Không chỉ đọc tụng, mà cần hiểu nghĩa - Ảnh minh họa |
Chuyện Thánh nữ Bà-la-môn
Khi đọc kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện, đoạn Thánh nữ Bà-la-môn cứu mẹ, cô là con gái dòng Bà-la-môn, là người hiếu hạnh, được quỷ vương gọi là Bồ-tát, có thể thấy địa ngục nhờ nguyện lực, nhiều đời chứa phước sâu dày, mọi người đều kính nể, khi đi, đứng, nằm, ngồi thường được chư thiên theo hộ vệ, có thể ngồi niệm danh hiệu Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai suốt một ngày một đêm, có năng lực không chỉ giúp mẹ thoát chốn địa ngục mà cả những tội nhân ở ngục Vô Gián, nhưng vẫn không thể cứu mẹ thoát khỏi địa ngục ngay từ đầu mà phải sau khi bà đọa địa ngục. Việc đó tạo một sự thắc mắc trong tôi. Vì sao phải đợi mẹ vào địa ngục rồi mới cứu lên được, không thể thoát ngay từ đầu?
Có người nói bà xuống địa ngục để tạo nhân duyên cứu tất cả chúng sinh khác. Nghe cũng hay hay nhưng đó không phải là câu trả lời giải tỏa được thắc mắc của tôi. Cần một câu trả lời thực tế hơn, nghiêng về chúng sinh nhiều hơn ý nghĩa Bồ-tát như thế.
Trải qua bao năm, kinh nghiệm từ bản thân cho đến người ngoài, mới ngẫm ra rằng là do nghiệp tập của con người. Nghiệp tập chúng sinh mạnh đến nỗi nguyện lực của Bồ-tát không đủ sức kéo lôi nếu bản thân người đó không tự tỉnh giác dừng lại và quay đầu. Tỉnh giác rồi, tức kiến hoặc đã xong, vẫn còn vướng vào cái gọi là tư hoặc. Tức tư tưởng thông rồi, nhận ra thứ gì nên làm, thứ gì không nên làm rồi, thì trên sự vẫn chưa thoát được những gì thuộc thói quen. Biết mà vẫn phạm. Trong kinh Lăng-già, Phật nói “Ngộ thì đốn mà tu phải tiệm”. Thông rồi, vẫn cần thời gian, cần những trải nghiệm khổ đau mới chịu dừng. Nói chung, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, chưa đến cuối đường vẫn chưa thể quay đầu. Chưa quay đầu thì nghiệp chưa chuyển, nguyện lực của Bồ-tát chưa thể cứu.
Con nhỏ khổ đau mười năm trời, chờ đợi một mối tình. Chuyện tình yêu, khi tỉnh táo để nhìn, mọi thứ rất đơn giản. Yêu, họ sẽ tìm đến mình, không vì lý do gì khác. Đã có lý do nghĩa là không có tình yêu, hoặc có tình yêu mà nó được xếp sau vô số các việc khác, thành mười năm rồi không có thời gian cho mình dù chỉ là một tin nhắn. Không thể có hạnh phúc với một tình yêu như thế. Vậy mà con nhỏ vẫn biện mọi lý do để chờ, hy vọng một ngày nào đó chàng trở lại.
Trở lại thật, còn đòi cưới liền tay. Con nhỏ hỏi tôi, tôi ngăn với những lý do như vừa nói, thêm một mớ lý do khác: Đâu biết giờ nợ nần, nhân thân ra sao, cưới xong đổ nợ ra đó thì sao. Nhưng mọi lý do đều không cản được tình yêu dữ dội của nó. Ngu muội đến mức, ao ước chỉ cần được ở cạnh chàng, dù khổ não bao nhiêu cũng chịu. Đến khi người vợ sắp cưới thật sự của chàng xuất hiện, chửi thẳng vào mặt nàng, có mặt chàng ngồi đó, cả hai hùa nhau cùng chửi, nàng mới hết mộng mơ. Nghiệp đó, không chỉ là nghiệp báo mà còn là nghiệp tập. Yêu đương mù quáng được huân tập quá lâu, lực đã mạnh, nên cứ theo đó mà tới không dừng được, cho đến khi không còn đường để đi. Vật vã khốn khổ hết đường mới chịu quay đầu. Vậy đó, có những loại tập cần phải có cái khổ của địa ngục mới buông được. Nguyện lực của Bồ-tát trợ duyên chỉ biết chờ, như Thánh nữ Bà-la-môn chờ mẹ đọa địa ngục rồi mới tính tiếp. Hiểu vậy thì trong việc sửa mình và giáo hóa người, sẽ thấy bình thản hơn đối với những nhân duyên tương tợ.
Câu chuyện ngài Thiện Tinh
Thiện Tinh là thị giả của Đức Phật khi còn ở thành Vương-xá.
Đầu hôm, Đức Phật thuyết pháp cho trời Đế Thích nghe. Theo lệ, thị giả không được đi nghỉ trước thầy, nên Thiện Tinh sinh niệm ác, bạch Phật rằng:
- Xin thầy vào thiền thất mau, quỷ Bạt-câu-la đến kìa.
Phật bảo Thiện Tinh:
- Ông là kẻ ngu. Ông không biết Đức Như Lai là bậc Vô sở úy ư?
Trời Đế Thích thấy vậy mới bạch Phật rằng:
- Hạng người như vậy mà cũng vào được trong Phật pháp ư?
Phật nói với Đế Thích:
- Cũng được vào trong Phật pháp. Họ cũng có Phật tánh, sẽ chứng được Bồ-đề vô thượng. Ta vì Thiện Tinh thuyết pháp, Thiện Tinh vẫn không có lòng tin.
Một lần Phật vào thành Thi-bà-phú-la khất thực, vô lượng chúng sinh muốn thấy dấu chân Ngài. Thiện Tinh theo hầu phía sau, đi tới đâu chà tới đó, nhưng không chà mất được, lại khiến chúng sinh có quan niệm chẳng lành với mình.
Khi vào thành rồi, thấy trong nhà cất rượu có một Ni-kiền-tử ngồi chồm hổm, khom lưng ăn bã rượu, Thiện Tinh bạch với Phật:
- Nếu trong đời có bậc A-la-hán, thời người đó là hơn tất cả. Vì người đó tuyên bố không nhân không quả.
Đức Phật bảo Thiện Tinh:
- Ông là kẻ ngu. Ông không nghe bậc A-la-hán không uống rượu, không hại người, không khi dối, không trộm cắp, không dâm dật ư? Ni-kiền-tử đó giết hại cha mẹ, ăn bã rượu, sao lại gọi là A-la-hán? Ni-kiền-tử đó, sau khi chết nhất định đọa địa ngục A-tỳ, còn A-la-hán dứt hẳn ba đường ác, sao gọi hắn là A-la-hán?
Thiện Tinh liền nói:
- Tánh của tứ đại còn có thể đổi, quyết không có việc người đó đọa địa ngục A-tỳ.
Đức Phật nói:
- Ông là kẻ ngu. Ông không thường nghe chư Phật luôn nói lời thành thật ư?
Dù Phật nói thế nào Thiện Tinh tuyệt không có lòng tin.
Một lần khác, có Ni-kiền-tử tên Khổ Đắc tuyên bố rằng: “Phiền não của chúng sinh không nhân không duyên, giải thoát cũng không nhân không duyên”. Nghe vậy, Thiện Tinh bạch với Phật:
- Nếu trong đời có bậc A-la-hán, thời Khổ Đắc là trên hết.
Phật nói:
- Ta nói ông là người ngu. Khổ Đắc không phải là A-la-hán, không hiểu được đạo A-la-hán.
Thiện Tinh nói:
- Sao A-la-hán lại đi tật đố với A-la-hán?
Phật nói:
- Ông là người ngu. Ta chẳng sinh tật đố với A-la-hán, chính là ông tự sinh quan niệm ác tà. Nếu ông nói Khổ Đắc là A-la-hán, thời ông nên nghe đây, bảy ngày sau Khổ Đắc sẽ bị trúng thực, đau bụng mà chết. Chết rồi, sinh trong loài quỷ ăn đồ ói mửa khạc nhổ của người. Bạn học của y sẽ mang thây y bỏ trong rừng Tha-ma.
Thiện Tinh liền đem lời này thuật lại với Khổ Đắc, rồi bảo Khổ Đắc rằng:
- Trưởng lão nên khéo tư duy, tìm phương tiện tu tập, sao cho lời Cù Đàm thành vọng ngữ.
Sau khi nghe Thiện Tinh nói, Khổ Đắc liền đoạn thực. Đến ngày thứ bảy, ăn đường đen uống nước lã đau bụng mà chết. Bạn của Khổ Đắc mang thi hài bỏ vào rừng Tha-ma. Khổ Đắc sinh làm quỷ đói, ăn đồ khạc nhổ ói mửa của người.
Thiện Tinh biết tin, liền đến rừng Tha-ma, thấy Khổ Đắc ngồi chồm hổm bên tử thi, liền hỏi:
- Đại đức chết rồi ư?
- Tôi đã chết.
- Vì sao chết?
- Đau bụng mà chết.
- Ai mang thây Đại đức ra đây?
- Bạn học tôi.
- Mang thây bỏ chỗ nào?
- Ông là người ngu. Há không biết đây là rừng Tha-ma sao?
- Đại đức thọ thân gì?
- Thân quỷ ăn đồ ói mửa.
Trả lời rồi, bảo với Thiện Tinh:
- Ông nên nghe kỹ, lời của Đức Như Lai là lời lành, lời chân, lời phải thời, lời đúng nghĩa, lời đúng pháp, sao ông không chịu tin lời chân thật của Như Lai. Nếu kẻ nào chẳng tin lời Như Lai, kẻ ấy sẽ thọ lấy thân như tôi.
Thiện Tinh trở về bạch với Phật:
- Khổ Đắc đã sinh lên cõi trời Đao Lợi.
- Này người ngu! A-la-hán là vô sinh, sao lại sinh cõi trời? Hiện nay y đang thọ thân quỷ đói.
- Thật là hiện nay y đang thọ thân quỷ đói.
- Lời của chư Phật là lời chân lời thật, không bao giờ sai.
- Dù như thế, tôi vẫn không có lòng tin.
Phật thường thuyết pháp cho Thiện Tinh mà Thiện Tinh tuyệt không có lòng tin thuận.
Dù Thiện Tinh đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng được Tứ thiền, nhưng không hiểu nghĩa một bài kệ, một câu, nhẫn đến một chữ. Vì gần gũi bạn ác nên mất Tứ thiền, sinh kiến chấp tà ác mà nói rằng không Phật, không Pháp, không có Niết-bàn. Ông cho rằng Đức Phật có thể biết được tâm niệm cũng như các thứ khác chẳng qua là do giỏi tướng số mà thôi.
Đó là câu chuyện được ghi trong kinh Đại Niết-bàn tập 2, phẩm Bồ-tát Ca Diếp.
1. Thân cận người đạo hạnh không hẳn là người có đạo hạnh
Không phải ở gần Phật là đã thành Phật hay có được công đức, định lực và trí tuệ như Phật. Không hẳn. Người ta vẫn thường khen ngợi ai gần được các bậc Tôn túc là “có phước báu quá!”. Việc đó không sai. Phải có ít nhiều phước báu mới gặp được chư vị. Nhưng phước báu ấy chỉ mới nằm ở mặt gặp, cũng có khi là được kề cận lâu dài, nhưng việc đó chưa hẳn đã mang lại định tuệ đầy đủ cho người ấy. Thiện Tinh không những không có định tuệ mà tà tâm vẫn lẫy lừng. Hiểu chính xác chỗ này thì không có việc đáng tiếc xảy ra.
Một phụ nữ đã hỏi tôi, bà không hiểu vì sao một người như bạn bà, được các bậc Tôn túc vui vẻ chào đón dù có nơi không thấy cúng dường, cũng có trí tuệ giải quyết mọi việc khá ổn, lại có thể gạt của con bà mất mấy tỷ. Đọc chuyện này thì thấy việc ấy không phải là lạ. Đời này và đời trước có tâm cúng dường cho chư vị thì đủ duyên gặp mặt tự nhiên thấy hoan hỷ. Người, hiện đời không thấy cúng dường mà vẫn được đón tiếp niềm nở là do đời trước từng gieo cái nhân tương tợ. Gieo duyên hoan hỷ thì nhận được quả hoan hỷ. Thiện Tinh cận kề Đức Phật như thế mà tà tâm còn như thế, huống là lâu lâu mới gặp? Vấn đề là mình đã không biết hạn cuộc đúng cái quả hiện tại trong cái nhân của nó. Mình đã vọng tưởng sâu và rộng hơn, cho người nhận được thiện cảm của các bậc Tôn túc là người có đức hạnh vẹn toàn, lòng tham đã dứt. Do phần vọng tưởng đó mà hành sự của mình trở nên lầm lẫn, kết quả thành xấu. Nếu hiểu rằng, con người là tập hợp của vô số các chủng tử, đủ duyên mới hiện ra thiện ác rõ ràng, thì không có gì ngạc nhiên. Vạn pháp vốn không tánh, chỉ y tựa nhân duyên mà hiện thành quả. Tuy cùng một người, nhưng với nhân duyên thiện lành sẽ cho cái quả thiện lành, với nhân duyên đánh cắp thì cho cái quả mất mát. Bạn người phụ nữ gieo cái duyên thiện lành với các bậc Tôn túc thì được cái quả hoan hỷ. Con trai người phụ nữ gieo cái nhân trộm cắp thì gặt cái quả mất mát. Hai nhân ấy xảy ra trên cùng một người là việc bình thường, vì tất cả pháp đều hình thành từ nhân duyên. Cuộc đời một người là sự kết hợp nối tiếp giữa các mắt xích nhân duyên, tức tùy duyên mà pháp hiển tướng. Nhưng chúng ta lại gắn tính cố định cho pháp, cho pháp có một tánh cố định, trong nhân duyên này người ấy tốt thì với nhân duyên khác người ấy cũng tốt. Không. Mọi thứ đều tùy duyên. Duyên nào có nhân tốt thì quả thành tốt. Duyên nào có nhân xấu thì quả thành xấu. Tính tốt xấu của con người theo đó mà hình thành. Không có tính nhất định.
Việc thấy một người nào đó ở cạnh một người có đạo hạnh, liền cho người đó có đạo hạnh, là một sai lầm khá lớn của nhiều người. Người có đạo hạnh thường khó lầm về người ở cạnh mình. Như Đức Phật không lầm về Thiện Tinh. Thân cận vì có nhân duyên. Chẳng phải không có nhân duyên mà thân cận. Nhưng cái nhìn của mình chưa tới, nên mình chỉ dừng trên mặt hiện tượng, không thấy được bản chất nhân duyên của mọi sự việc.
Một thời gian dài, tôi cũng được thân cận bởi những vị có khá nhiều tật, nhất là cái tật mượn tiền không trả. Vì sự thân cận đó, có người đã vướng vào việc cho mượn và mất luôn. Cho mượn, vì thấy “hay gần cô nên chắc là người tốt”. Tôi không có ý thân cận những người như thế, nhưng không thể cấm họ gần tôi. Chỉ có thể biến cái duyên thân cận đó thành cái duyên phân tích, lý giải v.v. để người dừng bớt nghiệp tập của mình. Còn cho mượn tiền để tập nghiệp của họ ngày càng tăng thạnh thì không. Càng không thể đi rêu rao tập xấu của người. Cho nên, tự mỗi người phải trang bị cho mình một cái nhìn tương đối để khỏi lầm lẫn. Nhắm không xong thì nhấc điện thoại lên mà hỏi, tôi luôn sẵn sàng. Còn tự quyết với lý luận như thế thì việc đáng tiếc phải xảy ra. Vì mình không thấy các pháp đúng như chính nó mà thảy đều qua vọng tưởng của mình. Do cái thấy đó mà nhân sinh gây tạo cái nhân khổ đau rồi gặt cái quả khổ đau. Cho nên, tu hành rốt cuộc được gì? Được tri kiến Phật. Đó là cái thấy biết Phật. Thấy đúng bản chất các pháp trong từng duyên nó đang hiện tướng.
2. Kiến chấp kiên cố
Thiện Tinh chứng được Tứ thiền, đọc tụng mười hai bộ kinh, vậy mà những gì Đức Phật nói, thảy đều không tin nhận. Không chỉ là lời nói suông, còn được minh chứng bằng thực tế, vậy mà Thiện Tinh vẫn không tin. Tâm thích gì thì việc đó thành như thế, không phải do bản chất của sự việc như thế mà nó thành như thế. Schopenhauer, một triết gia người Đức, đã nói “Không phải ta muốn một điều gì vì ta đã tìm ra lý lẽ cho điều ấy. Trái lại, ta tìm lý lẽ cho nó vì ta muốn nó…”1. Tâm thức của phàm phu là như thế. Nếu không do kinh nói, thật khó tin trên đời lại có mẫu người như Thiện Tinh. Nhưng đó là hình tượng tiêu biểu cho một số người thời nay. Chỉ tin những gì mình cho là đúng, bất kể thực tế thế nào. Chính vì thế, mới nảy sinh các loại giáo phái không thể tưởng tượng. Vậy mà vẫn thành một giáo phái vì có người tin theo. Trẻ có, học thức có, chỉ là có cái đầu theo kiểu Thiện Tinh, nên sự việc mới ra như vậy. Thời Đức Phật đã có, lời Đức Phật còn có thể không tin, thì lời của mình hiện nay có bị phỉ báng cũng bình thường. Cho nên, im lặng là một trong bốn cách Phật dạy trong khoa đối đáp. Chỉ nên nói với người hữu duyên. Chớ tranh cãi với những người như Thiện Tinh. Đọc đoạn kinh đó rồi, tự dưng thấy bình thản với những người mình gặp trong đời qua các tướng dạng tương tự.
3. Dù thuộc đạo tràng, không phải ai cũng là đạo nhân
Khi thấy cách cư xử của Thiện Tinh với Đức Phật, trời Đế Thích đã nói “Hạng người như vậy mà cũng vào được trong Phật pháp ư?”. Phật trả lời “Cũng được vào trong Phật pháp. Họ cũng có Phật tánh, sẽ chứng được Bồ-đề vô thượng”. Ai cũng có thể ở trong Phật pháp. Vì ai cũng có Phật tánh và dù ngu muội cố chấp thế nào, một lúc nào đó cũng sẽ phát tâm đi đường chân chánh, tu Bồ-tát hạnh, thành tựu Bồ-đề vô thượng. Bởi một lần cố chấp sai lầm là một lần đọa vào đường dữ. Khổ não sẽ giúp quay đầu, như câu chuyện mẹ của Thánh nữ Bà-la-môn nói trong kinh Địa Tạng.
Và chúng ta, cũng đừng ngạc nhiên hay la toáng lên khi thấy có một vị Tăng được trình làng vì những sai phạm. Đạo lực như Phật, bên cạnh còn xuất hiện một thị giả như thế thì với đạo hạnh người tu thời nay, xuất hiện một vài sai lầm cũng bình thường thôi. Thái độ bình thản của Phật tử đối với các Tăng nhân như thế là cần thiết. Ít nhất là không góp tay tạo phương tiện cho kẻ muốn phá hoại Phật giáo có cớ bày trò. Nhưng đa phần Phật tử đều không giữ được tâm bình thản khi đối diện với những sự việc tương tự. Giương cao ngọn cờ bảo vệ Chánh pháp, chúng ta bắt đầu chia sẻ và khởi tâm phỉ báng… dù chưa biết sự thật thế nào. Nghe là động tâm chửi trước. Châm lửa cho những rối ren người khác đã tạo ra. Cho nên, nhiệt tình mà thiếu trí tuệ thì thành phá hoại.
Không chỉ bình thản với những sự kiện như thế mà với bạn đạo cũng nên như thế. Bởi ai cũng có Phật tánh, ai rồi cũng chuyển tâm tu hành, thành Phật. Bình thản được thì an nhiên được. Tốt nữa thì cố gắng tu hành rồi mang công đức đó hồi hướng, nguyện cho người chuyển tâm…
4. Không chỉ đọc tụng mà cần hiểu nghĩa
Thiện Tinh tuy có đọc tụng kinh kệ và chứng được Tứ thiền nhưng hạnh vẫn tà, là do “không hiểu nghĩa một bài kệ, một câu, nhẫn đến một chữ”. Đọc tụng thì có mà một chữ cũng không hiểu nghĩa. Đó là lý do không thể y kinh hành xử cho tương thích. Như kinh Địa Tạng, không phải chỉ tụng đủ mấy thời, bao nhiêu biến… mà phải hiểu những gì kinh nói, y đó mà làm theo thì kết quả mới trọn vẹn. Như trong nhà có ma chay thì ngoài việc tụng đọc còn phải hạn chế sát sinh, tránh phung phí, không được ăn trước vật phẩm cúng dường cho chư Tăng v.v. Kinh không dạy chỉ mỗi việc tụng niệm. Tụng niệm có cái quả của tụng niệm, nhưng các phần khác không có thì những cái quả tương ưng cũng không có. Chẳng may đi ngược với lời kinh dạy, thay vì không sát sinh, mình lại sát sinh mời khách tụ hội đàn ca v.v... thì tụng niệm không xóa nổi tội lỗi đã phạm. Cho nên, các bậc Tôn túc đã cho phiên dịch kinh điển ra tiếng địa phương, để Phật tử ngoài việc tụng đọc, còn phải theo đó thực hành. Công đức dịch kinh vô cùng to lớn. Phật tử chịu ơn cũng không phải nhỏ.
Tu Tứ thiền nhưng không quán khổ, không, vô thường, vô ngã như hàng Thanh văn, lại không có trí tuệ, nên dù chứng đắc Tứ thiền, vẫn rơi vào đường dữ. Cho nên tu Thiền, tu Mật hay tu Tịnh… thảy đều phải quán vô ngã để buông ngã chấp, phá dần tứ tướng. Vậy thì việc tu mới có kết quả tốt đẹp.
Tu thiền, không nhất thiết phải ngồi thiền được lâu, lấy đó làm công khóa cho là đủ. Đúng là do ta động quá, cần lấy việc tọa thiền để đối trị, nhưng đó không phải là cứu cánh. Ngồi lâu mà trí tuệ không phát, kinh luận đọc không hiểu, ngã tướng tăng thạnh thì chẳng khác gì Thiện Tinh, tà kiến nhất định phát sinh. Cho nên, tọa thiền được lâu thì tốt, nhưng trí tuệ phải phát, tứ tướng phải giảm. Không thì sẽ lạc vào đường tà.
Nguyện cho chúng sinh trong mười phương pháp giới tin sâu lời Phật dạy, hiểu nghĩa Phật pháp, ứng dụng tu hành, tiêu trừ cái chấp ngã pháp, đồng chứng quả vị vô thượng.
Chân Hiền Tâm/Nguyệt san Giác Ngộ
_________________________________
(1) Câu chuyện triết học, Will Durant, Trí Hải và Bửu Đích dịch.