Mùa xuân nói chuyện sống lâu

GN - Sống lâu gọi là thọ, ít ai gọi là thụ. Nhưng trong tiếng Hán lại gọi thụ là thọ. Thọ hay thụ có những nghĩa khác nhau và ngay cả khi dùng để gọi. À, cây cổ thụ không gọi là cây cổ thọ (có chữ mộc đứng bên)! Mà thụ lĩnh hay thọ lĩnh cũng vậy thôi.

Thụ hay thọ ở đây lại nghĩa là chịu nhận lấy, trao cho như thụ hưởng, thọ mệnh. Chưa kể thụ còn mang nhiều nghĩa khác như là bán ra, bình phong, trồng trọt, áo vải thô, kẻ hầu trai, hèn mọn như thụ nho ấy mà! Nói thì nói, nhưng khi viết ra chữ lại khác nhau… Quả là rắc rối như chuyện đời người.

song tho.jpg

Sống thọ - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Trên trái đất này, con người là sinh vật rất sợ chết, biết hy sinh cái sống quả là bậc phi thường, đâu dễ gì tự vẫn quyên sinh tuẫn tiết! Suy nghĩ đau khổ đến bạc đầu “chỉ sau một đêm” là chuyện thường mà ngay cả tiểu thuyết gia Kim Dung đã viết về nhân vật của mình trong truyện kiếm hiệp từ đời nảo đời nao hay những nhân vật có trong lịch sử nhân loại ham muốn sống đến mức cầu luyện linh đơn trường sinh bất lão, trẻ mãi không già!

Sống qua cái tuổi 62 đã là hưởng “xái” hay được số phần khuyến mại thêm một thời gian là quá đủ rồi. Cớ chi đòi sống thật dai, để làm gì? Để chiêm ngưỡng cuộc đời, tham gia thế sự, để thế giới này còn ta hiện diện, càng già càng dẻo càng dai và thích được làm những điều mình muốn vì cứ nghĩ rằng ta sẽ ở mãi vị trí này trong khi người khác luôn cung cẩn câu “kính lão đắc thọ!”. Cả bên nhận lẫn bên cho, bên hưởng thụ bên ban phát đều muốn sống thọ!

Con người cứ đòi vượt lên trên cả thiên nhiên sắp đặt. Đem hình ảnh mà so đo con đom đóm một chút sáng đời sống bao lâu so với con rùa co vai thụt cổ? Ngoảnh lại chỗ ngồi đã rêu phong bám phủ nhìn ra bên ngoài chói lọi hào quang văn minh tiến bộ của nhân loại kia còn phải bó tay nữa là!

Tìm chữ thọ cho mình mà không chịu thụ. Đã cưu mang chữ thọ phải chấp nhận chữ thụ. Cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu không biết đổ ập xuống khi nào mà cứ mải bon chen đua đòi ham hố. Thích người khác chúc tụng và thích chúc tụng người khác. Cuộc sống cứ loanh quanh mãi xin cho - cho xin, đón nhận từ kẻ này rồi đem ban phát cho kẻ khác, lòng vòng sinh tử - tử sinh.

Mùa xuân cứ lại về. Đầu lưỡi cung chúc sống lâu trăm tuổi. Kể cũng lạ. Biết người ta khó bề sống trăm tuổi mà cứ chúc. Cầu mong điều khó được cho người khác phải chăng là thách đố trêu ngươi? Hay sợ tốn tiền phúng điếu lỡ khi người ấy ra đi? Mà có khi người ta sống lâu được thì lại phàn nàn già lẩm cẩm, sống chi cho chật đất! Đố ai biết được lòng người?

Tiếng pháo đầu năm bây giờ không còn nữa. Cái mùi hăng hăng đến ngạt thở trong khói lam mù lại khiến cho mấy người sống vì quá khứ lại nao nao tiếc nhớ. Hình ảnh trẻ con chùm húm giành giựt những viên pháo nghẹt vòi bên cạnh đám người đau khổ vì chiếc áo mới bị cháy xém đốm loang! Kẻ tiếc tiền vì pháo, kẻ sập nhà vì pháo cũng có kẻ hí hửng vay mượn âm thanh từ cái loa to đùng dựng trước cửa phòng để xua tà đuổi quỷ! Thoạt lúc có viên đạn lửa bắn lên trời ở nơi nào đó chẳng biết kèm theo tiếng nổ đi sau vọng về. Ừ, xét cho cùng cũng đều thuốc nổ, cái thứ chết người và cũng là để giúp người, do mục đích sử dụng cả thôi!

Mùa xuân cứ lại đến. Vạn vật cứ đáo lai quy vãng. Chấp nhận người đi kẻ ở, kẻ mất người còn là chuyện thường tình.

Ta tìm về chữ thọ. Thọ ở đây là lâu dài với tất cả ý nghĩa của nó nhưng rất đơn giản: Hạnh phúc!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Nguyễn Thị Như Ý, học viên trẻ tuổi nhất tốt nghiệp khoa Phật học từ xa (khóa VI) - Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Chuyện học Phật đặc biệt của một cô gái trẻ

GNO - Ngày 29-12, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tổ chức lễ tốt nghiệp năm 2023 cho học viên các hệ đào tạo. Nguyễn Thị Như Ý, sinh năm 2001 là học viên trẻ tuổi nhất tốt nghiệp khoa Phật học từ xa (khóa VI).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đời người ngắn ngủi đừng phí thời gian

GNO - Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất.

Thông tin hàng ngày