Cây vàng bạc

GN - Trên những mảnh vườn quê, tôi thường thấy hàng hàng dâm bụt, phượng, hòe, trang, vạn thọ, mồng gà, móng tay, tý ngọ... đua chen; còn có cả cây vàng bạc khoe sắc. Người dân quê tôi quanh năm nhọc nhằn với miếng cơm... nhưng lúc rảnh rỗi là họ vẫn tìm cho mình phút giây thư giãn trong nội cỏ hoa hèn.

Một sáng nào đấy, ta thử nhìn bông hoa dại đong đưa cạnh bức tường rêu kia, bông cũng như vươn tìm cho mình chút tĩnh tại trong nắng mới! Bông chẳng hề tỏ vẻ khổ đau hay kiêu hãnh gì khác mặc kệ người đời cứ bình phẩm khen chê. Bông thanh sạch gói trong sắc thanh vàng. Người dân quê tôi ai cũng tâm niệm điều giản dị như loài hoa cỏ ấy.

Cay vang bac 1.jpg

Ảnh: Minh họa

Có khi rong ruổi trên dặm đường đời, bất chợt ta nghe lưng ê gối mỏi mới hay mình từng có một quê nhà nơi xa lắc, thử muốn quay về e kịp không, nhưng hỡi ôi bước chân đời đã buộc chặt: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/ Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về (Tuệ Sỹ).

Có hôm anh bạn thơ gốc xứ Quảng hứng khởi đàm tâm - theo anh là một ý phát hiện: Cây gì dân mình ưa trồng để làm cảnh trước sân nhà ấy nhỉ? Tôi đoan chắc hễ nơi tha hương gặp cây đó ắt không là người Trung thì ngộ cố tri cũng người xứ Quảng mình. Cây vàng bạc phải không? Ồ! Đúng rồi. Cái tên rất thuần Quảng... Truy tên khoa học nó là gì, dược tính nó ra sao... kể khó thật!

Len lỏi trong dân gian nhặt nhạnh thêm vài tên gọi: cây nổ vườn, cây lá tây v.v... thế thôi. Nhưng rồi ta vẫn cứ yêu cái tên vàng bạc dung dị hơn cả. Vàng bạc rất dễ trồng; ở bất kỳ chỗ nào cây cũng xanh tốt. Chỉ cần chặt vài cành đem giâm, giữ độ ẩm vừa phải ít lâu sau là cây bén rễ. Muốn cho cây vào chậu kiểng hay trồng một chỗ nào khác như ngay trước hiên nhà cây vẫn sống dễ dàng.

Bốn mùa tám tiết cây hồn nhiên khoe lá sum suê, kết thành bụi, thành lùm lòa xòa. Ngày nắng đầy, lớp lớp lá vàng hắt sáng làm vui cảnh nhà. Có người còn nói: cây vàng bạc dân dã và cây còn phản ánh tâm hồn thuần hậu chơn chất của người xứ Quảng: Hội An đất chật người đông/ Tâm hồn thuần hậu lá bông đủ màu. Đúng vậy, tôi vẫn gửi cái đằm sâu hồn xứ Quảng trong vẻ thuần khiết lá bông đủ màu rất giản đơn và cũng rất kỳ tuyệt như cây vàng bạc...

Giờ nhịp sống quanh tôi muôn lần hối hả. Cái quay không mơ hồ búng sẵn lên trời mà búng ngay vào tôi, vào bạn. Nó ở ngay tại đây và bây giờ. Nếu làm một cuộc để tỏ tường, không hề dễ. Ngữ nghĩa ngôn từ thường lạ lẫm với guồng quay... Nó buộc ta phải thích nghi mọi thứ: thức ăn nhanh, siêu tốc độ, phát triển chóng mặt, hi-fi, IT, nhà hộp, áo quần may sẵn, tự động, số hóa v.v... Thưởng thức vài ca khúc tiền chiến bị chê liền: tiết tấu quá chậm. Bây giờ phải hip hop, rock rap v.v... Lọ mọ lục trong ngăn sách tìm câu văn thì bảo lên mạng có đủ cả. Săm soi chậu kiểng thì làm chi cho mệt, cứ ra chợ rinh về...

Có những khi ba ngày Tết không về hương khói ông bà, ta cảm giác không an tâm và như thấy mình có lỗi. Phải về khấn nguyện ngay trước bàn thờ khói hương nghi ngút mới thấy hết những hình ảnh của ngày xưa: vại chum nước, chiếc gáo dừa, cái quạt mo, chiếc chõng tre, chiếc võng dừa, cái chổi cau, vành nón lá, nhịp cầu tre, v.v... Những điều mộc mạc cũ kỹ ấy tưởng như còn ở đâu đây.

Còn một điều giản dị nữa được nhà thực vật học người Đức W. Barthlott khám phá từ hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn như một “hiệu ứng Lotus”. Barthlott xác định: cấu trúc của mặt lá sen và thấy chúng không hề bằng phẳng mà gồm những hạt rất tròn và đều. Nguyên lý lá sen ấy có khả năng “tự làm sạch”, nhờ đó Barthlott được giải thưởng bảo vệ môi trường năm 1999.

Còn cây vàng bạc thì không biết nó có duyên “tự làm sạch” gì không trong cuộc tồn sinh này? Tôi không biết. Nhưng riêng trong từ và ngữ tôi nhận ra vàng bạc là rất quý nhưng giấy vàng bạc thì lại tàn tro mỗi kỳ giỗ quảy. Cây vàng bạc không mang cái tên gì đài các nhưng mỗi khi gợi lên ta thấy nó thật gần gũi và thân thương biết bao. Lâu rồi những điều bình dị ấy tưởng quên bẵng nhưng khi ai đó nhắc đến ta liền nhớ tất cả. Nhớ cây là hiện ra cả quê nhà: Anh đi anh nhớ quê nhà...

Hãy ngụp lặn trong điều giản dị ta sẽ nhận ra ngay chính mình. Yêu và nhớ tự nhiên, chẳng cần tìm cầu cứ để tự nó lăn đi, trôi đi và biết đâu ngày nào đó nó chình ình ngay trước mắt mình. Như thể tôi đang nhớ người con gái năm xưa trước nhà cô ấy có trồng cây vàng bạc để bây giờ trở lại: “Trước sau nào thấy bóng người...”.

Nhưng thôi, nhớ và quên và quên và nhớ cũng chẳng mong lợi lộc điều gì. Hãy để lòng lắng xuống. Hãy che bóng nắng một tí để sắc vàng bớt chói chang. Quên là không còn tiếc nữa như ta đã từng phung phí hay từng đánh rơi mất cái tên cây vàng bạc mà có một thời ta cố công vun vén. Trong cõi thinh không mơ hồ ta nghe mùi hương trầm len nhẹ vào thân tâm đâu đây: Đêm qua đốt đỉnh hương trầm/ Khói hương nghi ngút âm thầm nhớ quê.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày