Chuyển động mới của Trung tâm Phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trung tâm phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học VN là nơi phụ trách việc đào tạo Hán Nôm với mục tiêu hướng tới là xây dựng nguồn nhân lực thông thạo Hán ngữ cổ, chữ Nôm nhằm ứng dụng trong việc phiên dịch kinh điển, cung cấp phương tiện cho những ai muốn thâm nhập Phật học Bắc truyền.

Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, từ tâm nguyện ban đầu của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Cảnh (1937-2018), Trung tâm Phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang (gọi tắt là Trung tâm - PV) đã có những bước trưởng thành, cải tiến và thay đổi đáng kể theo thời gian. Đặc biệt, theo chia sẻ từ phía Ban Giám hiệu, trong năm nay, Trung tâm sẽ tiến hành một số thay đổi căn bản nhằm hoàn thiện, đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy nhằm đem đến hướng tiếp cận tốt nhất dành cho học viên.

Nói với báo Giác Ngộ, Đại đức Thích Không Hạnh, Chánh Văn phòng phụ trách Học vụ của Trung tâm đã có những chia sẻ cụ thể về một số điều chỉnh, thay đổi trong đường hướng phát triển sắp tới của Trung tâm:

Nếu như ngôn ngữ Pali là chiếc chìa khóa cho những ai thật sự muốn đi sâu vào ngôi nhà Phật học Nam truyền, thì với Phật học Bắc truyền, cổ Hán ngữ và Sanskrit là những công cụ đắc lực nhất để thâm nhập Tam tạng kinh điển. Trong đó, cổ Hán ngữ cho đến nay, được biết là ngôn ngữ lưu giữ nhiều nhất Tam tạng Bắc truyền. Đối với các nước đồng văn với Trung Hoa như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, cổ Hán ngữ còn đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa và ngôn ngữ.

Riêng với Việt Nam, trong ngôn ngữ học thuật và cả ngôn ngữ đời thường. Do vậy, việc dạy cổ Hán ngữ đối với Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam không chỉ là đào tạo các thế hệ phiên dịch Tam tạng kinh điển, mà còn là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập Kinh tạng trong quá trình học Phật, đồng thời cũng là phương tiện vô cùng đắc dụng cho những ai quan tâm một cách căn cơ đến ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Thấu hiểu được điều đó, từ nhiều năm qua, Trung tâm đã xác định một cách rõ ràng mục tiêu hướng tới của mình. Trước hết là đào tạo được nguồn nhân lực cho việc phiên dịch Tam tạng kinh điển Bắc truyền hệ Hán ngữ; đào tạo giáo thọ sư bộ môn cổ Hán ngữ cho các trường Phật học trong nước và cho chính Trung tâm; cung cấp phương tiện đắc dụng cho những ai muốn thâm nhập Phật học Bắc truyền; giúp mọi người hiểu một cách sâu sắc, căn cơ hơn về Việt ngữ, tìm thấy cái đẹp trong nền đạo học và minh triết phương Đông xưa, đặc biệt là người trẻ.

* Để thực hiện được những mục tiêu, kỳ vọng như trên, Trung tâm đã vạch ra những điểm cốt yếu nào trong đường hướng phát triển của mình, thưa Thầy?

Một trong những đường hướng nền tảng của Trung tâm đó là đào tạo học viên giỏi việc đọc hiểu và viết Hán cổ; viết đúng và viết hay Việt ngữ, tức thông thạo ngôn ngữ được chuyển dịch và ngôn ngữ chuyển dịch. Đi theo tinh thần đại học, chúng tôi sẽ cung cấp những phương pháp, kiến thức cơ bản, chuẩn mực nhất về chuyên môn theo chiều hướng khai phóng, tạo cảm hứng nhằm khai mở niềm đam mê của học viên, từ đó học viên nỗ lực rèn luyện thêm để phát huy hết tố chất và sở trường của mình. Tránh lối dạy nhồi nhét và thi cử mang tính trả bài.

Riêng vấn đề thi cử sẽ được tổ chức theo hướng mở, có sự tham gia giữa giáo vụ và giáo thọ. Có thể khẳng định cách thi cử sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cách dạy và học. Sự quá tải trong học đường chủ yếu do cách dạy và thi chứ thường không phải do lượng kiến thức hay giờ học.

Về môn học, lấy Hán cổ và Việt văn làm trọng tâm, xem Sanskrit là công cụ tham chiếu quan trọng, Anh ngữ và Hán ngữ hiện đại là kênh tham khảo thiết thực; các môn thiết yếu là các tác phẩm nội điển kinh-luật-luận; các môn bổ khuyết là những môn hỗ trợ cho mục tiêu đào tạo như: Lịch sử phiên dịch Tam tạng Hán ngữ, Tư tưởng Phật giáo bộ phái, Văn học cổ điển Trung Hoa, Tác phẩm kinh điển Tam giáo v.v…

Đặc biệt, trong thời gian sắp tới, sau khi trao đổi, thống nhất, chúng tôi thực hiện một số thay đổi trong việc thỉnh mời các vị giáo thọ sư đứng lớp giảng dạy.

Cụ thể, trong khóa XX, Trung tâm đã mời được một số vị giáo thọ sư là nhân sự đang công tác giảng dạy có uy tín, chuyên môn tại Đại học KHXH & NV TP.HCM tham gia công tác đào tạo tại Trung tâm. Trong việc thỉnh mời giáo thọ sư, Trung tâm cũng đặt mục tiêu chú trọng đến thực tài, chuyên môn hơn là danh tiếng và bằng cấp. Các vị giáo thọ sư phải có phương pháp truyền đạt thích hợp, truyền cảm hứng cho học viên, có tâm huyết và khí độ, cũng như giúp học viên tiến bộ nhất có thể trong bộ môn mà mình đảm trách. Chúng tôi cũng đề nghị các vị giáo thọ cung cấp giáo trình hoặc tối thiểu phải có giáo án đại cương cùng với đường hướng áp dụng giáo trình hoặc giáo án ấy trong mối tương hợp với đường hướng và kế hoạch đào tạo của Trung tâm.

Thêm vào đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề để bổ sung kiến thức, gia tăng niềm đam mê và kích hoạt tinh thần tự học tập, nghiên cứu cho học viên; dạy thêm chữ Nôm và các tác phẩm của chư Tổ sư Việt Nam.

Học viên sẽ được cấp bằng sau khi hoàn thành 4 năm học. Sau đó, Trung tâm sẽ tổ chức thêm 2 năm luyện dịch nâng cao cho học viên.

* Thầy có thể chia sẻ cụ thể về kế hoạch học tập sẽ được phân bố như thế nào nhằm đáp ứng các mục tiêu, đường hướng nêu trên?

Trong năm học này, chương trình đào tạo của Trung tâm dự kiến sẽ phân bổ thành 5 nhóm môn cơ bản gồm: 2 môn trọng tâm là Hán cổ và Việt ngữ; 3 môn nội điển: Kinh, Luật, Luận; Các môn bổ trợ: Ngôn ngữ học đại cương, Từ nguyên học, Âm vận học, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Thơ thiền Lý-Trần…; Ngôn ngữ bổ trợ: Hán kim, Sanskrit, Anh ngữ, Chữ Nôm; Chuyên đề bổ sung: Lịch sử phiên dịch Hán tạng, Tổng quan Đại tạng kinh, Kinh nghiệm học cổ ngữ…

Trong đó 2 môn trọng tâm là “xương sống” của cả chương trình đào tạo, sẽ được dạy xuyên suốt 4 năm, mỗi tuần từ 6 tiết. Các môn bổ trợ có thể có sự gia giảm và dịch chuyển cho phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi học kỳ và sở trường của giáo thọ sư.

Chương trình học sẽ gồm 24-30 tiết/tuần. Ngoài ra, dự kiến sẽ có các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức vào thứ 7, Chủ nhật, trung bình mỗi tháng 1-2 kỳ.

Riêng đối với học viên nội trú, Trung tâm sẽ nhận tối đa 10 học tăng với điều kiện là ngoài 2 thời công phu bắt buộc, học viên dành toàn tâm toàn ý, toàn thời gian cho việc học, không sử dụng điện thoại và máy vi tính riêng trong 4 năm mà sẽ sử dụng hệ thống chung của Trung tâm.

* Những thay đổi sẽ được áp dụng trong thực tế như thế nào, thưa Thầy?

Những điều chỉnh nêu trên sẽ được chúng tôi bắt đầu áp dụng thực hiện đối với khóa XX, niên khóa 2023-2027 sắp tới của Trung tâm. Theo kế hoạch, việc dự tuyển sẽ được thực hiện vào ngày 4-9-2023 và khóa mới sẽ khai giảng vào ngày 11-9-2023. Đối tượng dự tuyển gồm Tăng Ni, Phật tử và tất cả những ai có đủ khả năng, nguyện vọng theo học ngành Hán Nôm, không giới hạn độ tuổi, xuất thân. Người dự tuyển phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, đối với thế học và trung cấp Phật học trở lên đối với Tăng Ni, và biết ít nhất 1.000 chữ Hán. Học viên sẽ được miễn phí đào tạo trong suốt quá trình theo học tại Trung tâm.

* Xin chân thành cảm ơn Thầy về những chia sẻ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày