Chuyện ăn Tết ở một số nước châu Á

Giống như người Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... người dân ở một số quốc gia dưới đây cũng có phong tục ăn Tết truyền thống của mình song vào những dịp khác nhau.

Tết Songkran của người Thái

Tết Songkran thường được tổ chức từ ngày 13.4 đến 15.4 (dương lịch) hằng năm.

Tết Songkran thường rơi vào thời điểm nóng nhất trong năm tại Thái Lan, vào cuối mùa khô.

Hoạt động rõ nhất vào dịp Tết Songkran là lễ hội Té nước. Người dân sẽ dùng xô, thau, súng phun nước… té nước lên nhau.

Người Thái có quan niệm những ai được té nhiều nước thì người đó càng gặp nhiều may mắn.

Dịp Tết Songkran cũng là thời điểm để người Thái thăm viếng và chúc tụng người lớn tuổi, gồm các thành viên trong gia đình, bạn bè và hàng xóm.

Ngoài tục lệ Té nước, người Thái còn đến chùa để cầu nguyện và dâng tặng thức ăn cho các nhà sư.

Một hoạt động phổ biến khác trong dịp này là lễ tắm tượng Phật trên chùa hoặc tượng Phật được thờ tự tại nhà. Người Thái cho rằng việc tắm tượng Phật sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng trong năm mới.

Té nước vào nhau trên đường phố Bangkok - Ảnh: Reuters

Té nước vào nhau trên đường phố Bangkok - Ảnh: Reuters

Tết Chol Chnam Thmey của người Campuchia

Chol Chnam Thmey (có nghĩa là Bước vào năm mới) là lễ hội mừng năm mới của người dân Khmer.

Lễ hội Chol Chnam Thmey kéo dài trong 3 ngày, thường rơi vào ngày 13.4 (dương lịch).

Thời điểm tổ chức lễ Chol Chnam Thmey cũng là vào cuối mùa thu hoạch. Các nông dân thưởng thức trái cây thu hoạch được sau mùa vụ và nghỉ ngơi trước khi mùa mưa bắt đầu.

Ba ngày trong năm mới lần lượt được gọi là Maha Songkran (mồng 1), Wanabat (mồng 2) và Tngay Leang Saka (mồng 3).

Vào ngày Maha Songkran, mọi người ăn mặc đẹp, đến chùa thắp đèn, thắp hương cầu nguyện.

Để cầu may mắn, mọi người dùng nước thánh rửa mặt vào buổi sáng, rửa thân vào buổi trưa và rửa chân vào buổi tối trước khi lên giường ngủ.

Khi ngày Wanabat đến, những người khá giả hơn sẽ làm từ thiện, tặng cơm, quần áo… cho những người kém may mắn hơn, cho những nghèo, người phụ giúp việc nhà, những người vô gia cư và những gia đình có thu nhập quá thấp.

Các gia đình sẽ đến tham dự các lễ cúng tổ tiên tại chùa.

Vào ngày Tngay Leang Saka, mọi phật tử đều làm lễ tắm tượng Phật cũng như các vị sư sãi cao niên bằng nước ướp hương thơm.

Việc làm này có ý nghĩa biểu tượng rằng nước sẽ rất cần thiết cho tất cả muôn loài. Đây cũng được xem là cách mang lại tuổi thọ, may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng trong cuộc sống.

Khi tắm cho ông bà và cha mẹ, con cái có thể nhận được những lời chúc tốt đẹp nhất và những lời khuyên chí tình nhất từ người thân của mình.

Trong dịp lễ hội này, người Khmer còn có tục lệ đắp núi cát.

Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo 8 hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Tục này nhằm thể hiện mong muốn cầu mưa và cầu phúc cho mọi người.

Chuyện ăn Tết ở một số nước châu Á ảnh 2

Lễ cúng dường, một phong tục phổ biến của người Campuchia trong ngày đầu năm mới - Ảnh: Reuters

Tết Songkan của người Lào

Tết của người Lào được gọi là Bpee Mai hoặc Songkan, được tổ chức hằng năm từ ngày 13.4 đến ngày 15.4 (dương lịch).

Lễ hội kéo dài trong 3 ngày. Ngày đầu tiên trong 3 ngày này được xem là ngày cuối cùng của năm cũ.

Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ. Mọi nhà đều chuẩn bị đầy đủ nước, nước ướp hương thơm và hoa được chuẩn bị cho năm mới.

Nước được dùng để lau chùi nhà cửa. Người Lào có truyền thống dùng nước thơm té vào các tượng Phật, sư sãi, vào bạn bè và những người qua đường.

Đầu tiên, người nhỏ tuổi té nước vào người lớn tuổi, sau đó là té vào sư sãi để cầu mong hòa bình, sống trường thọ và sau nữa là té nước lẫn nhau.

Ngoài ra, cát cũng được đem tới các khu chùa và được tạo thành tháp cát.

Tháp cát này sau đó được trang hoàng trước khi được tặng cho các nhà sư.

Có hai cách để làm tháp cát. Một là đến biển để làm hoặc đem cát đến chùa làm. Các tháp cát thường được trang hoàng bằng cờ, hoa và được xịt nước thơm.

Bên cạnh đó, người Lào còn làm lễ phóng sinh cho chim, cá, rắn... Và hành động này được coi là một trong những việc thiện đầu năm mới.

Chuyện ăn Tết ở một số nước châu Á ảnh 3

Tắm tượng Phật trong lễ Tết Songkan của người Lào - Ảnh: Wikipedia.org

Người Ấn Độ ăn Tết

Ở nhiều địa phương tại Ấn Độ, Tết diễn ra vào ngày 14.4 (dương lịch) hằng năm. Thế nhưng ở một số bang như bang Punjab thì dịp Tết trùng với mùa thu hoạch.

Ở quốc gia đông dân thứ nhì hành tinh này có nhiều cách gọi tên khác nhau về lễ hội đầu năm như lễ Vishu đối với người dân ở bang Kerala, lễ Ugadi của bang Karnataka, Andhra và ở bang Punjab là lễ Baisakhi.

Tại bang Kerala, người dân thường tổ chức dâng lễ vật cho thần thánh được gọi là Vishukkani.

Lễ vật bao gồm gạo sống, vải, lá trầu… được để vào một chiếc thuyền kim loại được gọi là uruli. Ngoài ra, lễ vật còn có kèm theo chiếc đèn kim loại được gọi là nilavilakku. Tất cả đều được người mẹ trong gia đình chuẩn bị vào đêm trước Tết.

Vào ngày lễ Vishu, mọi người dậy vào lúc bình minh và đi vào phòng thờ với mắt nhắm tịt để khi mở mắt ra thì lễ vật dâng cho thần thánh (lễ Vishukkani) là điều đầu tiên họ nhìn thấy.

Trong ngày đầu năm, từ sáng sớm, mọi người đã xách những cây đèn nhỏ, những hộp phấn đỏ để đi chúc Tết người thân, những người lớn tuổi và bạn bè. Khi gặp mặt, họ chúc Tết nhau rồi cùng lấy phấn đỏ bôi lên trán nhau tỏ ý mong năm mới người kia sẽ gặp vận đỏ và nhiều may mắn.

Chuyện ăn Tết ở một số nước châu Á ảnh 4

Lễ vật dâng cho thần thánh (lễ Vishukkani) trong ngày Tết Ấn Độ - Ảnh: Wikimedia.org

Tết ở Nhật

Người Nhật Bản hiện tổ chức đón năm mới vào ngày 1.1 hằng năm theo dương lịch.

Trước năm 1873, người dân xứ mặt trời mọc thường đón năm mới theo âm lịch, như Tết Nguyên đán của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 1873 trở về sau, Nhật Bản đã tổ chức Tết theo dương lịch nhằm tiết giảm thời gian cũng như đem lại nhiều ích lợi cho kinh tế.

Thời điểm cuối tháng 12 và đầu tháng 1 là giai đoạn bận rộn nhất cho các bưu điện ở nước Nhật.

Người Nhật có phong tục gửi thiệp chúc mừng năm mới đến bạn bè, người thân. Đây cũng là cách để gắn kết tình thân gia đình cũng như thắt chặt tình bạn bè.

Người Nhật xem việc gửi thiệp là cách để thông báo những người họ không thường xuyên gặp mặt rằng họ vẫn còn sống và khỏe mạnh.

Ngoài ra, người Nhật có phong tục không gửi bưu thiếp khi họ có người thân qua đời trong năm đó. Trong trường hợp này, một thành viên trong gia đình sẽ gửi bưu thiếp báo tin cho bạn bè và người thân rằng họ không gửi thiệp năm mới nhằm tỏ lòng kính trọng người đã qua đời.

Vào dịp năm mới, người Nhật có thói quen lì xì mừng tuổi trẻ em. Thông thường, số tiền mừng tuổi được cho tùy theo số tuổi của trẻ nhưng thường là đều giống nhau nếu trong gia đình có nhiều trẻ để tránh các em ganh tị lẫn nhau.

Trong dịp Tết, người dân xứ mặt trời mọc còn có truyền thống làm thơ.

Người Nhật cũng có thói quen lái xe đến bờ biển hoặc leo núi để họ có thể thấy mặt trời mọc đầu tiên trong năm mới…

Lễ hội đón mừng năm mới của người Nhật - Ảnh: AFP

Lễ hội đón mừng năm mới của người Nhật - Ảnh: AFP

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày