Chia sẻ thêm về “pháp là gì?”

LTS - Mục Tư vấn, tuần báo Giác Ngộ số 1059, có bài “Pháp là gì?” trả lời câu hỏi: “Tôi được biết về Pháp qua hai bản kinh: ‘Ai thấy được lý Duyên khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên khởi’ (Kinh Trung bộ) và ‘Ai thấy Pháp, người ấy thấy Như Lai; ai thấy Như Lai, người ấy thấy Pháp’ (Kinh Tương ưng bộ). Xin vui lòng giải thích Pháp là gì? Có phải là Phật pháp không?”.

- Bài viết đã nhận được nhiều phản hồi từ quý độc giả. Xin trích đăng một số ý kiến trao đổi để hiểu thêm ý nghĩa của chữ Pháp trong giáo lý đạo Phật.

lotus-4312141_1280.jpg

* Chúng tôi không có ý kiến gì về phần trả lời của tòa soạn vì đã rất đầy đủ và chi tiết rồi. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chia sẻ một chút về đề tài này qua Chú giải của ngài Phật Âm (Buddhaghosa) theo quan điểm của Kinh tạng Pali.

- Câu thứ nhất, “Ai thấy được lý Duyên khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên khởi”. Theo ngài Phật Âm, chữ Pháp trong câu kinh này có ý nghĩa là sự vật, sự việc, hiện tượng... (giống định nghĩa của Duy thức: Pháp chỉ chung cho hết thảy mọi sự vật, mọi hiện tượng - cụ thể hay trừu tượng - có tự tính, có bản chất riêng biệt làm căn cứ, có khuôn mẫu khiến người ta nhìn vào là có thể nhận thức và lý giải được).

Ý của Đức Phật trong câu này có nghĩa là, ai thấy được những nhân duyên tạo ra một vật gì, thì người ấy sẽ thấy được hình tướng của vật đó. Và ngược lại, nếu ai nhìn kỹ vào một vật bất kỳ, người ấy sẽ biết được những nhân duyên đã tạo nên vật đó.

Ngài Phật Âm khẳng định, câu kinh trên là một cách diễn giải khác về lý Nhân Quả. Ai thấy Nhân (Duyên khởi) thì người ấy sẽ thấy được Quả (Pháp); ngược lại, ai nhìn kỹ vào Quả (Pháp) thì sẽ thấy được những nhân duyên đã tạo ra Quả đó (Nhân).

Ví dụ: Ai thấy mây đen, sấm chớp (Duyên khởi)... thì người ấy sẽ thấy được mưa (Pháp). Ai nhìn kỹ vào một cơn mưa (Pháp), người ấy sẽ hiểu về những nhân duyên đã tạo ra cơn mưa đó như mây đen, sấm chớp (Duyên khởi).

Đây là cách nói khác về luật Nhân quả của Đức Phật, và chữ Pháp trong câu này là chỉ cho một sự vật, hiện tượng bất kỳ.

- Câu thứ hai, “Ai thấy Pháp, người ấy thấy Như Lai; ai thấy Như Lai, người ấy thấy Pháp”. Câu này liên quan đến ngài Vakkali.

Vakkali đi xuất gia vì ước nguyện muốn nhìn thấy dung nhan thù thắng của Đức Phật mỗi ngày chứ không phải vì hạnh nguyện thực hành Chánh pháp. Phật biết vậy nên đã yêu cầu Vakkali vào rừng ẩn tu cùng chư Tỳ-kheo khổ hạnh. Vakkali đau buồn vì xa Phật nên có ý định lên núi Linh Thứu tự tử… Đức Phật dạy Vakkali rằng, ai thấy Như Lai là thấy Pháp; nếu ai không thấy được Như Lai (Báo thân Phật) mà người ấy hành trì Pháp của Như Lai dạy thì đồng nghĩa, người ấy đang thấy được Như Lai. (Trưởng lão Tăng kệ, phẩm IV: Năm kệ, Vakkali; Tương ưng bộ III: thiên Uẩn, mục V: Vakkali).

Chữ Pháp trong câu này là chỉ cho giáo pháp của Đức Phật đã dạy.

 (THÍCH VẠN THIỀN, vanthien...@gmail.com)

* Câu hỏi rất hay nhưng trả lời chỉ thuần dựa vào kinh điển, hy vọng có cơ duyên gặp được bậc chân sư thì sẽ hiểu ngay thế nào là Pháp:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: Vạn Pháp quy nhất. Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma nói: Kiến tánh thành Phật.

Phật pháp mà chẳng phải Phật pháp đó mới gọi là Phật pháp. Chúng sanh chẳng phải là chúng sanh mà tạm gọi là chúng sanh. Phật cũng chính là Pháp mà Pháp cũng chính là Phật, hợp lại thành một thể tướng nên mới gọi là Phật pháp.

Cho nên Pháp chính là phương tiện để chúng sanh thành Phật. Thế mới nói: “Phật Phật duy truyền bản thể/ Sư sư mật phó bổn tâm”. Đấy chính là Vô thượng thượng pháp, là Thậm thâm vi diệu pháp; cái mà xưa nay Tổ Tổ tương truyền, đắc được thì thành Phật, thành Bồ-tát, thành Thánh hiền. Đấy mới thực sự là Pháp.

(NHẬT PHONG, phongvt...@gmail.com)

Chúng tôi vô cùng biết ơn và trân trọng những phản hồi của quý độc giả, đồng thời cố gắng sẻ chia rộng rãi để cùng nhau suy ngẫm thêm về giáo pháp thậm thâm, vô thượng của Đức Phật.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ
(tuvangiacngo@yahoo.com)

  • Bài viết Pháp là gì? đăng trên tuần báo Giác Ngộ số 1059

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày