GNO - Đại học Mumbai được yêu cầu hoàn trả lại khoản tài trợ xây dựng trung tâm nghiên cứu Phật học vì việc xây dựng trung tâm không được trường triển khai dù Ủy ban Tài trợ đã giải ngân tài trợ cho dự án này.
Cách đây 5 năm, kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu Phật học thuộc trường Đại học Mumbai đã được đệ trình lên Ủy ban Tài trợ. Mặc dù trường có đủ tiềm lực và điều kiện để thành lập trung tâm như tài chính, đất đai, nhân sự và đội ngũ có tâm huyết nhưng việc xây dựng không hề được triển khai sau đó.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà trung tâm nghiên cứu vẫn chưa được ra đời và ban giám hiệu trường cũng không giải trình một cách thỏa đáng về vấn đề này. Từ năm 2010 đến 2012, đã có ba cuộc họp do Ủy ban Tài trợ tổ chức để cập nhật báo cáo việc xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu Phật học tại Ấn Độ nhưng các đại diện của Trường Đại học Mumbai đều vắng mặt. Cuối năm 2012, Ủy ban Tài trợ đã chính thức có quyết định cho vấn đề này.
Cuối cùng, các trưởng khoa của trường trả lời phóng viên, cho biết không khoa nào biết mình được giao cho nhiệm vụ thành lập và vận hành trung tâm. Trường có các khoa liên quan như: Lịch sử cổ đại, Triết học và Pali… Các trưởng khoa cũng cho biết là chưa có cuộc họp nào được tổ chức để đánh giá tính khả thi của dự án cũng như xác định khoa nào sẽ tham gia vào dự án này.
Tính đến giờ, Ủy ban đã tài trợ 15 trung tâm nghiên cứu Phật học, theo chương trình “Kỷ nguyên của những con người tư duy Ấn Độ”. Ủy ban cũng yêu cầu các trường đại học chủ quản các trung tâm nghiên cứu Phật học phải có những nghiên cứu, báo cáo và đề xuất, ứng dụng các ý tưởng, kết quả nghiên cứu vào việc tái kiến trúc mặt bằng đạo đức, tinh thần của xã hội.
Các trường đại học thực hiện tốt các công tác này là Đại học Banaras Hindu, Delhi và Đại học Pune. Các trung tâm nghiên cứu Phật học của những trường này đã thu hút nhiều du học sinh quốc tế từ Đông Á và Đông Nam Á đến tham gia học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, Trường Đại học Patna và Nalanda sẽ khởi động việc thành lập trung tâm nghiên cứu Phật học của mình trong năm học tới.
Trần Trọng Hiếu
(Theo The Buddhist Channel)