Chôl Chnăm Thmây & tấm lòng hiếu thảo của người Khmer

Giác Ngộ - Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây hay Tết đón năm mới của người Khmer là lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm. Người Khmer chờ đón 3 ngày Tết để đến chùa cầu nguyện mọi người trong gia đình được an vui, năm mới mùa màng tươi tốt và là dịp để thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ...

tam Phat.JPG

Lễ tắm Phật tại chùa Chantarănsây

Vị cai quản thứ NămTheo truyền thuyết, Tết Chôl Chnăm Thmây mỗi năm sẽ được một vị thần nữ cai quản khác nhau, tương truyền Kabinh Mahaprum hay Đại Phạm Thiên (thần bốn mặt) có 7 người con gái. Sau khi ông cắt đầu sau một cuộc thách đấu và giao cho người con gái thứ nhất đặt vào tháp, từ đó về sau, mỗi năm một lần, đúng ngày thần Kabinh Mahaprum tự sát, bảy cô con gái của thần xuống trần, vào tháp bưng đầu lâu bốn mặt của cha đến núi Tudi, đi theo hướng mặt trời vòng quanh chân núi 3 lần trong 60 phút. Mỗi năm một cô gái bưng một lần theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ. Ngày rước đầu lâu là ngày thiên hạ thái bình nên đó cũng là ngày đầu năm mới của người Khmer.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Trưởng ban Nghi lễ chùa Chantarănsây, năm nay lễ rước lịch Maha Sangkran, lúc 13giờ 12 phút ngày 14-4 DL rơi vào ngày thứ 5 nên vị Tân quản thế thiên là nàng thứ Năm (trong 7 người con gái của thần Kabinh Mahaprum). Ngày này, mọi người tắm gội, ăn mặc đẹp và vào chùa cùng nhau đón mừng người cai quản mới. Vị nữ thần này mặc áo màu xanh lá cây, cài hoa thiên lý trên tóc, đeo bông tai ngọc bích, tay phải cầm búa tay trái cầm súng ngồi chéo chân trên lưng voi. Thực phẩm của vị này chỉ là ngũ cốc nên người Khmer quan niệm năm nay sẽ là năm lành, nhiều an lạc và may mắn.

Dù ngày nay nhiều bận rộn, người Khmer vẫn giữ truyền thống trang hoàng bàn thờ thành 7 bậc tương ứng cho 6 cõi trời và 1 cõi người (Theo hệ phái PG Nam tông Khmer). Trên bàn thờ trải vải xanh (mỗi năm mỗi màu khác nhau) trùng với màu áo của vị Tân cai quản thế thiên gồm: 1 cặp dừa gọt sẵn, 1 cặp đèn nhang, mâm ngũ quả (trong đó có một quả chuối xiêm), 1 ly nước, 2 bình bông, nến. Đặc biệt, tầng thứ 7 tượng trưng cho cõi người là tầng trung tâm được bày biện trái cây, bánh ít, bánh tét và lư hương lớn.

Nếu ở chùa, bàn thờ được chọn nơi khô ráo, rộng thoáng cho hàng ngàn người đến thắp hương, lễ bái, chủ lễ là vị Acha thường là vị Sư cả ở chùa được thỉnh làm chủ lễ, sau lễ có thể cầu an, cầu siêu, thuyết pháp ý nghĩa Tết, năm mới. Nếu ở nhà, người trong phum sóc thường chọn nhà rộng của người cao niên được mọi người tôn kính đồng thời là người chủ lễ đặt bàn thờ để các gia đình khác đến lễ lạy, cầu nguyện, chúc phúc và cùng nhau thực hiện các nghi lễ cổ truyền.

te nuoc.jpg

Lễ té nước mừng năm mới

Người Khmer theo Phật giáo Nam tông nên Tết cổ truyền chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các nghi lễ Phật giáo. Mọi người thường tập trung về chùa thực hiện các nghi thức trong 3 ngày tết thiêng liêng. Ngày thứ nhất là ngày Tiên hành (năm nay là ngày 14, 15 và 16 DL), ở chùa vị Acha sẽ hướng dẫn Phật tử đi nhiễu Phật 3 vòng quanh chánh điện, các tháp và tụng kinh đón mừng năm mới. Đêm đến, nam thanh nữ tú trong phum sóc tập trung về sân chùa cùng nhau ca hát với những vũ điệu truyền thống như lâm-thôl, dù- kê, rôm... Ngày thứ hai được gọi là ngày Hóa độ (hay ngày giao thời): Buổi sáng Phật tử tập trung về chùa dâng cơm cúng dường cho sư sãi ở chùa, các sư cũng đáp lễ bằng nghi thức tạ ơn người làm ra hạt thóc và làm lễ chúc phúc cho Phật tử. Buổi chiều mọi người cùng nhau đắp núi cát tại chùa hoặc phum sóc, gia đình. Ngày thứ ba được gọi là ngày Tân niên, ngày này cũng diễn ra lễ tắm Phật bằng nước sạch ướp hương thơm tinh khiết. Sau đó, sẽ thiết trí nơi tắm cho các sư cao niên, thể hiện sự tôn kính, chăm sóc. Sau lễ này, các nhà sư cùng Phật tử đến các tháp cốt thực hiện nghi thức cầu siêu cho người thân đã khuất.

Mâm cơm thơm thảo

Ngoài lễ báo hiếu hàng năm vào tháng 6 ÂL theo truyền thống của Phật giáo Nam tông, Tết cổ truyền của Phật tử người Khmer còn thể hiện rất rõ ở tấm lòng hiếu kính của con cháu trong gia đình đối với ông bà, cha mẹ. Ngay từ ngày 10-4, tất cả các người con trong gia đình dù trong sinh sống ở đâu cũng phải tập trung về nhà cha mẹ, cùng nhau hùn tiền mua sắm vật dụng thờ cúng cho chùa, trang hoàng bàn thờ ở nhà và mua sắm quần áo mới cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, các con thiết chỗ tắm cho ông bà, cha mẹ rồi mặc quần áo mới cho họ. Rồi cung kính dọn mâm cơm ngon mời ông bà, cha mẹ dùng, con cháu ngồi xung quanh chăm sóc, kể chuyện vui. Bên mâm cơm cúng dường cha mẹ, người con cả sẽ đại diện cho anh chị em tạ lễ, xin tha thứ lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn, sự hiếu kính, yêu thương, cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà nhiều sức khỏe, sống lâu để hưởng phước báu của con cháu trong năm mới. Theo tục, tùy vào khả năng mỗi gia đình, con cháu đều "lì xì" tiền cho ông bà, cha mẹ trong 3 ngày Tết. Con cháu dẫn ông bà, cha mẹ đến chùa và dùng số tiền ông bà, cha mẹ được nhận của con cháu một ít sẽ mua đồ cúng dường Phật, số còn lại sẽ dùng cúng dường sư để được phước báu. Cả gia đình cũng tạ ơn Tam bảo, cầu siêu cho người thân đã khuất để thể hiện lòng hiếu kính, nhớ ơn tổ tiên.

Ngày Tết, cộng đồng Khmer tại TP.HCM thường tập trung vào hai ngôi chùa theo truyền thống Nam tông Khmer là Pothivong (Q.Tân Bình) và chùa Chantarănsây (Q.3). Năm nay, chương trình đón Tết cổ truyền của chùa Chantarănsây bằt đầu từ ngày 13-4 đến ngày 17-4 (nhằm ngày 11-3 đến 15-3 Tân Mão): gồm các nghi thức Phật giáo: Lễ bái Tam bảo, thuyết pháp, lễ đón chư thiên năm mới, đắp núi cát-núi gạo, cúng dường bát hội cho 200 vị Tăng, lễ chúc phúc cho Phật tử, nghi thức tắm Phật đón mừng Tân niên, văn nghệ chào mừng năm mới, tụng kinh cầu an, cầu siêu tập thể cho người tử nạn lũ lụt, động đất, sóng thần.

Dịp này, con cháu cũng tổ chức đắp núi cát tại gia đình hoặc dẫn ông bà, cha mẹ đến chùa để thực hiện nghi thức đắp núi cát-núi gạo. Ngọn núi có chín hướng tượng trưng cho vũ trụ, ngọn thứ chín ở chính giữa là núi Tudi, trung tâm của vũ trụ. Lễ quy y cho núi cũng được vị Acha hướng dẫn thực hiện, các nghi thức này được gìn giữ có ý nghĩa như là lễ sám hối của Phật giáo Bắc tông. Tất cả các nghi lễ này gọi là "Phúc duyên đắp núi cát", cầu nguyện cho gia đình, ông bà, cha mẹ, con cháu nếu có tội lỗi thì trong năm mới được tiêu trừ tất cả. Mong mọi người được hưởng phước, sức khỏe, sắc đẹp, sống lâu. Sau 3 ngày thực hiện tất cả các nghi thức của Tết cổ truyền, người Khmer sẵn sàng bước vào năm mới với mùa vụ mới.

01-04-11_1633.jpg

Ông "Trưởng ban nghi lễ" chùa Chantarănsây

 Ở trọ xa chùa nhưng có việc gì Sư cả Danh Lung (trụ trì chùa Chantarănsây) gọi, bác Nghiệp (Nguyễn Hữu Nghiệp) cũng đều có mặt. Và đã gần 20 năm bác Nghiệp có mặt như vậy trong các việc của chùa, hầu hết các công việc lặt vặt đều có "dính dáng" đến nghi lễ và tập tục của Phật tử người Khmer nên mọi người ở chùa tự phong bác là ông "Trưởng ban nghi lễ". Cái tên ngộ nghĩnh mọi người đặt cho nhưng bác không dám nhận vì lẽ: "Mình giúp được gì cho chùa thì giúp, tôi đi chùa như một Phật tử bình thường, nếu có tiền nhiều thì cúng dường nhiều, có ít thì cúng dường ít. Tùy duyên như vậy thôi".

Bác Nghiệp sinh ở Campuchia, xuất gia thọ Tỳ kheo với pháp danh Chánh Pháp và tu học được 12 tuổi hạ tại chùa Sùng Phước, một ngôi chùa Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh và đồng thời cũng là cơ sở cách mạng của Việt Nam. Rồi bác tham gia cách mạng, không còn tu nữa nhưng dường như cả đời bác đã gắn với chùa chiền đặc biệt là chùa theo truyền thống Nam tông. Có một quá trình sống, tu học và làm cách mạng trên đất Campuchia nên bác nói tiếng Khmer rất giỏi. Trong quá trình gắn bó với chùa, bác nhận thấy các sư đều rành tiếng Việt, Phật tử người Việt, người Hoa và Khmer cũng cần tài liệu, kinh sách bằng tiếng Việt để tìm hiểu thêm về các nghi thức cúng dường sao cho hợp lẽ đạo. Vậy là bác nghiên cứu các tài liệu, kinh sách từ ngôn ngữ Pali, Khmer để tập hợp thành bản thảo tiếng Việt: Nghi thức cúng dường Lễ đặt bát hội theo nghi thức Phật giáo Nam tông. Và quyển thứ 2 có tên Lễ hội Đôn- ta.

Bác nói: "Hiện nay Phật tử đến chùa cúng dường Tam bảo, cúng dường Tăng thường thực hiện sai nghi thức, như vậy thì sẽ không được phước. Bố thí mà không đúng cách chẳng khác nào như cho ăn mày, cho bạn bè. Nếu cúng dường bằng tâm an vui, hoan hỷ lúc khởi niệm, đang và sau khi cúng dường với nghi thức bái lạy bằng ngũ chi thì mới được phước báu. Tôi rất trăn trở, quan tâm đến điều này nên mới thực hiện soạn thảo sách nghi lễ để giúp mọi người, đặc biệt những người trẻ hiểu hơn về lịch sử, cách thức thực hành nghi lễ ở chùa".

Dự định sắp tới, bác Nghiệp tiếp tục soạn thảo quyển Nghi thức lễ cúng dường Tam hợp, có sự so sánh giữa các truyền thống Phật giáo và Nguồn gốc lễ Tết cổ truyền của người Khmer. Tất cả những bản thảo này nếu không gặp thí chủ cúng dường thì chắc cũng chỉ là bản thảo mà thôi vì bác Nghiệp rất nghèo, không có tiền in sách. Hiện tại, bác rất mừng vì đã có người hứa in giúp nên bác rất hoan hỷ chờ đón sách xuất bản trước mùa an cư của Phật giáo Nam tông (tháng 6 ÂL).

Hiện tại dù tuổi cao, sức khỏe kém, bác Nghiệp cũng góp chút công sức bằng việc tham gia chấm thi cho Tăng sinh Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ, rồi dạy thêm tiếng Khmer... Bác nói đó là cách để bác gần gũi hơn với con người, môi trường Phật pháp mà bác từng sống và tu học.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.

Thông tin hàng ngày