GN - “Như gốc cây già trơ trụi, bỗng trổ hoa mầm sau những năm tháng đằng đẵng…” - Tự sự của Cao Huy Hóa trong lời thưa đầu sách “Đất lành” - hoa của đời người, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành - chân thật và khiêm tốn, như tính cách của ông ở ngoài đời, người đi trọn con đường của một nhà giáo.
Bìa cuốn Đất lành của Cao Huy Hóa
“Bến sông Hương”, “Hoa cúc và mứt gừng”, “Hoa dại”, “Đạo Phật cho em bé”, “Quét tâm”, “Ngôi chùa thân yêu”, “Nhớ rằm, mồng một”, “Thăm chùa trên đất Mỹ”, “Đất khách quê người, “Cửa sổ và chân mày”…, những câu chuyện rất đời, trong sáng, phảng phất hương đạo, được Cao Huy Hóa kể rất có duyên, bên chén trà, dưới hiên nhà, không gian tĩnh và hiền của cố đô.
… “Trên đường về, tâm hồn thơ thới, cho dù trăng sáng hay rả rích mưa, cho dù trời dịu mát hay trở gió mùa Đông bắc; đến trước ngõ tôi vẫn thấy phảng phất mùi hương, đúng là các chị buôn bán nhỏ bên lề đường mới thắp hương khấn vái đâu đây. Như thế, tôi đã hưởng trọn vẹn ngày rằm, mồng một thật ý nghĩa: buổi trưa lễ Phật ở nhà, cúng cha mẹ, buồi tối đi chùa, lạy Phật, cung kính Ni sư, gặp được những Phật tử thuần thành như cha mẹ mình hồi trước thế thì làm sao tôi không nhớ ngày rằm, mồng một?” (Nhớ rằm, mồng một).
Sách gồm 25 câu chuyện tuyển chọn từ nhiều tản văn của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí Phật giáo, bố cục trong ba phần: Hương đạo, Chùa gần chùa xa và Tản mạn chuyện đời.
Chuyện chùa, chuyện đời, chuyện cây cỏ, nếp sống tâm linh của các chị buôn bán nhỏ bên lề đường… qua sự trải nghiệm của Cao Huy Hóa, thành câu chuyện tâm tình đượm chất đạo, đầy tình người. Như chính ông đã bộc bạch: “Khơi nguồn trong tôi là cuộc sống xung quanh và cuộc đời mình, vào lúc tuổi đã bộn bề khiến mình chín chắn hơn, bình thản hơn, và sau những biến cố lịch sử để lại vết hằn cho hết thảy mọi người. Nhưng bàng bạc trong tôi vẫn là đạo Phật, mà tôi đã thấm nhuần từ nhỏ, và khi tuổi càng cao thì chất đạo đi vào lối sống, cách cảm nhận cuộc đời, và chắc đã ươm mầm, tưới tẩm lên những trang viết của tôi”.