Chuyện đời như nước chảy hoa trôi…

Giác Ngộ - Cách đây vài tuần có dịp đi nghe chị Tôn Nữ Hỷ Khương đọc bài thơ để đời bằng giọng Huế, ngọt lịm - Bài “Chỉ có tình thương để lại đời” (gọi là chị, dù nhà thơ đã ngoài 70, bởi thấy chị còn TRẺ lắm). Rồi nghe chị kể về sự ra đời của bài thơ, gắn với tình huynh muội giữa chị và GS.TS Trần Văn Khê, người mà chị gọi là “hiền huynh” trong rất nhiều đại huynh.

Cơn cuồng nộ của thiên nhiên

Ngẫm bài thơ, ý và tứ thơ ấy là triết lý thật đẹp về cuộc sống, về cách ứng xử và cả sự thật về sự hạn hữu của sự sự vật vật trong thế gian này. Đó là Chuyện đi như nước chy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm ni…”. Ở đây, trong bài viết này tôi không bàn về chuyện lợi danh, chỉ bàn về chuyện đời, mà là chuyện mới toanh vừa xảy ra ở nước Nhật ngày 11-3, sau trận “đại địa chấn” và sóng thần, đã làm cho những đô thị, nhà cửa, xe cộ tan hoang.

Ảnh minh hoạ

Người chết, nhà mất và những nhát dao trong tim về nỗi sợ hãi, thảm hoạ đã và đang ám ảnh cả nước Nhật và biết bao người dân thế giới. Người hại không bằng trời hại. Ai đó đưa ra mệnh đề ấy để lý giải cho sự hoang tàn bởi cơn cuồng nộ của đất mẹ và đại dương. Nhưng rồi, nếu chịu khó nghĩ sâu một chút thì cơn địa chấn vừa qua có thể cũng là do… người hại.

Sự “ám hại” âm thầm hoặc phô trương của con người bằng cách cho máy móc đi vào lòng đất, tác động vào thiên nhiên, môi trường để Trái Đất nóng lên, núi lửa phun trào, động đất… Những bản án ấy thực chất đã được tuyên đọc ngay sau khi con người nhân danh sự tiến bộ và lấy lý do phục vụ con người để phá hoại thiên nhiên, khai thác quá mức và không hề xót thương nguồn tài nguyên!

Nỗi đau động đất - Ảnh: AP

Trở lại với bài thơ, ta nhận ra một giá trị sống thật nhẹ nhàng của một người đã từng là quận chúa nhà Nguyễn, từng chứng kiến những đổi thay của thời cuộc và biết bao biến động. Nên dẫu đó là biểu hiện nào thì rồi cũng chỉ là “bóng mây chìm nổi”. Được mất hay đẹp xấu vốn từ tâm mà ra, do con người tạo tất cả. Vì vậy, hạnh phúc hay khổ đau cũng đều phải trở về nơi tâm mà quán chiếu, mà hành xử. Trước nỗi đau, đừng vội khổ mà hãy nhìn sâu sắc để thấy vô thường, để khai phát giá trị từ bi và chia sẻ. Gửi năng lượng lành cho những nơi đang chịu khổ đau âu cũng là một cách kiến tạo bằng an, một cách để lại đời - tình thương…

Xin được đọc vang lại khổ cuối của bài thơ để cùng thực tập hạnh giải thoát với bi tâm ngập tràn đem hiến tặng cho những phận người:

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý lẽ huyền vi
An nhiên, tự tại lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày