Cầu Hội được mở rộng tới 40m, 200 đò chất lượng cao được đưa vào sử dụng thử nghiệm, một cầu đường bộ từ cửa động Hương Tích tới Quan Âm Kiều đang khẩn trương hoàn thành để kịp phục vụ du khách... đó là những nét mới trong lễ hội lớn nhất miền Bắc - Lễ hội chùa Hương 2010 sắp diễn ra.
Những giải pháp chống ùn tắc
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích thắng cảnh chùa Hương, trong những năm gần đây, số lượng du khách thập phương tới trẩy hội chùa Hương ngày càng tăng. Năm 2007, chùa Hương đón 94 vạn lượt khách, đến năm 2008, con số này tăng lên 1,1 triệu và năm 2009 là hơn 1,2 triệu du khách.
Lượng khách đông, lại dồn vào 3 tháng hội, vì thế một trong những vấn đề “nóng” của hội chùa Hương là nạn tắc đường. Để “hạ nhiệt”, nhiều giải pháp được đưa ra như phân luồng, phân tuyến, nạo vét và mở rộng suối Yến, tăng cường bãi thuyền bến Thiên Trù... tuy nhiên cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Vào những ngày cao điểm, mọi tuyến đường đổ về Hương Tích vẫn cứ... tắc đều.
Năm 2010, UBND huyện Mỹ Đức đã cho nâng cấp và mở rộng cầu Hội bắc qua suối Yến từ 12m lên 40m. Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn, việc mở rộng này khiến lưu lượng thuyền đò qua lại dễ dàng hơn, giảm ách tắc.
Đối với các tuyến bộ hành, mùa lễ hội 2010 cũng có một số thay đổi, một cầu đường bộ nối từ cửa động Hương Tích cho tới Quan Âm Kiều đã xây dựng xong phần thô và đang đi vào hoàn thiện. Cây cầu này được thiết kế như Quan Âm Kiều cũ rộng 4m dài 126m bám vào cầu cũ của chùa. Trong mùa hội này, các tuyến bộ hành sẽ tiếp tục được phân luồng với chiều vào và ra. Đặc biệt, bắt đầu từ năm nay, đoạn đường bộ từ bến Yến tới đền Trình sẽ cấm tất cả các phương tiện dành cho người đi bộ.
Thử nghiệm đò chất lượng cao
Trong mùa lễ hội này, 200 đò có lắp đặt ghế ngồi bằng chất liệu composit được đưa vào sử dụng thí điểm. Đây là một phần của Đề án nâng cao chất lượng thuyền đò cũng như đảm bảo an toàn, hạn chế việc chở quá số người quy định. Đối với đò loại to, sẽ được lắp từ 12 đến 15 ghế ngồi, đò nhỏ 6-8 ghế.
Dự kiến, mùa hội năm 2011, hơn 4.000 đò chùa Hương sẽ được chuyển đổi chất lượng. Chất lượng tăng đồng nghĩa với giá cả tăng, mỗi du khách sẽ phải trả tiền đò là 35.000 đồng thay cho 25.000 đồng như hiện nay. Có một cái khó, kinh phí để nâng cấp một chiếc đò to vào khoảng 14 triệu đồng - đây là số tiền khá lớn không phải chủ đò nào ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cũng đáp ứng được.
Băn khoăn trước mùa hội
Số người trẩy hội càng đông, cũng đồng nghĩa với việc số lượng rác thải càng lớn, theo ông Nguyễn Chí Thanh, việc thu gom rác ở đây là hết sức khó khăn, các phương tiện chuyên chở không vào được, buộc phải gồng gánh, rồi chở ra bằng đò.
Vì thế, việc xử lý rác thải ở chùa Hương cho đến nay vẫn được tiến hành bằng cách đốt và chôn lấp tại một địa điểm cách bến Thiên Trù không xa. Đã từng có nhiều đề xuất về việc xây dựng một nhà máy xử lý rác thải cho danh thắng chùa Hương. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa được tiến hành.
Không chỉ băn khoăn trước xử lý rác thải để tránh được những tác động xấu đến môi trường, một vấn đề nữa, đó là xử lý ô nhiễm bến Yến. Trước đây, đã có một dự án nhằm khơi dòng để nước bến Yến có thể lưu thông với sông Đáy, tuy nhiên, khi khơi xong, nước không chảy ra được do cốt nền bến Yến cao hơn.
Được biết, trong năm nay, việc làm sạch nước bến Yến lại được tiếp tục triển khai với việc nạo vét suối cũ, làm trạm bơm dã chiến hút nước bẩn ra rồi bơm nước sạch vào. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện, tuyến đi Long Vân - Tuyết Sơn cũng đang được nạo vét, khơi thông dòng chảy.
Do điều kiện thời tiết, năm nay, mực nước suối Yến xuống thấp hơn mọi năm, nơi sâu nhất của suối cũng chỉ trên dưới 1m. Để tránh tình trạng đò mắc cạn. Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương dự kiến sẽ tiến hành bơm nước từ sông Đáy vào, các trạm bơm dã chiến sẽ hoạt động liên tục trong vòng 1 tháng.