Con cảm thấy thích tìm hiểu Phật Giáo vào năm thứ III đại học, con vào mạng và tình cờ đọc được trang blog Thiền viện Nguyên Thủy. Như có điều gì đó từ tiền kiếp xa xưa đánh thức con. Con vui mừng khi đọc về Thiền Định Phật Giáo và thế là qua những thông báo các khoá thiền tổ chức tại Thiền viện Nguyên Thủy ở Cát Lái, Q.2, TP.HCM đã lôi cuốn con. Con cưỡi xe đến đó như để tìm cái gì cho cuộc đời mình…
Cô tu nữ Ngọc Sương và các bạn nhỏ tại chùa Như Pháp (Vĩnh Long) - Ảnh: Như Thủy
Qua những khoá thiền định, con thấy vui thích những cảm giác tĩnh lặng của nội tâm. Con đã chọn thiền định làm bạn cho tâm hồn mình. Từ đó, ngoài những giờ học trường lớp và bài vở học tập, con cứ chui vào tủ sách thiền học Phật Giáo. Vượt lên trên tất cả là Phật Giáo chỉ cho ta nhận thấy những gì đang diễn ra bên trong con người mình và làm sao để thay đổi được cái bên trong đó.
Con không biết kể sao hết tâm trạng lúc đó. Điều con ấn tượng nhất là đêm tham dự Đầu đà rằm tháng Tư (VESAKPŪJA) tại chùa Siêu Lý ở Vĩnh Long. Tại đây, con nghe được câu chuyện Bồ tát Sumedha được Đức Phật Dīpankara thọ kí sẽ thành Phật tương lai. Đức Bồ tát đủ khả năng đắc Alahan quả. Nhưng Ngài đã chấp nhận luân hồi để tu tạo pháp độ mong thành tựu Chánh Đẳng Giác để cứu độ nhiều chúng sanh. Con cảm thấy thán phục đức từ bi của Ngài.
Hôm nay mình được thừa hưởng cả kho tàng giáo pháp mà Ngài đã để lại… suy nghĩ đến đây, tự nhiên trong dòng tâm tưởng hiện lên ý niệm bổn phận trách nhiệm đối với Phật giáo… Con đã phát nguyện xuất gia, sống thọ trì giáo pháp.
Sự quyết định của con làm gia đình rất bị… sốc. Nhờ mình biết rõ báo hiếu có nhiều cách và đi tu cũng là cách đền ơn cha mẹ, và quan trọng hơn nữa là hướng dẫn gia đình sống với giáo pháp, nên con mạnh dạn quyết định cất bước lên đường theo tâm nguyện của mình.
Khi đó con đã đến chùa Hạnh Phúc Tăng ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) làm lễ nhập môn và Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh là thầy tế độ cho con. Sau khi xuất gia xong con về vườn xoài Bạch Y Cốc để rèn luyện tinh thần. Tại Bạch Y Cốc (chùa Như Pháp) con đã vừa tu học, vừa giúp dạy Anh Văn cho các em học sinh vào mỗi sáng chủ nhât. Đó là những cơ hội con tạo công đức và bố thí kiến thức. Bên cạnh đó, trong khoảng ba tháng tu học, con thấy tâm mình rõ hơn.
Bài học trong tâm hồn không như những bài học mang tính kiến thức toán học, kinh doanh, hơn thua như ở trường học và thị trường kinh tế. Con trưởng thành hơn trong cuộc sống này, không còn tưởng tượng hay đặt vẽ cho tương lai nữa. Mà tất cả là nhân duyên. Con cứ tu từng ngày, cứ đi, rồi sẽ tới, phải không?
Như Thủy ghi
Cùng quý độc giả: Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa. Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm. Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ. Giác Ngộ |