Chùa Lào

Đối với một đất nước mà Phật giáo được coi là quốc đạo và sở hữu tới 1.400 ngôi chùa, chẳng có gì ngạc nhiên khi 5/9 điểm gợi ý khách du lịch nên đến thăm trên bản đồ Thủ đô Vientiane là những ngôi chùa. Trong lần thứ 2 đến Vientiane, chúng tôi quyết định tới thăm những ngôi chùa nổi tiếng, không phải về quy mô mà vì ý nghĩa trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người Lào.

Ấn tượng chung về những ngôi chùa ở Vientiane là phong cách kiến trúc cầu kỳ, hoa văn tinh xảo, màu sắc rực rỡ. Khi vào, khách thường phải chỉnh trang quần áo (nếu ai mặc váy ngắn, một số chùa có sẵn sarong cho mượn), bỏ dép phía ngoài. Các chùa đều có sẵn hoa và nến (miễn phí) để khách làm lễ.

Tượng Phật nằm, dài 120m, tại Công viên Phật

Tượng Phật nằm, dài 120m, tại Công viên Phật

Ngôi chùa linh thiêng nhất

Ngôi chùa đầu tiên chúng tôi đến là chùa Mẹ (Wat Simeuang). Được xây dựng năm 1566, ngôi chùa là linh hồn của thành phố, nơi người dân Lào thường đến để cầu an, cầu phúc, cầu bình yên. Truyền thuyết địa phương kể rằng, khi xây dựng Vientiane, Đức Vua đã lựa chọn địa điểm để cắm cột trụ thiêng. Khi người ta đào hố để chôn cột trụ thì trúng mạch nước ngầm, nước phun lên không dứt. Và Nang Si, một phụ nữ trẻ đang mang thai đã tình nguyện hiến sinh, nhảy xuống để lấp cột nước. 100 ngày sau, hố sâu tự liền lại và nhô lên một cột trụ thiêng. Người ta lấy gạch (xỉ) bao xung quanh thành một ngọn đồi nhỏ (ước chừng cao 5m, dài 15m và rộng 11m). Cũng từ đó, Nang Si được coi như vị thần bảo vệ thành phố.

Ngoài sự tích nêu trên, chùa Mẹ còn thêm huyền bí khi có đôi chim hạc ngụ ngay trên hòn giả sơn sau hậu điện. Nghe nói hơn 20 năm qua, suốt ngày đêm 2 con hạc chỉ quanh quẩn trong không gian của phần mộ Nang Si, dưới tán cây me. Hàng ngày các nhà sư mang đến cho chúng cá và nước. Từ khi đôi chim hạc xuất hiện, dân chúng thêu dệt thêm nhiều thần thoại. Có người cho rằng Đức Phật phái chim hạc bay về canh giữ cho Nang Si; lại có người cho rằng linh hồn của Nang Si nhập vào chim hạc mà về. 

Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm người, cả người địa phương và khách du lịch đến chùa Mẹ xin được buộc chỉ cổ tay, sợi màu vàng với mong muốn may mắn và hạnh phúc; sợi màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết và bình an. Vào dịp Tết Bunpimey, sẽ có xe kiệu chở các trinh nữ đi vòng quanh chùa để vẩy nước thơm vào khách hành hương, trước khi vào lễ.

Chùa Lào ảnh 2

Trong chùa còn có hòn đá thiêng. Theo lời một đồng nghiệp ở VPQH Lào, khi bạn cầu mong điều gì (trừ tình duyên), nếu nhấc bổng hòn đá, mong ước sẽ trở thành hiện thực. Các thành viên trong đoàn hầu như ai cũng thử và may mắn là tất cả đều nâng bổng viên đá.

Ngôi chùa nhiều tượng Phật nhất

Sau khi lễ Mẹ, cầu mong một chuyến đi may mắn và bình an, chúng tôi lên đường tới Sisaket, ngôi chùa cổ nhất và là một trong những biểu tượng của đạo Phật ở đất nước hiền hòa này. Chùa Sisaket được xây dựng năm 1818, theo lệnh vua Anouvong, vị vua cuối cùng của Vientiane. Chính điện của chùa quay về hướng nam chứ không phải hướng đông theo lẽ thông thường. Năm 1827 - 1828, quân Xiêm san bằng Vientiane và dồn ép phần lớn người Lào qua bên kia sông MeKong, tất cả đền đài miếu mạo đều bị phá hủy, ngoại trừ chùa Sisaket. Tương truyền, khi quân Xiêm định tấn công chùa, đột ngột một đám mây đen phủ kín bầu trời, tất thảy quan quân thất kinh hồn vía, cho là cơn giận dữ của trời đất nên tự động rút lui. Nhờ thế mà duy nhất chùa Sisaket còn tồn tại, tiếp tục đóng vai trò là chốn tu hành thiêng liêng trong suốt thế kỷ XIX và cho đến tận ngày nay.

Sisaket là một kho tượng Phật khổng lồ, lên tới 6.840 pho tượng, được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, đá, gỗ, bạc hay thạch cao... Mặt trong của chính điện có hàng ngàn hốc nhỏ, mỗi hốc đặt một bức tượng Phật, tạo cảm giác che chở cho người cầu nguyện. Hệ thống trường lang bên ngoài cũng đặt hàng trăm bức tượng Phật lớn nhỏ. Tại đây còn có một thư viện gần 400 năm tuổi với nhiều kinh sách Phật cổ viết bằng tay trên lá cọ.

Chùa Lào ảnh 3

Ho Prakeo

Chùa Lào ảnh 4

Bảo tàng nghệ thuật tôn giáo

Đối diện Sisaket, phía bên kia đường Sathathirath là Ho Prakeo. Gọi là chùa nhưng nơi đây chưa từng có sư ở. Ho Prakeo được xây từ thế kỷ XVII - XVIII, khi vua Setthatirath chuyển kinh đô từ Luang Prabang tới Vientiane. Đây là nơi Hoàng gia Lào thường lui tới cầu nguyện. Đó cũng là lý do một bức tượng Phật ngọc quý giá được đặt tại ngôi chùa này và Ho Prakeo còn gọi là chùa Phật Ngọc. Ho Prakeo bị quân Xiêm phá hủy năm 1828, bức tượng Phật ngọc bị người Thái mang về nước và xây dựng 1 ngôi chùa y hệt để thờ. Đến năm 1936, Ho Prakeo được xây dựng lại, trở thành bảo tàng nghệ thuật tôn giáo của Lào. Hiện Ho Prakeo còn lưu giữ nhiều văn tự khắc trên đá liên quan đến Phật giáo, là những tư liệu quý được coi như báu vật quốc gia. Bao quanh Ho Prakeo là những bức tượng Phật bằng đồng đúc tinh xảo, như che chở cho người dân Lào được yên bình và ấm no. Trên các mảng cửa sổ, cửa lớn còn trang trí tượng thần vũ nữ apsara...

Khác với quy mô hoành tráng, rực rỡ của That Luang được xây dựng cùng thời kỳ, Ho Prakeo yên tĩnh với những bãi cỏ xanh mướt và bờ rào hoa mẫu đơn được cắt tỉa công phu. Ho Prakeo hiện là điểm đến không thể bỏ qua đối với nhiều khách du lịch quốc tế khi tới Vientiane, bởi kiến trúc và họa tiết trang trí cầu kỳ, tinh tế, phản ánh đời sống Phật giáo của người dân Lào.

Công viên (tượng) Phật

Cách Vientiane 23km về phía đông, qua cầu Hữu Nghị không xa, Công viên Phật (Wat Xieng Khouan, nghĩa là thành phố tâm linh) được pháp sư Bunleua Soulilat xây dựng năm 1958, rộng khoảng 4ha, nằm ngay bên bờ sông MeKong. Hơn 200 bức tượng lớn nhỏ với nhiều hình dáng khác nhau bằng chất liệu ximăng, đã trở nên rêu phong theo thời gian, kể lại cuộc đời và những câu chuyện của Đức Phật. Wat Xieng Khouan được xem là nơi thăng hoa của nghệ thuật pha trộn nhiều phong cách đặc trưng Hindu giáo, Phật giáo, những thần nhân trong sử thi Ramayana..., mặc dù Bunleua không qua trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật tạo hình, điêu khắc. Bunleua Soulilat cống hiến cả cuộc đời cho Phật giáo và Hindu giáo, vì thế rất tinh thông triết học Hindu, Phật giáo, thần thoại học, biểu tượng học...  Ông từng lý giải về vườn tượng của mình là những hình ảnh kỳ lạ, được ông cùng cộng sự tạo ra, đến với ông trong những giấc chiêm bao, và cảm nhận về thần linh mà ông ngộ ra được trong đời sống hàng ngày.

Theo Phật giáo và Hindu giáo, con người sinh ra trên thế gian này là để sống chung thân với nó. Thế giới là nhà tù của chúng ta, cho dù nó không có tường vách, không có khóa, cũng chẳng có bảo vệ, nhưng chúng ta không thể thoát ra được. Những nỗi khổ mà con người phải chịu đựng tùy thuộc vào việc chúng ta tham lam đến đâu. Càng ham muốn, càng đau khổ. Vì thế, Bunleua Soulilat xây dựng Công viên Phật là để nhắc nhở mọi người tại sao chúng ta phải đối mặt với khổ đau vô hạn. Nếu chúng ta thực sự muốn đạt đến hạnh phúc và tâm trí an lạc, phải từ bỏ lòng tham và dành thời gian suy ngẫm về cuộc đời. Đó chính là lý do trong Công viên Phật, bạn sẽ bắt gặp nhiều bức tượng kỳ quái của người, chúa, quỷ, bên cạnh vô số tượng Phật nằm thanh thản, trong đó có bức tượng Phật nằm lớn, dài khoảng 120m. Ngoài các bức tượng, ở đây còn có hình quả bí ngô khổng lồ, với 3 tầng đại diện cho địa ngục, mặt đất và thiên đàng. Bạn có thể trèo qua các bậc thang để đi từ địa ngục lên thiên đàng và ngắm nhìn toàn cảnh Công viên Phật. Đây là điểm bạn nên đến nếu muốn hiểu hơn về Phật giáo và Hindu giáo...

Có người nói, đến đất nước Triệu voi, nếu không ghé thăm những ngôi chùa cổ kính, không nghiêng mình trước sự huyền bí của các bức tượng Phật, coi như bạn đã bỏ qua nét văn hóa đặc trưng nhất của người Lào. Có lẽ đúng. Tôi tiếc là chưa có dịp đến thăm những ngôi chùa Việt ở Vientiane, nhưng chắc chắn tôi sẽ trở lại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày