Cần phải làm gì khi bị stress và quá tải công việc?

GN - Trong xã hội hiện đại ngày nay, sự chi phối và phân tán về mặt tinh thần ngày một lớn dần, sự bận rộn ngày một gia tăng và stress theo đó cũng leo thang. Thêm vào đó, sự quá tải thông tin, tốc độ của sự thay đổi và trách nhiệm, kỳ vọng vào vai trò của mỗi người trong công việc, cuộc sống cũng ngày một lớn hơn lên.

a PGTT.jpg
Dành thời gian để nhìn lại tự thân, thở nhẹ, đừng đuổi theo "chiếc bóng" bận rộn, phiền não - Ảnh: Pixabay

Tất cả những điều này, tại một thời điểm nào đó, làm cho chúng ta cảm thấy quá tải và kiệt sức, dẫn đến sự bức bối và bất ổn tâm lý, có khi nghiêm trọng tới mức ta cảm thấy bế tắc và mất động lực sống và làm việc.

Và xu hướng chung là những mối quan ngại này không hề chậm lại, vì thế có được công cụ điều chỉnh sự phản hồi lại những vấn đề này là điều vô cùng cấp thiết. Từ góc nhìn của tác giả Susan Pearse - chuyên gia tâm lý học và nhà hoạt động xã hội trên tờ Huffington Post, dưới đây là 8 bí quyết giúp lấy lại khả năng kiểm soát, giải tỏa stress và vượt qua sự bức bối, quá tải trong công việc và cuộc sống để có được trạng thái an nhiên, bình tĩnh.

Hít thở, tạm dừng và tái thiết lập

Mỗi ngày diễn tiến với quá nhiều nhiệm vụ, hết cái này đến cái khác sẽ làm cho đầu óc trở nên căng thẳng vào cuối ngày. Khi nhiệm vụ kết thúc, chúng ta lại liên tiếp nghĩ về danh sách mớ việc phải làm tiếp theo - đó dường như là biểu hiện chung của cuộc sống mỗi người ngày nay. Thậm chí giờ ăn trưa cũng bị làm phiền và xén bớt bởi công việc: ăn ngay trên bàn làm việc và không có thời gian để thưởng thức món mình đang ăn.

Đôi khi bạn cần phải chậm lại một nhịp. Hơi thở là sức mạnh giúp bạn trấn tĩnh. Hít thở giúp “trút cạn” những suy nghĩ trong đầu, tái thiết lập sự phản hồi tích cực với stress và giúp bạn bình tĩnh hơn. Hãy hít thở sâu trong vòng 6 giây và thường xuyên hít thở như vậy trong ngày làm việc.

Bước ra ngoài (khỏi phòng làm việc), hít thở không khí trong lành, tươi mới sẽ cho bạn thêm năng lượng để tiếp tục.

Cho mình chút thời gian nhàn rỗi

Trong một ngày, hãy tự dành cho mình những phút nhàn rỗi thay vì đắm vào các hoạt động. Sự tập trung của chúng ta cần thời gian để ngơi nghỉ và phục hồi. Đây là bí quyết góp thêm vào sự thành công của những người làm việc hiệu quả và có thành tựu lớn trong cuộc sống.

Giả như bạn quá bận rộn thì cũng nên tìm cách tranh thủ những phút thư giãn, dù là ít ỏi. Ví dụ như khi ở trên các phương tiện di chuyển công cộng, chờ họp hay chờ phục vụ tách cà-phê sáng; thay vì mải miết với điện thoại và các phương tiện khác với ý nghĩ tận dụng thời gian cho công việc thì hãy cho sự tập trung của bạn được nghỉ ngơi những lúc ấy.

Hãy thoải mái nhìn ngó xung quanh và làm quen, trò chuyện với ai đó gần cạnh bạn và bạn sẽ cảm nhận được năng suất của ngày làm việc hôm đó.

Chỉ tập trung vào những việc cần thiết

Sự quan tâm và tập trung của chúng ta rất quý giá và là nguồn tài nguyên có hạn. Về mặt vật lý, chúng ta không thể tập trung vào tất cả mọi thứ. Sự quan tâm của chúng ta vốn được “thiết kế” cho những điều trọng yếu nhưng thực tế lại bị “đánh cắp” bởi những gì “ồn ã” nhất đang diễn ra xung quanh.

Hãy phản hồi hai điều sau: Thứ nhất, hãy chỉ nghĩ về 5 điều quan trọng nhất của cuộc đời bạn. Tiếp theo, hãy nghĩ về 5 điều “chiếm hữu” nhiều nhất sự tập trung của bạn. Nhìn lại xem 5 điều của hai câu hỏi có trùng khớp nhau không? - Nếu không, hãy tìm sự cân bằng cho chúng. Và đừng quên luôn tự nhắc nhở mình: Đâu là điều quan trọng nhất với tôi ngay lúc này?

Chỉ tập trung vào điều mình có thể kiểm soát

Với mỗi người, phần lớn các suy nghĩ đều “được” dành cho những điều ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Đó có thể là điều gây khó chịu cho ta, hoặc liên quan đến việc ta muốn thay đổi hành vi của ai đó hoặc lo lắng về những điều mà có thể sẽ không xảy ra... Thật ra, khi dành tâm trí cho những điều này là ta đang phí phạm thời gian và sự tập trung, thậm chí chúng còn kéo ta đi xa khỏi những việc thật sự cần sự tập trung của chúng ta.

Lúc ấy, hãy tự hỏi mình: Tôi có thể kiểm soát được điều này không? hay: Tôi có làm thay đổi được điều này không? - Nếu có thể, thì hãy làm điều gì đó. Còn nếu không thể thì đừng để chúng ở lại trong suy nghĩ của bạn.

Tập trung vào những điều “nuôi dưỡng” ta chứ không phải làm ta “suy yếu”

Từ “quan tâm” (tiếng Anh là pay attention) ngụ ý rằng bạn sẽ “lấy lại” được điều gì đó sau sự quan tâm kia. Giả như khi bạn trả tiền (pay) cho người chủ cửa hàng, bạn sẽ nhận về món hàng nào đó. Mọi sự quan tâm của chúng ta đều là sự đầu tư cho một kết quả nào đó.

Do vậy, khi năng lượng bị suy yếu thì hãy cẩn trọng với điều mà bạn đang quan tâm. Liệu điều đó có thiết thực, gần gụi với mục tiêu của bạn hay không? - Hãy chỉ tập trung vào những điều có thể cung cấp thêm năng lượng hoạt động cho bạn trong giây phút hiện tại; hãy kết nối với các cá thể khác, tiếp cận một cách lành mạnh và có mục tiêu để tạo ra sự khác biệt cho bản thân mình.

Hình thành “lộ trình bình tĩnh mỗi sáng”

Sự khởi đầu của một ngày là sự dọn đường cho một ngày hoạt động của bạn. Nếu phải bật khỏi giường và lao ngay vào công việc sẽ bắt đầu, vừa ăn sáng vừa trả lời email… thì chắc chắn ngày hôm đó sẽ diễn ra theo nhịp hối hả. Thay vào đó, hãy làm mọi thứ nhẹ nhàng hơn bằng sự chánh niệm.

Hãy đưa chánh niệm vào lúc bạn dùng trà, lúc tắm rửa hoặc lúc ăn trưa… Tại sao bạn không thử bỏ các thiết bị công nghệ ra khỏi một giờ đầu tiên của ngày mới? Bạn hãy thử và sẽ cảm nhận được hiệu quả quả việc làm này.

Đừng mãi sử dụng từ “bận rộn”

Nếu bạn hỏi ai đó “Bạn thế nào rồi?” thì có thể phần lớn câu trả lời là “Dạo này tôi bận lắm”. “Bận rộn” dường như đã trở thành một “băng nhãn” phổ biến cho các cuộc trò chuyện. Nếu bạn tự mặc định sự bận rộn đó cho mình, bạn sẽ gặp nhiều trở ngại hoặc trở ngại sẽ trở nên lớn hơn.

Bỏ qua ý niệm về sự “bận rộn” này, bạn sẽ thấy mình nhàn nhã hơn. Chỉ bằng việc thay đổi góc nhìn, bạn sẽ có được điều này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày