Cảnh báo nạn đào phá các di chỉ khảo cổ

Nỗi lo canh cánh của giới khảo cổ học về nạn đào phá các di tích và di chỉ khảo cổ học được nhấn mạnh trong hội nghị báo cáo khảo cổ học thường niên 2009.

Mô tả ảnh.
Di chỉ Dục Tú (Đông Anh-Hà Nội)

Trong 2 ngày 24 - 25/9/2009, giới khảo cổ học, các nhà nghiên cứu, các cộng tác viên quan tâm đến khảo cổ học cả nước đã gặp nhau tại Hội nghị Thông báo khảo cổ học lần thứ 44.

Theo PGS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học), khảo cổ học ngày càng đẩy mạnh việc nghiên cứu liên ngành, đa ngành nên đã nhận diện chính xác và khách quan hơn giá trị của từng di chỉ.  Ngành khảo cổ học đã hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt các di sản nhưng không "ngăn cản" sự phát triển của đất nước, như các công trường khai quật lớn ở lòng hồ thủy điện Sơn La, ở 62 - 64 Trần Phú (Hà Nội), ở khu trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội), ở Vĩnh Yên (Khánh Hòa)...

Nhiều kết quả khảo cổ học tiêu biểu trong năm qua đã được "điểm danh" trong phiên toàn thể, như lần khai quật thứ 4 địa điểm Phùng Nguyên đã xác định được khu vực tiềm năng để Bảo tàng Phú Thọ lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di chỉ; khai quật di tích chùa - tháp Kim Tôn đã xác định dấu vết kiến trúc chùa tháp, thu được hàng ngàn hiện vật, là tư liệu quý để nghiên cứu kiến trúc chùa - tháp và nghệ thuật Phật giáo thời Trần.

Cuộc khai quật lần thứ 3 di tích đàn Nam Giao (Thanh Hóa) trên diện tích 3088m2 đã xác định chính xác 3 nền đàn, 3 vòng đàn xây bằng đá, khẳng định đây là đàn tế Nam Giao của vương triều Hồ, là đàn tế cổ nhất còn tương đối nguyên vẹn dấu tích nền móng trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Khai quật chữa cháy di tích kiến trúc trong trường phổ thông cơ sở Dục Tú (Đông Anh- Hà Nội) phát hiện phế tích kiến trúc có dạng vòm cuốn, có thể là đoạn cống của hệ thống công trình kiến trúc khá đồ sộ thời Đông Hán.

Sau lần khai quật  thứ 3 tháp Dương Long (Bình Định) đã phát hiện hai kiến trúc phụ phía tây khu tháp, kiến trúc dạng đài thờ nằm trên trục bắc - nam đối diện ở mặt tây của ba ngôi tháp hiện còn, tương tự kiến trúc đã khai quật ở Cát Tiên. Qua 3 lần khai quật, diện mạo ban đầu của khu tháp đã được tìm hiểu gần như nguyên vẹn.

Nỗi lo canh cánh của giới khảo cổ học về nạn đào phá các di tích và di chỉ khảo cổ học cũng được nhấn mạnh trong hội nghị lần này, bởi "Nếu không có di tích, di chỉ có nghĩa là khảo cổ học sẽ "chết" như lời PGS Tín. Một ví dụ cụ thể là khu di tích Bờ Lũy (Quảng Ngãi - Bình Định), thuộc loại di tích dài hiếm hoi tới gần 300km, năm nay đã được khai quật thám sát khảo cổ học với sự hợp tác của Viện Viễn đông Bác cổ. Nhóm nghiên cứu "khẩn thiết" kiến nghị xếp hạng di tích quốc gia để tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích thành lũy được xây dựng vào thời Gia Long với sự "hợp tác" của cả người H're (người Thượng) và người Kinh.

Luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung được thông qua trong năm 2009 và có hiệu lực từ 1.1.2010 được kỳ vọng sẽ tạo cơ sơ pháp lý hữu hiệu để giới khảo cổ học tham gia tốt hơn vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày