Rời quốc lộ 20 ầm ào tiếng động cơ xe cộ, chúng tôi rẽ vào một con đường khá vắng vẻ thuộc địa bàn Khu phố 1, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh để thăm chùa Pháp Hoa. Xe chạy chầm chậm trên con đường uốn lượn quanh đồi chè bạt ngàn yên bình và thơ mộng.
Từ xa đã có thể chiêm ngưỡng mái chùa thấp thoáng ẩn hiện sau những vườn chè, cà phê xanh tốt và giữa lãng đãng mây ngàn, khác xa những gì chúng tôi nghe được từ nhiều năm trước. Ni sư Minh Hiền cho biết các Phật tử đã cúng dường gần 600 triệu đồng để sửa chữa, láng nhựa đoạn đường đất đỏ gập ghềnh, trơn trượt dài hơn 600m vào tới cổng chùa.
Khởi nguồn từ túp lều tranh
Theo ông Nguyễn Công Hoàng - phó Phòng Nội vụ phụ trách công tác tôn giáo ở huyện Di Linh, chùa Pháp Hoa do Ni trưởng Huệ Đức (phẩm hàm ngang với Hòa thượng bên nam) và Ni sư Minh Hiền (Phó Ban đại diện Phật giáo huyện Di Linh) cùng tạo lập và trụ trì.
Về thời điểm lập chùa, Ni sư Minh Hiền (71 tuổi) lưng còng, gương mặt phúc hậu hồi tưởng: Năm 1970, tôi cùng sư Huệ Đức (quê ở Bạc Liêu) rời chùa Phật Bửu Ni (Cai Lậy, Tiền Giang), sau đó là chùa Pháp Hoa Ni viện (Quận 1, TPHCM) lên thị xã Đà Lạt. Chúng tôi chỉ có 150 ngàn đồng bằng giá trị của 15 cái mền hai da nên không thể mua đất ở thị xã, đành tìm xuống Di Linh sang lại rẻo đất ở nơi heo hút, sau đó thuê dựng căn nhà bé như cái lều bằng ván bìa rồi lợp tranh để ẩn tu. May mắn là thửa đất này men theo bờ suối Đa Ri An nên rất thanh bình, mát mẻ, trong lành thích hợp cho việc tu tập.
Thuở đó ngôi chùa nhỏ đơn sơ này vốn ở sát bìa rừng nên suốt ngày vang vọng tiếng chim ca, vượn hú, thỉnh thoảng còn nghe cả tiếng thú dữ gầm rú. Đường vào chùa chỉ có một lối đi nhỏ trơn trượt xuyên qua những bãi cỏ hoang nhiều gai nhọn và đầy sên, vắt. Suốt 20 năm chúng tôi sống và đọc kinh tụng niệm dưới ánh đèn dầu leo lét vì không có điện; có đêm rắn chui vào tận gậm giường. Chúng tôi có thể sống yên ổn qua những năm tháng đó có lẽ do Trời Phật phù hộ.
Ngày ấy bà con dân tộc K’Ho không mặc quần áo như bây giờ mà ở trần và quấn khố; nhiều người cà mất hàm răng trên và căng tai bằng ngà voi khiến tai bị đứt và dài lòng thòng gần chạm vai trông rất kỳ lạ. Ban đầu chúng tôi sợ lắm nhưng sau khi học tiếng K’Ho, tìm hiểu phong tục tập quán và gần gũi tiếp xúc lại thấy bà con dân tộc thật hiền lành, chân chất.
Họ có những rẫy bắp, vườn sắn của riêng mình nhưng do thói quen uống rượu quanh năm và không biết tích góp phòng cơ nên năm nào cũng đều thiếu đói vài tháng. Chúng tôi nghĩ ra cách nhờ họ đến phụ giúp vỡ đất trồng bắp, khoai, sắn, chè, cà phê và cây ăn trái. Đến mùa giáp hạt, đói kém, chúng tôi lại đem sản phẩm thu hoạch được cứu trợ cho đồng bào. Tình cảm đôi bên ngày càng trở nên gắn bó.
Và những chiếc mõ bằng gáo dừa
Sau 4 năm dựng lều tranh tu tập đã có 10 hộ người Kinh với khoảng 50 phật tử theo chúng tôi gõ mõ tụng kinh niệm Phật, còn với đồng bào K’Ho thì hơn mười năm sau mới có vài người tìm đến.
Một trong những Phật tử K’Ho đầu tiên là K’ Briu (còn gọi là K’Lang) trú tại thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré, giáp ranh với TT Di Linh. K’ Lang (hiện đã 66 tuổi và là một già làng có uy tín) tâm sự: Hàng ngày đi làm ruộng ngang qua chùa, thấy người Kinh đi làm công quả cho các sư, chăm tụng kinh niệm Phật nên đã được phù hộ cho khỏe mạnh, cơm no áo ấm, tôi quyết tâm đưa vợ và 3 con quy y, sau đó bà con dân làng làm theo. Không chỉ người K’Ho ở K’Long Trao mà một số vùng lân cận như Hàng Làng (xã Gung Ré), Bảo Tuân (xã Bảo Thuận)… cũng tìm đến tu học.
“Những năm 2001 - 2004, khi Phật tử lên đến mấy trăm người thì chùa không đủ mõ để luyện tập cho đúng nhịp điệu. Mõ thường làm bằng gỗ tốt nên rất đắt mà chùa còn nghèo nên không mua nổi. Các sư nghĩ ra cách xin cả trăm cái gáo dừa ở chợ về làm mõ rồi cho người lên rừng chặt tre vót thành hình những cái dùi để gõ” - thư ký của chùa là K’Bíu (sinh năm 1957, trú tại K’Long Trao, pháp danh Thiện Chiêu) kể.
K’Sem (SN 1961, pháp danh Thiện Hải, từng đoạt nhiều giải ca nhạc cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, hiện phụ trách ban nhạc của chùa) hồi tưởng: Tiếng gõ của mõ gáo dừa mộc mạc nhưng cũng hòa nhịp với câu niệm Phật A Di Đà khi các phật tử nhỏ tuổi đi kinh hành quanh điện Phật.
Tuy nhiên bàn tay của các cháu thì nhỏ mà gáo dừa quá lớn nên khá chật vật để cầm cho chắc. Từ chùa Tường Quang ở TPHCM lên thăm chùa Pháp Hoa, nhìn thấy cảnh này, Ni sư Chúc Hiền cùng một số người cảm thương nên đã cúng đường mấy trăm cái mõ nhỏ xinh xắn hình con cá. Những cái mõ bằng gáo dừa được lưu kho từ đó.
Mõ được làm bằng cây hay khúc gỗ tròn, móc rỗng bên trong, tạc theo hình con cá, với một khe đục nằm ngang để tạo âm thanh, do đó khi gõ vào sẽ phát ra tiếng kêu. Đặc tính của loài cá là không bao giờ ngủ nên theo Phật pháp, âm thanh phát ra từ chiếc mõ hình con cá sẽ giúp đánh thức mọi người khỏi cơn mê muội…
Đạo tràng lớn nhất của người K’Ho
Theo thống kê của K’Bíu, hiện có hơn 920 Phật tử quy y tại chùa, trong đó hầu hết là người K’Ho; đặc biệt, thôn K’Long Trao có 180 hộ dân tộc K’Ho thì đã có 130 hộ tu học tại chùa, đưa Đạo tràng Pháp Hoa thành nơi tu tập đông nhất của người K’Ho trên miền đất Tây Nguyên.
Cùng với sự phát triển số lượng Phật tử, nơi tu hành ngày càng được mở rộng thêm. Cái lều mười mấy mét vuông ngày xưa dần dần được nới rộng lên một trăm rồi hơn 700m². Mái tranh được thay thế bằng tôn, vách quây bằng lưới B40 và tấm bạc được xây lại bằng gạch nên không còn bị thấm dột, gió lùa, mưa tạt.
Chùa chỉ có một chánh điện nhỏ với tượng đức Bổn Sư và bàn thờ cũng khiêm tốn với tượng Phật bằng đồng nhưng số lượng phật tử quy y và những người mộ đạo đến tu tập, làm công quả trong những dịp lễ lớn, những tháng ngày an cư rất đông.
Theo già làng K’Lang, các ni sư luôn hết lòng chăm lo cho phật tử, coi phật tử như con, đặc biệt là những người tàn tật, ốm đau, hoạn nạn, neo đơn không nơi nương tựa, do đó nhiều người biết ơn, ngưỡng mộ tìm đến học đạo. Từ khi chăm đến chùa tụng kinh, gõ mõ, nghe sư giảng đạo, các phật tử từ bỏ dần những thói hư tật xấu như trộm cắp, rượu chè, cờ bạc, đánh chửi nhau; hàng xóm láng giềng thân thương, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, khốn khó.
Chủ tịch thị trấn Di Linh Đặng Văn Quang cũng cho hay, ban đầu sự xuất hiện của 2 sư nữ khiến nhiều người nghi ky vì không ai biết họ từ đâu đến và trên địa bàn lúc bấy giờ cũng chưa từng có các nữ tu. Tuy nhiên có lẽ nhờ vào duyên nghiệp cùng với công đức và những việc làm từ thiện mà hai vị chân tu này đã thu phục được lòng người.
Đạo tràng K’Ho ở chùa Pháp Hoa ngày càng phát triển; nhiều phật tử trong và ngoài nước thông qua 2 ni sư này để giúp đỡ các phật tử K’Ho có hoàn cảnh khó khăn. “Các ni sư cũng thường xuyên đóng góp ủng hộ quỹ người nghèo, đền ơn đáp nghĩa của huyện” - lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Di Linh cho biết. Theo các Phật tử, không thể tính hết những căn nhà tình thương, giếng nước công cộng, phần quà cứu trợ, tấm áo đồng phục, học bổng cho học trò nghèo… mà các sư mang đến cho buôn làng.
Tiếng kinh chiều mộc mạc, chân thành nhưng cũng rất trang nghiêm của Đạo tràng K’Ho vang lên khiến lòng người thật thanh thản. Trước khi rời chùa Pháp Hoa, nhiều người khấn nguyện cho các Ni sư luôn mạnh khỏe và tìm được người kế tục xứng đáng để ngôi chùa được xây dựng bằng hoài bão, tâm huyết của các sư và sự thành tâm cúng dường của các phật tử luôn là nơi tu học thiêng liêng và ấm áp tình người.