Chuyên gia Trần Đắc Phu cho rằng số ca nhiễm mới giảm liên tiếp trong mấy ngày qua là tín hiệu tốt nhưng chưa đủ để đánh giá tình hình dịch.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam, cho biết như trên sau cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch, trưa 6-4.
Theo Bộ Y tế, trong bốn ngày gần đây, số ca nhiễm giảm mạnh, từ 10 ca ngày 3-4 xuống 3 ca ngày 4-4, một ca ngày 5-4 và đến sáng 6-4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca nào.
Ông Trần Đắc Phu - Ảnh: VGP
"Các ca nhiễm mới có xu hướng giảm trong 5 ngày qua chưa giúp đánh giá được điều gì, bởi thời gian ủ bệnh đến 14 ngày. Phải để sau 14 ngày mới đánh giá được", ông Phu nói.
Theo ông Phu, Việt Nam đã làm "sớm và quyết liệt". Ngay từ giai đoạn đầu của dịch, Việt Nam đã triển khai biện pháp mạnh mẽ là tập trung giám sát người nhập cảnh, đầu tiên là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, sau đó đến châu Âu, Mỹ. Khi số người nhập cảnh giảm thì số ca nhiễm trong nhóm này cũng giảm.
Tuy nhiên, ông Phu lấy ví dụ Singapore, lúc đầu họ đã kiềm chế tốt dịch bệnh nhờ kiểm soát được người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng đến giai đoạn sau, khi việc này không thực hiện tốt, dịch lại lan nhanh.
"Vì vậy, khi ca nhiễm mới giảm, chúng ta vẫn không được chủ quan mà cần phải quyết liệt hơn nữa", ông Phu nhấn mạnh.
Ở giai đoạn này, ông Phu đánh giá Việt Nam đã kiểm soát và xét nghiệm người nhập cảnh nhiều, nhưng xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng chưa nhiều. "Cần đẩy mạnh xét nghiệm trong cộng đồng, vì có xét nghiệm mới phát hiện nhiều, từ đó có cơ sở đánh giá được tình hình dịch", ông Phu nói.
Việt Nam vẫn đang chống dịch theo phương châm "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch". Những ổ dịnh như Bệnh viện Bạch Mai, bar Buddha đã được khoanh vùng xử lý tốt nên "dịch không bùng phát".
Theo ông, bây giờ mối quan tâm chính là các ca trong cộng đồng. "Nếu Việt Nam không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước", ông Phu nói.
Đơn cử, "bệnh nhân 237" - người Thụy Điển ung thư máu nhập cảnh từ tháng 12-2019, vừa được phát hiện nhiễm nCoV - có lịch trình khá phức tạp. Hiện giới chức y tế chưa xác định được nguồn lây của bệnh nhân này là từ nước ngoài hay tại Việt Nam; và nếu lây tại Việt Nam thì cụ thể là từ nguồn nào.
"Giai đoạn hai có những diễn biến về dịch tễ khác với giai đoạn đầu, và số ca, nhất là ca nhiễm trong cộng đồng, tăng nhanh. Chúng ta phải quyết liệt, nếu không toàn bộ công sức của giai đoạn một sẽ đổ sông đổ biển", ông Phu nói.
Ông Phu khuyến cáo giai đoạn này người dân không được chủ quan, đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội, thực chất là không cho người bệnh tiếp xúc người lành và ngược lại. Người này không lây người kia, gia đình này không lấy gia đình khác, xã này không lây xã... như vậy mới tiến tới khống chế được dịch.
15 ngày tới, nếu dịch có chiều hướng giảm, cả nước có thể nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng sẽ có các biện pháp khác phù hợp với tình hình, bởi dịch vẫn còn kéo dài.
* Tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tổng kết, tới 6-3 Việt Nam đã trải qua một tháng kể từ giai đoạn 2 của dịch, 2 tháng rưỡi kể từ ngày phát hiện ca nhiễm đầu tiên (22-1). Lúc đó, Việt Nam là một trong số vài nước bị lây nhiễm. Tới nay, khi dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới, Việt Nam ghi nhận 241 ca, đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm; là một trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm mà chưa có người tử vong.
"Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Song Phó Thủ tướng nhận định, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. "Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng", Phó Thủ tướng khẳng định.
Lê Nga / VnExpress