Tôi sẽ là...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Em sẽ nghe lời anh, em không làm cá nữa. Em sẽ đậu dưới cụm hoa này, đôi cánh xinh xinh chấp chới cho vui. Cho vui thôi nha! Và cứ vui đi, bởi vì chúng ta, chúng ta vốn chẳng biết trước được điều gì, anh nhỉ!

1. Xuôi theo dòng chảy mạng xã hội, tôi cũng lần mò bước vào cơn mộng mị ủi an của một ứng dụng đoán này đoán nọ, hay tạm gọi ứng dụng “bạn là ai”. Nếu là đàn ông thì bạn sẽ trông như thế nào? Nếu là một nhân vật của Thủy hử, của Truyện Kiều thì bạn sẽ là nhân vật đẹp đẽ hay cự phách nào? Nếu trong vũ trụ Marvel thì bạn sẽ quyền biến ra sao?

Tôi vẫn nghĩ con người thật vui tánh. Họ luôn có nhu cầu được nhìn ngắm lại mình bằng một đôi mắt khác, bằng một hình tướng khác. Con người thay đổi quần áo mỗi ngày, ngoài chuyện mặc định của ứng xử văn hóa, nó luôn bao hàm cả yếu tố chúng ta muốn được nhìn thấy mình khác lạ đi. Nói đến đây, tôi bất ngờ thấy mình thật may vì được làm người, chứ nếu là một chú gà trống, dù cho sặc sỡ đẹp đẽ đến đâu, chú gà trống vẫn chỉ có một bộ cánh mà thôi, suốt đời.

2. Thuở nhỏ, tôi đã có lần tự hỏi rằng, nếu là hoa, tôi sẽ là hoa gì? Tôi đã tin rằng chị hàng xóm nhà tôi tuy tên là Huệ nhưng chị lại là một đóa phù dung đổi màu. Trong ngày chị đi lấy chồng, tôi đã đứng bên cạnh một cây cột rạp được quấn kín bằng dây bòng bong. Dây bòng bong thơm mùi đám cưới lẩn quẩn đầu mũi khi tôi nhìn chị Huệ đẹp như tiên nga bước ra khỏi tấm màn cửa bằng vải voan ren màu hồng. Đó là buổi trưa trời đứng nắng, chị ngồi phía sau chiếc cúp cánh én đi về nhà chồng. Không có xe hơi làm xe hoa, đám cưới rước dâu toàn bằng xe Honda “nghĩa địa” của Nhật nhập lậu qua đường khẩu Campuchia. Đoàn rước dâu đón chị đến bến đò thì qua sông, nhà chú rể ở ngay bên đó. Một tháng sau, nửa đêm chị băng sông mà không cần đò, ướt đầm đìa đi bộ ba cây số về nhà gõ cửa, rồi từ đó quyết không về lại nhà chồng. Nín lặng nguyên phần đời còn lại để chăm sóc cho ba má với nghề may vá mưu sinh.

Buổi trưa của đóa phù dung ấy đã kéo dài 1 tháng, và buổi trưa ấy đã làm đổi màu đóa hoa phù dung tên Huệ của tôi. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi chỉ thấy đó là một sự đổi màu, một thay đổi hiển hiện như là không thể khác được. Giờ đây chị Huệ đã già, tôi không còn là một cô bé hễ nghe mùi bòng bong thì nói đó là mùi đám cưới. Chị Huệ đã là một đóa hoa trong lòng tôi, thì hoa dẫu có màu gì cũng vẫn là hoa, vẫn không thay đổi được cốt cách hoa thơm ấy. Chị Huệ bây giờ vẫn thích chải tóc, tết tóc cho tôi mỗi khi tôi qua nhà ngồi chơi với chị. Không thù hằn, không day dứt, và trường chay. Hôm gặp nhau gần nhất, đóa phù dung của tôi dường như đã trắng trở lại. Trắng màu tóc, trắng cõi lòng thanh thản, trắng nụ cười hẹn tôi lần sau có về thì nhớ qua chơi!

Bạn biết không, ứng dụng “bạn là ai” là một ứng dụng rất nịnh! Cho nên vui cả làng. Không có ai là xấu cả, ai cũng là một nhân vật siêu phàm, không năng lực này thì cũng khả năng nọ. Nếu có xấu, cũng sẽ xấu một cách thật cá tính, xấu đỉnh cao. Mà phàm, miễn hơn người là được, dù là hơn về cái xấu. Không Thúy Vân thì cũng Thúy Kiều. Có người vui quá vì được khẳng định là Hoạn Thư trong Kiều. Mà buồn cũng không được, tại chỉ cần bấy nhiêu đó, bạn ấy đủ dọa được ông chồng rùng mình một bữa!

Một ứng dụng giải trí, giải khuây, giải tỏa… tin cũng vui mà không tin cũng vui. Cuộc đời căn bản là không có gì chắc chắn. Nếu bạn vẫn ngồi đây và đọc những dòng chữ này, hẳn bạn sẽ cùng một cảm nhận như tôi. Suốt một năm ròng, thế giới và Việt Nam trải qua quá nhiều ngày tồi tệ. Năm 2020 sẽ được nhắc đến với dịch bệnh và những con số thiệt hại, tử vong gây ám ảnh có lẽ đến hàng chục năm sau. Lở đất và bão lũ ở miền Trung vẫn còn đó những nỗi đau thấu tim. Không cần ứng dụng “bạn là ai”, hàng triệu con người trên thế giới ngỡ ngàng biết mình dương tính. Không cần ứng dụng, hàng triệu con người chấp nhận những cuộc cách ly.

Dịch bệnh biến nhiều người thành triết gia bằng cách nhắc lại lời của Đức Phật, trong những câu chuyện, những status của mình (Tôi nghĩ Phật chắc chắn chẳng băn khoăn chuyện bản quyền đâu). Nói lại lời Phật, hiểu chút đỉnh ý Đức Phật (về vô thường chẳng hạn), đã là thật quý rồi.

Bạn không thể biết trước khi nào mình… mắc dịch cũng là điều bình thường. Thế giới vẫn từng ngày bất định, giờ thì vẫn chưa hết bất định, hoặc còn bất định hơn nữa. Núi có thể lở ngay trước mắt bạn. Lũ có thể chia cắt bạn và người thân nhanh như một nhát dao. Thân phận con người vốn nhỏ bé, dường như đang trở nên nhỏ bé hơn nữa.

Tôi đã đánh liều bấm nút, tôi muốn biết mình sẽ chết đi vào năm bao nhiêu tuổi. Ứng dụng trả lời, vào năm 120 tuổi, vì trượt chân khi đang đi thi hoa hậu! Tôi cười như điên, điều vô duyên nhất trong đời là cười mà trong lòng trống rỗng. Bạn đã bao giờ tò mò để rồi trống rỗng giống như tôi chưa?

3. Tôi vẫn tự hỏi rằng, nếu là hoa, tôi sẽ là hoa gì? Anh nói, anh là một con gấu!

Ủa ủa sao vậy, anh đang là con người mà?

Thì em cũng là con người mà, sao cứ băn khoăn mình là hoa gì!

Ừ nhỉ, chỉ cần nhắm mắt lại thôi, mình sẽ cảm nhận thật rõ, mình là con cá gì, đang xao động ở khúc sông nào.

Anh nói anh là một chiếc trực thăng. Không, anh là người con người mà!

Thì em cũng là người mà, sao lại thấy mình bơi trên sông?

Em sẽ nghe lời anh, em không làm cá nữa. Em sẽ đậu dưới cụm hoa này, đôi cánh xinh xinh chấp chới cho vui. Cho vui thôi nha! Và cứ vui đi, bởi vì chúng ta, chúng ta vốn chẳng biết trước được điều gì, anh nhỉ!

Trương Gia Hòa/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO -  Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày