Chiếc lá & tờ giấy

Chiếc lá & tờ giấy
Giác Ngộ - Không biết từ bao giờ cây và người cùng cộng sinh trên trái đất này. Cây đối với người như mẹ hiền. Cây che nắng, che mưa, cho bóng mát, cây cho cột, cho lá làm nhà; cây là nguồn thực phẩm và lương thực cho con người; lá cây, trong quá trình quang hợp, hấp thụ khí CO2 và sản xuất O2, duy trì sự cân bằng của O2 và CO2 của khí quyển cho con người sống được; cây là nguồn dược liệu phục vụ sức khỏe con người; cây giữ nguồn nước cũng như ngăn lũ; cây là nguồn cảm hứng vô tận của con người.

Thiên nhiên quanh ta đẹp cho đến chiếc lá. Lá trên cành cũng như lá lìa cành, khi nào cũng đẹp, đặc biệt có thứ lá khi lìa cành có vẻ đẹp riêng và vẫn còn có ích cho đời: lá cau khô làm chổi cau và cho mo cau để... ngắm chơi, để nhớ lại một thời mo cau gói cơm với muối mè, bới theo ăn buổi trưa; hoặc lá sa-kê đẹp kỳ lạ dầu đã lìa cành, một vẻ đẹp quá thời mãn khai, màu vàng cháy và còn đó nhựa sống, khiến có người đem chưng nó trong phòng... Lại có thứ lá cho con người viết kinh Phật. Kinh lá bối là những tác phẩm cổ xưa ghi chép các bản kinh Phật trên lá bối (một loại lá cọ) nguyên từ Ấn Độ cổ đại. Kinh lá bối là hiện tượng văn hóa đặc sắc của thế giới, được truyền thừa và sử dụng đến nay hơn 2.000 năm. Phật giáo Nam tông Khmer cũng đã lưu truyền kinh Phật trên lá buông, do những bậc tiền bối đạo hạnh cao thâm và tài hoa viết bằng chữ Khmer. "Hiện nay, hàng chục ngôi chùa Khmer khắp vùng Bảy Núi - An Giang đều còn lưu giữ những bộ kinh lá cổ". (Giữ gìn chữ Khmer cổ viết trên lá bối, vietbao.vn, 2-12-2004)

Từ khi con người phát minh ra giấy, thì chuyện viết kinh trên lá trở thành chuyện quá khứ xa xưa, chuyện thiêng liêng, hoặc nếu có, chỉ là cá biệt, như các ngôi chùa Khmer nói trên. Lá lại trở về với... lá, cuốn theo dòng đời: lá non, lá xanh, lá úa, rồi lá rụng, để thế hệ khác tiếp nối. Lá trên sân trở thành rác, phải bị quét đi.

Nếu lá từ cây, cũng là từ thiên nhiên thì giấy là sản phẩm của con người, của công nghệ, cũng từ cây mà ra. Lá là vẻ đẹp của thiên nhiên, giấy là vẻ đẹp của văn hóa. Kể từ khi có giấy thì loài người bước vào kỷ nguyên mới: bao nhiêu công trình, bao nhiêu kinh kệ, thơ văn, nghệ thuật, tính toán, bản đồ, khoa học, luật lệ, hiến pháp,… đều thể hiện trên giấy, lưu trữ trên giấy. Tờ giấy trắng thật là cao cả: các nhà giáo dục ví von tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, người lớn không được bôi bẩn tờ-giấy-trắng-tâm-hồn đó. Bao nhiêu lời hay, ý đẹp, bao nhiêu thành tựu văn hóa, khoa học hiện ra trên giấy. Biết bao công lao sinh thành của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô và nhà trường, biết bao công sức trí tuệ của người học được thể hiện bởi tấm bằng tốt nghiệp; biết bao công lao nghiên cứu, khảo sát, sáng tác để có những trang sách giúp ích cho đời, cho tình cảm và trí tuệ thăng hoa... Nhưng bất hạnh thay, giấy cũng phải tủi nhục, làm nô lệ cho biết bao nhiêu thứ sản phẩm nọc độc cho trẻ em, cho thanh niên, bao nhiêu thơ văn chỉ bộc lộ cái ngã to tướng và tham sân si: hám danh, tham lợi, sân hận, si mê, hoặc làm chứng cho những thứ bằng giả, bằng dỏm. Khi xã hội càng văn minh và cuốn theo cơn lốc thị trường, giấy càng được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày: quảng cáo, vé, tờ rơi, trang trí, bọc hàng, nhãn, thùng cạc-tông, giấy vệ sinh… Khi hàng đã dùng rồi, thì tức khắc thứ giấy này trở thành rác. Cũng như thế, chừng nào mà giấy không được cất giữ thì giấy trở thành rác.

Lá rơi, giấy loại, bao nhựa, chai bể, hộp cơm,… đều xem như rác, như vậy thì oan cho lá quá. Bạn thử tưởng tượng vào một buổi sáng, trên một công viên, lá rơi rụng trên cỏ, trên lối đi, mà chưa được quét thì tình trạng không đến nỗi nào, biết đâu đó là một nét chấm phá hững hờ trên bức tranh phong cảnh; nhưng nếu trên công viên trước Trường Đại học Sư phạm Huế, bạn đi dạo vào sáng sớm, bạn sẽ thấy cảnh tượng nhếch nhác, mất vệ sinh, mất thẩm mỹ vì giấy loại, bao ni lông và các loại giấy bao bì do đêm qua, các bạn thanh niên, sinh viên tụ tập vui chơi để lại. Nghe tin ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã thử nghiệm một tour du lịch khám phá sông nước Tam Giang, tôi thấy rất hay, nhưng khi đi thuyền trên một đoạn sông từ cầu Phú Xuân về ngã ba Sình, cảnh quan sông nước thì thật là đẹp, nhưng ô uế, nhếch nhác vì bao ny lông, giấy má, rác thải hết chỗ nói, tấp bên bờ, dưới cầu, lềnh bềnh trên sông, lại thêm nhiều nơi, mùi xú uế phảng phất, du khách nào chịu nổi?

Cho nên, cái gì của thiên nhiên thì thiên nhiên và con người dễ sắp xếp và xử lý; còn cái gì của con người can thiệp vào thiên nhiên, khai thác thiên nhiên, biến đổi thiên nhiên, thì một mặt đem lại lợi ích vô cùng lớn lao cho đời sống con người, nhưng mặt khác, lại gây biết bao vấn nạn đến nỗi không tìm ra lời giải, nhất là đối với các xã hội chậm tiến. Chai, lọ, túi ny lông, bao plastic, kim loại phế thải, cho đến các thứ máy móc, đồ gia dụng hư hỏng, đồ văn phòng lạc hậu lâu đời, rồi các thứ thải công nghiệp, chất thải y tế, xây dựng, chất thải phóng xạ… để chỗ nào cho khỏi ô nhiễm môi trường sống?

Giải pháp trước hết là tái chế: tái chế giấy rác thành giấy trắng, tái chế đồ rác thủy tinh thành chai lọ, rồi đến chế biến rác phân hủy được thành phân bón. Khổ nỗi là giá thành sản phẩm cao, và nguyên liệu để chế biến không hút hết đồ phế thải. Ở các nước phát triển, thành phẩm chế biến khá tốt nên người tiêu dùng mua được, dù mua với giá cao, vì người mua ủng hộ giải pháp làm sạch môi trường. Nói chung, tái chế không hoàn toàn triệt tiêu rác, và sản phẩm chỉ là loại thứ cấp.

Giải pháp thứ hai là bớt tiêu dùng những thứ sẽ sinh ra rác khó phân hủy. Chẳng hạn bao ny lông, dẹp bỏ nó có được không? Trước đây, người mua sắm ở siêu thị tha hồ dùng bao ny lông, cả cuộn to tướng bao ny lông trên tường, chỉ cần giựt một cái là có để đựng thịt thà, rau cải,… Ngày nay, nhiều siêu thị hưởng ứng chiến dịch làm xanh trái đất, ai cần bao ny lông thì phải trả tiền, có nơi thay thế bao ny lông bằng bao giấy. Người ta lại khuyến khích dùng giỏ để đi chợ, một thói quen hiển nhiên hồi trước. Không những chuyện làm xấu môi trường, những chai nhựa, hộp cơm có thể là tác nhân gây nên ung thư, và ngày nay ở Mỹ, nhiều người không uống nước đựng trong chai nhựa nữa.

Giấy là vật phẩm quá rẻ cho nên xã hội và người dùng rất lãng phí, và mục đích dùng nới rộng, từ giấy cho đến sách vở, cho đến hộp giấy, giấy vệ sinh, giấy phục vụ ăn uống, cũng phải kể đến giấy phục vụ cho người thế giới bên kia - nào xe hơi đời mới, nhà lầu, hoa hậu chân dài, … đô la âm phủ,… Trong thùng rác gia đình cũng như đống rác thu gom, phần lớn rác là giấy và sản phẩm từ giấy. Đã đến lúc người ta báo động về tác hại của việc dùng giấy xa xỉ. Để làm được giấy, phải tiêu tốn không biết bao nhiêu gỗ, phá bao nhiêu cây (tất nhiên người ta sẽ tái tạo rừng, nhưng tái tạo không theo kịp với khai thác), và dầu cho nguyên liệu là bột giấy từ gỗ hay giấy loại, thì đều gây không biết bao ô nhiễm cho môi trường nơi sản xuất, ô nhiễm nguồn nước.

Mỗi ngày con người chặt khoảng 270.000 cây trên toàn thế giới và 10% trong số đó trở thành nguyên liệu để sản xuất giấy vệ sinh. "Hậu quả là những khu rừng ở cả bán cầu Bắc và bán cầu Nam đang bị các công ty giấy đốn ngã để phục vụ nhu cầu sử dụng giấy vệ sinh của người dân", tạp chí World Watch nhận xét. (VnExpress, 27-4-2010, Giấy vệ sinh ‘ăn’ rừng).

Công nghệ giấy là một công nghệ tạo ra nhiều ô nhiễm bậc nhất so với nhiều công nghệ khác. Lượng nguyên liệu sử dụng như nước, xút caustic chlor và một số hóa chất khác cùng những phế thải rắn và lỏng vẫn còn là hai vấn nạn lớn trong công nghệ này. Tuy nhiều nơi đã điều chế giấy từ nguồn giấy thải, giảm bớt chế tạo giấy từ cây, ít ô nhiễm hơn, nhưng việc tái sinh giấy cũng tạo ra một nguồn phế thải mới, nhất là phải sử dụng nhiều chất tẩy (chlor) độc hại, tác nhân gây ra ung thư.

Ở VN, bạn cứ xem công nghệ làm giấy ở một xã để thấy "ớn xương sống" như thế nào.

"Một ngày tháng 4-2010, chúng tôi về xã Phong Khê (Yên Phong, Bắc Ninh), nơi sản xuất ra đủ các chủng loại giấy từ giấy thùng carton, giấy in, giấy báo, cho tới giấy ăn, giấy vệ sinh, và không khỏi kinh ngạc khi khắp các ngả đường tại xã này luôn nồng nặc mùi tạp chất được thải ra từ những xưởng sản xuất giấy. Không ngoa khi nhiều người cho rằng nơi đây là một ‘bãi rác’ giấy khổng lồ. …

Đi qua những con đường lầy lội, nước tù đọng đen ngòm, chúng tôi tới cơ sở sản xuất giấy của gia đình chị L. thuộc Khu công nghiệp xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Trong căn nhà chật chội, ẩm thấp, giấy được bày la liệt, chất đống cao chất ngất. Chúng tôi được ‘nếm’ ngửi thứ mùi chua nồng khó chịu, ầm ì tiếng máy xeo (máy ép giấy), hơi nước bốc mù mịt… Nước thải tù đọng, rác... lềnh phềnh.

Tại Phong Khê, một số lượng lớn hộ gia công nhỏ lẻ sản xuất giấy ăn cung cấp đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, bán rộng rãi trên thị trường. Tờ giấy ăn ‘thường dân’ nhất như ‘giấy phở’ (loại giấy ăn thô ráp, màu trắng đục, hình vuông vẫn thường dùng tại các quán cóc ven đường, quán cơm vỉa hè,...) đến các loại giấy ăn cao cấp đều được ‘chế biến’ bằng công nghệ... nồng nặc như trên". (Rùng mình "chiêm ngưỡng" công nghệ sản xuất công nghệ giấy ăn (24-5-2010). http://www.info.vn/life/all/12516-rung-minh-qchiem-ngngq-cong-ngh-sn-xut-giy-n)

Nền văn minh nhân loại đã bị trả giá quá đắt: ô nhiễm môi trường sống, khí hậu biến đổi thất thường và ngày càng xấu, nước biển dâng cao. Bây giờ lương tri thời đại đã phản tỉnh: "Hãy cứu lấy Trái đất!", "Hãy trả lại màu xanh cho Trái đất!". Đã và sẽ có không biết bao nhiêu hội nghị quốc tế và quốc gia bàn cách khắc phục thảm họa này, sao cho việc khai thác tài nguyên không hủy hoại môi sinh, để rừng đầu nguồn được phủ xanh như ngày xưa, để tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào đời sống không hủy hoại tầng ozone, cũng như không ô nhiễm môi trường. Việc đại sự của toàn nhân loại cũng là việc của mỗi người. Có lẽ đến một tương lai không xa, dù muốn dù không, con người phải bớt tiện nghi, bớt thoải mái, bớt... sung sướng, ví dụ như sử dụng xe đạp cùng với các phương tiện khác, bớt dùng máy lạnh, không dùng bao ny lông, chịu khó dùng đồ tái chế, giảm dùng phân hóa học, giảm ăn thịt, đi ăn tiệm đem theo khăn tay để khỏi dùng khăn giấy, đi chợ mang theo giỏ, không ăn cơm trong hộp giấy, tránh bớt những thức uống trong lon, trong chai nhựa, sử dụng giấy tiết kiệm...

Không hẹn mà các công dân toàn cầu phải gặp nhau ở lối sống thiểu dục tri túc. Đó là lối sống của người theo đạo Phật, và đó là cách góp phần cứu vãn trái đất. Hành tinh này là màu xanh, màu xanh của lá, của trời, của nước, chứ không phải màu da của con người. Rác từ lá càng nhiều và rác từ giấy bớt đi, có như thế thì Trái đất mới mãi mãi màu xanh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày