GNO - Sáng nay, 2-11, chùa Hương (xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã tổ chức lễ chú nguyện đúc đại hồng chung (chuông) chùa.
Dự lễ có lãnh đạo BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND H.Yên Thành, xã Mỹ Thành và đông đảo Tăng Ni, Phật tử, du khách thập phương.
Nghi thức niêm hương, Phật bạch cầu nguyện đúc đại hồng chung
Chùa Hương (chùa Đá) còn có tên khác là chùa Mụ Châu (để ghi nhớ công lao của người có công sáng lập chùa là bà Châu Nương - vợ của Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải). Theo các cụ cao tuổi ở địa phương, tên gọi “chùa Mụ Châu” đã khẳng định chùa được xây dựng vào thời Trần với lịch sử xa xưa.
Chùa tọa lạc trên đỉnh Trốc Xôi - một ngọn núi phía Tây Bắc của dãy Tù Và. Tương truyền lúc mới khởi dựng, chùa chỉ có hai gian nhà nhỏ thờ Phật, nhưng nổi tiếng linh thiêng, tao nhân mặc khách muôn phương mỗi lần lên Tù Và thưởng ngoạn phong cảnh đều ghé vào chùa chiêm bái.
Sau này chùa được xây cất làm 2 tòa lớn, phía trước thờ Phật, phía sau thờ các vị Thánh nương.
Thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, chùa Hương - nơi thâm nghiêm kín đáo trên đỉnh Tù Và là nơi nuôi giấu, chở che cán bộ, là cơ sở hoạt động bí mật của làng Trụ Pháp, hậu cứ của các Chi bộ Đảng ở địa phương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, với vị trí đặc biệt, chùa còn là nơi bộ đội, dân quân bố phòng trận địa pháo cao xạ, khống chế máy bay của giặc.
Trao ghi nhận công đức cho gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hòa
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù chỉ còn lại dấu tích là sân nền và bàn thờ đá chông chênh trên đỉnh núi, năm 2017, UBND tỉnh đã chấp thuận khôi phục lại chùa Hương. Tháng 8-2019, BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An đã có quyết định bổ nhiệm Sư cô Thích nữ Huệ Tịnh về trụ trì tại chùa. Sau hai năm kể từ ngày có quyết định phục hồi, đến nay chùa Hương đã dần thay đổi diện mạo, lấy lại được nét đẹp của ngôi chùa xưa.
Được biết, chuông là một trong pháp khí không thể thiếu trong các lễ nghi của Phật giáo, là phương tiện để thức tỉnh, khai mở trí tuệ. Với những người học đạo bước đi trên con đường giải thoát giác ngộ thì tiếng chuông có một giá trị thiêng liêng và ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Chuông chùa Hương được đức bằng chất liệu đồng đỏ, có kiểu dáng, trang trí hoa văn theo mẫu chuông cổ thời nhà Trần, chiều cao gần 2m, đường kính miệng chuông khoảng 1,1 m, nặng 1,2 tấn, có giá trị gần 500 triệu đồng, do gia đình Phật tử Nguyễn Thị Thu Hòa, trú tại TP.HCM cúng dường.
Nghi thức sái tịnh - cầu nguyện Phật sự viên thành
Chuông có trọng lượng 1,2 tấn, có giá trị gần 500 triệu đồng
Tại buổi lễ, lãnh đạo BTS GHPGVN tỉnh và các đại biểu chính quyền các cấp thực hiện nghi thức rót đồng đúc chuông, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và nhân dân địa phương cũng đã công đức đúc chuông và giá treo chuông. Sau khi chuông đúc xong sẽ được treo lên gác chuông tại chùa.
Hữu Tình