Chiêm ngưỡng ‘Đài sen’ tác phẩm đoạt giải đặc biệt Hội thi Sản phẩm thủ công VN 2010

Giác Ngộ: Hội thi Sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2010 đã tôn vinh khả năng sáng tạo, những tinh hoa nghệ nhân làng nghề và giới thiệu những sản phẩm độc đáo có giá trị nghệ thuật cao trong số vô vàn sản phẩm của 2.017 làng nghề trên cả nước. Tác phẩm điêu khắc đá mang tên "Đài sen" đã vượt qua 369 tác phẩm vào chung khảo để chiếm giải thưởng cao nhất tại hội thi này. Chiêm ngưỡng tác phẩm, ta vô cùng thán phục bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Minh Phú - người đã có gần 30 năm chuyên nghề tạc tượng Phật cho các ngôi chùa ở Bắc Bộ.

Tuyệt tác Đài sen

Tác phẩm điêu khắc đá "Đài sen" có kích thước khá lớn: cao 3,7m; chiều ngang của đế chỗ lớn nhất là 2,7m. Kết cấu tác phẩm gồm 4 phần được chồng lên nhau và kết nối với nhau bởi mộng và ngõng, bao gồm: bệ vuông, đài sen, cột khắc Chiếu dời đô, búp sen. Đế vuông gồm 2 tầng, xung quanh có 304 ô chữ nhật, mỗi ô chạm khắc một đôi rồng tinh xảo. Toàn bộ bệ vuông có 608 con rồng giống nhau về hình dáng, kích thước vô cùng uyển chuyển.

daisen-2.gif

Đài sen hình tròn đường kính 2,2m, gồm có 5 lớp cánh (2 lớp cánh úp, 3 lớp cánh ngửa) cả thảy có 125 cánh sen. Cánh sen tạo tác mô phỏng hình lá bồ đề, với đường viền hoa cúc dây bao quanh ôm lấy đôi rồng đối xứng nhau. Mỗi đôi rồng được tạc vô cùng tinh xảo theo đúng nguyên mẫu rồng thời Lý, thân trơn nhẵn mềm mại, đuôi rồng cùng hướng vào một lá bồ đề, hai đầu rồng phía dưới cũng chầu vào lá bồ đề khác.

daisen-1.gif

Chiêm ngưỡng họa tiết trên mỗi cánh sen, ta nhận thấy chúng được mô phỏng rõ nét phong cách trang trí trên cánh sen ở đế bệ của pho tượng A Di Đà thời Lý và tảng đá kê chân cột thời Lý ở chùa Phật Tích. Tuy nhiên, đường nét chạm trổ ở đây tinh vi hơn, thể hiện đầy đủ tính kế thừa và sáng tạo. Ngăn cách giữa lớp cánh úp với lớp cánh ngửa có một đai tròn, chạm khắc 10 con rồng đuổi nhau. Như vậy, toàn bộ đế sen có 260 con rồng. Ngự trên đài sen là một cột hình hộp chữ nhật đứng thẳng cao 1,8m. Hai mặt thân cột khắc toàn văn bản Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ bằng chữ Hán, hai mặt còn lại chạm hoa văn mây lửa. Phía trên và dưới của cột Chiếu dời đô có 2 đai vuông, 4 mặt chạm khắc cả thảy 96 con rồng. Tọa lạc trên cùng của tác phẩm là một búp sen 18 cánh, chạm khắc 36 con rồng. Như vậy, toàn bộ tác phẩm hiện diện đầy đủ 1.000 con rồng.

Thăm làng điêu khắc tượng Phật

Mặc dù đã chiêm ngưỡng tác phẩm "Đài sen" được trưng bày tại Lễ hội Làng nghề phố nghề, và tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng phải đến khi đại lễ kết thúc chúng tôi mới có thời gian tìm đến xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Minh Phú.

Thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội từ bao đời nay là mảnh đất luôn sản sinh ra nhiều thợ mộc tài hoa chuyên đi khắp nơi để xây dựng chùa chiền. Ngay từ thời nhà Lý, những nghệ nhân kiến trúc của làng nghề Nhân Hiền đã được triều đình mời về kinh, cùng chung sức xây dựng nên kinh thành Thăng Long hoa lệ.

Nếu như trong lịch sử, nét tài hoa từ nghề mộc đã khiến tiếng tăm của thợ mộc làng nghề nổi danh khắp kinh thành thì hôm nay, những sản phẩm tượng gỗ điêu khắc của làng nghề không chỉ dừng lại ở trong vùng mà còn được xuất khẩu tới thị trường các nước trên thế giới. Toàn thôn Nhân Hiền hiện có 583 hộ dân thì có tới 445 hộ làm nghề điêu khắc với hơn 1.000 lao động làm nghề, trong đó có trên chục xưởng lớn thu hút nhiều lao động.

Sản phẩm của làng nghề Nhân Hiền chủ yếu là chạm khắc tượng Phật, phù điêu, đồ trang trí trong các ngôi chùa. Hơn 10 năm trở lại đây, người thợ điêu khắc Nhân Hiền đã đưa nguyên liệu đá vào, tạo ra những sản phẩm điêu khắc đá rất đặc sắc.

Trong số những cơ sở điêu khắc gỗ đã chuyển sang điêu khắc đá có xưởng của nghệ nhân Nguyễn Minh Phú. Anh sinh năm 1971, ngay từ 7 tuổi đã làm nghề điêu khắc cùng với gia đình, vì đây là nghề được truyền thừa đã qua rất nhiều thế hệ. Giờ đây, xưởng của anh có hơn 20 lao động, chuyên tạc tượng Phật đá theo đặt hàng của các ngôi chùa. Hàng trăm pho tượng Phật kích cỡ lớn từ cơ sở này đã được xuất xưởng đi khắp nơi.

Đến thăm xưởng của anh, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc miệt mài của những người thợ. Một pho tượng Quán Thế Âm đứng có kích thước 5m đang dần lộ hình hài trong khối đá trắng khổng lồ, đây là pho tượng do chùa Vũ Chu đặt hàng. Cạnh đó, pho tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đá trắng, được tạc theo đúng nguyên mẫu của pho tượng trứ danh ở chùa Bút Tháp. Đầu rồng đỡ đài sen, hoa văn trên quỷ biển, và trán Quan Âm với gương mặt của rất nhiều vị Phật khác được tạc vô cùng kỳ phu tinh xảo. Anh Phú cho biết, còn phải tạc 42 đôi tay và tạo tác một đĩa gắn đằng sau, mặt đĩa có 958 tay và gần 1.000 con mắt nữa thì mới hoàn thiện được tác phẩm.

Cùng với việc tạc tượng Phật cho các ngôi chùa, xưởng điêu khắc của Nguyễn Minh Phú còn chuyên sản xuất những đồ lưu niệm bằng đá phục vụ cho các đơn đặt hàng xuất khẩu của đối tác nước ngoài. Sản phẩm là đủ loại các pho tượng Phật có kích thước nhỏ, bình hương, chân nến, những chiếc hộp xinh xắn với đường chạm, khắc hoa văn điêu luyện... Hiện nay, sản phẩm điêu khắc đá từ xưởng của anh đã có mặt tại nhiều nước: Ý, Nga, Đức, Nhật, Australia, Mỹ... Anh Phú cho biết thêm, ước tính trung bình mỗi năm làng nghề Nhân Hiền xuất ra thị trường vài nghìn pho tượng các loại, trong đó số tượng xuất khẩu chiếm tới khoảng 50% đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người lao động.

daisen-3.gif

Nghệ nhân Nguyễn Minh Phú:

Kỹ năng chạm khắc "ăn vào máu" từ nhiều đời...

Tôi cũng như mọi người thợ ở làng Nhân Hiền, từ thuở lọt lòng đã được nhìn cha mẹ, ông bà và người xung quanh tạc tượng Phật hàng ngày và cầm đục làm quen với nghề từ năm mới 6 - 7 tuổi. Người trước dạy bảo người sau, cứ nhìn nhiều, làm nhiều là khắc quen, vì kỹ năng chạm khắc "ăn vào máu" từ bao đời, bao kiếp.

Tôi nhớ vào năm 2003, tôi được mời lên Yên Tử để tạc 3 pho tượng ở chùa Bảo Sái. Trong đó có tượng Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn nặng 3,5 tấn. Tác phẩm này có dài 1,8m; cao 0,6m bao gồm 2 khối rời, đài sen phía dưới lõm xuống, phía trên đặt ngài Trần Nhân Tông nằm âm 5cm xuống đài sen. Vì đây là di tích quan trọng do Bộ Văn hóa quản lý, việc tạc tượng được chỉ đạo bởi nhiều nhà khoa học, nghiên cứu uy tín. Các mẫu phác thảo tượng là do một nhà điêu khắc, cũng đồng thời là một nữ giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội nặn và đổ bằng thạch cao. Nhiệm vụ của tôi là chuyển chất liệu từ thạch cao ra đá. Được biết, bản mẫu được nữ giảng viên ấy nặn theo một mẫu tượng ở Bảo tàng Mỹ thuật. Trước đó, Yên Tử vốn không còn tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, nhưng ở chùa Hoa Yên có tượng Ngài trong tư thế tọa thiền. Tôi đã ngắm kỹ gương mặt Ngài ở pho tượng đó để chuyển sắc diện Ngài vào pho tượng nhập niết bàn, còn thân thể Ngài thì tuân thủ theo đúng mẫu phác thảo thạch cao. Khi tác phẩm hoàn thiện thì Bộ Văn hóa về kiểm tra để nghiệm thu. Thế nhưng nảy sinh vấn đề, đó là pho tượng tôi tạc theo bản thạch cao là tượng Người nằm một chân co chân duỗi. Nhưng người của Bộ Văn hóa yêu cầu tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn 2 chân phải duỗi thẳng giống như các tượng Phật nhập niết bàn của Trung Quốc. Một cuộc tranh luận đã nổ ra giữa người nặn mẫu tượng và những người kiểm tra nghiệm thu, nhưng rốt cuộc vẫn phải nhượng bộ sửa lại tư thế chân của pho tượng. Tôi chỉ là người thợ đục chạm nên chẳng dám phản đối, chỉ đưa ra đề nghị thay bằng phiến đá khác để làm lại từ đầu, nhưng họ không đồng ý cấp cho phiến đá khác. Quá trình sửa lại pho tượng đòi hỏi rất công phu, vì đã thành một hình hài này rồi, giờ lại biến sang một hình dáng khác thì không còn chỗ để xử lý. Những chỗ đang lồi lên muốn làm cho lõm xuống thì dễ, những chỗ đã lõm rồi muốn lấp đầy trở lại thì đành bó tay. Cuối cùng sau thời gian miệt mài mất 3 tháng, tôi cũng hoàn thành pho tượng, được họ nghiệm thu và không thấy phàn nàn gì nữa. Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi vẫn tự thấy ám ảnh một điều, giá như họ nghiệm thu pho tượng chân co chân duỗi, hoặc cấp cho tôi phiến đá khác để làm lại từ đầu thì chắc chắn tượng sẽ hoàn hảo hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày