GNO - Báo Giác Ngộ là một trong những toà soạn đầu tiên mà tôi có được cơ hội đăng tải những bài viết của mình. Nói một cách khác, báo Giác Ngộ đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa với nghề báo và niềm tin vào Phật giáo trong tôi. Thoắt một chút mà đã 5 năm tôi biết đến báo Giác Ngộ.
Ngày đó, tôi chỉ là sinh viên năm cuối của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tập tành viết báo. Tôi mạnh dạn gửi bài viết của mình về địa chỉ email của toà soạn. Bài gửi hôm trước thì hôm sau đã có biên tập viên gọi lại trao đổi và khuyến khích tôi viết thêm bài gửi về cho báo.
ThS.Nguyễn Tấn Khang
Bài viết ghi dấu ấn giữa tôi với toà soạn và cũng là nhân duyên giúp tôi được mời đến toà soạn gặp gỡ đại diện ban biên tập là bài viết về một người phát ngôn chưa chuẩn xác về Phật giáo được phát sóng trên kênh truyền hình. Vụ việc ấy được cộng đồng mạng nói chung và cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng rất quan tâm.
Tôi còn nhớ bài viết nhận được lượt chia sẻ và bình luận nhiều đến mức toà soạn phải tạm ẩn bài viết để tránh các bình luận quá khích của độc giả. Đó là một kỷ niệm không thể nào quên với một đứa sinh viên đang tập viết báo như tôi.
Những năm vừa qua tôi nhận thấy báo Giác Ngộ có những bước phát triển rất tích cực ở cả nội dung và hình thức. Tuy nhiên, tôi cũng có một vài điều góp ý ở vị trí là độc giả, là người từng tham gia đóng góp nội dung (tuy không nhiều) với Giác Ngộ tuổi 45.
Đầu tiên, về tốc độ đưa tin. Toà soạn cần đặc biệt quan tâm đến tốc độ sản xuất tin bài, đặc biệt là các tin bài liên quan đến các vấn đề nóng của Phật giáo. Việc này sẽ giúp báo định hướng được dư luận, tránh khủng hoảng thông tin.
Thứ hai, báo Giác Ngộ phải làm tốt hơn vai trò cơ quan ngôn luận chính thức của Thành hội Phật giáo TP.HCM. Cơ quan ngôn luận chính là tiếng nói chính thức của Thành hội đối với công chúng. Khi là cơ quan ngôn luận báo Giác Ngộ chính là nơi cung cấp thông tin chính thống thay mặt cho Thành hội. Điều này sẽ khắc phục được việc báo đi sau những luồng dư luận trên mạng xã hội và đi sau các toà soạn khác. Nhìn lại một số vụ khủng hoảng truyền thông gần đây liên quan đến Phật giáo TP.HCM sẽ thấy báo còn chậm trong thông tin các tin tức chính thức làm cơ sở để độc giả hiểu đúng đắn về vụ việc.
Thứ ba, theo quy hoạch báo chí của Chính phủ thì báo Giác Ngộ là tờ báo duy nhất đại diện cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy báo Giác Ngộ có thể trở thành cơ quan ngôn luận đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Lúc đó, báo có thể cung cấp thông tin không chỉ khu vực TP.HCM mà còn mở rộng ra cả nước và quốc tế với đội ngũ cộng tác viên đông đảo và rộng khắp.
Thứ tư, báo Giác Ngộ nên tổ chức họp báo cung cấp thông tin đối với các vụ việc quan trọng hoặc các khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo. Tổ chức họp báo tuy không mới nhưng là một kênh cung cấp thông tin chính thức và chuyên nghiệp, đặc biệt đối với các vụ việc gây “bão” dư luận.
Báo Giác Ngộ sắp đi đến cột mốc 45 năm hình thành và phát triển. Hy vọng những ý kiến của tôi sẽ góp phần vào sự phát triển chung của báo. Và tôi càng hy vọng sẽ được chúc mừng báo Giác Ngộ tuổi 50, tuổi 60 và hơn thế nữa.
ThS.Nguyễn Tấn Khang
(Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM)