GN - Sự chú tâm đến kinh nghiệm cảm xúc rất có ích, tuy nhiên, ban đầu, rất khó đạt được. Quả thật, việc cố gắng xác định loại cảm xúc trong chúng ta tại một thời điểm nào đó hầu như không thể thực hiện. Phần lớn là vì chúng diễn biến quá nhanh. Kết quả là tiến trình bộc lộ của chúng hầu như rất khó nhận thấy. Những khó khăn như thế là tự nhiên, và chúng ta không nên vì thế mà nản lòng hay thối chí. Thay vào đó, chúng ta nên nhớ rằng ý thức về cảm xúc chỉ phát triển dần dần, với sự kiên trì, bền bĩ. Vì lý do này, chúng ta không thể bắt đầu xử lý các cảm xúc của mình một cách trực tiếp, mà phải bắt đầu bằng cách tập trung chú ý những biểu hiện bên ngoài trong hành vi của mình.
Trong hoàn cảnh này, chúng ta nên xem xét tiến trình của cảm xúc phá hoại như một chuỗi nhân quả, bắt đầu bằng một kích thích bên ngoài và kết thúc bằng hành vi phản ứng của mỗi người. Mục đích của việc ý thức về cảm xúc là đưa sự chú ý của ta hay sự chú tâm vào tiến trình diễn ra trong một phần giây đồng hồ này, và qua đó, có thể đạt được kiểm soát một phần tiến trình đó.
Hãy hình dung ra hoàn cảnh một cánh cửa đóng sầm lại. Tiếp đến là cảm nhận của chúng ta về kích thích ấy, qua các giác quan, như nghe, nhìn, và có thể cả đụng chạm nữa. Thoạt đầu, nó là một sự kiện về vật lý đơn thuần, chưa bị nhuộm màu bởi sự diễn dịch nào cả. Nhưng rồi, sau đó chưa đầy một mili-giây đồng hồ, sự diễn dịch xuất hiện. Nó thường mang tính chất phỏng đoán hay phóng đại nào đó: một sự phán đoán xuất hiện trong tích tắc rằng hành vi đóng mạnh cửa là một sự sỉ nhục cố ý, chẳng hạn. Tiếp theo sau sự diễn dịch ấy là phản ứng cảm xúc, có thể là, giận dữ, cáu kỉnh hay bực bội. Cuối cùng, rất nhanh, là hành vi phản ứng của chúng ta: chúng ta nói hay làm một cái gì đó, để trả đũa.
Một khi chúng ta hiểu chuỗi nhân quả này rồi, với mục đích là làm gián đoạn dòng diễn biến ấy, bằng cách “bắt quả tang chính mình” và đưa ý thức vào trong tiến trình. Nhìn chung, dễ dàng hơn là chúng ta bắt đầu ở chỗ gần cuối - giữa phản ứng cảm xúc, và hành vi bộc lộ cảm xúc ấy. Rồi khi chúng ta đã trở nên quen thuộc với tiến trình này và ý thức về cảm xúc của chúng ta dần phát triển thì chúng ta mới quan sát ngay từ đoạn đầu, dọc theo chuỗi nhân quả, với mục đích cuối cùng là chấm dứt hay loại trừ hoàn toàn cảm xúc có hại.
Dalai Lama (trích Bên ngoài tôn giáo)