Chàng Kiếng cận & đôi mắt sáng

Giác Ngộ - Nhiều người bảo anh đa tài và chứng minh sự đa tài của anh bằng sự… đa nghề. Từ làm giảng viên đến kinh doanh, rồi làm hướng dẫn viên, MC… Anh là Phạm Phúc Lợi, giảng viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, nhưng giới trẻ biết anh trên mạng qua blog với biệt danh Kiếng cận. Một cuộc trò chuyện thú vị đầu xuân mà PG&TT thực hiện hi vọng giúp nhiều bạn đọc trẻ của GN có một góc nhìn!
 

Cứ đi đi, đừng sợ hãi

Một người mà làm quá nhiều việc, có người bảo anh… tham, anh nghĩ sao về nhận xét đó?

-Phạm Phúc Lợi: Người ta bảo thế là không oan vì có quan niệm rằng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nhưng chữ “tham” sẽ rất đúng khi bạn đảm trách nhiều công việc khác nhau cùng một lúc và không làm tròn chúng. Còn riêng tôi khi chọn làm một công việc nào đó thì xuất phát từ niềm đam mê và yêu thích. Ví dụ có lúc bạn sẽ thấy hình ảnh “Kiếng cận”  là một hướng dẫn viên du lịch nhưng không phải chương trình tour nào tôi cũng tham gia hoặc công việc MC thì tôi ưu tiên cho những chương trình mang tính cộng đồng và xã hội hơn… Nói chung “tham” để tích lũy kinh nghiệm và vốn sống tích cực cho mình khi còn trẻ là điều mà tôi  cần phải làm.

wwwpl (3).jpg

Kiếng Cận – Phạm Phúc Lợi - Ảnh: NV cung cấp

Trong tất cả những công việc mình đã và đang làm, anh thích nhất việc nào? Vì sao?

- Những công việc của tôi đã và đang làm đều xuất phát từ cái Tâm. Chính vì vậy công việc nào tôi cũng yêu thích cả. Những công việc xã hội, từ thiện, nghệ thuật, kinh doanh,… tất cả những trải nghiệm thực tế đó hỗ trợ rất nhiều cho một giảng viên trẻ như tôi.

Nghề giáo là một nghề cao quý, nhưng nó cũng đòi hỏi ở người thầy rất nhiều yếu tố, về khả năng và cái tâm. Anh có ứng dụng giáo lý Phật giáo vào trong công việc trồng người? Cụ thể?

- Khi vừa tốt nghiệp, bạn bè tôi rủ nhau làm việc tại nhiều công ty lớn với mức lương hậu hỷ. Riêng tôi, ngoài tâm niệm của ba để theo về nghề giáo thì chính cái Tâm trong nghề của những đồng nghiệp hiện tại đã gắn tôi đồng hành cùng với họ trong sự nghiệp trồng người này. Tôi nghĩ đó cũng là duyên may mà tôi phải cố gắng nổ lực để không phụ lòng.

Tôi đang bước đầu tìm hiểu về Phật giáo và nhận ra được những giá trị tác động tích cực cho cuộc sống của mình. “Ứng dụng giáo lý Phật giáo vào trong công việc trồng người” nghe có vẻ quá cao siêu, nhưng nếu nói chia sẻ với các bạn sinh viên về điều này thì đó là một việc làm thường xuyên đối với tôi. Tôi đang ấp ủ nhiều dự định để gắn kết giới trẻ đặc biệt là sinh viên hướng đến nhân cách sống cao cả, cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình cho quê hương, đất nước. Tôi đang thực hiện một vài kế hoạch cùng với các bạn sinh viên có tâm huyết như lập các nhóm: Từ thiện, Vòng tay yêu thương, Hỗ trợ học đường… Tôi luôn khuyết khích các bạn tham gia vào những hoạt động Phật giáo như: Hội trại Phật Giáo & Tuổi trẻ, Tiếp sức mùa thi… của báo Giác Ngộ tổ chức hằng năm.

wwwpl.jpg

Ngoài ra, tôi đang xây dựng chương trình “Gieo mầm yêu thương” dành cho đối tượng là các em nhỏ cấp 1, cấp 2 tham gia. Khi  đến với chương trình này các em sẽ được định hình hướng đến nhân cách sống bao dung và đầy tình  thương yêu với muôn loài. Tôi đang cần sự hỗ trợ và tiếp sức của nhiều người để thực hiện.

Anh có thể nói rõ hơn về chương trình "Gieo mầm yêu thương" mà anh đang tổ chức? Làm sao để được tham gia chương trình?

-  Tính tôi vốn rất mến trẻ con và quý người già, chính vì vậy tôi đang ấp ủ rất nhiều chương trình ý nghĩa mang tính cộng đồng dành cho họ. Chương trình “Gieo mầm yêu thương” là một trong những chương trình tôi ấp ủ và đang trong bước đầu xây dựng. Chúng ta biết trẻ con vốn rất vô tư và hồn nhiên được sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội hiện đại như ngày nay ít nhiều các em sẽ bị tác động. Do đó tôi muốn những "tờ giấy trắng" ấy sẽ được điểm tô bởi lòng bao dung và yêu thương. Chương trình là cuộc trải nghiệm dành cho các em cấp 1, cấp 2 vào đúng dịp nghỉ hè. Nội dung chương trình nhằm giúp các em nhận ra được giá trị của lòng yêu thương, bao dung,  lễ phép và phát huy trí tuệ thông qua những  buổi sinh hoạt ngoại khóa, xử lý tình huống phù hợp với độ tuổi, tham gia những hình thức mở rộng lòng từ bi, hướng thiện, những buổi trò chuyện và sinh hoạt bổ ích cùng với các chuyên gia tâm lý. Chương trình nếu được Nhà tài trợ nào đó quan tâm tôi chắc chúng tôi sẽ dốc hết sức để làm hiệu quả trong năm nay còn không tôi tiếp tục ấp ủ và tùy duyên (mỉm cười).

Anh cũng làm kinh doanh, và, có câu “sấm truyền” thế này: “Thương trường là chiến trường”, để “sống” thì phải “trảm” người khác. Vậy, một người Phật tử làm kinh doanh cũng phải sống theo “sấm truyền” ấy?

- Tôi không phủ nhận “Thương trường là chiến trường” nhưng bạn có chắc với tôi tất cả chiến trường ở đó đều phải “trảm” nhau đổ máu. Có những “chiến trường” đấu tranh vì giá trị chung cho lợi ích của xã hội. Vì vậy dù thương trường có lúc căng thẳng nhưng thực ra ta luôn luôn có thể hành động vừa mang lại lợi ích cho mình và cho người khác.

Tôi luôn vun bồi Phật chất trong đời sống và kinh doanh của mình. Tôi học tập kinh nghiệm từ những người đi trước, người kinh doanh theo đúng tinh thần Phật giáo phải là Người: có tâm trong sáng; Tư lợi lợi tha,tức là làm lợi cho bản thân và làm lợi cho người khác; xác định vật chất chỉ là phương tiện để đem lại an vui, chứ không phải là cứu cánh; Nhìn rõ tính vô thường, vui vẻ đón nhận mọi chuyện thất bại thành công trong đời sống. Điều tâm đắc nhất của tôi trong kinh doanh đó chính là khi làm gì bạn hãy nghĩa đến Nhân – Quả.

Cho một ví dụ nhé, nếu trong khi làm việc, phải cạnh tranh, và nếu đặt trường hợp có hai công ty (một của người ta, một của anh)  nhưng chỉ có một công ty được “sống” thì anh – với vai trò là người chủ, anh sẽ quyết thế nào?

-  Tôi rất tâm đắc về nhận định của Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách gười đã nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm, dịch phẩm đạo Phật đồng thời là nhà khoa học: “Tất cả đều nằm trong kho báu của pháp giới, ai xứng đáng sẽ được hưởng lợi ích lâu dài, ai không xứng đáng sẽ sớm bị mất đi. Nhà kinh doanh minh triết biết rằng tất cả của cải và địa vị đều do “trời đất” tạm ứng cho, mình chỉ là người quản lý hộ để thực hiện một sứ mạng nào đó trong đời"

wwwpl (1).jpg

Trải nghiệm cuộc sống

Làm quá nhiều công việc thì sắp xếp thời gian như thế nào để tĩnh tâm?

- Tôi vẫn đảm bảo thời gian cho công việc giảng dạy, sau đó thay vì thời gian nghỉ ngơi, đi chơi như bạn bè tôi tập trung cho công việc khác của mình như kinh doanh, nghệ thuật, công tác xã hội… Đa số những người làm nhiều việc lúc nào họ cũng bị áp lực thời gian và công việc, phải liên tục đối phó hết chuyện này tới chuyện khác đến nỗi nhiều việc đâm ra phải trì hoãn, dẫn đến bê trễ, chần chừ… May mắn là khi làm việc tôi như đang được sống với niềm vui của mình, tôi không còn thấy nó là công việc nữa, bởi vì lúc này công việc và đời sống đã trở thành một, không còn sự phân biệt. 

Công ty anh đang làm phó giám đốc có tổ chức tour du lịch, đồng thời là  khoá tu “an lạc” dành cho mọi người, vậy theo anh, thế nào là an lạc?

- Công ty Hành Hương Việt của chúng tôi đã tổ chức thành công chương trình “Thân Tâm An Lạc” dành những đối tượng muốn tìm về cảm giác an lạc sau những bộn về và lo toan. Hiện nay, chương trình đang được sự quan tâm và tham gia của nhiều người. Đặc biệt nội dung chương trình được nhiều quý thầy có chuyên môn cao đóng góp, xây dựng để ngày càng hoàn thiện hơn. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mang đến niềm an lạc cho người khác hay ít nhất cũng gieo vào lòng họ “hạt mầm an lạc” khi tham gia chương trình này. An lạc đối với tôi là vậy … là cảm nhận được hạnh phúc của người khác và những việc tôi làm đem đến hạnh phúc cho những người xung quanh. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh cũng từng nói: “Ta sống như thế nào để có an lạc và hạnh phúc trong suốt hai mươi bốn giờ, mà người khác cũng nhờ đó mà có an lạc và hạnh phúc…”

Anh có nghe đến một trào lưu sống chậm đang hình thành trong một số bạn trẻ? Anh có là người sống chậm? Nếu có, anh thử gạch vài đầu dòng gợi ý cho bạn trẻ từ kinh nghiệm của mình?

-  Với những bài viết, hình ảnh của tôi rất nhiều về đề tài xã hội trên mạng qua blog cá nhân và cách sống của tôi hiện tại, mọi người cho rằng tôi là người “sống chậm”.  Tôi mới biết được thuật ngữ “trào lưu sống chậm” này gần đây. Tôi cho rằng “sống chậm” là không hờ hợt,  không vô tình và trân quý những giá trị vốn có từ lâu; “sống chậm” để lắng nghe những thanh âm của cuộc sống bên ngoài, nuôi dưỡng cảm xúc và nhìn lại chính mình để thấy bao dung hơn với xung quanh. Tôi nghĩ “sống chậm” sẽ phù hợp những ai có cuộc sống quá “hối hả” nếu không bạn sẽ trì trệ, tụt hậu, an phận...

wwwpl (2).jpg

- Tôi luôn nhắc nhở mình không được nhầm lẫn giữa khái niệm “sống chậm” và “sống thụt lùi”

- Tôi chỉ chậm lại khi nào  thấy mình quá “vội vã”

- Tôi không  phải mất thời gian cho kế hoạch của “trào lưu sống chậm”

- Hãy quan tâm và dừng lại lắng nghe lời ai đó một cách chân thành cũng vừa đủ chậm rồi đấy!

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Trong cuộc sống, có điều gì làm anh hối tiếc? Và những lúc như thế anh giải quyết vấn đề của mình ra sao?

- Sẽ rất hối tiếc khi bạn không yêu thương và không rộng lòng đón nhận sự yêu thương khi có thể. Tôi hiện tại có một điều hối tiếc là những định hướng và công việc lúc này đã không giúp cho tôi được ở cạnh cha mẹ mình. Nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được, đối với cha mẹ dù bạn ở bất cứ nơi nào cái tâm của bạn luôn hướng về cội nguồn thì cũng đã hiếu nghĩa rồi, việc cần làm là bạn phải sống sao để những người sinh thành và dưỡng dục cảm thấy mãn nguyện và an lòng. Gia đình tôi may mắn có đến 15 anh chị em, tất cả sẽ thay nhau làm cho ba mẹ an vui tuổi già.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày