Chùa Đông Đại

GN - Chùa Đông Đại, tiếng Nhật là Todai-ji (Đông Đại tự - 東大寺), là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Nhật Bản, và là một thắng cảnh, điểm du lịch tâm linh rất quan trọng ở Nara. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 743 và hoàn thành vào năm 751. Giai đoạn này là giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh, đạt đến đỉnh cao và giữ vai trò là quốc giáo ở Nhật Bản.

todaiji_hondo_sunset.jpg

Chùa Đông Đại hơn 1.200 năm tuổi

Trong thời kỳ Tempyo, nhân dân đã phải trải qua rất nhiều thiên tai và dịch bệnh. Sau khi hứng chịu hai cơn sóng thần, vào năm 741, vua Shomu đã ban hành chiếu chỉ khuyến khích xây dựng những ngôi chùa chính ở các tỉnh, thành trong cả nước (gọi là chùa tỉnh). Chùa Đông Đại được đề cử là ngôi chùa tỉnh của tỉnh Yamato và là trụ sở chính, dẫn đầu tất cả các ngôi chùa tỉnh ở trong nước.  

Vào năm 743, vua Shomu ban hành một sắc lệnh kêu gọi người dân đóng góp để xây dựng một pho tượng Phật, với niềm tin sâu sắc rằng Đức Phật có thể che chở cho mọi người. Ngôi chùa xem như là một phương tiện trấn quốc, đánh dấu sự kết hợp có ý nghĩa lần đầu tiên của giáo quyền và thế quyền ở Nhật Bản. Theo sử liệu ghi chép được lưu giữ tại chùa Đông Đại thì ngài Gyoki và các đệ tử của ngài đã đi đến nhiều tỉnh thành để quyên góp tịnh tài, tịnh vật cho việc tạo một pho tượng Phật vĩ đại. Tổng cộng có hơn 2.600.000 người đã đóng góp trong việc kiến tạo nên pho tượng Phật bằng đồng vĩ đại và ngôi điện Phật tại chùa Đông Đại. Pho tượng Phật bằng đồng ấy cao 16 mét. Pho tượng hoàn tất vào năm 751. Tính tổng chiều dài từ dưới lên, kể cả phần bệ của pho tượng thì có độ cao là 30 mét. Trong ngày lễ khai quang điểm nhãn vào năm 752, có hơn 10.000 người dân đã tham dự lễ lạc thành và khai quang điểm nhãn của pho tượng. Do động đất thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản, cho nên pho tượng ấy cũng đã nhiều lần bị hư hỏng nặng và đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Pho tượng trong hiện tại đã được sửa chữa gần đây nhất là vào thời Edo (1615-1867).

birushana-Todaiji_Daibutsu_9844rc-photo-by-ron-Reznick.jpg

Tượng Đại Phật bằng đồng cao 30m (kể cả bệ)

Chùa Đông Đại tồn tại gần 1.500 năm, đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa cho nên không còn giữ được sự nguy nga, đồ sộ của ngôi chùa như ở thời kỳ đầu. Trong quần thể kiến trúc lúc ban đầu của chùa Đông Đại có hai tòa nhà cao 100 mét. Vào thời điểm ấy, sau những tòa tháp ở Ai Cập thì đây là hai tòa nhà cao nhất thế giới. Hiện nay thì hai tòa nhà này không còn nữa. Tòa nhà trong hiện tại được trùng tu hoàn thành vào năm 1709 và nhỏ hơn 30% so với tòa nhà trước đó.

Cổng tam quan của chùa Đông Đại (Nandaimon - Nam Đại Môn) được xây dựng từ năm 1199 cũng là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại của chùa. Cổng tam quan hiện tại được tái thiết theo đúng hình dáng cũ. Cổng có 18 cột trụ chống đỡ, mỗi cái cao 20 mét, với đường kính hơn 1 mét.

Todai-Ji_2.jpg

Một góc chùa Đông Đại vào mùa xuân

Hai pho tượng hộ pháp bằng gỗ đứng hai bên của cổng tam quan của chùa cao gần 8 mét, có tuổi thọ trên 800 năm. Pho tượng được điêu khắc bởi người thợ chạm gỗ bậc thầy là ông Unkei. Tượng được ghép thành từ 3.115 miếng gỗ.

Trong khuôn viên của chùa, trải dài hơn 1km theo trục Bắc-Nam và Đông-Tây, tính từ Đại Phật điện, là hàng loạt các công trình kiến trúc khác nhau, gồm có các ngôi điện và kho báu, nơi lưu giữ các bảo vật quốc gia. Trong đó có bảy công trình được công nhận là di sản quốc gia. Là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất ở Nhật Bản, chùa Đông Đại sở hữu rất nhiều bảo vật rất có giá trị về văn hóa, lịch sử. Chùa hiện có 20 pho tượng Phật và tác phẩm nghệ thuật được xếp loại di sản quốc gia.

Hiện tại, quần thể kiến trúc chùa Đông Đại gồm có Đại Phật điện, hai tòa tháp 7 tầng, một giảng đường và khu tịnh xá. Bên cạnh đó còn có nhiều công trình lịch sử khác, kể cả tòa điện Shoro (Kho báu Hoàng gia), nơi lưu trữ kho bảo vật của Thiên hoàng Shomu.

Liên Hoa điện hiện hữu trong quần thể kiến trúc chùa Đông Đại hiện tại là một công trình có tuổi thọ lâu đời nhất trong quần thể.

Đặc biệt, chùa hiện lưu giữ được những bức chạm trổ rất tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ Nhật Bản, những bức tượng cổ bằng đồng cùng hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm. Bên cạnh đó, nghệ thuật vườn cảnh độc đáo và hài hòa với kiến trúc đã tạo cho chùa Đông Đại thành một quần thể di tích lịch sử, tâm linh vô cùng ngoạn mục và tú lệ, có sức thu hút hiếm có, khiến nơi đây trở thành địa danh linh thiêng và hấp dẫn đối với du khách trong nước cũng như quốc tế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày