Chuyện năm Dần: Bà Mụ Cọp

Ở Nam Bộ, những người làm nghề đỡ đẻ được gọi là mụ. Xã Bình Hàng Tây vùng Đồng Tháp Mười có bà mụ giỏi nghề, lại nhân từ, một tay bà sanh giúp không biết bao nhiêu người nơi vùng đất còn hoang vu này.


Một hôm đã lên giường, nghe tiếng đập cửa rầm rầm, bà mụ lên tiếng hỏi. Không thấy trả lời, chỉ nghe rên rỉ. Cho là có người chuyển dạ, đau tới không nói được nữa, bà mụ vội mở cửa ra.

Ngoài sân không ai hết, chỉ có một con cọp, lớn gần bằng con trâu mộng, nằm phủ phục, nhìn bà bằng đôi mắt phản chiếu ánh đèn dầu, sáng quắc. Bà mụ sợ quá, xỉu liền. Khi tỉnh lại, bà thấy mình nằm bên một con cọp cái có chửa, đang vật vã đòi sanh. Cạnh đó, cọp đực vừa tới rước bà đi, nằm hiền lành như một con chó nhà. Chung quanh rừng rậm lọc ánh trăng mờ tỏ.

Chuyện năm Dần: Bà Mụ Cọp ảnh 1


Máu nghề nghiệp làm bà mụ hết sợ, bắt tay ngay vào việc giúp con cọp mẹ sinh ra một bầy cọp, năm con, nhỏ như mèo. Sau khi nhà cọp đã mẹ tròn con vuông rồi, hết việc chôn nhau cắt rún, lại thấy bên mình toàn cọp là cọp, bà mụ khiếp sợ, xỉu lần nữa!

Lần này tỉnh lại, bà mụ thấy mình đang nằm bên cửa nhà, bà con lối xóm xúm lại, người cạo gió, người đổ thuốc, người đốt sưởi... Thấy toàn người quen thân bà mụ mới lần lần kể lại chuyện xảy ra. Lúc đầu không ai tin, nhưng khi nhìn thấy mờ mờ trên cườm tay bà những vết răng, vết vuốt, thì ai nấy tròn mắt, vừa mừng, vừa sợ thay cho bà.

Đúng lúc ấy, một con vật lớn như rơi từ trên trời xuống. Mọi người hốt hoảng ù té chạy, tưởng lại có cọp rừng chuyển dạ đẻ.

Nhưng con vật kia nằm bất động. Thấy vậy, mọi người hoàn hồn, trở lại coi, thì ra đó là một con heo rừng đã bị vật chết, trên mặt còn chi chít những dấu cọp vồ. Chắc là con heo lễ, vợ chồng cọp tạ ơn bà mụ ân nhân. Mọi người xả thịt heo ăn mừng. Bà mụ có tên mụ Cọp từ đấy.

Đó là chuyện ngày xửa ngày xưa rồi, nhưng cho tới hôm nay, về Bình Hàng Tây người ta vẫn được gặp cháu, chắt, gọi bà mụ Cọp là cố, là sơ gì đó. Cháu chắt bà mụ cọp đã có người theo nghề tổ tiên, học tới bác sĩ thú y, phòng hờ một đêm nào đó cọp lại gõ cửa thì đỡ phần lung túng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người tu gây tranh đấu, tạo bất hòa là vô trí

GNO - Trong các pháp thoại hay giao tiếp hàng ngày, Thế Tôn thường nói lời ái ngữ, phạm âm. Tuy nhiên, một vài trường hợp Ngài nghiêm khắc răn dạy, quở trách nặng nề: “Các ông là người ngu, si mê, vô trí”.
Nghệ nhân Trương Văn Thương, sinh năm 1964 có trên 30 năm theo nghề làm lư đồng truyền thống An Hội. Với anh, nghề làm lư đồng như là chuyên nghiệp, gắn bó với cuộc sống mưu sinh và là nghề anh tâm huyết - Ảnh Trần Thế Phong/BGN

[Ảnh] Làng nghề làm lư đồng trăm tuổi tại TP.HCM

GNO - Khó có thể diễn tả được sự vất vả của các nghệ nhân các thế hệ đã bền gan nếm trải sự nhọc nhằn để gọt giũa, chạm khắc nên những chiếc lư đồng - vật phẩm thiêng liêng như cầu nối quá khứ và hiện tại, giữa những người đã khuất cùng với những người còn hiện hữu.

Thông tin hàng ngày