GN - Sau ánh hào quang sân khấu, họ trở về sum vầy trong nghĩa trang đặc biệt - nghĩa trang nghệ sĩ ở chùa Nghệ Sĩ (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Đó là những nghệ sĩ đã vĩnh biệt cõi tạm. Ngày nay, chùa Nghệ Sĩ vẫn còn những nghệ sĩ cải lương, nhân viên hậu đài lớn tuổi sống âm thầm, ngày ngày làm quen với kinh kệ, với thân phận là người làm công quả đang nương nhờ cửa Phật…
Nghĩa tình nghệ sĩ
Chùa có tên là Nhật Quang, rất thân thuộc với người dân TP.HCM, đặc biệt giới mộ điệu, nghệ sĩ cải lương; người ta quen gọi tên chùa là chùa Nghệ Sĩ. Không chỉ là ngôi chùa thờ Phật, chùa Nghệ Sĩ còn là nơi chôn cất hàng trăm nghệ sĩ tài danh lừng lẫy của sân khấu cải lương như: nghệ sĩ Phùng Há, Ba Vân, Minh Phụng, Út Trà Ôn, Đức Lợi, Kiều Hoa, Trương Ánh Loan, Hoàng Tuấn, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Tô Kiều Lan, Quốc Hòa, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, và Lê Công Tuấn Anh,… những tên tuổi làm nên sức sống mãnh liệt, hào quang rực rỡ một thời cho giới mộ điệu cải lương, điện ảnh, sân khấu kịch…
Tam quan chùa Nghệ Sĩ, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn
Nhớ về ký ức lãnh đạo đoàn hát, ông Diệp Nam Thắng (còn gọi là Bầu Xuân), Giám đốc Công ty Cải lương Dạ Lý Hương, Trưởng ban Quản trị chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa trang Nghệ Sĩ, bồi hồi xúc động: “Nhớ thời hoàng kim của đoàn Dạ Lý Hương, vào khoảng năm 1963 trở về sau; đoàn lúc đó do tôi làm ‘bầu’, biểu diễn rất nổi tiếng ở Sài Gòn.
Có khi đoàn Dạ Lý Hương có hơn 100 người, đi biểu diễn khắp cả nước, đi đến đâu cũng vang danh, cũng được giới mộ điệu chào đón. Những tên tuổi nổi tiếng làm nên hào quang cho Dạ Lý Hương chính là: Nghệ sĩ Hùng Cường, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Trần Được, Thanh Nga… Nhưng, tôi cũng có duyên với chùa nên bây giờ đang ở đây, điều hành các công việc ở chùa”.
Nét đặc trưng của chùa Nghệ Sĩ chính là do nghệ sĩ thành lập và điều hành; chùa không chỉ là nơi nghệ sĩ tìm về tu tập, hướng tâm về Đức Phật mà còn là nghĩa trang, nơi yên nghỉ của hơn 700 nghệ sĩ và hàng trăm lọ cốt được đặt trong hai tháp cốt ở chùa. Ông Diệp Nam Thắng cho biết, chùa Nghệ Sĩ là nơi kết nối những tấm lòng nghệ sĩ, là nghĩa tình nồng đượm của người nghệ sĩ.
Đó là ngày trước, nghệ sĩ Phùng Há nhìn thấy những nghệ sĩ nghèo đã cống hiến cho nghệ thuật cải lương nhưng khi mất được quấn trong chiếc chiếu mong manh mà đau lòng và đã nảy sinh nhiều trăn trở. “Nghệ sĩ sống với nhau bởi cái tình với nghề thì khi chết đi cũng nên sum vầy cùng nhau”, do đó Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế, Hội trưởng là nghệ sĩ Phùng Há, đã mua đất (1958), hội vừa thu thập hài cốt nghệ sĩ về nghĩa trang, vừa tiến hành xây dựng chùa từ năm 1969.
Người đầu tiên có công là ông Lê Minh Công, pháp danh Thích Quảng An, trước quản lý các đoàn hát. Năm 1972, chùa xây dựng xong. Ban Quản trị gồm có Phan Văn Thới (bầu Thới), Nguyễn Phát Hưng (nghệ sĩ Nam Hưng), Lê Quang Anh (Nam Anh), Nguyễn Kim Khánh (nghệ sĩ Duy Thức)… Và hiện nay, ông Diệp Nam Thắng được bầu làm Trưởng ban Quản trị chùa Nghệ Sĩ sau khi nghệ sĩ Phùng Há mất.
Nương ở cửa chùa
Sân khấu cải lương đi xuống, hầu như các đoàn cải lương đều tan đàn xẻ nghé. Người nghệ sĩ cải lương cũng đi tìm cho mình hướng đi mới để mưu sinh, có người may mắn còn trụ được với nghề và truyền nghề cải lương cho thế hệ sau.
Nhưng cũng có người sống nghèo khổ với nghề bán vé số, nương cửa chùa lúc về già, bệnh tật… Những nghệ sĩ này “trẻ” nhất hiện cũng đã ngoài 60 tuổi, đa phần không gia đình, nhiều bệnh tật do tuổi già, do nhớ nghề… đang nương nhờ chùa Nghệ Sĩ với thân phận là người làm… công quả.
Đó là nghệ sĩ Nhật Sinh (72 tuổi), ông hát được nhiều thể loại: tuồng hát bội, cải lương, hồ quảng, cùng đứng trên sân khấu với nhiều kép chính tài danh khác của đoàn Tây Ninh, Sông Bé mới. Nhưng rồi, ông giải nghệ, vô chùa làm công quả cách nay đã 9 năm.
Hay như danh hài Lý Lắc (71 tuổi), thời hoàng kim của ông là thời biểu diễn ở đoàn Minh Châu, Thanh Nga 2, Dạ Lý Hương, Huỳnh Long… Ông theo nghề lúc 16 tuổi và sống đầy đam mê với nghề gần 50 năm, rồi giải nghệ theo sự đi xuống từ từ của cải lương. Không vợ con, từ năm 2006, danh hài Lý Lắc vào nương nhờ chùa Nghệ Sĩ. Hiện nay, việc công quả của danh hài này là trông coi mộ phần của má Bảy (nghệ sĩ Phùng Há)
Nghệ sĩ Châu Hồng (78 tuổi), Thu Nguyệt (67 tuổi), người là đào phụ, người là vũ công đóng góp cho cải lương qua những vở tuồng, màn vũ đẹp ở đoàn Dạ Lý Hương. Nhắc về một thời vang bóng trên các sân khấu, nghệ sĩ Thu Nguyệt nói: “Tôi rất buồn và nhớ lắm”. Nghệ sĩ Minh Vũ (60 tuổi) một thời sống trong ánh hào quang của sân khấu ở đoàn Kim Chung 5, Dạ Lý Hương, Sông Bé mới.
Ký ức về vai diễn quân sĩ đầu tiên trên sân khấu với đầy ắp niềm tự hào. Kể về vai chú tiểu trong vở Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, nghệ sĩ Minh Vũ như được sống lại phút giây sống đầy đam mê trên sân khấu với vai kép phụ. Hiện nay, nghệ sĩ Minh Vũ là tài xế riêng cho bầu Xuân - ông Diệp Nam Thắng.
Nương bóng từ bi ở cửa Phật còn có ông Sáu (61 tuổi), nguyên là nhân viên phòng vé, dằn cửa cho đoàn Dạ Lý Hương. Ông giải nghệ và vào chùa ở được 10 năm, ăn cơm chùa và phụ những việc lặt vặt. Cùng cảnh ngộ còn có ông Ghi-ta (71 tuổi), nguyên Tổ trưởng Tổ Tiền đài, bỏ nhà theo đoàn hát khi mới 13, 14 tuổi và rày đây mai đó với 50 năm sống với nghề dựng bảng quảng cáo cho các đoàn.
Các nghệ sĩ, nhân viên hậu đài trước mộ nghệ sĩ Phùng Há - Ảnh: H.D
Cuộc sống của ông cũng như những người nghệ sĩ khác đang sống ở chùa Nghệ Sĩ là cuộc sống âm thầm, không còn ánh đèn màu, hào quang sân khấu. “Chúng tôi nhớ về quá khứ đầy hào quang với chút tiếc nuối, chút ngậm ngùi. Nhưng, chúng tôi cũng biết chấp nhận hiện tại vì ai cũng đã lớn tuổi, bệnh tật”, nghệ sĩ Châu Hồng nói.
“Ngày 13-5 ÂL hàng năm là ngày giỗ của má Phùng Há, các thế hệ con cháu của cải lương quay về đây. Các thế hệ cải lương kết nối với những sẻ chia ngọt bùi, cùng lắng lòng với sáu câu vọng cổ truyền thống mượt mà. Chúng tôi cùng nhau được sống lại những phút giây huy hoàng... Mà quan trọng hơn, chúng tôi đã sống được một cuộc đời đầy đam mê, được tỏa sáng. Và hơn cả là hiện nay, chúng tôi may mắn được Đức Phật chở che, đời sống cũng thanh thản với cơm chùa, lộc Phật”, nghệ sĩ Minh Vũ tâm sự.
Là con trai của một bầu cải lương và có thời gian phục vụ trong đoàn hát nhưng khi hỏi về một thời đã qua, ĐĐ.Thích Thiện Thuận nói: “Nên biết về tôi của ngày hôm nay, tôi là người lo về mặt tâm linh cho chùa Nghệ Sĩ, tụng niệm mỗi ngày 4 thời và hướng dẫn Phật tử tu tập…”. Theo ĐĐ.Thích Thiện Thuận, vào những dịp đặc biệt như: Tết, Phật đản, Vu lan, vía A Di Đà, tại chùa Nghệ Sĩ, các anh chị em nghệ sĩ nhiều thế hệ giữ truyền thống của chùa quy tụ về đây. Họ cùng hát tuồng với nhau đồng thời phục vụ cho Phật tử và khách thập phương. Chùa cũng nhờ sự hỷ cúng của Phật tử, khách thập phương và các nghệ sĩ nên mỗi năm tổ chức được 4 đợt cứu trợ cho người nghèo các tỉnh, thành. |