THÔNG BÁO
V/v Tổ chức Khóa tu mùa hè “ Hương Sen Mùa Hạ” Lần thứ IV năm 2011
Nhằm hạn chế các vấn nạn của thanh thiếu niên hiện nay, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và bạo lực, thời kết nối lại những giá trị tinh thần cao đẹp và nâng cao nghệ thuật cuộc sống của thanh thiếu niên.
Năm nay, một lần nửa Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn tổ chức “ KHÓA TU MÙA HÈ” với chủ đề “ Hương Sen Mùa Hạ” lần 4 dành cho tuổi trẻ có tuổi đời từ 13 trở lên. Đặc biệt là học sinh, sinh viên sau một năm nỗ lực học tập.
- Thời gian: từ ngày 03 đến ngày 10 tháng 07 năm 2011 ( nhằm ngày 03 đến ngày 10 tháng 06 năm Tân Mão).
- Địa điểm: chùa Quang Thọ, số: 100/3 Phan Văn Hớn, ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
- Đối tượng tham dự: Những ai có tuổi đời từ 13 tuổi trở lên, có đủ điều kiện tham gia khóa tu suốt bảy ngày đêm, nộp bản photo giấy CMND, giấy khai sinh hoặc thẻ học sinh.
- Thời gian đăng ký: Ban tổ chức sẽ phát và nhận phiếu đăng ký khóa tu từ ngày ra thông báo này đến ngày 01 tháng 07 năm 2011, các khóa sinh liên hệ nhận phiếu đăng ký khóa tu tại chùa Quang Thọ.
- Để bảo đảm chất lượng khóa tu Ban tổ chức sẽ không nhận đăng ký qua email, điện thoại và trẻ em dưới 13 tuổi.
- Với sự tận tâm và nhiệt tình của Ban tổ chức hy vọng rằng khóa tu mà hè “ hương sen Mùa Hạ” lần thứ IV năm 2011 do Ban Đại diện Phật giáo Hóc Môn tổ chức sẽ để lại dấu ấn khó phai trong lòng mỗi bạn trẻ và các bậc phụ huynh.
· Mọi chi tiết xin liên hệ:
Chùa Quang thọ, số: 100/3 Phan Văn Hớn, ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. HCM
Website: www.chuaquangtho.com.vn
Email:www.hopthuchuaquangtho@yahoo.com.vn
ĐT: 08. 6254 2059 353 77 161 – 0903 345 480 ( gặp ĐĐ. Thích Lệ Tâm).
TM. BAN ĐẠI DIỆN PHẬT GIÁO HUYỆN HÓC MÔN |
TT. THÍCH THIỆN MINH |
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHÙA QUANG THỌ
Số: 100/3, Phan Văn Hớn, Ấp 5, Xã Xuân Thới Thượng, Huyện Hóc Môn
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam, ĐT: 08.6254.2059 - 0903345480
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
THƯ NGỎ
V/v Vận động đúc Đại Hồng Chung nặng 3 tấn tại Chùa Quang Thọ
Kính bạch Chư tôn đức tăng ni, kính thưa Quý Phật tử,
Theo tinh thần Phật giáo Đại thừa với quan niệm rằng, bất cứ việc làm nào của hàng đệ tử Phật cũng đều vì lợi ích cho mọi người, vì an lạc cho số đông, và ngày nay với tinh thần đó đã được mọi người dễ dàng tiếp nhận và áp dụng trong cuộc sống. Sự thấm nhuần giáo lý Phật pháp này đã được thể hiện qua câu ca dao của người Việt Nam rằng: “Xây chùa, tô tượng, đúc chuông. Trong ba việc ấy phước duyên muôn đời ” và người dân Việt Nam đã thực hiện nhiệt tình ba việc: Xây chùa, tô tượng, đúc chuông do Phật giáo đề ra.
Thật vậy, ngày nay chúng ta thấy rõ chùa chiền là nơi ký thác tâm linh của đại đa số người dân Việt Nam khi họ còn sống cũng như lúc đã qua đời, cho nên nhà thơ Huyền Không đã nói lên tinh thần ấy qua hai câu thơ làm xúc động lòng người, nhất là những người phải sống xa quê hương :
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Tuy, ngôi chùa là cơ sở vật chất, nhưng cũng là nơi che chở những tâm hồn trong sáng cho mọi người và thể hiện đạo đức của dân tộc ta, đồng thời hình bóng ngôi chùa từ ngàn xưa đến nay đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân Việt, là nơi thanh tịnh để mọi người ký thác tâm sự. Chính vì những ảnh hưởng tốt đẹp này mà thực tế cho thấy, người nào gặp khó khăn phiền muộn, họ thường tìm đến ngôi chùa để tiếp nhận sự thanh thản để giúp họ có thể vững bước vượt qua những khó khăn nghịch cảnh.
Việc thứ hai là tô tượng, chủ yếu là tượng Phật và tượng Bồ tát. Những hình tượng giải thoát của các Ngài rất đa dạng, đều thể hiện những mẫu người đạo đức thánh thiện, làm lợi ích cho nhiều người, nêu gương sáng cho đời qua nhiều thế hệ. Các tôn tượng Phật và Bồ tát tiêu biểu cho Từ bi, Trí tuệ, giải thoát luôn tác động cho người chiêm bái, lễ lạy cảm nhận sự an lành và hướng tâm về những hạnh nguyện xả kỷ vị tha, làm lợi ích cho cuộc đời. Điển hình như Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Quảng Đức là những biểu tượng của tình thương trong sáng cao tột, của trí tuệ vô cùng, của vô số việc làm vì nhân sinh… khiến cho người phát tâm học theo hạnh đức của các Ngài, đi theo dấu chân giải thoát của các Ngài.
Việc thứ ba là đúc chuông, tuy tiếng chuông không phát ra thành lời nói, nhưng có thể chuyển tải được âm thanh vi diệu của Phật pháp. Vì vậy, khi tiếng chuông chùa ngân vang, người ta thường cảm thấy như nghe được pháp Phật đi thẳng vào lòng người, làm cho họ vơi đi những khổ đau phiền muộn, từ đó lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và lần sống theo lời Phật dạy, chuyển hóa cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Tiếng chuông chùa còn là một pháp khí thiêng liêng trong lòng người con Phật, ngoài việc báo hiệu cho đồng bào Phật tử biết những giờ phút nhà chùa thực hiện những nghi lễ thuần túy Phật giáo, tiếng chuông còn có một công năng mầu nhiệm khác nữa là thức tỉnh lòng người đang lang thang trong dòng đời dâu bể và đặc biệt là, tiếng chuông có thể khiến cho những chúng sanh đang đau khổ trong cảnh giới địa ngục được nhẹ nhàn siêu thoát.
Với tinh thần thánh thiện và những việc làm nêu trên của các bật tiền nhân, ngày nay, tất cả đã trở thành những biểu tượng truyền thống văn hóa Phật giáo và dân tộc, cũng như đã nói lên tinh thần của nhân loại sẽ mãi mãi và luôn hướng về đời sống chân thiện mỹ.
Kính bạch Chư tôn đức, thưa Quí Liệt vị
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng cũng như sự nhiệm mầu thiêng liêng của tiếng chuông, Chùa Quang Thọ quyết định đúc một đại hồng chung với trọng lượng 03 tấn, với kinh phí dự kiến là một tỷ đồng Việt Nam.
Trong những năm qua, Chùa Quang Thọ đã cố gắng hết sức mình để xây dựng nên một Ngôi bảo tháp với dự kiến gồm có ba tầng, tầng 1 dùng để làm phòng phát hành Kinh sách và Văn hóa phẩm Phật giáo, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử địa phương.
Tầng thứ 2 dùng để tôn trí quả đại hồng chung, để khi nào Phật tử có những điều u uất trong lòng thì sẽ lên tháp thỉnh chuông, nhằm xóa tan đi những nỗi khổ niềm đâu, đồng thời cũng là tiếng chuông cầu nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh được thân tâm an lạc, người âm được mau siêu thoát về cảnh giới an lành của Đức Phật A Di Đà.
Tầng thứ 3 là để thờ Xá lợi Phật, với công trình này, chúng tôi hy vọng sẽ làm được, tuy nhiên, việc đúc một đại hồng chung có tầm như thế là ngoài khả năng tài chính của nhà chùa, vì vậy chúng tôi xin chân thành ngỏ ý cùng những tấm lòng vàng của Chư tôn đức Tăng Ni, các nhà doanh nghiệp Phật tử, các mạnh thường quân, Quý ân nhân Phật tử gần xa.
Kính mong Chư Liệt Quý Vị, hãy vì sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc, cũng như sự lợi ích trong việc cầu an cho bản thân và gia quyến, cầu siêu cho người thân của mình đã khuất, mà đóng góp mỗi người 1kg đồng. Hoặc mỗi người sẽ trợ duyên, đóng góp bằng cách thực hiện một kế hoạch nhỏ là, mỗi cá nhân Phật tử sẽ đến chùa đăng ký và nhận nuôi heo đất hàng năm để đóng góp vào việc cúng dường đúc quả đại hồng chung Chùa Quang Thọ.
Để Phật sự trọng đại này sớm được hoàn thành theo sở nguyện, rất mong nhận được sự gia trì của Quý chư tôn đức Tăng ni và sự phát tâm hỷ cúng của đồng bào Phật tử gần xa.
Kính chúc Chư tôn đức Tăng ni, Quý ân nhân Phật tử thân tâm an lạc, Phật sự viên thành.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Quang Thọ, ngày 26 tháng 02 năm 2010
TM. CHÙA QUANG THỌ
Trụ trì
Đại Đức THÍCH LỆ TÂM