GN - Cha mẹ bảo chị Hường là người nam tính, rất khó xúc động. Đứa em trai kế út lại cho rằng chị Hường là người có “máu lạnh”, còn các em gái nói chị có con tim chai đá, chẳng bao giờ biết rung động trước những lời tỏ tình mật ngọt!
Ở tuổi bốn sáu, chị Hường vẫn mãi song hành với nỗi cô đơn dù dung nhan chị thật ra chẳng hề xấu. Vào năm ngoài hai mươi tuổi, chị Hường cũng từng đón nhận sự mời chào của những kẻ đa tình nhưng chị viện cớ mình còn quá ít tuổi hoặc hẹn chờ các em lấy vợ, gả chồng hết rồi mới tính tới mình sau.
Ở tuổi gần ba mươi, mấy đứa em trong nhà đã có người lập gia đình, nhưng chị Hường vẫn chưa dám nghĩ về sự riêng tư của bản thân. Rồi cha mắc bệnh nan y qua đời, chị Hường lại muốn kê vai gánh vác dùm mẹ tất cả.
Đến khi mẹ mất, chị lại tiếp tục “nối dõi” công việc bán rau quả của bà mỗi sáng ở ngoài chợ xã. Thời gian còn lại, chị Hường chăm chút làm công việc từ thiện, chị thường tìm đến cùng đám trẻ con vô gia cư, cơ nhỡ với túi quà mọn cùng một tấm lòng đầy thương cảm. Lúc đó, chung quanh chị rộn rã tiếng nói cười của những kẻ bất hạnh, khiến chị chẳng bao giờ nhận thấy nỗi bất hạnh đời mình. Song mỗi khi bước chân về tới nhà, chị Hường lại đối diện với nỗi cô đơn khủng khiếp.
Nếu có ai tò mò hỏi thì chị bảo: “Nhắc đến Phật giáo, người ta nghĩ đến từ bi cứu khổ. Hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất không ai khác hơn là Đức Quán Thế Âm Bồ-tát..." - Ảnh: Internet
Tiếp nữa, ba đứa em gái của chị lần lượt lên xe hoa về nhà chồng. Căn nhà của bố mẹ đẻ để lại chỉ được bổ sung mỗi một đứa em dâu. Chị Hường cảm thấy mất mát khá nhiều song chị vẫn ngồi đếm thời gian một mình. Lại có người bảo tánh tình chị “lập dị” bởi không theo Phật giáo nhưng tại sao vẫn chưng thờ ảnh Đức Quán Thế âm Bồ-tát?
Nếu có ai tò mò hỏi thì chị bảo: “Nhắc đến Phật giáo, người ta nghĩ đến từ bi cứu khổ. Hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất không ai khác hơn là Đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Vị Bồ-tát này có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong trái tim của nhiều người không ai là không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ-tát giàu lòng bi mẫn này. Hình tượng Quán Thế Âm muốn nói lên tình thương chân thành tha thiết nhất trong con người, không gì sánh bằng tình mẹ thương con. Mẹ đối với con là tình thương chân thành thâm thúy bao la, khó lấy cái gì có thể so sánh được. Người mẹ dầu bận công ăn việc làm gì, một khi nghe tiếng con kêu khóc, mẹ liền buông bỏ tất cả vội vàng chạy lại vỗ về con và Đức Quán Thế Âm cũng thế, dù bận việc giáo hóa ở đâu, một khi nghe tiếng kêu thương của chúng sanh, Ngài liền hiện thân đến an ủi…”.
Thật ra, chị Hường muốn tôn vinh Đức Quán Thế Âm với một thông điệp rõ ràng, đó là tình thương yêu, nhẫn nại và sự tỉnh thức vì lòng từ bi dùng mọi phương tiện hóa thân. Với những hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, Bồ-tát luôn luôn có mặt khắp nơi dìu dắt mọi người thoát khỏi khổ đau! Thế nhưng những người lạ bên ngoài cứ tưởng rằng chị thà sống đơn chiếc còn hơn lấy người chồng không xứng tầm. Một vài người trong nhà lại ngỡ chị quá kén chọn… Riêng chị Hường lâu nay dường như chỉ biết sống với ý thích của mình, vui với niềm vui của các em nhỏ mồ côi...
Một thời gian nữa lừng lững trôi qua…
… Trước nay chưa có ai nhìn thấy chị Hường rơi lệ. Thế mà hôm ấy chị đã khóc, khi vợ chồng đứa em kế út đang có ý định muốn tống khứ chị ra khỏi ngôi nhà đầy kỷ niệm này. Ba đứa em gái đã nối gót nhau tìm tổ ấm khác, chỉ còn chị và con út “bám trụ”. Nhiều lần vợ chồng thằng kế út cứ thúc hối chị hãy đi lấy chồng, nhưng chị vẫn không đồng ý. Vài tháng nay, có một người đàn ông tên Đông ngỏ lời cầu hôn nhưng chị Hường vẫn dửng dưng, khiến thằng em trai kế út phải… phát cáu. Nó nói:
- Ngôi nhà này nào có gì đâu mà chị ham hố ở đây hoài vậy? Hay chị chờ tôi bán nhà chia chác sòng phẳng chị mới chịu đi đấy nhỉ?
Nghe thế, chị Hường như muốn chết lặng:
- Chị chẳng ham hố gì hết! Chị chỉ muốn sống một mình, thỉnh thoảng làm việc từ thiện thôi em trai ơi!
Lúc ấy chị Hường mới thấy mình đang nở một nụ cười héo hắt gói trọn nỗi đau. Thì ra, đến thằng em ruột rà ấy cũng suy nghĩ rằng chị không chịu đi lấy chồng chẳng qua là muốn sang đoạt hoặc chia phần ngôi nhà này? Thậm chí con bé út cũng khuyên chị nên sớm nhận lời cầu hôn của Đông, người đàn ông khá điển trai tình cờ gặp gỡ chị trong cuộc quyên góp từ thiện hơn một năm về trước. Nó khen ngợi anh Đông là người cần cù với ruộng vườn, đến nỗi quên cả việc lập một gia đình riêng ở lứa tuổi năm mươi.
Dĩ nhiên, chị Hường không chê người đàn ông luôn miệt mài với công việc của một cựu chiến sĩ xe tăng trong thời bình kia. Chị Hường không cảm thấy rộn rã yêu đương nhưng lời nói của vợ chồng thằng em trai khiến tim chị rướm máu. Cuối cùng, chị quyết định về với anh Đông. Ngày hôn lễ của chị Hường không có áo cưới. Chị chỉ mặc chiếc áo dài mới nhất, đẹp nhất do chính tay chị tự may. Ngày hôm ấy, các em chị đều có mặt tham dự đông đủ, chỉ trừ hai vợ chồng thằng em trai kế út!
Sau đó, chị Hường đã cho gỡ bức ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ-tát ở căn phòng nhỏ của mình bấy lâu đem về nhà chồng. Sự bạc bẽo của thằng em trai kế út khiến chị càng thêm mặn mà với cuộc sống mới. Một ngày nọ, anh Đông “tâm sự” với chị:
- Nếu cậu em trai ấy không nặng lời, có lẽ đến giờ em cũng chưa dễ dàng rời bỏ phố chợ xôn xao đó về với miệt đồng buồn hiu hắt này. Có thể biến sự oán hận thành tình yêu chăng? Anh hiểu rõ em chịu lấy anh là do trong lòng đang oán hận kẻ khác, song anh lại tin rằng em vẫn có tình yêu với anh. Cũng đừng nên oán hận thêm cậu ấy làm gì, vì dẫu sao nó cũng cùng chung huyết thống với em. Đã cùng chung huyết thống, thương yêu nhau không hết, thì mình làm khổ nhau sao đành! Phải không em?