Chùa An Lạc -Hải Phòng :Nơi đợi những tấm lòng

Chùa An Lạc -Hải Phòng :Nơi đợi những tấm lòng
Rời xa những tiếng động phố phường, suốt gần 50km từ TP.Hải Phòng về huyện Vĩnh Bảo, mùi hương lúa đang vào hạt theo gió, tràn ngập lòng chiếc bus băng qua đêm tối như một “chất dẫn”, đưa tôi trở lại với những hồi ức về một thời thơ trẻ của chốn đồng quê Việt.

 Cái tâm trạng dịu dàng ấy lại được làm  đầy  một cảm xúc sâu xa khi bước vào sân chùa: các cụ phụ lão đang ngồi hàn huyên chuyện đạo - chuyện đời. Lòng càng thêm mối thâm cảm khi được biết rằng, suốt từ thời kháng chiến chống Pháp đến nay, cái “mầm Phật” vẫn tồn tại qua bao biến thiên của một giai đoạn hào hùng, khắc nghiệt nhất trong lịch sử dân tộc. Ngôi chùa này, theo đánh giá của những cán bộ Sở Văn hóa Hải Phòng, đã có từ khoảng hơn 400 năm trước. Trong bóng tối lờ mờ, không thể nhận biết rõ ràng nhưng ngầm phỏng đoán cũng có thể hiểu được rằng, những gạch ngói gỗ đá kia hẳn không phải là dấu vết của ngôi cổ tự thuở ban sơ.

Khoảng hơn 21 giờ, nhiều cụ ra về, còn lại một cụ bà giăng mùng ngủ bên hiên nhà: tối nào, các cụ cũng đến đây sinh hoạt và luôn thay nhau ở lại một người. “Ở với chùa”.

MỒ HÔI CỦA TÍN TÂM

Sáng hôm sau, khoảng 7 giờ, nhiều cụ lại đến thăm. Và kể chuyện chùa cho người “khách lạ”, là tôi. Bằng cách nói đầy hình ảnh, các cụ Nguyễn Thị Khảnh (79 tuổi), Lưu Thị Na (76 tuổi), Lưu Thị Huyến (79 tuổi) đã “vẽ” lại những năm các cụ còn bé, theo bố mẹ đến chùa lễ Phật. Rồi những năm tháng đổ nát vườn không chùa đổ trong thời kỳ chống Pháp. Sau chiến tranh, ngôi cổ tự  ngày nào chỉ còn trơ cái nền cũ. Điều may mắn là, một số tượng Phật đã được bà con đưa về gìn giữ tại đình làng. Sự việc này thật có ý nghĩa khi nhìn dưới góc độ văn hóa: chùa - đình - đền - miếu là những biểu hiện của đặc điểm “dung hòa” trong đời sống tinh thần của cộng đồng Việt qua lịch sử...

Làm sao ghi lại hết những giọt mồ hôi, những đồng tiền chắt chiu của người dân ở một làng quê nghèo trong cố gắng dựng lại mái chùa xưa (!?). Đứng trong khuôn viên chùa, có thể hình dung lại cái cảnh đất vườn chùa bị đào khoét thành ruộng trồng lúa sát đến tận mép nền chùa. Nhưng rồi, bà con lại hiến đất ruộng để tạo dựng lại chùa. Phải bao nhiêu tấn cát đất để trả lại những gì “ngày xưa” vốn có? Và nhất là tấm lòng của Phật tử trong vùng, nếu biết rằng, tâm quy ngưỡng Phật pháp của bà con thường khi chỉ có thể thể hiện ở mức đóng góp từ vài trăm đến vài ngàn đồng! Trước chánh điện, pho tượng Đức Quán Âm là do cô Ba Nga ở Đà Nẵng, một tín đồ Thiên Chúa giáo hiến tặng vào ngày 25-12-2005. Còn pho tượng Phật A Di Đà là do cô Kiều Liên, một Phật tử ở Quảng Trị hiến cúng, cũng vào ngày ấy, năm sau...Và bao nhiêu những góp sức thầm lặng khác?...

CHÙA ĐÃ CÓ SƯ

Năm nay 88 tuổi, cụ bà Nguyễn Thị Sắng móm mém bày tỏ một sự thật: “Ông ạ, nước có vua, chùa có sư, nhà có chủ”. Vị tu sĩ tại ngôi chùa An Lạc này là Đại đức Thích Mẫn Thiện, quê quán tận tỉnh Đồng Tháp (Nam Bộ) đã “đi ngược dòng” để thực hiện một tâm nguyện tốt: trùng tu ngôi chùa có bề dày lịch sử hơn 400 năm để chăm bón cho hạt Bồ đề  được xanh tốt trên một vùng đất phương Bắc. Trước khi chuyển hẳn hộ khẩu về ngôi chùa này (tháng 5-2005) theo bổ xứ của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thầy đã được theo hầu - và - học một số bậc tôn túc. Có khá nhiều gian khó, dù chọn đường tu là đã  “đi nguợc” nếp  sinh hoạt của người thế gian: đặc điểm văn hóa khác, lề lối sống khác, giọng nói khác và vô vàn cái những cái... khác khác. Nhất là đối với một tu sĩ vừa ngoài ba mươi tuổi, khi đến địa phương này. Những việc thầy đã  làm được trong mấy năm qua là quy hoạch lại đất vườn chùa cho yêu cầu xây dựng trong tương lai, xây lại bốn ngôi tháp đã xiêu đổ, làm rào, trồng cây xanh cho một chốn lan nhã... Nhìn đống gạch khoảng chỉ hơn 1.000 viên do bà con đóng góp đã bắt đầu lên rêu xanh mà chưa thể đưa vào xây dựng lại dãy nhàTổ khoảng 270m2, tôi biết, thầy đã hết sức vất vả với những gì đã làm. Và sẽ còn phải vượt qua bao nhiêu gian khó nữa: lễ khởi công đặt đá đã diễn ra hơn hai năm rồi, mà đến nay, nền móng vẫn chưa hình thành! Không biết đến bao giờ thầy mới có được sự trợ duyên cần thiết để hoàn thành được tâm nguyện tốt đẹp này, trong khi, riêng những việc của “ngày thường”, lắm khi, chỉ với khoản tiền điện mỗi tháng chỉ khoảng 100.000 đồng, thầy đã phải “hẹn nợ” với nhân viên ngành điện?

GỬI LỜI TIN - NGUYỆN

Chia tay ngôi chùa An Lạc (thôn Quán Khái, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Buổi trưa, gió tháng 10 và những cụm mây xám sáng dồn dập trôi về hướng Tây Nam . Cánh đồng hương lúa xa thổi vào tận đáy lòng một mùi hương của hiện tại - hồi ức. Chia tay thầy Mẫn Thiện, những giờ phút sơ kiến sơ giao ngắn ngủi mà sao như đã quen biết từ lâu! Chia tay những cụ ông - cụ bà, dù không hiểu biết gì nhiều về lý thuyết Phật học (mà đâu phải chỉ cần như thế) nhưng lòng thì tràn đầy niềm tín tâm chơn phác, để hiểu thêm về sự “không mờ” của cái gọi là lòng tin. Lòng người trần thế vốn nhiều vướng bận, nên tôi không tránh khỏi nỗi bùi ngùi khi nghĩ về tâm nguyện của thầy Mẫn Thiện và của những bà con Phật tử ở cái làng quê nghèo này. Nhưng tôi lại mơ màng, biết đâu, từ lòng tin và chí nguyện hướng về Tam bảo của những con người như thế, rồi một ngày nào đó, sự mong cầu ấy sẽ không còn chỉ là một giấc mơ. Còn riêng tôi, kẻ dừng chân chốc lát nơi đây, xin được làm người đưa tin nhỏ bé, gửi tâm nguyện của những người con Phật nơi đây đến với khoảng không cao ngút mắt kia. Và, thầm tin - nguyện rằng, Hư Không sẽ là nơi đón nhận - trả lời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày