Chùa Diệu Đức là ngôi chùa sư nữ nổi tiếng vào bậc nhất của đất Thần kinh, trước năm 1930 Ni bộ TT- Huế hầu như không có cơ sở để tu học, sư Bà Diệu Không được chư tôn ủy cử cho mượn chùa Từ Đàm làm nơi ở và tu hành học đạo cho Ni bộ.
Thấy được nỗi khó khăn đó, đến năm 1932 cố Sư bà Diệu Không đã vận động và bỏ tiền ra mua một khu đất gần kề với chùa Kim Tiên trên đường Lam Sơn (nay là đường Điện Biên Phủ) xây dựng một tự viện làm nơi tu học cho Ni chúng tại TT-Huế lúc đó và đặt tên là chùa là Diệu Đức rồi mời Sư bà Diệu Hương làm trú trì.
Chùa Diệu Đức là cơ sở giáo dục Ni giới Thừa Thiên - Huế
Trong giai đoạn này, chùa chỉ mới có thể dựng lên hai ngôi nhà tranh đơn sơ để thờ tạm thời và chỗ ở của Ni chúng; sau đó lại dựng thêm rạp phía bên trái để làm nhà giảng kinh. Đến năm 1936, thì ngôi chánh điện xây bằng gạch mái lợp ngói mới được xây dựng, kiến trúc khá tinh vi; một số gian khác cũng dần dà tu bổ thêm trong hai năm tiếp sau đó. Trong những năm 1951-1954, những các phần còn lại của chùa cũng đã được hoàn tất phần tu bổ quy mô.
Năm 1971, chùa có xây thêm phần ngoại vi, đáng kể nhất là cổng tam quan và la thành của chùa. Vườn chùa được cải tạo thành hai cấp; cấp phía trên là sân trong của chùa, trồng nhiều loại cây cảnh xanh tươi; cấp phía dưới là sân trước có xây chiếc bể lớn hình tròn, trong đó có đặt những hòn non bộ và có một số mộ tháp... Phía ngoài tam quan, ngày trước có xây hồ sen, có khe Tiên ngày đêm nước chảy hữu tình. Cảnh trí nơi đây nhờ vậy càng tăng thêm vẻ trang nghiêm thơ mộng. Nhưng thời gian sau đó thì hồ sen cũng đã bị lấp dần, thay vào đó là những lũy tre xanh, dùng làm hàng rào để che chắn về phía trước chùa.
Chánh điện chùa
Bên trong chánh điện, án thờ trên một bậc cao, lùi bên trong có tượng thờ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. Còn án thấp ở phía dưới thì thờ ngài Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật cùng chư vị Bồ-tát khác. Phía sau là điện thờ các vị Bồ-tát: Địa Tạng Vương Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Quan Thế Âm Bồ-tát... Một bức hoành phi do vua Bảo Đại cúng cho chùa có dòng chữ Sắc tứ Diệu Đức tự. Bên trái của chùa là ngôi nhà giảng khang trang, nơi chư thiện nam tín nữ đến lễ Phật hằng tuần; bên trái của chùa là phương trượng của vị trụ trì và các ni cô.
Sinh thời Sư bà Diệu Không cho biết: Sở dĩ lấy chữ Diệu Đức đặt tên ngôi chùa, đây là tên của Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi; tượng trưng cho trí tuệ và đạo hạnh, tức là Diệu Đức. Hòa Thượng Phước Huệ, người đặt tên cho ngôi chùa này đã viết 4 câu thơ để giải thích: Diệu mà không Đức, Diệu không tu. Đức mới dung Hòa, trí lẫn ngu. Nhẫn nhục đứng đầu muôn hạnh phúc, Hòa đồng vạn pháp mới không mù.
Giờ thính giới hàng mỗi nửa tháng của Ni bộ Thừa Thiên Huế
Từ năm 1971, sư bà Diệu Hương viên tịch, sư bà Thể Yến đảm nhiệm chức trụ trì kiêm giám viện ni trường Diệu Đức. Ni sư là một trong những vị nữ tu thuộc ban sáng lập đầu tiên của ngôi chùa này.
Chùa được xây dựng trên lưng chừng dốc của một quả đồi thấp, thuộc địa phận của xã Thủy Xuân, ngày nay thuộc phường Trường An. Chung quanh chùa có rất nhiều chùa Tăng danh tiếng khác: trước mặt có chùa Vạn Phước, kề bên có chùa Từ Quang, chùa Kim Tiên, chùa Thiền Lâm, và các chùa Ni khác như Hương Sơn, Kiều Đàm.
Chư Ni quá đường ngọ trai
Mặt tiền của chùa Diệu Đức hướng về phía Đông bắc, cảnh trí trang nghiêm, u tịch.
Từ một ngôi chùa Diệu Đức đơn sơ để dành cho Ni chúng tu học đó sau này đã trở thành một trung tâm Phật học viện cho Ni chúng Thừa Thiên-Huế và cả nước tập trung về học đạo. Sư cô Bích Châu, thủ quỹ của chùa tự hào nói với chúng tôi rằng: từ ngôi tự viện này, đã xuất thân rất nhiều vị Ni tài cao đức trọng, nhiều Sư bà, Ni sư đã và đang nắm những trọng trách quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như tại các BTS PG các tỉnh thành và trụ trì nhiều ngôi chùa lớn trên khắp ba miền đất nước. Với truyền thống giáo dục của Ni bộ TT-Huế cộng với bề dày của một ngôi tự viện gắn liền với việc đào tạo con người cho Ni bộ trên toàn quốc, chùa Diệu Đức ngày nay tiếp tục kế thừa truyền thống tốt đẹp đó và ngày càng củng cố được vị trí của mình trong lòng Giáo hội và đã thực hiện trọn vẹn niềm tin đối với đồng bào Phật tử.
Chùa có kiến trúc thanh nhã, hiền hoà
Từ năm 1990 trở lại đây, chùa đã qua nhiều đợt trùng tu, từ chánh điện cho đến thiền đường, tăng xá, nhà khách và nhà bếp. Nhìn toàn cảnh chùa Diệu Đức ngày nay chúng ta thấy chùa là một bố cục rất chặt chẽ về kiến trúc và các hệ thống phụ, tường rào, vườn tược... đều rất kín đáo, tạo nên một dáng vẻ rất nhẹ nhàng, đằm thắm.
Hiện tại chùa đang là cơ sở lớn nhất của Ni bộ TT-Huế, là nơi dùng làm đạo tràng bố tát cho Ni chúng hàng tháng và mỗi khi có giới đàn, nơi đây lại thường xuyên được chọn làm giới đàn Ni. Đây cũng là một ngôi chùa có số lượng Ni chúng tu hành đông nhất với 75 vị, trong đó 47 vị Tỳ-kheo; 12 Thức xoa; 10 Sa-di; 6 điệu.
Tại chùa còn có một phân hiệu Trường TCPH TT-Huế dành riêng cho Ni, thường xuyên có 300 học Ni tham gia học tập.