, Hạnh phúc là đây… và chơi những trò chơi dân gian mà tôi từng được chơi từ hồi còn nhỏ xíu. Những lúc như vậy, ai cũng vui tươi, cũng cởi mở hết lòng, vì ở đó chỉ còn lại hai từ Tăng thân là duy nhất để có thể hiểu và dung thông trong một mãnh lực vô hình mang tên ý thức. Người xuất gia chúng tôi luôn thầm hiểu: ở quyền lực thì người ta dùng cái tôi (ngã) để biểu hiện, còn ở đạo lực thì phải dùng tình thương và lòng từ để đối đãi.

Từ gia đình Cây Mai, tôi đã kết duyên thêm được những người huynh đệ có cùng một hướng đi và lý tưởng, chúng tôi đã cùng có mặt cho nhau trong những cuộc hẹn hò ở mỗi buổi sớm mai tại đồi An Bang để uống trà và ngắm bình minh bằng im lặng hùng tráng và “an bình an” trong từng nụ cười, hơi thở nhẹ với tách trà đầy khói được ôm trọn trong lòng đôi bàn tay hoa sen trước khi bắt đầu thời công phu thiền tọa, thiền hành chung với đại chúng.

Thật sự tôi rất ít khi xúc động đến rơi lệ chỉ vì cảm thấy mình hạnh phúc, nhưng ở khóa tu này, tôi đã nhiều lần không thể cầm được dòng nước mắt hạnh phúc, vì thấy mình được dự phần vào gia đình của Tăng thân, của những người con Thích tử, hòa cùng dòng chảy bất diệt của giáo pháp thiêng liêng mà chư Phật, chư Tổ đã truyền giữ.

Giác Minh Luật

Học được rất nhiều…

- Khóa tu là cơ hội để xây dựng nên tình Tăng thân, là khoảng thời gian để Tăng Ni trẻ tưới tẩm thêm chất liệu cho hạnh nguyện xuất gia. Tuy chỉ diễn ra trong vòng 7 ngày nhưng chúng tôi đã học được rất nhiều điều; từ công tác tổ chức, giải đáp những vấn đề xung quanh đời sống Tăng Ni và Phật giáo hiện nay với thời đại công nghệ hóa, vận dụng phương thức hoằng pháp trong thế kỷ mới...

Đến với khóa tu chúng tôi thấy được gần hơn, được vui chơi và tu học trong tinh thần hiểu và thương, trong sự cảm thông và sẻ chia của tình huynh đệ. Thiết nghĩ, phương pháp thực tập chánh niệm nếu được áp dụng rộng rãi sẽ giúp ích được cho rất nhiều người, đặc biệt là những “người bận rộn”, những người đang thở nhưng chưa cảm nhận được sự mầu nhiệm của hơi thở và nó cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống chánh niệm của người xuất sĩ.

Thích Quảng An

- Tại khóa tu, chúng tôi được thiền tập, được chơi, được cùng nhau chia sẻ trong năng lượng bình an của tình huynh đệ; chạm tới những vấn đề mang tính thời đại như vai trò của người xuất gia trẻ trong việc dấn thân phụng sự, cách tổ chức khóa tu cho giới trẻ để mang lại nhiều kết quả...

Sau khóa tu, chúng tôi cũng muốn áp dụng những gì mình học được, tu được cho tự thân và hướng dẫn lại cho các bạn trẻ có một môi trường tu học nhẹ nhàng, thật sự trở về với chính mình trong từng hơi thở vào ra, về trở về với Tịnh độ ngay trong giây phút hiện tại mà không phải chờ đến một tương lai xa xôi khác.

Thích Chúc Tâm

- Đủ duyên, tôi được về Làng Mai tham dự khóa tu xuất sĩ mở rộng 2018 với một tâm trạng thật hoan hỷ khi trước mắt tôi là khung cảnh thật giản dị và yên bình, giống như câu nói mà tôi đã nghe Thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ: “Đi để trở về, đến để thương nhau nhiều hơn”.

Nơi đây, quý thầy, sư cô ai cũng hòa đồng và vui tươi, với những nụ cười tỏa sáng. Chính nhờ hình ảnh đó mà trong suốt khóa tu tôi luôn tập quán sát tâm mình, tập cho bàn chân của mình được nối gót theo bước chân an lạc của Thầy và Tăng thân...

Thích Chánh Minh

>>> Xem thêm bản tin và chùm ảnh về khóa tu "Khắp chốn thảnh thơi"

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày