GN - Vừa qua, Báo Giác Ngộ số 749 có đăng bài SroLôn & “chợ” trong chùa, phản ánh việc Di tích Lịch sử - Văn hóa chùa SroLôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) bị lấn chiếm bày hàng quán mua bán gây mất mỹ quan, vi phạm luật bảo vệ di sản.
Dù lọng, hàng quán bày bán che khuất hết cả tam quan chùa SroLôn - Ảnh: V.C.Hưng
Trước sự quan tâm của dư luận, ngày 16-6-2014, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước, Ban Dân tộc, Ủy ban MTTQVN tỉnh Sóc Trăng, cùng các sở, ban, ngành trong tỉnh nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình hình buôn bán tại điểm di tích chùa SroLôn, trả lại vẻ tôn nghiêm cho chùa.
Tại cuộc họp, ông Trần Chính Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, trình bày: “Trong thời gian qua, từ khi chùa SroLôn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (ngày 20-11-2012), chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban quản trị chùa sắp xếp trật tự những hộ mua bán ở trong chùa đi vào nề nếp. Đến ngày 25 tháng Chạp-Quý Tỵ, nhiều nông dân địa phương đã đem các mặt hàng nông sản như: bắp cải, cải bông và các loại mặt hàng khác ra chùa để bán vì giá thị trường rất rẻ, trong khi đó các điểm thu mua lại không chịu thu mua. Các hộ dân nhận thấy điểm di tích này có lượng khách du lịch đến tham quan rất đông, mỗi ngày họ có thể bán trên 10 tấn rau cải, giúp cho bà con giải quyết được nhiều khó khăn. Tuy vậy, địa phương lại gặp khó khăn do việc mua bán của bà con gây mất ổn định trật tự cho điểm di tích chùa SroLôn. Bên cạnh đó, người ăn xin từ các địa phương khác cũng đổ về đây rất nhiều…”.
Theo đề xuất của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh, có 2 phương án giải quyết nhằm sắp xếp, di dời các hộ buôn bán trong khuôn viên chùa SroLôn.
Giải pháp thứ nhất: quy hoạch di dời các hộ đang buôn bán trong khuôn viên chùa hiện nay về phía sau hoặc bên hông chùa, có dự án quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch (quầy buôn bán và khu vực dành riêng cho người bán không thường xuyên).
Giải pháp thứ hai: sắp xếp, kêu gọi đầu tư điểm du lịch chùa SroLôn với mục tiêu phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo ra được nhiều việc làm cho người lao động, gắn với việc tôn tạo và giữ gìn cảnh quan môi trường.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các đại biểu đã được đưa ra, cụ thể, đối với đồng bào Phật tử Khmer, chùa là cơ sở tôn giáo, là nơi tôn nghiêm nên việc mua bán không thể diễn ra trong chùa. Theo đó, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh, Ban Dân tộc, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các sở, ban, ngành thống nhất cao là nên di dời việc buôn bán của các hộ dân trong khuôn viên chùa, quy hoạch riêng về phía bên hông, đồng thời lập dự án kêu gọi đầu tư tại điểm du lịch tâm linh chùa SroLôn.
Theo ông Lâm Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chùa SroLôn không chỉ có vai trò quan trọng đối với đời sống đồng bào Khmer trong việc tu học mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh, tạo sinh kế cho bà con. Vì vậy, không nên để tình trạng buôn bán lộn xộn tiếp diễn nhằm tránh việc xâm hại cảnh quan chùa, xâm hại di tích, làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt tôn giáo, học tập của sư sãi và Phật tử.
Các cấp, ngành cần tuyên truyền, vận động bà con ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích, để việc buôn bán trong chùa không còn lộn xộn như hiện tại; đồng thời, phát huy vai trò, uy tín của các vị chức sắc tôn giáo trong quá trình vận động tuyên truyền người dân giữ gìn chùa, đảm bảo an ninh trật tự, tránh sự kích động của kẻ xấu. Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp lại các hộ mua bán, giải quyết hài hòa giữa việc tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh, xây dựng được một môi trường du lịch thân thiện song vẫn bảo vệ được di tích văn hóa của tỉnh.