Chuyển hóa mặc cảm tự ti

Chuyển hóa mặc cảm tự ti

GN - Vận dụng pháp sám hối để hóa giải nghiệp lực, quán chiếu để thấy rõ những tương quan giữa mình và người.

HỎI: Tôi là sinh viên, là người sống nội tâm, ít nói và không thích những chỗ đông người. Tôi cảm thấy rất khó hòa nhập với mọi người vì không biết nói gì khi gặp họ. Thật lòng tôi rất quý mến và muốn làm bạn với họ, một số bạn cũng quý tôi nhưng tôi luôn cảm thấy chính mình tự tạo ra khoảng cách với mọi người. Tôi cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh họ, tôi thấy mình hợp với những nơi yên tĩnh hoặc những nhóm vài người hơn. Tôi rất khó kết bạn và làm quen với người lạ, hoặc làm quen rồi thì sau đó không duy trì tình bạn lâu dài, vì thế tôi có rất ít bạn bè. Chuyện này gây cho tôi rất nhiều áp lực mỗi khi đến trường. Nhiều lúc tôi có ý định bỏ học nhưng nghĩ tới gia đình và tương lai của mình thì tôi cố bám trụ nhưng cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống và luôn mang tâm trạng rất nặng nề. Thời gian gần đây, tôi đã tìm hiểu về Phật pháp. Tôi biết mình đã tạo nghiệp gì đó trong quá khứ nên tôi cũng bắt đầu niệm Phật, sám hối. Nhưng mỗi lần niệm Phật tôi lại khởi tâm kiêu ngạo với ý nghĩ là mình biết niệm Phật hơn người khác. Tôi biết ý nghĩ đó là sai, dù không muốn như vậy nhưng nó cứ khởi lên, sau đó tôi liền sám hối. Tôi muốn xin bảo lưu việc học một thời gian để lên chùa tu học và làm công quả cho tâm được thanh tịnh. Xin quý Báo chỉ giùm tôi phải làm gì để hòa nhập hơn với mọi người.

(HOÀNG TRUNG, mrtran1703@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Hoàng Trung thân mến!

Bạn đang có một số trở ngại về tâm lý, nhưng nếu cố gắng tu học và quán sát sâu sắc chính bản thân mình thì bạn sẽ chuyển hóa những vướng mắc ấy. Trước tiên, nhờ tìm hiểu Phật pháp, bạn đã nhận ra “mình đã tạo nghiệp gì đó trong quá khứ” nên mới có những trở ngại hôm nay.

Quả đúng như vậy! Những người hiện tại mang nhiều tự ti mặc cảm có nghiệp duyên trong quá khứ là hay khinh thường, cống cao, ngã mạn. Không chỉ trong những đời trước mà hiện tại tâm bạn vẫn còn chất chứa ngã mạn, dù chúng tiềm ẩn sâu kín bên trong. Bằng chứng rõ ràng nhất là khi niệm Phật mà bạn vẫn còn “khởi tâm kiêu ngạo với ý nghĩ là mình biết niệm Phật hơn người khác”. Những nghiệp nhân này đã góp phần tạo nên cách biệt, khiến bạn khó hòa nhập với mọi người. Cho nên, bạn cần phát tâm sám hối bằng cách tự mình luôn phản tỉnh để nhận ra tâm bất thiện rồi hổ thẹn, ăn năn, chừa bỏ.

Quan trọng nhất là nỗ lực lễ bái hồng danh Phật, cụ thể là theo nghi thức Hồng danh sám hối, xưng danh hiệu rồi lễ bái chư Phật. Nhờ oai lực của chư Phật và công đức lễ bái chí thành mà nghiệp kiêu ngạo trong quá khứ được hóa giải. Mặt khác, bạn đã biết phát tâm niệm Phật thì nên cố gắng duy trì, niệm càng nhiều càng tốt. Nhờ tâm có chánh niệm tỉnh giác và bình an với danh hiệu Phật nên dễ dàng phát huy tuệ giác để nhìn thật sâu sắc vào bản thân mình nhằm chuyển hóa những tâm lý tự ti, mặc cảm.

Bạn hãy quán sát tự thân để thấy thật rõ những ưu điểm và khuyết điểm của chính mình. Nếu cần thì hãy liệt kê chúng ra trên giấy, ưu điểm thì phát huy, khuyết điểm thì cố gắng khắc phục. Làm người thì ai cũng có ưu và khuyết điểm. Người xưa nói “nhân vô thập toàn” nghĩa là không có ai hoàn hảo cả. Thấy như vậy rồi thì không bao giờ lấy ưu khuyết điểm của người khác rồi so với bản thân mình. Mỗi người đều có sở trường và sở đoản riêng nên ta luôn bình đẳng với mọi người, không vì bất cứ lý do gì mà rụt rè, tự hạ thấp mình, xa lánh mọi người.

Hãy tự hào vì bạn là chính bạn. Mỗi người đều có phong cách riêng, không cần phải giống hoặc lẫn với ai cả. Trong quá trình giao tiếp với bạn bè xung quanh, bạn cứ trải lòng, sống hồn nhiên và chân thật. Theo lẽ tự nhiên, nồi nào cũng có vung hết, nên đừng đóng cửa trái tim mình mà hãy mở lòng ra với mọi người. Với bạn mới, những gì bạn có mà đồng điệu với mình thì sẻ chia, những gì bạn khác điệu với mình thì tôn trọng. Hãy để tình cảm bạn bè phát triển một cách tự nhiên vì những tâm hồn và tính cách đồng điệu sẽ tự tìm đến với nhau. Bạn hãy tiếp xúc và ứng xử trên cơ sở này thì mọi thứ tình cảm tốt đẹp sẽ nảy sinh mà không cần cố gắng hay gượng ép nào cả.

Thiết nghĩ, bạn đã biết nương tựa Phật pháp và tìm ra mấu chốt căn bản của những trở ngại. Vấn đề là phải kiên trì vận dụng pháp sám hối để hóa giải nghiệp lực, nỗ lực niệm Phật và quán chiếu thân tâm một cách sâu sắc để thấy rõ những tương quan giữa mình và người trong cuộc sống. Chính tuệ giác ấy sẽ giúp bạn chuyển hóa những mặc cảm, kết nối yêu thương, sống và ứng xử cởi mở, vui vẻ, hòa nhập với mọi người.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày