Chuyển hóa tham đắm lợi dưỡng

Người tu cần thường xuyên vận dụng pháp quán tâm và tinh tấn làm liệu pháp hay cho bệnh tham đắm lợi dưỡng
Người tu cần thường xuyên vận dụng pháp quán tâm và tinh tấn làm liệu pháp hay cho bệnh tham đắm lợi dưỡng

GN - Tâm nguyện ban sơ của người hảo tâm xuất gia là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Sau khi tu học một thời gian, nhờ Tam bảo gia hộ, nhờ phước đức tăng trưởng nên người tu nhận được sự cung kính và cúng dường của bá tánh. Đó cũng là lẽ thường trong nhà đạo, cả người thí lẫn người nhận thanh tịnh thì đều được phước.

Danh lợi và cung kính cố nhiên là một phước duyên nhưng sẽ lại là chướng ngại nếu vướng mắc, không biết vượt qua. Đường tu đôi khi cũng giống như người xuôi theo một dòng sông, dễ dàng vượt qua những ghềnh thác dữ dội ở thượng nguồn mà đôi khi lại chủ quan để bị chôn vùi trong mênh mông êm đềm chốn hạ lưu. Nên quan trọng là giữ vững cái sơ tâm của mình, tỉnh giác trước lợi dưỡng và cung kính vì lộ trình giải thoát vẫn còn xa.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nhận lợi dưỡng của người thật là chẳng phải dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi. Vì sao như thế? Nếu Tỳ-kheo Lợi-sư-la kia chẳng tham lợi dưỡng thì chẳng làm việc sát sanh vô lượng như thế, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Nhận lợi dưỡng người nhiều, 

Hoại hạnh thanh bạch người, 

Thế nên chế ngự tâm, 

Chớ tham đắm mùi vị. 

Lợi-sư được định rồi 

Cho đến trời Đế Thích 

Thần thông bị tổn giảm, 

Đọa vào ngục chém giết.

Các Tỳ-kheo hãy dùng phương tiện này liền biết nhận lợi dưỡng của người thật chẳng phải dễ. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này: ‘Chưa sanh tâm lợi dưỡng phải chế ngự khiến chẳng sanh, đã sanh tâm này hãy cầu phương tiện khiến cho tiêu diệt’. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo, 
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.150)

Lời dạy của Thế Tôn thật rõ ràng “Nhận lợi dưỡng của người thật là chẳng phải dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi”. Nên chỉ xem lợi dưỡng là phương tiện sống và hành đạo mà thôi, quyết không dính mắc và không bị nó nhận chìm. Nhận chân và thực hành được lời dạy này của Phật thì may ra đời tu mới nhẹ nhàng, thanh thản, chỗ vô vi mới có thể dự phần. Còn nếu dính mắc quá nhiều vào lợi dưỡng và cung kính thì dù có là ai và địa vị nào đi nữa cũng chỉ dừng ở hữu `vi mà thôi.

Thuở xa xưa, lúc đời sống Tăng đoàn chỉ ba y và một bát, ngày du hành khất thực, đêm ngủ dưới gốc cây mà Thế Tôn đã thống thiết răn nhắc hàng đệ tử xuất gia tỉnh giác trước lợi dưỡng. Bởi thiếu lợi dưỡng thì chết mà thừa lợi dưỡng thì xa với đạo, thậm chí tham đắm quá mức thì có thể dẫn đến hại đạo. Ngày nay, nhiều người than phiền thiếu kinh phí để làm đạo. Nhưng thiết nghĩ, kinh phí thì cũng cần nhưng để làm đạo trước phải có đạo tâm, đạo lực và đạo hạnh thì việc đạo mới dễ thành.

Nên người tu cần thường xuyên vận dụng pháp quán tâm và tinh tấn làm liệu pháp hay cho bệnh tham đắm lợi dưỡng. Quán tâm để thấy rõ chính mình: “Chưa sanh tâm lợi dưỡng phải chế ngự khiến chẳng sanh, đã sanh tâm này hãy cầu phương tiện khiến cho tiêu diệt”. Tinh tấn là bền bỉ “chế ngự” và siêng năng “tiêu diệt” tâm tham đắm lợi dưỡng. Sự tu học chung quy vẫn là nguyện chiến thắng mình, vượt qua chính mình, nhất là chuyển hóa tham đắm lợi dưỡng để thăng hoa tiến đạo. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày