Câu đối & thơ Tết.

Câu đối & thơ Tết.
Từ xưa, nói đến Tết là nói đến “Câu đối đỏ”. Cụ Tú Xương - mà một đường phố mang tên - ngay sáng mồng một, đã ứng khẩu bài thơ:

Nhập thế cuộc, bất khả vô văn tự,

Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài!

Như ta đây, cũng đã đỗ tú tài,

Ngày Tết đến, phải có vài câu đối!

Câu đối viết xong, dán ngay lên cột,

Rồi hỏi Mẹ mày rằng dốt hay hay?”

Bà Tú Xương, chẳng hiểu “Giáp, Ất” gì, nhưng nể chồng, trả lời “đại”:

- Rằng hay thì thực là hay,

Chẳng hay, sao lại đỗ ngay… tú tời”!

“Tài” là tên húy của bố bà, bà kiêng tên đó, đọc chạnh ra là... “tời”!

Trong một số Tết của tuần san Ngày Nay - một trong những tờ báo trí thức nhất trước năm 1975 - nhà thơ Thế Lữ có ra một vế câu đối:

Tết tiếc túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế” và mời độc giả đối lại có thưởng!

Cái khó là tất cả 12 từ đều bắt đầu bằng chữ T. Ấy thế mà cũng có một bạn đọc thành công và đoạt giải nhất:

Mới me mừng mợ mạnh, mỹ miều mà mở mặt môn mi”.

Người ta vẫn thường nói: “Năm mới, năm me” và hồi xưa, chồng gọi vợ là “mợ”.

Thế Lữ cũng là thi sĩ cảm hứng nhiều nhất vào dịp Tết. Điều đặc biệt đáng chú ý là diễn biến sự nghiệp thi văn của ông trong thập niên 1932-1942 với nhóm Tự lực văn đoàn.

caudoi-2.gif

Trong giai đoạn đầu, mượn lời một chiến sĩ cách mạng, ông diễn tả nỗi buồn xa người thân vào những giờ phút thiêng liêng cuối năm trong bài “Giây phút chạnh lòng”:

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan,

Trong lúc gần xa pháo nổ ran,

Rũ áo phong sương trên gác trọ,

Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi,

Trên đường rộn rã tiếng đua cười,

Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy,

Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.

Cát bụi tung trời. Đường vất vả

Còn dài.

Nhưng hãy tạm dừng chân,

Tưởng người trong chốn xa xăm ấy,

Biết có vui, buồn đón gió xuân?”.

Thế rồi cách mạng thành công. Một thế giới thanh bình xuất hiện sau cơn loạn lạc trong bài “Đời thái bình”:

Ấy tiếng mơ hồ của ý xuân,

Hàng năm ca ngợi đón Đông quân.

Nước non trong sáng thay màu mới,

Tấm áo đào tươi phủ khắp trần.

Cây im, sông lắng đợi Xuân về,

Trong lúc trần gian, dưới bóng the.

Của buổi thanh bình thong thả sống,

Từ nơi thành thị tới thôn quê”.

Khi đó, thi sĩ có thể dốc toàn lực cho thi ca. Trong bài “Ý thơ”, ông trình bày cảm xúc của ông đối với những giờ phút thiêng liêng cuối năm:

Này là phút băn khoăn trông ngóng đợi,

Phút anh linh huyền diệu của tâm tư,

Ghi dấu vết giữa tháng năm thay đổi,

Để ngàn sau nối lại với ngàn xưa.

Ây là lúc ý thơ rung ánh ngọc,

Cũng thi tiên say giấc khói hương ngà.

Nhà thi sĩ nâng niu bầu cảm xúc

Của trời mây đúc lại mấy vần thơ”.

Nhưng rồi với thời gian, với tuổi tác, nguồn thi hứng cũng vơi dần, thi sĩ than thở trong bài “Nàng thơ lạnh” không cống hiến được nữa cho đời:

Gió bấc giục về, Nương tử rét,

Bạn nghèo không sắm áo nhung tơ,

Sương thu gội mãi trên vai giá,

Biết lấy gì đây đắp dáng Thơ?”.

Xuân Diệu cũng thích mùa xuân. Trong bài “Nguyên đán”, ông tâm tình:

Xuân của đất trời nay mới tới,

Trong tôi xuân đến đã lâu rồi:

Từ thuở yêu nhau, hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”.

Vì yêu mùa xuân nên ông sợ mùa xuân hết; trong bài “Vội vàng” ông lo lắng:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân,

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”.

Chúng ta liên tưởng tới hai câu thơ của thi sĩ Malherbe (1555-1628):

Tout le plaisir des jours est en leur matinée,

La nuit est déjà proche à qui passe midi”.

(Tất cả lạc thú các ngày vào buổi sáng,

Đêm đã gần kề rồi khi đã xế trưa).

Ông cũng là tác giả câu thơ mãnh liệt mà thầy Dương Quảng Hàm, khi giảng về Xuân Diệu, đã nhắc tới:

Hỡi Xuân Hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.

Vì yêu mùa Xuân nên ông sợ chính mình hết tuổi xuân thì! Trong trường thi “Thanh niên” (65 câu!) ông than thở:

Chèo năm tháng vội đưa ta tới bến,

Thuyền mộng hoa không chở kẻ tàn xuân.

Hồ thần tiên rầu rĩ bóng tà huân,

Ta đau đớn bước lên bờ thực sự,

Cô đơn quá bởi không còn ngươi nữa!”.

“Ngươi” đây chính là tuổi xuân.

Ta lại liên tưởng tới mấy câu thơ Pháp văn của Lamartine (1790-1869) trong bài nổi tiếng “Le lac” (cái hồ):

“… Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,

Dans la nuit éternelle emportés sans retour,

Ne pourrons - nous jamais, sur l’océan des âges,

Jeter l’ancre un seul jour?...”

(Như vậy, xô đẩy mãi tới những bến bờ mới,

Trong đêm tối triền miên trôi đi không trở lại,

Chúng ta có bao giờ trên đại dương tuổi tác,

Hạ neo chỉ một ngày thôi?)

Chuyển sang Huy Cận, ta nhận thấy những đặc điểm sau đây:

- Về hình thức, Cù Huy Cận là một tri thức Đại học, kỹ sư Nông Lâm Súc, cũng như Sully Prudhomme là một kỹ sư Cơ khí (1838-1907) (đoạt giả Nobel văn chương năm 1901 nhờ bài thơ bất hủ “Le vase brisé” (chiếc bình nứt rạn).

caudoi-3.gif

Trong khi thơ Xuân Diệu mang tính cách hồn nhiên, người ta có cảm tưởng Huy Cận cố ý gọt giũa các câu thơ cho thật đẹp:

Đêm mơ lay ánh trăng tàn,

Hồn xưa gửi tiếng thời gian, trống dồn”;

Trơ vơ buồn lọt quán chiều,

Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người”.

- Về nội dung, thơ Huy Cận mang tính chất buồn: các bài thơ mang tựa đề: “Buồn”, “Buồn đêm mưa”, “Tình mất”, “Chết”, “Nhạc sầu”, “Điệu buồn”, “Bi ca”, …. Có lẽ chịu ảnh hưởng của thi phái lãng mạn Pháp vào đầu thế kỷ XIX, một nhà thơ cột trụ (1810-1857) của thi phái lãng mạn đó đã từng viết:

Les plus désespérés sont les chants les plus beaux,

Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots”

(Những bài thơ tuyệt vọng là những thi ca đẹp nhất;

Có những bài thơ bất tử là những lời thổn thức)đó là Alfred de Musset (1810-1857).

Nhưng Huy Cận cũng yêu mùa xuân:

- Trong bài “Xuân”:

Cây xanh, cành đẹp, xuôi tay với,

Sông mát, tràn xuân, nước đậm bờ”.

- Trong bài “Trông lên”:

Nằm im dưới gốc cây tơ,

Nhìn xuân trải lụa muôn tờ lá non”.

- Trong bài “Xuân ý”:

Khuya nay, trong những mạch đời,

Máu thanh xuân dậy thúc người héo hon”.

- Trong bài “Chiều xuân”:

“Xuân gội tràn đầy

Giữa lòng hoan lạc,

Trên mình hoa cây…

Chiều xuân tươi mạnh

Gió bay vào hồn”. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày