Chỉ hiểu biết thôi, chưa đủ

Chỉ hiểu biết thôi, chưa đủ
Thời gian gần đây báo chí đưa tin số người phạm tội là sinh viên, học sinh, tầng lớp trí thức nói chung ngày càng gia tăng. Dư luận không khỏi bàng hoàng và đặt ra câu hỏi: "Tại sao những người có trình độ hiểu biết khá cao trong xã hội mà lại có hành vi phạm tội, nhất là những tội đặc biệt nghiêm trọng?". Vậy nguyên nhân và gốc rễ của vấn đề phạm tội trong giới trẻ, có học thức là do đâu?

Chưa hẳn có trình độ nhận thức cao thì không tạo tội và am hiểu luật pháp thì không phạm luật. Không ý thức được hậu quả của việc mình làm nên hành động sai lầm, gây tội lỗi là điều người ta thường thấy. Nhưng ý thức được một cách rõ ràng hậu quả của việc mình làm mà vẫn bước chân vào vòng tội lỗi cũng không phải là điều hiếm thấy. Biết mà vẫn phạm là tại làm sao? Cho nên nói: Chỉ hiểu biết thôi, chưa đủ!

Đó chính là lý do Đức Phật dạy hai chữ "tu tập". Tu là sửa đổi, cải thiện, chỉnh đốn. Tập là học hỏi, huân tập, rèn luyện, trau giồi. Bởi tuy có trình độ nhận thức, hiểu biết nhưng lắm khi con người không kiềm chế được những bản năng vốn có, không đủ ý chí và nghị lực để vượt qua những tình cảm, tâm lý thông thường nên bị thất tình lục dục (buồn vui, thương ghét, giận hờn, lo lắng, sợ hãi, tham muốn v.v…) hay cũng gọi là phiền não chi phối, sai sử, và từ đó con người sẽ hành động trong vô minh, bất chấp hậu quả.

Đạo Phật gọi những bản năng, các trạng thái tình cảm và tâm lý ấy của con người là "tập khí" tức những thói quen, những tâm tư tình cảm, những suy nghĩ, hành động đã được huân tập, lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì huân tập lâu ngày nên những tập khí này có sức mạnh riêng, lắm khi nhận thức, hiểu biết của con người không thể làm xoay chuyển thói quen tập khí. Có nghĩa là dù biết rõ những việc đó không hay, không tốt nhưng người ta vẫn làm bởi vì đó là thói quen hoặc không tự vượt thắng bản thân. Như người có tính trăng hoa, tham đắm sắc dục, dù biết tính xấu ấy có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, làm mê mờ tâm trí, tổn hại đến tinh thần và thể xác, nhưng họ không thể vượt qua được những ham muốn, những thói quen cố hữu trêu hoa ghẹo nguyệt của tự thân. Hoặc như những người phạm tội tham nhũng, họ có trình độ học vấn cao, có địa vị lớn trong xã hội, đặc biệt là rất am tường pháp luật, họ biết những việc làm đó là phi pháp sẽ dẫn đến hậu quả bị tù, nhưng vì không thắng được lòng tham cho nên họ đã phạm pháp.

Tập khí có khả năng che mờ lý trí, làm mù quáng lương tri, dẫn dắt con người suy nghĩ và hành động lệch lạc, sai lầm đưa đến hậu quả không tốt. Ví dụ người nát rượu, họ có thói quen (tập khí) uống rượu, nhưng lại thường có những suy nghĩ bào chữa, ngụy biện như: vì xã giao và công việc mà uống rượu, vì lễ nghĩa mà uống rượu, vì giải buồn mà uống rượu… Đôi khi những suy nghĩ của họ dối gạt cả chính họ, từ đó không những hạn chế uống rượu hoặc bỏ rượu, thậm chí họ còn uống đến mức say sưa, ăn nói càn bậy, bỏ bê gia đình, bỏ bê công việc, tự gây nên nhiều bệnh tật, gây tai nạn giao thông v.v… Hay những người có hành vi trộm cắp, cướp giật thì có những suy nghĩ bào chữa, ngụy biện cho việc làm sai trái của mình như vì nghèo khổ khốn khó, vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, vì bất mãn xã hội, vì nghiện ngập hoặc tay đã lỡ nhúng chàm… và họ hành động theo sự chỉ dẫn của những suy nghĩ đó. Những biểu hiện của sự ngụy biện cho các hành vi sai trái ấy chính là vô minh; sự mê mờ, si ám của tâm thức, không nhận chân được lẽ thật ở cuộc đời.

Gần đây báo chí có đưa tin một cô giáo đã thiêu sống cả nhà người anh chồng chỉ vì họ khuyên can cô đừng tiếp tục phạm phải lỗi lầm. Cô ngoại tình, chồng cô biết nhưng vì thương vợ thương con, anh tha thứ và tiếp tục sống với cô. Tuy nhiên cô vẫn không chừa bỏ. Vợ chồng người anh chồng chỉ khuyên can cô thôi nhưng lại bị cô sắp đặt kế hoạch thiêu sống cả nhà. Dĩ nhiên là cô giáo này biết hành động giết người là phạm tội, là vi phạm pháp luật, hủy hoại đạo đức nhưng cô vẫn làm. Tham lam, sân hận và si mê đã khiến cho cô không còn sáng suốt, mất hết lương tri và tạo ra vô lượng tội ác.

Trong mỗi con người đều có những tập khí tham lam, sân hận, đố kỵ và si mê v.v… Khi những phiền não đó sinh khởi thì điều cần thiết hết sức quan trọng là phải nhận biết (ý thức) rõ ràng tâm ta đang có phiền não. Sự ý thức ấy tuy rất quan trọng nhưng chỉ là bước cơ bản ban đầu, sau đó tiếp tục thực tập, ứng dụng giáo pháp để chuyển hóa chúng. Như khi trong ta đang có sự tức giận, ý thức (nhận biết rõ) được mình đang nổi giận, ý thức được tác hại của sự giận dữ thì chúng ta mới kiềm chế không cho nó tiếp tục phát triển đồng thời tìm cách làm nguôi cơn giận đi (như tu tập quán từ bi hay nhẫn ba la mật chẳng hạn), đó là sự chuyển hóa.

Có hai điều cần lưu tâm trong sự thực tập:

1. Do mỗi người đều huân tập phiền não tập khí trong nhiều đời nên cần có sự chú tâm tỉnh giác và chuyển hóa thường xuyên.

2. Cần chuyển hóa liền ngay sau khi ý thức (nhận biết) sự sinh khởi của phiền não. Bởi sau khi phiền não sinh khởi, dù chúng ta đã ý thức và kiềm chế không cho nó tiếp tục phát triển, nhưng nếu không có sự chuyển hóa thì những phiền não đó sẽ tạm lắng xuống ở dạng tiềm ẩn, và một lúc nào đó khi gặp điều kiện nó sẽ sinh khởi trở lại. Chuyển hóa liên tục chính là sự tu tập trong đời sống hàng ngày.

Chính vì cần có sự chuyển hóa thân tâm cho nên Đức Phật mới dạy các pháp môn tu tập. Có nhiều pháp môn thực tập để chuyển hóa phiền não hiệu quả như hành trì Bát chánh đạo (Tứ diệu đế) hoặc là thực tập Giới-Định-Tuệ. Thời Phật tại thế, ngay cả các vị Tỳ kheo đã "thấm nhuần kinh kệ", được nghe lời Phật dạy mỗi ngày, nhưng một khi chưa hoàn toàn giải thoát, chưa chuyển hóa hết phiền não thì vẫn phải nỗ lực hành trì các pháp môn, phải siêng năng tinh tấn thực hành thiền định, sống đúng theo giới luật.

Tiến trình tu tập chuyển hóa bao gồm Văn-Tư-Tu, tức là sau khi tìm tòi học hỏi (Văn) cần phải tư duy, nghiền ngẫm (Tư) và ứng dụng thực hành tu tập (Tu). Sự tu tập chuyển hóa phiền não, tập khí bất thiện, trau giồi đạo đức, trí tuệ giúp mỗi người thay đổi chính mình, trở nên hoàn thiện hơn. Càng siêng năng tinh tấn quan tâm tu tập, chuyển hóa tư tưởng nhận thức, lời nói, hành động thì tâm tánh càng thuần lương, thánh thiện.

Do đó, một người có tri thức và hiểu biết chỉ giới hạn nơi Văn và Tư, tức có trình độ nhận thức thông qua học tập và chiêm nghiệm. Thành tựu tri thức là tốt nhưng chưa đủ sức mạnh nội tại để chuyển hóa tập khí, nếu song hành với Văn và Tư là sự thực hành lời Phật dạy (Tu) thì chắc chắn sẽ chuyển hóa được các tập khí xấu ác thành hiền thiện, an vui.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày