Chùa chuông

chuachuong.gif

Cồng tam quan chùa Chuông

Từ phía Bắc cửa ngõ thành phố Hưng Yên, cách bến ô tô thành phố xã chưa đầy 2km, khách du lịch có thể nhìn thấy gác Tam Quan chùa Chuông  (xem ảnh) với ba tầng lầu lộng lẫy, kiến trúc vừa thanh nhã vừa cổ kính bởi những con rồng chầu nhật nguyệt (mặt trời, mặt trăng) từ các mũi đao cong trên nóc lầu. Phía sau tam quan có hai câu đối:

Kim chung Phật tích thiên niên ký

Thạch bích linh truyền vạn cổ hương

(Dấu Phật, chuông vàng ngàn năm ghi lại

Đá xanh linh ứng muôn thuở toả hương).  

Chùa Chuông thuộc thôn Nhân Dục- phường Hiến Nam- thành phố Hưng Yên phía Tây giáp đê sông Hồng, giáp đường 39A di Hà Nội-Hưng Yên-Thái Bình, lại nằm ngay nội ô nên rất thuận tiện cho khách tham quan cả về đường thuỷ lẫn đường bộ. Khi chưa tới chùa Chuông, nghe tên gọi người ta cứ ngỡ đây là ngôi chùa có nhiều chuông. Nhưng không, chùa Chuông cũng như bao nhiêu ngôi chùa khác, chỉ có một cái chuông lớn cao và rộng trên dưới một mét. Chuông này treo ở gác ba trên Tam Quan chùa, cũng là cổng chính của chùa. Từ đây vào chùa trước tiên phải qua chiếc cầu đá dài 200 mét được xếp bởi những phiến đá to, dài 3m rộng 2m, dày 0,50m, dưới cầu là hồ sen. Vào mùa hạ vừa bước chân lên cầu là ta đã thấy mùi hương sen thơm ngát toả ra từ vô số những bông sen hồng sắc từ bi trước cửa phật. Vào sân chùa, nhìn trước cửa Tam bảo, có một cây hương đá, trên mặt chính diện có ghi bằng chữ hán “Chính hoà thập nhị thập tam niên”, tức chùa xây vào thời hậu Lê.

Chùa Chuông kiến tạo theo kiểu chữ quốc rộng 1.500mét vuông. Toà trên gồm 18 pho tượng của 18 vị La Hán, mỗi pho tượng đều có một lai lịch, sự tích, một nét mặt, một dáng vẻ đứng ngồi khác nhau, để thể hiện nội tâm của mỗi vị. Vì vậy ngày xưa ở chùa này, vào dịp tết nhân dân trong vùng nô nức đến đây để bói bụt. Tính tuổi của mình rồi đếm theo dãy bụt từ trái sang phải mà nhờ người trụ trì tại chùa đoán tính nết, tiền vận của mình khi bước sang tuổi mới theo tiểu sử của bụt. Chàu Chuông còn có tượng hộ pháp, tượng bát bộ Kim Cương, tứ bồ tát, Tề Thiên Đại Thánh. Những bức tượng còn nguyên vẹn ở đây (từ thế kỷ 13) đã thể hiện tài nghệ tạc tượng điêu luyện của người xưa- tác y như thật như Tượng ông được của, ông mất của

“Ông được của miệng thì cười

Ông mất của vẻ mặt ngồi buồn thiu”.

Trong chùa còn có hai cung động (kiếu như sa bần bây giờ) đắp ảnh Đường Tăng đi lấy kinh, cảnh địa ngục trần gian với chó ngao, rắn quấn, hổ xé xác những kẻ độc ác gian tà, để răn đe những kẻ vô lương, khuyên người ta làm điều lương thiện. Nay còn lưu truyền câu ca mô tả cảnh này:

“Người nào chửa mẹ mắng cha

Chết xuống âm phru leo qua cầu vồng”.

Vào khu vực này, trông cảnh này khiến người xem chỉ muốn tu nhân, tích đức, sợ hãi khi mình đã trót làm điều ác.

 Từ năm 1991 đến nay, sau cuộc hội thảo di tích lịch sử phố Hiến cấp quốc gia, Nhà nước và địa phương tỉnh Hưng Yên đã đầu tư gần hàng chục tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp chùa Chuông. Hàng năm chính nơi đây đã đón hàng trăm khách quốc tế và hàng ngàn khách trong nước về tham quan, chiêm ngưỡng. Mới đây, một ban quản lý di tích lịch sử Chùa Chuông được thành lập trực tiếps có sự quản lý của UBND thành phố Hưng Yên.

 Chùa Chuông còn có tên tự là Kim Chung Tự, có nghĩa là “trong chữ có vàng, trong chuông có vàng”. Như một tấm bia ở chùa đã khắc:

Đất thiêng người tuấn kiệt

vật báu trời phát phân

để:

Quả phúc dài vạn cổ

Công đức đến nghìn xuân.

 Chúng ta lẽ nào với cảnh ấy lại không dành một chút thời gian về thăm quần thể di tích lịch sử Phố Hiến, thăm chùa Chuông, chuông vàng, chữ vàng bên trong?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày