Chốn tĩnh tâm trên bãi Giữa

Bãi Giữa sông Hồng thường được người Hà Nội biết đến như mảnh đất trồng rau màu của dân tứ xứ, nơi ngụ cư của các xóm vạn chài, hay chốn dã ngoại của giới trẻ… Ít ai biết rằng trên mảnh đất này, một Phật tử thuần thành đã gây dựng một chốn tu thiền thanh tịnh.

Phật tử ấy là bà Phạm Thị Ngọc Trâm, ngụ tại phường Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội. Bà cũng là một nhà nghiên cứu về giáo lý nhà Phật.

Chốn tu thiền của bà Trâm được xây dựng từ năm 2004 theo mô hình cốc tu thiền của người Thái. (Cốc (koti) là kiểu nhà nhỏ được dựng lên bằng vật liệu gỗ thô sơ dành cho người tu thiền ở vùng sơn cước. Mỗi cốc được trang bị những tiện nghi tối thiểu để sinh hoạt và có đường thiền hành bao quanh). Trên mảnh đất thuê lại của người nông dân bãi Giữa, bà Trâm đã dựng nên 3 cốc thiền như vậy. 

Một cốc thiền. Ảnh: Phạm Thị Ngọc Trâm.
Một cốc thiền. Ảnh: Phạm Thị Ngọc Trâm.

Từ thành phố, muốn sang các cốc thiền mọi người thường đi đò. Đi bằng đường bộ từ cầu Long Biên cũng được, nhưng khá xa và rất khó đi. Cả đoạn sông này chỉ có một người đưa đò, cho nên mỗi lần sang sông là một lần thử thách lòng nhẫn nại. 

Như để bù lại cho chuyện cách trở đường xá, một bầu không khí thuần khiết sẵn sàng chào đón những vị khách thiền. Chỉ cách một bờ sông, nhưng bãi Giữa hiện lên như sự đối lập với một thế giới đầy căng thẳng trong những âm thanh huyên náo của con người, tiếng gầm rú của xe cộ… Trên bãi Giữa chỉ có tiếng gió, tiếng nước vỗ bờ, tiếng xào xạc cây cỏ… Chốn bình yên này thật sự là một địa điểm lý tưởng đối với người tu thiền. 

Tại các cốc thiền trên bãi Giữa, bà Trâm đã tổ chức nhiều khóa thiền cho bạn đạo và các nhà tu hành trong và ngoài nước. Mỗi khóa thiền chỉ kéo dài vài ngày, nhưng tùy căn cơ của mỗi người mà những trải nghiệm về tinh thần có thể kéo dài đến vô tận.

Một khóa thiền đang diễn ra. Ảnh: Phạm Thị Ngọc Trâm.
Một khóa thiền đang diễn ra. Ảnh: Phạm Thị Ngọc Trâm.

Chốn tu thiền này không có điện. Chỉ có bình ắc quy để thắp sáng vài bóng đèn vào buổi tối. Nước dùng là nước giếng. Mọi người nấu ăn bằng bếp củi, những bữa ăn chay tịnh với chính những sản vật được gieo trồng trên bãi Giữa. Chính sự từ bỏ tiện nghi vật chất khiến con người trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn, sự trải nghiệm của tâm hồn trở nên lắng đọng hơn.  

Bao quanh mỗi cốc thiền là màu xanh ngắt của những ruộng rau màu. Bà Trâm đã thuê một đôi vợ chồng người Hưng Yên chăm nom những thửa ruộng này. Bà kể, có sang bãi Giữa mới thấy người nông dân ở đây người ta dùng thuốc sâu và phân bón rất nhiều. Khi thuê người chăm bón, bà phải yêu cầu họ không được dùng những thứ hóa chất đấy. Do vậy, những ngô, đỗ tương, đỗ đen, cà rốt... thu hoạch tại ruộng của bà tuy không được to mẩy như loại bán ngoài chợ, nhưng bảo đảm sạch sẽ. 

Bà Phạm Thị Ngọc Trâm trực tiếp làm vườn.
Bà Phạm Thị Ngọc Trâm trực tiếp làm vườn.


Trên mảnh đất này, lao động chân tay cũng là tu. “Cùng người nông dân làm đồng áng, lúc đầu chỉ được một lúc đã thở ra thở vào, mới thấy cuộc sống thành phố khiến con người thiếu hụt năng lượng, lười nhác lao động chân tay như thế nào”, bà Trâm thổ lộ.  

Đã 6 năm trôi qua, bao khóa thiền diễn ra, bao người đến rồi đi, nhưng cái khung cảnh mộc mạc và yên bình ở nơi đây vẫn thế. Không phải vô cớ mà trong một cốc thiền, bà Trâm treo một bức tranh nổi tiếng của danh họa người Nga Levitan. Bức tranh có tên là Cái yên tĩnh vĩnh hằng, mô tả lại một khung cảnh trời nước rất gần gũi với người sống trên bãi Giữa...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày