Cảm ứng đạo giao

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tôi quy y Phật pháp đã được gần 20 năm. Con đường học Phật của tôi lắm truân chuyên trắc trở. Vốn xuất thân từ một gia đình có thờ Phật nhưng không hiểu sâu về Phật pháp, kết hợp với sự giáo dục của xã hội ở những năm thuộc thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tôi có một quan niệm sống rất cực đoan, không tin vào nhân quả, thiện ác. Đối với mọi người, tôi tôn trọng và hết lòng giúp đỡ khi cần, nhưng đối với loài vật, đặc biệt là những loài vật hoang dã tôi rất thích săn bắt chúng. Đó là thú vui bắn chim, câu cá. Hình như tập khí giết hại sinh vật trong tôi rất mạnh. Chính những thú vui đó khiến tôi bị trả quả báo nặng nề, bệnh tật triền miên, vợ có thai mấy lần đều hư hết, nhưng tôi đâu biết nguyên do vì sao, chỉ biết trách số phận của mình mà thôi. May mắn là tôi có một người bạn, bạn ấy là một Phật tử. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng tôi cũng đi theo bạn đến chùa. Lúc đầu đi chùa chỉ để xem lễ cúng và ăn cơm chay. Về sau tôi tiếp xúc lần lần với những lời giảng pháp của các thầy, cô, những bài kinh kệ… Tôi đến với Phật pháp lúc nào không hay. Có một điều lạ là sau vài năm đi chùa lễ Phật, bệnh tật của tôi giảm dần, vợ tôi sinh được một đứa con khỏe mạnh. Hiểu được luật nhân quả, thiện ác, tôi không còn ham thích, thực hiện chuyện săn bắt câu cá nữa. Hàng đêm tôi vẫn sám hối việc mình làm trước đây.

Rằm tháng Tư (1990), tôi thỉnh ảnh Phật Thích Ca và Bồ-tát Quán Thế Âm về thờ. Mỗi đêm trước bàn thờ Phật tôi mặc áo tràng, lạy Phật ba lạy, sau đó ngồi thiền 45 phút. Xả thiền xong, tôi tiếp tục ngồi kiết già tụng chú Đại bi bảy biến. Ngủ đến 4 giờ sáng tôi thức dậy hành thiền, tiếp tục đọc Thập chú mỗi bài năm biến. Ban ngày, lúc rảnh rỗi công việc, tôi lấy kinh ra đọc để hiểu điều Phật dạy. Tôi chỉ đọc mà không tụng vì tôi rất bận rộn (tôi là thầy thuốc). Đọc, học, hiểu, sống theo lời Phật dạy, tôi thấy cuộc sống của mình càng ngày càng an lạc.

Đến năm 2005, tôi bỗng có một ước muốn được thỉnh tượng của Phật Thích Ca và Bồ-tát Quán Thế Âm về thờ, nhưng muốn là một chuyện, được hay không là chuyện khác. Nơi tôi ở là một vùng quê hẻo lánh, tìm thỉnh được một tượng Phật không phải là chuyện dễ. Rằm tháng 10, cơn bão số 8 ập vào miền Nam trong đó có tỉnh Bến Tre, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản. Nhà tôi cũng nằm trong vùng cơn bão đi qua nhưng may mắn chỉ tróc 3 tấm tole lợp chuồng gà, rụng độ một chục tàu lá dừa mà thôi. Đi quan sát xung quanh xã nhà và các xã lân cận, thấy cảnh cây cối ngã đổ, bật gốc, nhà cửa, trường học tan hoang, tôi thấy lạ vì sự may mắn của mình.

Đêm rằm, tôi ngủ trong bầu không khí ẩm thấp của cơn bão vừa đi qua. Trong giấc mơ, bỗng nghe tiếng nói vang rền trên không trung: Hãy đến miếu thần ấp Phủ sẽ được như nguyện. Tiếng nói ấy lặp lại 3 lần rồi vắng bặt. Tôi bật ngồi dậy, lấy làm lạ về giấc mơ của mình.

Sáng hôm sau, tôi và vợ tôi sửa soạn bàn thờ để cúng giỗ bà nội, chợt nhớ đến giấc mơ đêm qua, tôi lấy xe gắn máy chạy đến ấp Phủ (cách nhà tôi độ 3 cây số) cảnh vật tiêu điều, cây cối xơ xác, lá dừa rụng như bị ném bom. Vừa quẹo vào cổng miếu thần của ấp Phủ, tôi thấy có mấy người lúm xúm nhặt dọn những cành cây nằm vương vãi trên mặt đất. Tôi dựng xe, nhìn vào trong miếu thì thấy có hai bức tượng Phật màu vàng rực để trên bàn thờ thần, tôi hết sức ngạc nhiên, hỏi những người đang dọn dẹp: “Các anh ơi, cho tôi hỏi, sao bàn thờ miếu mà lại để tượng Phật như vậy?”. Họ trả lời: “Không biết ai lén để hai tượng Phật vào đây, có lẽ họ thỉnh về thờ nhưng không thờ được nên lén bỏ vào, tụi tui rất rầu, dẹp thì không biết để đâu, còn để như vầy chắc ông thần miếu bỏ đi mất, lấy ai hộ trì cho dân ở ấp này”. Trong bụng mừng khấp khởi, tôi bèn nói: “Tôi là Phật tử, tôi đang mong muốn có tượng Phật để thờ, các anh có thể cho tôi thỉnh về thờ được không?”. Họ vui mừng ra mặt, đồng ý liền. Người lấy giấy báo ra gói, người lấy túi ny-lông ra để đựng tượng Phật. Đó là hai pho tượng Phật Thích Ca và Bồ-tát Quán Thế Âm cao khoảng hai gang tay người lớn, còn mới nguyên, óng ánh sắc vàng rất đẹp. Tôi vào miếu thắp nhang xá ba xá cám ơn.

Lên xe, ôm tượng Phật và Bồ-tát ra về, lòng tôi mừng vô hạn vì lòng mong cầu của mình đã được đáp ứng. Về đến nhà, đặt hai pho tượng Phật lên bàn thờ cắm bó hoa tươi vào bình, dọn dĩa trái cây, ba ly nước chín, tôi đốt nhang và quỳ lạy một cách thành kính. Niềm vui như một dòng suối chảy êm đềm trong tôi, còn có cái vui nào bằng niềm vui cảm ứng đạo giao của người tu theo Phật pháp. Đối với tôi, hai tượng Phật và Bồ-tát này là tài sản vô giá trên thế gian. Cho đến bây giờ khi viết những dòng chữ này tôi vẫn còn thờ hai bức tượng trên với một niềm thành kính và biết ơn.

Riêng về miếu thần ở ấp Phủ sau này khi trùng tu tôi có đóng góp tiền và tặng hai chậu kiểng lớn. Ban Quản lý có mời dự lễ cúng hàng năm nhưng tôi không đi vì họ cúng thức ăn mặn, không phù hợp với chủ trương cấm sát sanh của Phật giáo, vả lại đối với các vị thánh thần, “kính nhi viễn chi” là tốt hơn cả.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày