Chuyển hóa "mũi dao nhọn" trong mỗi người

GNO - Một câu chuyện đau lòng vừa xảy ra tại chùa Bửu Quang (Q.Thủ Đức, TP.HCM) làm thiệt mạng một người và ba người khác bị thương. Hung thủ đã dùng dao chém loạn xạ trong chùa. 

Nguyên nhân vẫn được tiếp tục làm rõ nhưng theo nhiều nguồn tin khẳng định, hung thủ có thể bị bệnh lý tâm thần. Việc dùng dao chém người là hành vi man rợ, càng khó chấp nhận và đau lòng hơn khi vụ việc xảy ra ở chốn chùa chiền.

hoc Phat.jpg


Học Phật là học xử lý khổ đau, chuyển hóa nội tâm - Ảnh minh họa từ langmai.org

Nghĩ về những vụ án mạng mà kẻ cầm dao sát hại người khác một cách thiếu tình người tôi nghĩ tới những “con dao” được giấu trong tâm họ. Theo đó, trong kinh Duy Lâu Lạc Vương[1] có bài kệ thứ 4 như sau:

Mạc tác phược cầu minh khổ

Ngã tất quán ý bất lạc

Bỉ trí khổ thống kiến thứ

Dĩ chí kiến nan khả nhẫn

Đại ý là: “Tự trói buộc mình bằng những tri giác sai lầm ấy chỉ đem lại thêm cho mình nhiều tối tăm và thống khổ . Tôi đã nhìn sâu vào trong tâm ý của những người không có hạnh phúc và tôi đã thấy một mũi dao nhọn được che giấu dưới những niềm thống khổ của họ. Vì chính họ không thấy mũi dao nhọn ấy trong tâm cho nên họ khó có khả năng chịu đựng được niềm đau”.[2]

Thi kệ thể hiện sự nhìn sâu vào người gây ra án mạng - ắt hẳn phải có niềm đau và nỗi thống khổ nào đó, nó như một mũi dao nhọn được cất giấu kỹ càng trong tâm. Chính sự sân hận dồn nén lâu ngày như một viên đá mài sắc con dao ấy hơn. Rồi một ngày vượt quá giới hạn chịu đựng thì con dao ấy bật ra sát thương những người mà họ cho là “cây gai nhọn”. Có thể bản thân người đó cũng không biết rằng trong tâm mình có một con dao làm họ đau đớn, nhức nhối ngày đêm. Và chính vì không tự nhận thấy trong mình có con dao nên vô hình trung họ tự làm bản thân mình khổ và nhiều người khác cùng khổ theo.

Câu chuyện này hoàn toàn không mới, nó đã từng xảy ra hồi 25 thế kỷ trước và bây giờ nó chỉ lặp lại trong một bối cảnh khác, thời điểm khác nhưng mũi dao nhọn vẫn không thay đổi, nó vẫn được nuôi dưỡng bởi lòng thù hận ngấm ngầm. Thuở xưa Duy Lâu Lặc Vương là con trai của vua Ba Tư Nặc và một tỳ nữ. Khi Duy Lâu Lặc Vương mới tám tuổi thì bộ tộc Thích Ca có những hành xử không tốt với ông nên đã nuôi lấy thù hận. Duy Lâu Lặc Vương cũng mang trong mình một mũi dao nhọn và theo năm tháng sự sân hận mài giũa lưỡi dao ấy bén hơn, nhọn hơn và chỉ chực chờ ngày được phóng ra.

Lúc Duy Lâu Lặc Vương lên ngôi vua thì năm lần bảy lượt đem quân truy cùng giết tận cả dòng họ Thích mặc cho sự khuyên ngăn của Đức Phật. Cuối cùng dòng họ Thích Ca cũng bị xóa sổ dưới mũi dao nhọn và sự thỏa mãn của Duy Lâu Lặc Vương.

Sự giận dữ đã bám rễ chúng ta từ khi còn trong bụng mẹ. Mẹ vô tình ăn uống phải những thức ăn không hợp với bào thai thì y như rằng chúng nó quậy tung trong bụng mẹ. Rồi đến lúc đầy đủ hình hài, bụng mẹ trở nên chật chội thì cũng vùng vẫy mà đòi ra.

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều người, mỗi mỗi người đều có tâm ý sai khác nhau, chẳng ai giống ai hoàn toàn. Một hành động của chúng ta đối với người này là bình thường như đối với một người khác có thể là một sự xúc phạm. Một câu nói đùa cho vui nhưng đôi khi nó chính là nguyên nhân dẫn tới sự xung đột hay tệ hại hơn là án mạng.

Chính chúng ta là những người đã góp phần tưới tẩm vào hạt giống sân hận của đối phương và cũng chính chúng ta vô tình hay cố ý góp phần mài sắc con dao trong tim họ. Để một ngày không xa chính con dao ấy làm tổn hại đến chúng ta.

Vậy thì làm sao để trút bỏ được con dao nhọn ấy? Phật dạy:

Tùng thứ thống kiến bất di

Hoài thứ tẩu tất biến thế

Tôn thích kiến bạt thống thứ

Khổ bất niệm bất phục tẩu[3]

Đại ý là: “Niềm đau gây ra do mũi dao nhọn ấy kéo dài, không thay đổi, và cứ tiếp tục ôm lấy mũi dao nhọn ấy mà đi cho nên họ làm cho niềm đau trong họ tràn ngập thế giới. Chỉ khi nào có cơ hội nhận diện được nó và lấy nó ra khỏi trái tim mình thì khổ đau mới không còn và mình mới có cơ hội dừng lại[4].

Lúc này tinh thần Từ diệu đế phải được phát huy trong việc nhận diện lấy khổ đau, nhận diện lấy mũi dao nhọn đang tiềm ẩn trong tim ta thì mới có cơ hội tháo gỡ nó ra khỏi thâm tâm. Ta nuôi lớn mũi dao nhọn ấy bằng sự sân hận thì giờ đây ta tháo gỡ nó bằng tuệ giác và tình yêu thương. Phải thực tập Tứ vô lượng tâm (từ-bi-hỷ-xả). Trong đó, xả là quan trọng, ta phải nhận diện thấy mũi dao nhọn được nuôi lớn từ sự sân hận và ta phải thấy được một ngày nào đó mũi dao ấy có thể gây hại cho mọi người và chính bản thân ta. Thấy được như vậy mới có thể tháo gỡ những mắc xích sân hận ra khỏi tâm mình mà thảnh thơi sống.

Có thể trong mắt ta người kia là cây gai nhọn nhưng bản thân cây gai nhọn cũng đang là một thứ nguy hiểm cho mọi người cho nên ta cần thực tập để tình thương phát sinh từ sự thấu hiểu lẫn nhau nhằm xóa bỏ hận thù và để “mũi dao nhọn” gọt giũa, vun xới cho “cây gai nhọn” thành đóa hoa tỏa ngát mùi hương.

Mỗi chúng ta cũng phải cân nhắc trước mỗi cử chỉ, hành động, lời nói trong các mối quan hệ giao tiếp hằng ngày để tránh vô tình hay cố ý làm tổn thương ai đó. Không để cho một mũi dao nhọn nào hình thành trong tim người kia. Việc làm này không chỉ bảo vệ cho chính bản thân ta mà còn góp phần bảo hộ cho người kia và mọi người xung quanh.

Chỉ có thể hiểu và thương nhau mới làm được như vậy.

Tấn Khang



[1] Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ 16, Đại Tạng Tân Tu 198; tương đương với Attadanda Sutta, Sutta-Nipàta 935-954

[2] Trích trong quyển Đạo Bụt nguyên chất, Thích Nhất Hạnh, trang 345, NXB Phương Đông, năm 2015

[3] Bài kệ thứ 5 trong kinh Duy Lâu Lặc Vương

[4] Trích trong quyển Đạo Bụt nguyên chất, Thích Nhất Hạnh, trang 346 và 347, NXB Phương Đông, năm 2015

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày