Cầu đạo

Cầu đạo

Tôi chưa hiểu gì về đạo  nhưng mỗi lần thấy bóng  người tu trong lòng rất   thích. Năm 13-14 tuổi tôi đã có mộng muốn đi tu và điều này cứ ám ảnh tôi mãi. Sau đó tôi ra nhà bác trọ học. Gia đình bác rất mộ đạo. Ba tôi phát hiện tôi có ý thích đi tu nên không cho ở nhà bác nữa. (Do vậy lúc khởi ý định xuất gia tôi đã không dám thân cận hay liên hệ bác, vì sợ ba tôi sẽ giận lây đến bác).

Khi tôi thi đậu vào Đại học Sumy của Nga, bạn bè trang lứa đều xuýt xoa bảo: -“P sướng quá!”... Nhưng lúc này, ý niệm xuất gia càng cháy bỏng trong tôi; tôi thưa với mẹ, xin phép được đi tu; tất nhiên, mẹ tôi không đồng ý.

Tôi nói:

- Con xin tu mẹ không cho, sau này con lập gia đình, con khổ... là tại mẹ!

Mẹ bảo:

- Mẹ nuôi mày ăn học, không phải để cho mày đi tu. Tu là bất hiếu!

Ý nghĩ đi tu cứ thôi thúc mãi, đến độ tôi không thể làm gì, nhưng thời gian này gia đình tôi xảy ra chuyện không may. Tàu viễn dương của nhà tôi bị đắm, do tài xế ngủ gục, lái tàu đâm vào cồn khiến nhà tôi mắc nợ và có nguy cơ bị phá sản. Cả nhà đều rất buồn, do vậy tôi không dám đề cập đến chuyện tu. Tôi định bụng, chờ gia đình nguôi ngoai cơn buồn, tôi sẽ bày tỏ ý mình.

Được một thời gian lâu, ba mẹ tôi đã dần trả xong hết nợ, kinh tế gia đình đã có vẻ khả quan, lúc này tôi quyết định trình cho ba mẹ biết. Thế là tôi viết đơn:

ĐƠN XIN ĐI TU

Kính gởi ba mẹ,

Con đứng tên dưới đây là N.T.P, sau 18 năm được ba mẹ nuôi nấng trưởng thành, nay con thấy mình đã lớn khôn và có thể chọn hướng đi cho đời mình. Hiện thời con rất khao khát muốn được xuất gia học đạo, cúi xin ba mẹ thương xót chấp thuận cho con. Con nguyện sẽ cố gắng hết mình để không phụ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ.

Ký tên  

N.T.P

Con xin chữ ký chấp thuận  của cha mẹ

Tôi đưa đơn cho ba, ông xem xong, xé toạc lá đơn đi, bảo:

- Nuôi con bao nhiêu năm, không phải để đi tu. Đi tu là chạy trốn trách nhiệm, là bất hiếu!

Ngừng một lúc, ông nói tiếp:

- Người ta làm sao mới phải đi tu, cả vùng này có ai bằng con không, mà con đòi bỏ đi tu?

(Nhà tôi trước đây rất khá, có thể nói là giàu có. Chỉ khi tàu viễn dương bị đắm, kinh tế mới suy. Ba mẹ tôi rất thương con, dốc lòng nuôi chúng tôi ăn học, không hề để chúng tôi phải cực nhọc làm gì).

Phần các anh chị, ai cũng cho tôi là khùng! Đầu óc tôi có vấn đề...

Sau đó cả nhà cứ tra gạn, hỏi tôi có buồn gì gia đình không mà đòi đi tu?

Tôi đáp: - Không!

Tôi kể rằng ngay từ nhỏ tôi đã thích đi tu rồi. Tôi muốn đi tu để báo hiếu cha mẹ. (Bởi vì tôi từng đọc truyện Mục Kiền Liên và rất có ấn tượng, xúc động vì câu chuyện này).

Ba mẹ nghe tôi giãi bày liền bảo:

- Không cần như thế, muốn báo hiếu, thì hãy ở nhà với ba mẹ.

(Ba mẹ tôi có năm con: hai trai ba gái, tôi kế đứa em trai út, nhưng tôi rất hợp với ba).

Từ giây phút nghe tôi xin đi tu, ba tôi buồn lắm, không thể làm gì, mãi tới hôm sau ông mới đi làm.

Tối đó, tôi thảo lá thư từ biệt. (Lúc này tôi đã 18-19 tuổi).

Kính thưa ba mẹ,

Sau khi ba mẹ nhận được thư này, cũng có nghĩa là con đã đi xa, tìm thầy học đạo rồi. Trong suốt thời gian qua con được ba mẹ nuôi dưỡng, con rất biết ơn ba mẹ về điều đó.

Con biết rằng dù con có xin nhiều lần ba mẹ vẫn không cho, nên con bắt buộc phải ra đi mà không lời từ biệt. Nếu ba mẹ thương con xin đừng tìm con, xem như con đã chết rồi. Nếu một ngày nào đó, ba mẹ hiểu cho con, đủ duyên thì mình gặp lại.

Kính thư,

Đứa con bất hiếu

Mọi lần, đi đâu tôi đều không thắp nhang, nhưng lần này tôi thắp nhang hết các bàn thờ, âm thầm lễ biệt tổ tiên. Sau đó tôi xin mẹ cho tôi qua nhà cô chơi. Tôi nhờ người cháu chở đi. Theo kế hoạch, tôi ghé bưu điện nhờ nhỏ bạn chuyển thư cho gia đình giùm.

Sau này tôi nghe kể là ba mẹ đã khóc khi đọc thư. Ba tôi bỏ ăn mấy ngày, buồn suốt.

Bước đầu, tôi đến một ngôi chùa Ni ở Hải Phòng học đạo và ngụ tại đó một tháng. Tôi thắc mắc rất nhiều vì thấy sinh hoạt ở đây lạ quá và có cảm giác mình không thích hợp.

Chùa không ngồi thiền, tụng kinh hay niệm Phật, mà chuyên viết sớ. Tôi buồn vì thấy mình bỏ ba mẹ đến đây, bỗng hóa thành thầy đồ. (Tôi phải viết sớ từ 7g sáng tới 3g khuya mà vẫn chưa được ngủ, buồn ngủ bắt chết). Hai cô Ni trong chùa, một người đồng ý cho tôi ngủ, một người thì không, thế là họ cãi nhau.

Sư trụ trì là sư X, đối với tôi rất tử tế, sư bảo tôi cứ ở đây tu, sư hiện có một ngôi chùa to, xây tốn rất nhiều tiền, sau này sẽ cho tôi đến đó ở.

Tôi thưa:

- Con muốn đi tu không vì ham chùa to Phật lớn. Con thấy người tu giống Phật nên con kính mộ muốn đi tu. Con có hai thắc mắc, nếu sư giải đáp ổn thỏa thì con xin ở lại tu.

Rồi tôi hỏi:

- Từ ngày con đến đây, thấy chùa thường xuyên viết sớ. Thế thì, nếu có tên trộm hay kẻ cướp nào phạm pháp, đến nhờ sư viết sớ cầu an, vậy nó có tránh được pháp luật không?

Sư đáp:

- Thầy biết chuyện này không đúng, nhưng phải làm thế cho họ yên tâm. Nếu chùa không làm vậy, thì họ không đến chùa gieo duyên.

- Tại sao chùa không hoằng pháp lợi sinh, lại để cảnh đồng bóng phát sinh như thế?

- Đấy là người ngoài đến làm, chứ thầy không chủ trương...

Điều này làm tôi đau lòng. Tôi không muốn chứng kiến cảnh tượng như thế nữa. Tôi ở lại chùa thêm mấy ngày, sau đó có thêm những tin không hay, một vị tu sĩ do không thâm nhập đạo nên hướng ngoại và làm điều tự hại, khiến tôi càng thất vọng và tôi rời chùa.

Do tôi trốn nhà đi bất ngờ nên không có tiền bạc gì, chỉ mang theo nữ trang mẹ cho. Vật kỷ niệm của mẹ tất nhiên là tôi rất quý và nghĩ không bao giờ mình bán đi. Nhưng bây giờ tôi đang cầu đạo thì nữ trang đâu dùng nữa? Vả lại, tôi đang cần tiền trang trải lộ phí thì bắt buộc phải bán thôi, tôi bán hết nữ trang được một số tiền khá lớn (vàng lúc đó 500 một chỉ, tôi bán được ba triệu rưỡi). Nhưng lúc tôi đến chùa, tôi đã trích cúng dường dần, còn quý cô ai hỏi vay mượn, tôi đều biếu tất. Vì vậy mà khi rời chùa, trong túi tôi chỉ còn vài trăm ngàn. Nghĩ tiền không đủ dùng nên tôi nhờ bạn tìm việc hộ... Bạn xin được việc trong một quán cơm, thế là tôi đến đó rửa chén.

Mới đầu chủ quán rất quý tôi, nhưng sau thấy tôi làm việc chậm quá, họ hết hào hứng. Làm được mười mấy ngày, tôi lãnh được vài trăm ngàn, tôi nghỉ việc và tiếp tục đi cầu đạo.

Ngôi chùa thứ hai tôi đến, là ngôi chùa Ni của sư Y ở Hà Nội (chùa này cách quê tôi 170km). Khi tôi đến xin tập tu, sư Y nhận liền, sư rất tử tế và thương tôi. Sư hay làm từ thiện, đi đâu cũng dẫn tôi theo, còn hứa sẽ cho tôi sang Đài Loan tu vì em gái sư có chùa ở bên đó. Nhưng tôi không quan tâm. Do tôi đang còn là cư sĩ mà được sư ưu đãi thái quá nên Ni chúng trong chùa bất bình và tỏ thái độ không thiện cảm với tôi. Thấy chư Ni sinh ở đây đi học giao du quá thân mật với Tăng sinh, lòng tôi không vui. Tôi tự hỏi: “Liệu môi trường này có giúp ích cho việc tu của mình?”... Còn đang phân vân, ngày nọ tôi điện cho ông anh họ tu ở Hải Dương, mới biết là bà nội đang hấp hối.

Tôi liền điện về nhà thì ngay lúc đó, dưới lầu và trên lầu: chị Hai và ba tôi đồng bắt máy (Do ba tôi không lên tiếng, nên tôi không biết). Bên kia đầu dây, chị tôi giận dữ, cao giọng trách:

- Mày có biết mày làm gia đình khổ lắm không?...

Chưa bao giờ chị gọi tôi bằng “mày”. Nghe chị nói, tôi rơi nước mắt, nghẹn ngào đáp:

- Nếu em làm gia đình khổ thì chị hãy xem như em chưa từng điện về nhà. Chị nhắn giùm với ba mẹ là em hiện vẫn bình an, mong ba mẹ ở nhà được mạnh khỏe.

Tôi định gác máy thì bỗng nghe tiếng ba tôi la chị Hai và ông bảo tôi:

- Con hãy về nhà đi! Bà đang hấp hối.

Tôi hỏi:

- Ba khỏe không?

Ông đáp:

- Không! Ba bịnh rất nhiều!

Tôi thưa:

- Con sẽ về với một điều kiện, nếu ba chịu hứa cho con đi tu...

Ba ôn tồn nói:

- Về đi, rồi cha con mình thỏa thuận...

Trước khi về, tôi ghé chùa ông anh (con bác tôi) trước, anh khuyên tôi không nên đi tu, nếu tôi đi tu mà làm nhiều người khổ quá thì không hay. Anh bảo tôi phải suy nghĩ cho thật kỹ, ráng chờ đợi một thời gian lâu rồi hẳn tính.

Có một thầy nói: - Người nữ tâm hay tật đố,  thấy nhiều cô đi tu rồi cũng ra hết...

Tôi đáp:

- Đó là tại họ! Chứ không phải do Phật...

Lúc này tôi chỉ có 65 ngàn, tôi cúng dường chùa 40 ngàn, anh ngăn lại không cho. Tôi nói: -“Em cúng Tam bảo chứ không cúng anh, nên anh không được từ chối”... rồi tôi bỏ đi.

Trong túi còn 25 ngàn, thấy không đủ đi xe nên tôi cuốc bộ suốt quãng đường dài tới Hải Dương, nghĩ rằng từ đây có thể đón xe đi được rồi, tôi bèn ngoắt xe về Quảng Ninh. Ai ngờ lơ xe đòi 35 ngàn, tôi lúng túng nói mình không có đủ, họ bảo:

- Người thế mà không có tiền ư?...

Có lẽ tội nghiệp tôi nên họ không thu phí. Nhờ vậy tới hồi xuống bến, tôi còn đủ tiền để đi xe thồ về nhà, không phải cuốc bộ.

Hồi nhỏ, có ngôi chùa cách nhà tôi 20km, hễ rảnh là tôi đạp xe lên đó làm công quả, cúng dường, tôi không có nhiều tiền, nhưng được làm công quả và cúng dường Tam bảo chút ít, lòng tôi vui lắm. Ngôi chùa này nằm giữa đồng nên có tên là chùa Đồng. Ông bà tôi rất hay đến đó.

Tôi về nhà, chào ba. Ba gật đầu không nói gì. Sau đó, ông kêu chị tôi dọn cơm cho tôi ăn, tôi thưa: -Để con tự lấy ăn được rồi!

Khoảng thời gian cầu đạo tất nhiên tôi ốm đi nhiều. Xuống bếp, thấy toàn đồ mặn. Mẹ tôi thấy tôi không hề đụng đũa đến, bà rất nóng ruột, chỉ muốn dúi thịt cho tôi, nhưng tôi cương quyết không ăn. Khi làm việc ở tiệm cơm, tôi cũng chỉ ăn cơm với rau.

Dùng bữa xong, tôi lên nhà bác Hai thăm bà nội. Thấy tôi, ông bà nội đều khóc. Ông tôi lúc đó còn khỏe, nhưng bà thì yếu nhiều. Bà nắm tay tôi, bảo:

- Cháu đừng đi tu nữa!

Tôi nhìn bà im lặng, thắc mắc thầm: “Không hiểu sao tới từng tuổi này, bà đang bịnh nặng mà vẫn không muốn tôi đi tu? Có lẽ do bà cả đời sống sung sướng, ít gặp khổ đau, nên bà không có ấn tượng gì về chuyện tu hành chăng? Còn tôi cũng chưa gặp gì khổ, sao lại muốn tu?”... Tôi không giải thích được, chỉ thấy là mình rất thèm đi tu, thế thôi.

Tôi thăm bà một lúc rồi về. Hai hôm sau, mẹ tôi báo tin:

- Bà mất rồi. (Bà thọ 81 tuổi).

Tôi hỏi:

- Phút chót, bà có nhắn gì con không?

- Bà bảo: “Con đừng đi tu”!

 Ngày bà mất, quý thầy Trúc Lâm Yên Tử xuống tụng kinh, vợ chồng bác tôi là Phật tử thuần thành (bác tôi vốn là Hội trưởng đạo tràng Kiên Cố của phái Trúc Lâm Yên Tử).

Tôi dự đám, nghe quý thầy tụng kinh Bát Nha nghĩa. Trong lòng rất thích. Ông nội thấy tôi thích liền đưa cuốn kinh Bát Nhã cho tôi, nhưng là Bát Nhã âm, tôi nghe không hiểu, nên chỉ thích Bát Nhã nghĩa. Tôi thấy quý thầy tụng kinh oai nghiêm và uy nghi lắm. Lời kinh cuốn hút, khiến tôi xúc động vô cùng, lại càng ưa đi tu.Sau đám bà, thấy ba buồn, nên    tôi đành đợi ba nguôi ngoai.   Tôi thưa: -“49 ngày của bà,
               ba mẹ nên cúng trên Yên Tử”...  Tôi cũng theo cúng đám và nhân cơ hội này trốn nơi nhà khách Ni Yên Tử, ba mẹ tìm mãi không được. Tôi nhờ bác nhắn ba mẹ đừng tìm, vì tôi quyết tâm ở lại tu, không về.

Vài ngày sau, mẹ và chị lên núi kêu tôi về có việc. Tôi về nhà, dự cuộc họp mặt đại gia đình. Các anh chị con bác khuyên tôi:

- Đừng làm ba mẹ khổ! Chưa báo hiếu được gì, không nên làm song thân phiền muộn thêm!

Ba tôi bảo:

- Giờ con hãy chọn một trong hai:  Nhận gia đình hay là nhận chùa?

Tôi im lặng một lúc rồi thưa: - Con xin nhận chùa!

Hôm sau nhà có giỗ. Ba bảo tôi nên ở lại làm việc phụ ông 3 năm rồi sẽ cho đi tu.

Tôi nói: - Đợi ba năm nữa sợ con không còn sống tới đó để tu, vì đời vô thường, mạng người trong hơi thở... Lòng con đã quyết rồi, xin ba cho con được phép lên Yên Tử tu tiếp...

 Quý thầy Yên Tử hỏi tôi:

- Nhắm có tu nổi không?

Hình ảnh các tu sĩ và thời khóa tụng niệm nơi đây khiến tôi rất thích. Tiếng mõ chuông vang vọng giữa núi rừng có cái gì đó thật cảm động và cuốn hút. Nhất là tiếng Đại hồng chung, mỗi lần nghe hồng chung ngân là lòng tôi bồi hồi, càng muốn xả tục xuất gia.

Nhờ quý thầy biết gốc gác tôi nên mới cho ở. Tôi ngụ tại nhà khách Ni Yên Tử hơn bốn tháng. Một hôm thầy phó gọi tôi lên, bảo:

- Thầy sẽ gởi con vào Trúc Lâm Đà Lạt...

Nghe thầy nói sẽ gởi mình đi, lòng tôi bùi ngùi. Có lẽ tôi đã quen bầu không khí ở đây. Nhất là mấy cái tháp quanh nơi này, có cái gì đó khiến tôi cảm thấy lưu luyến, vương vấn âm thầm, mỗi lần nhìn các ngôi tháp là lòng tôi lại trào dâng những cảm xúc khó thể diễn tả.

Tôi nằn nì:

- Xin thầy cho con ở thêm tháng nữa.

Hết hạn, tôi khăn gói đi, quý thầy cho tôi tiền, sách, bồ đoàn tọa cụ... quý thầy đối với tôi thật tử tế và từ bi.

Dạo đó, thầy Thông Quán, thầy Tịnh Thuần thường kể về Viên Chiếu và khen ngợi, nhắc nhiều tới cô Đức, lúc đó tôi không biết cô là trụ trì Viên Chiếu.

Khi tôi xin đi tu, quý thầy đã viết thư đưa tôi cầm vào trao cho cô Hạnh Như.

Tôi chào quý thầy rời Yên Tử, quý thầy khuyên tôi ráng tu. Thầy Thông Quán cho tôi dép, dầu gió, khăn quàng, túi đựng y...

Tôi về nhà lạy từ biệt song thân, nhưng ba mẹ ngăn không cho lạy, nên tôi chỉ xá...

Tôi thưa:

- Ngày mai con đi, không biết bao giờ mới về...

Quay qua các anh chị em, tôi gởi gắm:

- Xin anh chị thay em chăm sóc ba mẹ giùm.

Cả nhà đều im lặng, buồn bã. Tôi xách gói đi, không ai nói gì.

Tôi leo lên xe thồ, quay lại thấy cả nhà đều ra trước hiên đứng tiễn, dõi mắt nhìn theo.

Tôi ngoái nhìn gia đình, nhìn ngôi nhà mình từng ở từ thuở bé đến giờ, lòng bùi ngùi, nghe tình thương thân quyến dâng cao, dào dạt... nhưng tôi nén lòng quay đi. Càng xúc động bao nhiêu, tôi càng quyết tâm tu bấy nhiêu.

Đến Yên Tử, tôi nhận được tiền của ba và ông nội gởi cho. Thật ra, ông nội đã gởi cho trước đó rồi. Ba còn gởi cho tôi cái cặp táp.

Lúc ở Yên Tử có một chị bạn cũng phát tâm đi tu và hứa sẽ cùng vào Đà Lạt với tôi. Ba mẹ biết tôi có bạn đồng hành nên yên tâm. Nhưng khi tôi chào gia đình xong thì chị bạn viết thư xin lỗi tôi và sám hối quý thầy Yên Tử, thưa rằng việc nhà chưa giải quyết xong, nên chị không thể đi.

Quý thầy hỏi tôi:

- Giờ đi một mình, con có sợ không?

Tôi đáp:

- Được thỏa nguyện đi tu là con mừng rồi, con không ngại đâu!

Quý thầy bảo:

- Con hãy đi máy bay!

Quý thầy có cho tiền đi máy bay nhưng tôi tiết kiệm, tôi mua đồ cúng dường Trúc Lâm, Hương Vân... và chọn mua vé tàu lửa hạng chót. Kết quả, mình tôi rinh mấy bao đồ lỉnh kỉnh. Tôi lên tàu, ngồi toa chót, ghế chót; lại gặp thêm bốn thanh niên trốn vé hay có lỗi chi đó mà cứ ẩn núp trong nhà vệ sinh rồi chốt chặt cửa lại không cho ai vào; khiến một dọc hành khách chột bụng khốn khổ, đứng ngồi không yên. Nhưng không ai dám nói gì, tôi bèn nhờ bảo vệ xử lý giùm, hành khách mới được “xả xui”.

Suốt lộ trình, tôi toàn niệm Quan Âm cầu Ngài gia hộ.

Tàu đến ga Tháp Chàm thì đã 9 giờ đêm, từ lúc lên tàu đến giờ tôi nhịn đói suốt, bởi trên tàu không có gì ăn. Người tôi rã rời vì mệt và đói; thêm đống hành lý cồng kềnh tôi phải lo giữ, chẳng biết phải làm sao với nó, và cũng không biết sẽ kiếm nhà trọ ở đâu? Tôi niệm Quan Âm liên tục và ngồi bối rối với đống hành lý ngổn ngang. Bỗng có một chú tiến đến hỏi:

- Cô đi đâu mà giờ này còn ngồi ở đây?

Và chú chỉ chỗ cho tôi thuê nhà trọ.

Tôi nhờ chú trông hộ hành lý để mình đi tìm... Do quá mừng nên tôi đã vội chạy đi ngay, quên hẳn tiền bạc và giấy tờ tùy thân quan trọng đều để cả nơi hành lý. “Nếu gặp người gian là đi toong tất”. Nghĩ vậy, tôi cảm thấy lo lắng nên quày lại xem thử, thấy chú bảo vệ vẫn còn ngồi đấy, tôi yên lòng đi thuê chỗ. Sau đó chú bảo vệ phụ tôi vác hành lý đi. Bây giờ nhìn kỹ, thấy mặt chú rất hiền và tử tế, đến độ tôi có cảm giác như Đức Quan Âm gởi chú đến giúp mình. Bản thân tôi đang mệt lại đói, người như bị sốt và không còn tỉnh táo để nhớ mà biếu chú ít tiền. Khi chú chào từ giã tôi, gương mặt chú thật hiền và phúc hậu. Tôi đóng cửa phòng, đi mua bánh mì ăn lót dạ rồi ngủ.

Buổi khuya tỉnh dậy, tôi thấy người khỏe kỳ lạ. 5g sáng tôi đón xe đi Đà Lạt, vào tới Trúc Lâm Tăng. Lúc này thầy Tâm Hạnh làm tri khách. Tôi được thầy Thông Kiên dẫn xuống Hương Vân. Cô Hạnh Như đã đợi sẵn, hỏi:

- Sao giờ mới tới? (Do cô không biết tôi đi tàu lửa, cứ tưởng tôi đi máy bay).

Cô bảo tôi ở đấy nghỉ ngơi, thích đi đâu cô dẫn đi.

Tại Đà Lạt, tôi đi thăm khắp Trúc Lâm Tăng, Trúc Lâm Ni; không khí thanh thoát, chỗ nào cũng tôn nghiêm dễ mến. Sau đó, tình cờ cô trụ trì và cô thủ bổn Viên Chiếu lên Hương Vân, do nghe quý thầy Yên Tử thường nhắc đến Viên Chiếu nên tôi rất lưu tâm, thầm có ý muốn xin vào Viên Chiếu tu.

Nghe cô Như kể chuyện cầu đạo của tôi, thầy trụ trì hỏi:

- Con muốn xuất gia hả?

- Dạ vâng, con rất thích!

Thầy thủ bổn hỏi:

- Sao mà thích đi tu vậy?

- Con thích đi lâu lắm rồi ạ.

Thầy trụ trì mỉm cười:

- Được, thầy sẽ độ cho con.

Vài ngày sau, thầy cho người dẫn tôi về Viên Chiếu.

Lúc tôi cạo tóc, thầy thủ bổn nói:

- Có sợ ba mẹ nó kiện không hả?

Thầy trụ trì đáp:

- Quý thầy Yên Tử sẽ đỡ giúp cho mình...

Xem như tôi được xuống tóc sớm hơn thông lệ ở đây. Thường thì phải vào công quả sáu tháng để quý thầy dò xét đạo tâm, tính hạnh xem có phù hợp không, rồi mới chấp thuận. Vì vậy mà khi tôi cho hay là mình sẽ được xuống tóc, nhiều người không tin, nói rằng tôi mới đến, ai cho cạo tóc? Tôi đến Viên Chiếu cuối tháng tám, thì giữa tháng mười được thí phát.

Thầy trụ trì dạy tôi:

- Thầy biết con tuy được xuất gia nhưng có nỗi khổ tâm riêng vì ba mẹ không cho, con hãy cố gắng tu rồi sau này sẽ độ được gia đình.

Xuất gia xong, tôi điện cho gia đình biết và viết thư kể chuyện chùa, trấn an ba mẹ. Mấy tháng sau, mẹ tôi báo tin sẽ vào thăm. Không ngờ bà đến sớm hơn tôi tưởng. Vì vậy mà bà gặp ngay tôi đang mặc bộ đồ vá đang lao tác. Vừa thấy xe bà tới, tôi quýnh quáng lao nhanh vào trong định thay đồ cho tươm tất thì bà đã gọi tên tôi: P! P! (do chưa biết pháp danh), bà gọi tới lần thứ năm - thứ sáu, tôi nóng ruột quá, không thể nào bước đi tiếp, đành phải xoay người quay ra, bà vừa nhìn thấy mặt tôi thì đã khóc ồ lên:

- Giời ơi! Sao con ăn mặc khổ thế? Sao con của mẹ cơ cực thế?...

- Ở nhà, ba mẹ không để tôi phải làm việc gì ngoài ăn và học, giờ nhìn tôi lao động, trong lòng mẹ tất nhiên là rất xốn xang, tôi giải thích cho mẹ hiểu rằng, đi tu thì phải sống thế thôi.

Mẹ tôi kể:

- Từ lúc con rời nhà, ba con buồn lắm, cứ ngồi mãi trong phòng, chẳng thiết đi làm.

... Suốt sáu tháng trời, không khí trong nhà ảm đạm, buồn như có tang, ba con chẳng thiết gì nữa cả... (Tôi chỉ nghe mẹ kể tới đó).

Những ngày sau, được tận mắt chứng kiến cảnh quý cô cư xử yêu thương, nhìn mức sống và nếp sinh hoạt ở đây, mẹ tôi nguôi ngoai buồn và có vẻ an tâm.

Về tới quê, mẹ bảo với ba là chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ được về thăm nhà. Bà nói dối để ba tôi an lòng mà bớt buồn.

Qua mùa Xuân, nhờ cô Thuần Bạch bao chúng đi du lịch Bắc, tôi được theo chúng về.

Chúng Viên Chiếu vào nhà tôi trước, còn tôi bận tìm chỗ gởi xe nên vào sau, (do chưa thấy tôi) nên mẹ tôi rất run và lo lắng; bởi bà nghĩ tôi không về, như vậy thì chẳng biết ăn nói làm sao với ba.

Tôi vừa bước vào nhà, ba mẹ tôi bật khóc. Ba ôm chầm lấy tôi. Sau đó tôi hỏi mẹ:

- Sao mẹ dám nói dối ba, lỡ con không về thì sao?

- Vì mẹ nằm mơ thấy con có về, mẹ tin tưởng, nên mới dám nói như thế...

Tôi xin phép thầy ở lại chơi với gia đình ba ngày. Tôi kể chuyện chùa cho gia đình nghe.

Sau này, những đợt chúng đi ra Bắc, thầy đều cho tôi tháp tùng theo để ghé nhà thăm ba mẹ.

Được đại chúng đến nhà, hình ảnh và phong cách của phái đoàn tu sĩ đã làm ba mẹ tôi xúc động, sinh tâm hoan hỷ. Ba mẹ hiểu rằng mình không hề mất con, mà đang dâng tôi cho đạo, để tôi được thỏa nguyện sống một đời có ý nghĩa hơn, vì tu một chút là được lợi ích một chút, và từ đó có thể rộng làm lợi ích cho mình và người...

Buồn xưa tan biến, ba mẹ phát đại tín tâm, trở thành Phật tử thuần thành, không còn nghĩ có con đi tu là rủi ro. Sau này, cả gia đình tôi đều sống hạnh phúc nhờ lưu tâm nghiên cứu đạo, hành theo pháp Phật.

Đó là nỗi vui lớn nhất đời tôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày