Mộc bản kinh phật còn lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm |
Dân gian có câu:
Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành
Văn bia chùa thời Trần viết: “Đức Tổ Điều Ngự Pháp Loa khi mở tùng lâm này, còn mở chợ Đức La. Các vị vương thân quốc thích và thập phương đàn Việt, phát tâm tậu ruộng đất ở tại bản xã và các hạt khác các nơi, để cúng hương dâng tam bảo muôn đời. Chùa này và chùa Sùng Nghiêm cả thảy 72 chốn tùng lâm”.
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên diện tích hơn 10.000m2, gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc được sắp xếp trong không gian xác định hình chữ nhật, theo trật tự từ hướng Nam đến hướng Bắc. Chùa gồm 5 tổ hợp kiến trúc chính: Tam quan, Tam bảo, Tổ đường đệ nhất, gác chuông, tổ đường đệ nhị và hai bên tả hữu có hai dãy hành lang. Bên trái phía trước vườn chùa có vườn tháp là nơi an táng xá lị, nhục cốt của các nhà sư viên tịch tại chùa.
Không chỉ là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô lớn, chùa Vĩnh Nghiêm còn được xem như một bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc. Di vật ở chùa Vĩnh Nghiêm phong phú, đa dạng, mỗi nhóm hiện vật đều xứng đáng xếp thành một bộ sưu tập khá hoàn chỉnh. Như sưu tập tượng thờ với hơn 100 pho được bài trí ở tòa Tam bảo, nhà Tổ đệ nhất, nhà Tổ đệ nhị. Bộ tượng ở đây chia làm nhiều nhóm như: tượng Phật, tượng Tổ (Tổ Tây, Tổ phái, Tổ chùa), tượng Hậu, tượng Thánh..., được bài trí theo mô hình chuẩn mực lý tưởng thời Lê - Nguyễn. Ngoài ra còn có hệ thống văn bia được tạo tác dưới thời Mạc - Lê Trung Hưng - Nguyễn; hệ thống hoành phi - câu đối, đồ thờ, kho kinh sách nhà Phật... Di sản văn hóa đặc biệt quý giá ở chùa Vĩnh Nghiêm là kho mộc bản kinh Phật đang được làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Sự ra đời của chốn tổ Vĩnh Nghiêm gắn liền với Phật giáo thời Trần cùng với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm do Giác hoàng điều ngự Trần Nhân Tông sáng lập từ những năm cuối thế kỷ XIII. Bước sang thế kỷ XIV, Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành Quốc đạo, trung tâm Yên Tử (nơi tu hành của Trần Nhân Tông) được xem như kinh đô của Phật giáo Đại Việt. Ngoài chùa Hoa Yên (Yên Tử), Điều ngự giác hoàng còn mở mang xây dựng nhiều chùa tháp ở miền Đông thổ, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng thành thiền viện, chốn tùng lâm để đào luyện tăng đồ từ cuối thế kỷ XIII trên nền móng của ngôi chùa nhỏ có từ thời Lý (thế kỷ XI - XIII).
Từ khi xây dựng đến nay chùa đã nhiều lần được trùng tu sửa chữa (15 lần), trong đó, đợt trùng tu tôn tạo lớn nhất là vào năm Mậu Dần, niên hiệu Diên Ninh thứ 5 (1458) nhà Lê. Giữa thế kỷ XVI, chùa lại được trùng tu lớn bởi có sự hưng công của các vương tôn, công chúa nhà Mạc... Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa được Nhà nước nhiều lần đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo để bảo tồn các di sản văn hóa mà cha ông để lại. Đặc biệt, năm 1964, Nhà nước lập hồ sơ xếp hạng loại A cho di tích chùa Vĩnh Nghiêm để góp phần nâng cao ý thức của cán bộ và nhân trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Sau đó, một số hội thảo khoa học lớn đã được tổ chức nhằm khẳng định, đánh giá giá trị trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, vị thế và sự ảnh hưởng của chốn tổ Vĩnh Nghiêm với đời sống xã hội Việt Nam trong lịch sử.
Hơn 700 năm qua, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn tồn tại với vai trò là một trung tâm Phật giáo, một Thiền viện đào tạo các tăng ni nổi tiếng trong cả nước, vẫn mãi là chốn tổ, là đại danh lam để khách thập phương đến thăm quan và thắp hương lễ Phật.
Từ thế kỷ XIV, Phật phái Trúc lâm đã trở thành Quốc đạo, Yên Tử trở thành kinh đô Phật giáo của nhà nước Đại Việt. Thế kỷ XV - XVI, Phật giáo suy vi ở Việt Nam do sự lấn át của Nho giáo. Từ thế kỷ XVII đến nay Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật phái Trúc Lâm nói riêng phục hồi và phát triển. Sơn môn Vĩnh Nghiêm phát triển rộng khắp trên cả nước và ảnh hưởng, phát triển ra cả nước ngoài. Các thành phố lớn trong cả nước hầu hết có thiền tự theo tổ đình Vĩnh Nghiêm, tiêu biểu thiền tự Vĩnh Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, thiền viện Vĩnh Nghiêm ở Đà Lạt (Lâm Đồng), hay ở nước ngoài như thiền tự Vĩnh Nghiêm ở Paris (Pháp)... |